Thứ 4, 08/01/2025, 02:35[GMT+7]

An Châu vững bước trên đường đổi mới

Thứ 3, 28/08/2018 | 08:26:12
2,437 lượt xem
Người dân An Châu (Đông Hưng) vốn cần cù, thông minh, chiến đấu dũng cảm, chiến thắng mọi kẻ thù, biến vùng sình lầy lau lác trở thành miền quê trù phú, tươi đẹp, vừa mang đậm bản sắc văn hóa cư dân đồng bằng Bắc Bộ vừa mang nét văn minh, hiện đại khi trở thành một trong những xã đầu tiên của huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Nông dân An Châu chăm sóc cây màu hè thu.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân, dân các thôn An Nạp, Kim Châu của xã An Châu đã kiên cường, dũng cảm bước vào cuộc kháng chiến với tinh thần thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu làm nô lệ. 

Trong lúc giặc lùng, giặc bắt, giặc vây, cán bộ, đảng viên, nhân dân An Châu không sờn lòng, không nản trí, đoàn kết chặt chẽ muôn người như một quyết tâm ủng hộ kháng chiến, tham gia chiến đấu, giữ vững cơ sở cách mạng. An Châu đã xây dựng được 6 trung đội dân quân và 3 tiểu đội du kích ngày đêm luyện tập; thành lập Hội bảo trợ dân quân, Hội mẹ nuôi du kích vận động nhân dân đóng góp tiền, thóc mua sắm vũ khí. Trên địa bàn xã An Châu có nhiều cơ quan, công xưởng, kho vũ khí của liên khu và các cấp đứng chân nên hàng nghìn lượt dân quân, du kích xã đã tham gia đắp ụ trên đê Trà Lý và một số đường chính nhằm cản xe cơ giới của địch đồng thời vận chuyển hàng trăm tấn vũ khí sản xuất tại thôn Kim Châu đưa xuống thuyền chuyển ra tiền tuyến. 

Ngày 11/2/1950, du kích Kim Châu cùng du kích Phú La và bộ đội đánh lui nhiều đợt tấn công quy mô của địch, tiêu diệt hơn 30 tên. Với thắng lợi đó, nhiều đoàn quân sự của các nơi đã về Kim Châu học tập kinh nghiệm tổ chức chiến tranh du kích. Khi hầu hết các làng xã của 3 huyện Tiên - Duyên - Hưng phải chịu lập tề sau trận càn Trái Quýt của địch nhưng Kim Châu là 1 trong 2 làng của Tiên Hưng vẫn kiên quyết không lập tề còn ở An Nạp địch cứ lập tề lại bị dân phá. Năm 1952, An Châu trở thành an toàn khu, nhiều cơ quan quan trọng của quân khu, tỉnh, huyện lại trở về đóng quân. Nhân dân An Châu đã tình nguyện nhường cả nhà cửa cho các cơ quan cách mạng làm việc và sản xuất vũ khí, dỡ cả đình Giô để làm cầu tạo thành thế liên hoàn chiến đấu. 

Mô hình trồng bí xanh cho thu nhập cao của ông Nguyễn Đình Hải, thôn Kim Châu 2 (An Châu)

Ngày 25/8/1953, du kích Kim Châu tấn công vào đồn Đô Tiến truy kích địch làm chúng phải bỏ chạy, trở thành trận mở màn cho chiến lược chiến tranh du kích của Thái Bình. Từ đó đến ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc, An Nạp và Kim Châu của An Châu không một tên giặc nào dám đến nữa.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, An Châu nhiều năm là lá cờ đầu của huyện trong thực hiện nhiệm vụ chi viện cho tiền tuyến. Từ năm 1965 đến năm 1975, xã đã có gần 510 thanh niên đi bộ đội. Hàng năm, lượng lương thực gửi ra tiền tuyến luôn chiếm từ 30 - 35% tổng sản lượng sản xuất ra, có năm lên tới 50%. 

Tổng kết 2 cuộc kháng chiến, Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang xã An Châu vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều huân chương, huy chương các loại; đặc biệt, năm 2018 xã vinh dự được phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Công nghiệp về làng tạo nhiều việc làm trong lúc nông nhàn cho lao động địa phương.

Xưa đồng đất An Châu chỉ cấy được 1 vụ lúa, những cánh đồng chua trũng phải bỏ hoang nhưng nhờ đổi mới cách nghĩ, cách làm, cải tạo đồng ruộng, đắp bờ vùng bờ thửa để chủ động tưới, tiêu, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, các cánh đồng của An Châu nay đã tăng lên 4 vụ/năm. Không dừng lại ở đó, An Châu còn quy vùng sản xuất, xây dựng thành công cánh đồng mẫu lớn cấy lúa ngắn ngày chất lượng cao, cánh đồng sản xuất 4 vụ/năm, mở rộng diện tích trồng cây màu vụ đông chiếm từ 60 - 70% diện tích đất nông nghiệp. Tích cực đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng trên hầu hết các khâu sản xuất. Phát triển chăn nuôi công nghiệp theo hướng gia trại, trang trại. 

Nông dân An Châu hôm nay sản xuất, chăn nuôi không chỉ lấy số lượng mà lấy giá trị trên đơn vị diện tích canh tác, chuồng trại làm thước đo hiệu quả. Năm 1995, giá trị sản xuất nông nghiệp của An Châu mới đạt 20,2 triệu đồng/ha, đến năm 2017 tăng lên 123,5 triệu đồng/ha. Năng suất lúa bình quân hiện đạt 109,5 tạ/ha (gấp hơn 5 lần so với năm 1995); giá trị cây màu vụ đông đạt 8,5 tỷ đồng. Nhiều năm liền, An Châu nằm trong tốp dẫn đầu huyện không chỉ về năng suất lúa mà còn về diện tích và giá trị cây màu vụ đông.

Diện mạo vùng quê cách mạng An Châu thay đổi toàn diện từ trong làng ra đồng và phát triển mạnh mẽ khi cấp ủy, chính quyền, các tầng lớp nhân dân đoàn kết, chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới. Chỉ trong 3 tháng, An Châu đã hoàn thành dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp, bình quân mỗi hộ chỉ còn 1,9 thửa ruộng. Nhân dân đã hiến trên 13.000m2 đất để quy hoạch các công trình phúc lợi, giao thông, tạo điều kiện cho xã khi xây dựng các công trình phúc lợi không phải đền bù giải phóng mặt bằng. Nhân dân còn đóng góp 1,7 tỷ đồng đào đắp giao thông thủy lợi nội đồng, làm đường giao thông nông thôn với khối lượng đào đắp 63.000m3. Cùng với nguồn xi măng hỗ trợ của tỉnh, ngân sách xã, đóng góp của nhân dân và con em xa quê, chỉ trong thời gian ngắn An Châu đã bê tông hóa 100% đường giao thông nông thôn, giao thông thủy lợi nội đồng theo tiêu chí nông thôn mới, cải tạo nhà văn hóa thôn, xây mới trạm y tế, trường học... 

Sau 4 năm phấn đấu, năm 2014 An Châu đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới, được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, là một trong ít xã về đích nông thôn mới sớm nhất huyện.

Phát huy thành quả đạt được, cấp ủy, chính quyền và nhân dân An Châu đoàn kết tiếp tục giữ vững và phát huy các tiêu chí nông thôn mới, nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Phát huy thế mạnh để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung có bao tiêu sản phẩm, nâng cao năng suất cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng 4 vụ/năm ở thôn Kim Châu 2 và thôn An Nạp, đưa vụ đông thành vụ sản xuất chính trong năm. Quan tâm đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và du nhập ngành nghề về xã, coi đây là một trong những mục tiêu lớn, giải pháp quan trọng để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Đến nay, giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng cơ bản của xã đạt 33,61 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Chất lượng giáo dục và đào tạo ngày càng được nâng lên. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng, an sinh xã hội ngày càng được bảo đảm. Diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới, thu nhập bình quân đầu người đạt 35,6 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,82% (theo tiêu chí đa chiều).

Phát huy truyền thống anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Châu tiếp tục ra sức thi đua lao động sản xuất, xây dựng quê hương vững bước trên con đường đổi mới, phát triển bền vững.

Nguyễn Tuấn Anh

(Chủ tịch UBND xã An Châu)


Ông Phạm Văn Giáp, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã An Châu

Trong thời chiến, MTTQ xã An Châu đã làm tốt việc tập hợp các tầng lớp nhân dân đoàn kết đánh đuổi giặc ngoại xâm, hăng hái lao động sản xuất góp lương thực cho tiền tuyến lớn miền Nam. Thời bình, MTTQ xã An Châu không ngừng củng cố tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về địa bàn khu dân cư, phát huy dân chủ, nâng cao tinh thần yêu nước, động viên và thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tích cực thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước. Gắn đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, MTTQ xã đã vận động các tầng lớp nhân dân hiến trên 13.000m2 đất làm đường giao thông, xây dựng công trình phúc lợi và hàng vạn ngày công, góp phần đưa An Châu trở thành một trong những xã về đích nông thôn mới sớm nhất huyện. Quỹ vì người nghèo của xã mỗi năm thu được hàng chục triệu đồng, MTTQ xã trích tặng quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp lễ, tết; chỉ đạo các khu dân cư tổ chức tốt ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc để gắn kết tình làng nghĩa xóm. MTTQ xã còn tích cực tham gia giám sát các công trình xây dựng nông thôn mới như đường giao thông, trường học, trạm y tế thông qua ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng, qua đó góp phần nâng cao chất lượng các công trình.

Ông Nguyễn Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã An Châu

Trước đây, An Châu là một trong những xã có tốc độ phát triển kinh tế thấp nhất huyện song đến nay diện mạo nông thôn mới của xã đã có nhiều khởi sắc. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, các cựu chiến binh xã An Châu gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế. Toàn xã hiện có trên 10 trang trại, gia trại do cựu chiến binh làm chủ, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Trong xây dựng nông thôn mới, các cựu chiến binh không chỉ gương mẫu hiến đất mà còn vận động người thân, nhân dân cùng tham gia hiến đất làm đường, xây dựng công trình công cộng. Bên cạnh đó, Hội Cựu chiến binh xã còn làm tốt công tác giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ trẻ như tổ chức giao lưu, nói chuyện chuyên đề cho học sinh các nhà trường; vận động đoàn viên, thanh niên tham gia khám tuyển nghĩa vụ quân sự. Vào các ngày lễ, tết, đặc biệt là ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 hàng năm, Hội Cựu chiến binh xã cùng cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể tổ chức thăm viếng nghĩa trang liệt sĩ, thăm hỏi, tặng quà đối tượng chính sách...

Ông Nguyễn Bỉnh Hiếm, Bí thư Chi bộ thôn Kim Châu 2, xã An Châu

Hầu hết diện tích đất nông nghiệp của thôn Kim Châu 2 được xã quy hoạch xây dựng cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng 4 vụ/năm, vì vậy Chi bộ thôn đã chỉ đạo chuyển đổi 100% diện tích sang cấy lúa ngắn ngày, chất lượng cao. Mở rộng diện tích trồng cây màu vụ đông chiếm 60 - 70% diện tích đất nông nghiệp của thôn, xây dựng thành công 2 vùng sản xuất 4 vụ/năm, mỗi vùng có diện tích 5ha trở lên, trồng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao theo nhu cầu thị trường như bắp cải, su hào, bí xanh... Hiện nay, bình quân lương thực đầu người của thôn đã đạt 750 - 800kg/năm. Bên cạnh đó, Chi bộ thôn còn khuyến khích nhân dân phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp như may mặc, mộc, cơ khí..., tạo việc làm trong lúc nông nhàn, tăng thu nhập cho gia đình. Phát huy truyền thống xã anh hùng, cán bộ, đảng viên, nhân dân thôn Kim Châu 2 sẽ tiếp tục góp sức xây dựng xã An Châu vững bước trên đường đổi mới.

