Thứ 4, 08/01/2025, 02:28[GMT+7]

Anh Thủy hai lúa

Thứ 3, 14/08/2018 | 08:46:50
1,200 lượt xem
Từ chỗ quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, cấy lúa chỉ đủ ăn, nhờ áp dụng tiến bộ khoa học, đặc biệt là mạnh dạn đổi mới trong tư duy, tích tụ ruộng đất cấy lúa hàng hóa mà nay anh Vũ Viết Thủy, thôn Nam, xã Đông Phương (Đông Hưng) đã vươn lên làm giàu, trở thành nông dân sản xuất giỏi.

Anh Thủy chăm bón lúa của gia đình.

Lăn lộn với đồng ruộng nửa đời người nên nhìn những mảnh ruộng bỏ hoang do cấy lúa, trồng ớt không hiệu quả, anh Thủy thấy xót xa. Anh đã mạnh dạn xin UBND xã cho thuê lại để cải tạo cấy lúa chất lượng cao. Tính đến nay, anh đã thuê gần 11 mẫu ruộng cùng với 4,5 sào ruộng khoán của gia đình đầu tư cấy giống lúa BC15. 

Anh Thủy cho biết: Dù cấy lúa lợi nhuận không cao bằng trồng các cây màu khác nhưng rủi ro không nhiều. Sau mấy chục năm cấy lúa tôi đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm quý để đối phó với sâu bệnh hại lúa, đặc biệt là ốc bươu vàng và chuột. Với ốc bươu vàng, trước khi bừa lồng để cấy thì rắc vôi bột xuống, bảo đảm ốc bươu vàng chết hết. Còn với chuột thì cách tiêu diệt tốt nhất là căng nilon quanh ruộng để lỗ để đánh chuột, đặt cạm phía trong ruộng ngay tại lỗ, cách một đoạn ngắn đặt tiếp cạm nữa, nếu chuột không dính ở cạm trước thì sẽ dính ở cạm sau. Để phòng, trừ sâu bệnh, phải thường xuyên thăm đồng, phun phòng trước lịch thời vụ và nhắc lại sau lịch thời vụ khoảng 1 tuần. Với cách làm này, đã 3 vụ cấy 11 mẫu ở cánh đồng trũng mà nhiều hộ nông dân cấy không có thu hoạch nhưng toàn bộ diện tích của gia đình tôi vẫn cho năng suất cao. Riêng vụ lúa xuân năm 2018 tôi thu trên 25 tấn thóc, thương lái đến tận nhà thu mua.

Trong khi các hộ nông dân khác cấy lúa không có lãi hoặc lãi ít vì hầu hết các công đoạn đều phải thuê, từ cày, bừa, cấy, thu hoạch, phun thuốc trừ sâu thì anh Thủy hầu như chỉ mất tiền công cấy máy (khoảng 15 triệu đồng/vụ). Anh mạnh dạn đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng bằng cách đầu tư 400 triệu đồng mua máy cày, bừa, máy gặt đập liên hợp, dàn máy phun thuốc trừ sâu, xe lôi. Anh tự học cách sử dụng các loại máy nônga nghiệp và vận hành chúng. Ban ngày anh cày, bừa, gặt thuê cho bà con, tối đến anh tranh thủ cày, bừa, gặt cho gia đình. Mỗi vụ anh gặt và cày bừa cho bà con cũng thu được trên 30 triệu đồng. Mỗi năm hai vợ chồng anh thu từ cấy lúa kết hợp cày, bừa, gặt thuê cũng được gần 200 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi trên 120 triệu đồng.

Hiện anh Thủy chưa dám đầu tư đắp bờ vùng, bờ thửa khoanh vùng cấy lúa của gia đình để chủ động tiêu thoát nước bởi anh chưa được thuê ruộng dài hạn. Đó cũng chính là nỗi lo lớn nhất của anh bởi khi mưa úng vùng trũng anh thuê cấy lúa tiêu thoát nước chậm, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, năng suất lúa. Do vậy, anh mong được xã tạo điều kiện cho thuê ruộng dài hạn, có cơ chế hỗ trợ các hộ không cấy dồn đổi ruộng liền nhau tạo thuận lợi cho anh trong quá trình vận hành máy móc phục vụ sản xuất.

Ông Lưu Văn Thúy, Giám đốc HTX DVNN xã Đông Phương cho biết: Anh Vũ Viết Thủy là người đầu tiên của xã mạnh dạn thuê lại toàn bộ diện tích ruộng các hộ nông dân khác cấy lúa kém hiệu quả để đầu tư sản xuất lúa hàng hóa. Thành công của anh là minh chứng cho việc tích tụ ruộng đất là hướng đi lâu dài, bền vững, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.

Thu Hiền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày