Thứ 7, 23/11/2024, 08:28[GMT+7]

Chiếu nẩy chỉ còn trong ký ức

Thứ 2, 04/06/2018 | 09:21:22
5,178 lượt xem
Công nghiệp hóa cũng lan vào nghề dệt chiếu với những chiếc máy dệt chiếu hiện đại và xuất hiện những loại chiếu nhựa, chiếu trúc, vì thế, phân khúc thị trường chiếu cói cũng bị thu hẹp.

Điều nuối tiếc là một nghề truyền thống hàng nghìn năm tuổi đang dần bị lãng quên, nhất là nghệ thuật nẩy chiếu gần như còn rất ít người nhớ đến.

Chuyện của bà, của mẹ

Ngày tôi còn bé được nghe bà kể lại: Khoảng thế kỷ thứ XV, ở bến đò Hải Hồ có một góa phụ nuôi một người con trai khoảng 5, 6 tuổi. Hai mẹ con sống nhờ căn lều bán nước cho khách bộ hành lên xuống đò. Một hôm cậu bé lên boong một chiếc tàu chơi rồi ngủ quên trên đó, chiếc tàu nhổ neo chạy vào hướng Thanh Hóa, chủ tàu thấy cậu bé khôi ngô tuấn tú nên nhận làm con nuôi, sau đấy mời thầy về dạy học cùng với con trai mình. Quả nhiên, tuy cùng học chung nhưng cậu con nuôi học giỏi hơn người, thông minh hơn cả người con ruột, lớn lên thi đỗ cả 3 kỳ thi hương, thi hội, thi đình năm Tân Sửu vua Lê Thánh Tông phong đỗ Trạng nguyên, cậu bé ấy chính là Phạm Đôn Lễ. Khi thành quan triều đình, cha nuôi mới kể cho con trai nghe về lai lịch. Lúc ấy ông mới tìm về bến đò xưa, ghé vào túp lều nơi cụ già bán nước xin nằm nghỉ nhờ trên chiếc trõng tre và cố ý bắc chân chữ ngũ để lộ nốt ruồi son to bằng đầu đũa ở lòng bàn chân trái. Thần giao cách cảm, hai mẹ con đã nhận ra nhau...

Mẹ tôi cũng kể rằng, nghề dệt chiếu của làng Hải Hồ có từ rất lâu đời, tương truyền từ thời tiền Lê, nhưng đan đứng, sợi đay trùng. Đến thời hậu Lê, sau lần đi sứ Trung Quốc, Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ đã học những kỹ năng dệt chiếu đẹp về truyền dạy cho người dân làng Hải Hồ (nay là làng Hới, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà) và quê hương cha nuôi Nga Sơn (Thanh Hóa). Với những cải cách đưa khung dệt nằm ngang, dùng ngựa bằng tre nâng sợi đay cho phẳng và dùng nêm để căng dần sợi đay, đôi chiếu đã trở nên phẳng đẹp như ngày nay. Khi cụ mất ở Hải Dương, người làng Hới đã rước vong hồn cụ về và xây đền thờ, gọi là đền Quan trạng. Hàng năm, lễ hội truyền thống nghề dệt chiếu và tôn vinh ông tổ nghề dệt chiếu được người dân Tân Lễ tổ chức vào ngày 6 tháng Giêng tại đền Quan trạng...

Ký ức làng nghề

Bước vào thời kỳ đổi mới, người dân làng Hới nếu không đi ngành nghề thì những thanh niên tuổi 17, 18 cho đến trung niên, trong đó có cả không ít những người phụ nữ vẫn ngày ngày trên chiếc xe đạp thồ không chuông, không phanh, không gác-đờ-bu rong ruổi khắp mọi nẻo đường miền Bắc để bán chiếu. Còn cánh chúng tôi, mấy tay “sĩ tử” cũng thế, từ tháng ngày nghỉ hè của những năm học cấp III đã đạp xe với dăm đôi chiếu đi theo những người làng, đây đó khắp nơi như một cái nghiệp của người làng Hới. Cứ như thế, người khỏe đi buôn chiếu, phụ nữ, người già, trẻ nhỏ ở nhà dệt chiếu... Nhờ có nghề dệt chiếu nên người dân quê tôi khấm khá hơn nhiều vùng quê khác.

Trước đây quê tôi có những phiên chợ đặc biệt, cũng từ nghề chiếu mà ra, còn có từ bao giờ tôi cũng không biết nữa, chỉ biết rằng đó là những phiên chợ có một không hai. Phiên chợ bắt đầu từ nửa đêm và kết thúc trước khi mặt trời mọc. Trước đây chợ được họp ở huyện, thuộc thị trấn Hưng Nhân, sau này người dân quê tôi kéo về gần hơn với làng thành hai đợt, đợt đầu chợ được kéo về đến cầu Đen, điểm cách làng không xa nữa, sau đấy phiên chợ một lần nữa được kéo về trước cửa đền Quan Trạng. Trong suốt phiên chợ, người mua chiếu phải dùng đèn pin để kiểm tra chiếu đẹp hay xấu để đi đến quyết định mặc cả với người bán. Trong mỗi phiên chợ như vậy đã có hàng nghìn đôi chiếu xấu đẹp, dài ngắn khác nhau được giao dịch và cho đến khi trời sáng cũng là lúc chợ phiên kết thúc... Tiếc rằng bây giờ phiên chợ ấy không còn nữa và nghề dệt chiếu thủ công thì đang bị máy móc thay thế.

Chiếu nẩy - đỉnh cao một thời

Nếu như không phải nguời làng Hới thì ít ai hiểu và biết được chiếu nẩy là gì. Ngày tháng thoi đưa, bằng sự sáng tạo không ngừng, người làng Hới đã làm ra những đôi chiếu nẩy đạt đến mức đỉnh cao của nghệ thuật. Khác với những đôi chiếu thông thường là dệt cói trắng, in các loại mẫu mã hoa văn với nhiều loại phẩm màu khác nhau, sau đó hấp cách thủy, đôi chiếu đẹp tươi với những màu đỏ, màu vàng, màu xanh theo từng mẫu hoa văn, đồng thời do được hấp cách thủy nên giữ được màu bền đẹp rất lâu, có khi đến cả trên 10 năm. Nhưng đó mới chỉ là loại chiếu thông thường mà mọi người biết đến. Còn đối với chiếu nẩy, phải dùng cói An Bài (Quỳnh Phụ) chứ không thể dùng cói Thanh Hóa hay cói miền Nam. Người đặt chiếu muốn hoa văn thế nào, muốn chữ gì, màu gì thì người thợ dệt chiếu nẩy sẽ phải cho nẩy nổi lên những hoa văn hay dòng chữ ấy một cách rất mềm mại, uyển chuyển và đẹp mắt. Đó thực sự là những nghệ nhân đích thực mà không phải ai trong làng cũng làm được.

Nhắc đến đây, tôi lại nhớ đến chuyện cụ Nguyễn Ngọc Điếm, một nghệ nhân của Tân Lễ đã nẩy đôi chiếu với dòng chữ “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh” để tặng Bác Hồ. Nghe nói sau đó nhiều đôi chiếu nẩy đã được dùng làm quà tặng ngoại giao. Năm 1987, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tặng cụ giấy chứng nhận bàn tay vàng; năm 1999, chương trình nghệ thuật Đông Dương, Hội Mỹ thuật Việt Nam tặng cụ giải thưởng bàn tay vàng. Đó là những giải thưởng cao quý không dễ gì cả đời người thợ có thể đạt được.

Nghệ thuật nẩy chiếu được cụ truyền cho con trai là Nguyễn Ngọc Ngà, cháu nội là Nguyễn Ngọc Tâm, hiện đang sống ở thành phố Thái Bình. Nhưng hình như nhiều năm nay anh cũng không còn nẩy chiếu nữa.

Nếu một đôi chiếu đậu (hàng đặt) dùng cẩn thận có thể 10 năm chưa hỏng thì một đôi chiếu nẩy có thể lên đến trên 15 năm. Tuy nhiên, để nẩy được một đôi chiếu không chỉ mất cả tuần với hai lao động mà còn đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, khéo léo.

Bây giờ, người dân quê tôi không còn phải bắt buộc gắn bó sống còn với nghề dệt chiếu và bán chiếu nhưng đôi khi vẫn thèm nghe tiếng “cách - phập - cách - phập...”. Đó là nhịp sống quen thuộc đời thường mà mỗi đứa trẻ quê tôi từ khi lọt lòng mẹ đã được nghe. Rồi lại nhớ về cảm giác rong ruổi trên chiếc xe đạp thồ với những tiếng rao như mời gọi: “Ai mua chiếu đi”.

Công nghiệp hóa cũng lan vào nghề dệt chiếu với những chiếc máy dệt chiếu hiện đại và xuất hiện những loại chiếu nhựa, chiếu trúc, vì thế, phân khúc thị trường chiếu cói cũng bị thu hẹp. Điều nuối tiếc là một nghề truyền thống hàng nghìn năm tuổi đang dần bị lãng quên, nhất là nghệ thuật nẩy chiếu gần như còn rất ít người nhớ đến. Giá như có một tổ chức đại diện của người nẩy chiếu đứng ra khôi phục nghề này và có những giải pháp marketing phù hợp thì chiếu nẩy sẽ có chỗ đứng trên thị trường và một nghệ thuật đỉnh cao sẽ không bị rơi vào quên lãng.

Hà Công Xã - Phạm Quốc Bảo

Cộng hòa Séc

  • Từ khóa