Thứ 2, 06/01/2025, 15:31[GMT+7]

Kỷ vật của bà Tuẫn

Thứ 3, 12/06/2018 | 08:28:59
2,657 lượt xem
Chiếc hòm kỷ vật của bà Nguyễn Thị Tuẫn ở thôn Tiên La, xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà là vợ anh hùng liệt sĩ Trần Ngọc Chung có thêm kỷ vật của chồng, kỷ vật của mất mát đau thương và rất đỗi tự hào.

Bà Tuẫn cùng hai con gái xem lại các kỷ vật của chồng, cha mình.

Mỗi lần mở hòm kỷ vật là nước mắt lại rơi

Bà Tuẫn bước về phía đầu giường bê chiếc hòm gỗ cũ lại bàn nước, khóe mắt bà một dòng lệ đang rơi, bà chậm rãi: Đây là tài sản ông Chung để lại cho vợ và hai con. Hòm này mỗi năm tôi chỉ mở ra vài ba lần, ngày ông Chung hy sinh 12/2, ngày 27/7 và lúc sắp đón giao thừa. Hôm nay, ưu tiên mở hòm để chú xem. Mỗi lần mở hòm là một lần nước mắt lại rơi chú ạ. 

Mở chiếc hòm kỷ vật của anh hùng liệt sĩ Trần Ngọc Chung, một bộ quần áo sĩ quan cao cấp màu xám, bằng khen, huân chương, huy chương, bằng dũng sĩ diệt Mỹ và những phong thư thời chiến ông gửi về cho vợ và con; ông giữ cả những phong thư của vợ, của con gái gửi động viên khi ông đang cùng đồng đội chiến đấu ngoài chiến trường. Tất cả thứ đó trở thành kỷ vật của ông được đồng đội mang về cùng với tin dữ đồng chí Trần Ngọc Chung đã hy sinh tại chiến trường K ngày 12/2/1979. 

Lần trong chiếc hòm gỗ, tôi lấy ra những phong thư giấy đã cũ, nét mực đã mờ.

“Đoan Hùng ngày mồng 8 tháng 9 năm 1971.

Anh thương nhớ!

Hôm nay, em tranh thủ thời gian lao động, em biên thư tới thăm sức khỏe của anh đây... Em biên thư thăm anh vào giữa lúc quê hương hoàn thành nhiệm vụ, vừa thu hoạch xong một vụ xuân đại thắng lợi và hoàn thành hết diện tích cấy mùa chăm bón kịp thời vụ, tiếp đó là thu hoạch một vụ đay nhanh gọn đảm bảo phẩm chất cân nhập cho nhà nước kịp thời. Đấy anh xem quê hương không phải là chỉ có ba mục tiêu chính như vậy mà còn biết bao nhiêu những công việc phức tạp khác nữa, như chống bão lụt, lên đê hàng ngày, rồi lại đến công tác của ngành, khi thì việc nhà, con cái ốm yếu, thế mà vẫn phải hoàn thành trách nhiệm trước thời hạn đấy anh ạ...”. 

Thư chỉ có thế và cuối thư là mấy dòng tái bút bà Tuẫn nhắn chồng: “Nếu nhận được thư em, bất biết điều kiện nào anh cũng gửi thư cho em ngay, rất mong thư anh. Cho em gửi lời thăm sức khỏe các anh trong đơn vị”.

Bà Tuẫn mỉm cười, chú đọc thư thời chiến của tôi viết có buồn cười không, là giáo viên viết thư cho chồng mà như báo cáo công tác sản xuất của địa phương, bây giờ mỗi lần đọc lại tôi vẫn bật cười một mình đấy. Ngày ông Chung đi chiến đấu ở chiến trường ở nhà tôi phải chăm lo quán xuyến việc gia đình, chăm lo bố mẹ, nuôi hai con lại lo công việc ở trường ở lớp, lúc ấy tinh thần cách mạng cao lắm dù không nói ra nhưng vợ chồng đều hăng say phấn đấu, chồng ở chiến trường thì lập công, vợ ở nhà thì “ba đảm đang” phong trào cứ cuốn hút quên hết vất vả, cứ hoàn thành nhiệm vụ viết thư kể cho chồng nghe là yên lòng, lúc ấy mà viết thư kêu ca, vất vả, khó khăn thì chồng làm sao mà yên tâm chiến đấu, làm sao hoàn thành nhiệm vụ. 

Bà Tuẫn lấy từ đáy hòm ra bộ quần áo sĩ quan kèm theo một lá thư và bảo ông Chung cẩn thận lắm, mấy thứ này gửi về còn tái bút dặn vợ tỉ mỉ: “Anh thương em và các con vô cùng, nhưng vì nhiệm vụ Đảng và quân đội giao anh phải gắng công hoàn thành, mai mốt hoàn thành nhiệm vụ với Tổ quốc với nhân dân anh sẽ về, dịp này anh có quà gửi em và các con đây”. 

Quà ông Chung gửi về được ghi kỹ trong phần tái bút của bức thư gồm: lốp xe đạp mới nhãn hiệu Trung Quốc, một săm sao vàng, một quần dài, hai áo bốn túi, một quyển ảnh và một áo đông xuân. Ông Chung dặn vợ: “Mình nhớ gói cẩn thận và cho băng phiến vào không chuột nó cắn nhé”. 

Bà Tuẫn bày hết các kỷ vật của chồng lên bàn rồi nói thêm: “Ông Chung cách mạng triệt để lắm, đang ở mặt trận cũng tranh thủ viết mấy dòng gửi về động viên vợ con. Bà Tuẫn chọn tìm một bức thư ông gửi trước ngày 20/11/1978: “Em và hai con yêu thương... Mẹ con em ở nhà cứ nuôi và chuẩn bị một con lợn thật to. Tết này anh về ăn tết cùng em và các con”. Đó là lá thư cuối cùng ông Chung viết vội từ chiến trường K gửi vợ và các con, cuộc chiến  đấu giúp cách mạng và nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng của Pôn Pốt đang ở vào những ngày ác liệt.

40 năm sau bức thư cuối cùng của chồng

Bức thư của ông Trần Ngọc Chung gửi bà Tuẫn và các con trước ngày 20/11/1978 là bức thư cuối cùng trong cuộc đời quân ngũ. Trên chiến trường với cương vị Phó Sư đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Sư đoàn 320, ông đã cùng lãnh đạo Sư đoàn chỉ huy đơn vị chiến đấu và lập nhiều chiến công. 

Ngày 12/2/1979, trên đường đi kiểm tra sẵn sàng chiến đấu ở Trung đoàn 48, Sư đoàn 320, xe của Thượng tá Trần Ngọc Chung đã bị trúng đạn phục kích của tàn quân Pôn Pốt, ông đã hy sinh ở tuổi 49. 

39 năm sau, ngày 26/4/2018 tại Quyết định số 622/QĐ-CTN, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Thượng tá Trần Ngọc Chung, nguyên Phó Sư đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Sư đoàn 320, Quân đoàn 3. 

Chiếc hòm kỷ vật của bà Nguyễn Thị Tuẫn ở thôn Tiên La, xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà là vợ anh hùng liệt sĩ Trần Ngọc Chung có thêm kỷ vật của chồng, kỷ vật của mất mát đau thương và rất đỗi tự hào. Không chỉ với riêng bà Tuẫn với hai người con gái thân yêu của liệt sĩ mà còn là tự hào của quê hương Đoan Hùng, huyện Hưng Hà giàu truyền thống cách mạng.

Nguyễn Công Liêm
(Thành phố Thái Bình)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày