Thứ 6, 03/05/2024, 10:06[GMT+7]

Làm giầu ở tuổi thất thập cổ lai hy

Thứ 6, 07/10/2011 | 11:24:32
2,594 lượt xem
Với thu nhập trên 200 triệu đồng/1năm từ nghề làm sinh vật cảnh, ông Phạm Xuân Miễn ở thôn Bách Tính xã Bách Thuận trở thành điển hình người cao tuổi làm kinh tế giỏi ở huyện Vũ Thư.

Sau cơn mưa chuyển mùa giữa Thu, trời như trong xanh và cao hơn. Những ánh nắng ban mai chiếu sáng lên mái ngói rêu phong của ngôi nhà cổ có tuổi đời trên trăm năm được bao bọc bởi vườn cây hoa cảnh. Ở tuổi 78 nhưng xem ra ông Miễn còn khoẻ và rất minh mẫn. Bước qua bậc cửa, ông thư thả, thong nhàn ra tiếp đón chúng tôi với nụ cười đôn hậu và nhiệt tình. Sau mấy tuần trà, ông đưa mọi người ra vườn thăm cảnh.

 

Khi chúng tôi hỏi: Bách Thuận nổi tiếng bởi làng vườn với những thứ hoa trái như: táo, ổi, cam quýt, vì sao ông lại rẽ ngang chuyển sang làm cây cảnh? Ông khoát tay một vòng và giới thiệu: “Đây là khu vườn rộng gần 1mẫu được tôi quyết định qui hoạch trồng hoa, cây cảnh vì nó phù hợp với sức khoẻ của người cao tuổi và điều kiện vốn ít của gia đình.” Ông còn cho biết, cách đây gần 30 năm, khi mà tự tay ông chặt bỏ 250 gốc cam ngọt Thanh Hà sau một trận bão lụt, dù xót xa nhưng đó là việc tất yếu  phải làm vì vùng đất này thường xuyên ngập nước, cam cho quả ít và nhanh thoái hoá. Thế rồi ông lặn lội sang làng Vị Khê của tỉnh Namon> Định - một làng vườn có tiếng xưa nay cốt là để học và tìm cho mình một hướng đi mới.

 

Ban đầu, chỉ là mê cây cảnh vì nó đẹp nên về nhà ông làm dăm cây để chơi. Nhưng chẳng ngờ, có khách đến chơi và hỏi mua. Thấy được giá, ông bán. Và từ đó ông chuyên tâm vào nghề làm cây, hoa cảnh để bán. Nắm bắt được xu hướng của thị trường, ông đưa vào trồng các loại cây được ưa chuộng như: sanh, đa, lộc vừng, tùng la hán, phong lan… Từ những cây hoang dại vô hồn, qua óc tưởng tượng phong phú, con mắt nghệ thuật, đôi bàn tay tài hoa và mồ hôi nhọc nhằn lao động, ông đã biến nó thành những tác phẩm có giá trị về thẩm mỹ và kinh tế. Ông Phạm Hồng Quang một người dân làm nghề sinh vật cảnh ở thôn Bách Tính thừa nhận: “Ông Miễn đúng là có đôi bàn tay vàng. Đã có nhiều người đến thăm quan, học hỏi và khen cây của ông rất đẹp. Chính cái tiếng tăm ấy nên cây ông làm ra được nhiều khách tìm đến mua. Mỗi năm ông bán ra thị trường hàng trăm cây.”

 

Khi nói về thu nhập từ nghề làm cây cảnh, ông Miễn chẳng dấu diếm, khiếm tốn bộc bạch: “Thị trường cây cảnh, nhiều khi cũng thất thường. Mấy năm gần đây, cây cũng được giá, mỗi năm gia đình tôi có thu nhập từ 200 đến 300 triệu đồng.”

 

Để có được những cây giá trị hàng trăm triệu đồng là cả quá trình hơn 30 năm vừa học vừa làm, rút kinh nghiệm và tích luỹ được nhiều bài học quí. Với ông, điều cốt yếu nhất để thành công là cái Tâm trong sáng của người làm cây cảnh được truyền thổi vào mỗi tác phẩm qua bàn tay khéo léo uốn nắn, cắt tỉa. Mỗi cây là một đứa con tinh thần được gửi gắm sự chiêm nghiệm nhân tình thế thái và những ước vọng về nhân sinh. Tất cả tâm huyết ấy, chằng giữ lấy làm riêng, ông truyền dạy cho con cháu trong nhà và cả những người yêu cây cảnh khi đến với ông. Cũng nhờ đó mà nghề trồng cây cảnh đã trở thành phong trào làm kinh tế của người dân Bách Thuận, trong đó có những người cao tuổi.

 

Ông Tạ Đình Thông -Chủ tịch hội NCT xã Bách Thuận ghi nhận: “Những năm trước, số hộ người cao tuổi của Bách Thuận thuộc diện nghèo chiếm đến 20% trong tổng số hộ hội viên. Nhờ trồng hoa, cây cảnh mà nay hộ nghèo giảm đáng kể, chỉ còn hơn 10%. Nhiều hộ xây được nhà mái bằng, mua sắm được xe máy và đồ sinh hoạt đắt tiền.”

 

Từ hoàn cảnh gia đình nghèo khó, bằng nghề làm sinh vật cảnh, đến nay kinh tế gia đình ông đã trở nên khá giàu. Không chỉ “sống vui, sống khoẻ” ông Phạm Xuân Miễn còn khẳng định “sống có ích” bằng việc mình vẫn có thể làm giàu khi đã ở tuổi ngoài thất thập cổ lai hy. Và đáng quí biết bao, những cây cảnh mà ông làm ra theo những chuyến hàng xuôi ngược đi tới muôn nơi, vẫn đang lặng lẽ làm đẹp cho cuộc đời.

 

Khắc Duẩn

(Đài phát thanh Vũ Thư)

 

 

 

  • Từ khóa