Ông Nguyễn Văn Phách, 70 năm tuổi đảng, thôn Kim Châu 1, xã An Châu

Thời kỳ quân, dân An Châu cùng quân, dân cả nước tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa tháng 8/1945 thắng lợi, dù còn nhỏ song không khí sục sôi, hào hùng của cả dân tộc đánh giặc đã thôi thúc tôi tham gia tổ chức Việt Minh, trở thành một thành viên của đội tự vệ. Làm tự vệ chỉ với nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ xóm làng song tôi thấy rất hãnh diện, vui sướng, cố gắng hoàn thành tất cả nhiệm vụ được giao. Sau đó tôi tham gia đội chủ lực, trong Ban Chấp hành thanh niên phụ trách quân sự của xã rồi chỉ huy đội du kích, vận động thanh niên tòng quân, tham gia chống càn, cùng quân chủ lực đánh bốt địch, góp phần cùng quân, dân cả nước đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi bờ cõi nước ta. Tháng 4/1956, xã An Châu được thành lập, tôi làm chính trị viên xã đội rồi giữ chức chủ nhiệm HTXNN xã. Lúc đó còn trẻ, tinh thần hăng say, làm việc không biết mệt mỏi chỉ mong cùng nhân dân lao động sản xuất ra thật nhiều lương thực để thoát đói nghèo và cung cấp cho tiền tuyến đánh thắng giặc Mỹ. Hôm nay, được chứng kiến xã nhà đổi mới, phát triển, hiện đại hóa, được đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vừa tự hào vừa phấn khởi. Mong rằng cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong xã sẽ tiếp tục đoàn kết cùng nhau xây dựng quê hương An Châu anh hùng ngày càng giàu đẹp.

Anh Nguyễn Văn Nam, Bí thư Đoàn Thanh niên xã An Châu

Là thế hệ sinh ra trong hòa bình nhưng trên 1.000 đoàn viên của xã An Châu hôm nay luôn thấm nhuần truyền thống yêu nước, cách mạng của thế hệ cha ông, khắc cốt ghi tâm sự hy sinh anh dũng của lớp người đi trước; luôn xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, nhất là trong xây dựng nông thôn mới và hoạt động “Uống nước nhớ nguồn”. Hưởng ứng phong trào “Tuổi trẻ An Châu tham gia xây dựng nông thôn mới”, 200 lượt đoàn viên, thanh niên của xã đã đảm nhận nhiều phần việc như làm đường giao thông nông thôn, giao thông thủy lợi nội đồng, xây dựng sân chơi cho thiếu nhi... Đoàn viên, thanh niên còn là lực lượng nòng cốt tham gia phòng, chống bão, lũ, khắc phục hậu quả thiên tai, đảm nhận tuyến đường tự quản vệ sinh môi trường và đảm nhận khơi thông dòng chảy. Công tác tuyên truyền, động viên thanh niên nhập ngũ cũng là hoạt động Đoàn Thanh niên xã thực hiện tốt, vì vậy nhiều năm liền An Châu luôn đạt và vượt chỉ tiêu giao quân. Các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, phối hợp tổ chức khám bệnh, tặng thuốc miễn phí cho các đối tượng chính sách, quyên góp ủng hộ, giúp đỡ thiếu niên, nhi đồng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được Đoàn Thanh niên xã tổ chức thường xuyên, được cấp ủy, chính quyền, nhân dân đánh giá cao. Xã nhà đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, thanh niên trong xã rất tự hào, càng thấy có trách nhiệm hơn với quê hương, sẽ tiếp tục tiên phong trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương.

Trung Hiếu

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày