Thứ 7, 23/11/2024, 16:01[GMT+7]

Ngời sáng tấm gương người anh hùng

Thứ 2, 03/09/2018 | 21:03:09
1,796 lượt xem
Gần 70 năm đã trôi qua nhưng câu chuyện về xã đội trưởng Giang Văn La xả thân giết giặc vẫn được lớp người cao niên xã Mỹ Lộc (Thái Thụy) kể cho con cháu nghe. Tấm gương trượng nghĩa, kiên trung của đồng chí là niềm tự hào để các thế hệ người dân nơi đây noi theo.

Làng quê Mỹ Lộc (Thái Thụy) hôm nay.

Theo tư liệu lịch sử Đảng bộ xã Mỹ Lộc, đồng chí Giang Văn La sinh năm 1925 tại thôn Chỉ Thiện, xã Minh Đức (nay là xã Mỹ Lộc) trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước, cách mạng. Tháng 8/1945, sau khi tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi, đồng chí được cử giữ chức vụ đội trưởng tự vệ thôn Chỉ Thiện. Đến tháng 8/1947, đồng chí được kết nạp vào Đảng và được tổ chức phân công làm xã đội trưởng xã Minh Đức. Bằng năng lực của mình, đồng chí đã vận động nhân dân tham gia dân quân du kích; đồng thời, chỉ đạo lực lượng rào làng kháng chiến, xây dựng hệ thống phòng thủ và công sự trận địa ở địa phương.

Để làm phong phú thêm nguồn tư liệu, chúng tôi tìm gặp ông Ngô Đình Điến, 96 tuổi, thôn Lũng Tả, xã Mỹ Lộc - người có thời gian hoạt động cùng với đồng chí Giang Văn La. Ký ức về những năm tháng nhân dân Minh Đức đấu tranh chống thực dân Pháp trong ông vẫn vẹn nguyên. Ông Điến nhớ lại: Năm 1947, đồng chí La làm xã đội trưởng còn tôi làm chính trị viên xã đội. Khi địch chưa chiếm đóng, anh em chúng tôi làm công tác huấn luyện dân quân du kích, củng cố lực lượng vũ trang địa phương. Cùng với đó, chúng tôi phối hợp với đội Thái Hùng các thôn diệt tề, trừ gian, chống lại những tên tay sai phản động có nhiều nợ máu với nhân dân. Đồng chí La là người mưu trí, gan dạ, diệt tề rất giỏi. Ngày ấy chỉ nghe tên xã đội La là đám lính bảo an, phản động trong vùng đều khiếp sợ...

Từ đường họ Giang ở thôn Chỉ Thiện, xã Mỹ Lộc - nơi thờ liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Giang Văn La.

Với tinh thần quyết tâm giết giặc, từ khi tham gia cách mạng đến ngày hy sinh, xã đội trưởng Giang Văn La đã trực tiếp chỉ huy lực lượng dân quân du kích xã Minh Đức đánh 5 trận trong đó có một số trận đánh tiêu biểu như trận đánh chặn lực lượng hành quân của địch tại chợ Cổng, xã Thái Thịnh đầu tháng 3/1950 tiêu diệt 18 tên địch. Cuối tháng 3/1950, vào đêm tối, địch dùng lực lượng phá kè của ta trên sông Trà Lý. Đồng chí La đã bí mật tổ chức lực lượng áp sát bờ đê tấn công địch, bị đánh bất ngờ địch hỗn loạn bỏ chạy. Trận này ta tiêu diệt 9 tên, làm bị thương 11 tên, bảo vệ an toàn tuyến kè. Đây cũng là chiến thắng tiêu biểu được nêu gương toàn tỉnh và được Tỉnh đội Dân quân Thái Bình khen. Dưới sự chỉ huy của xã đội trưởng Giang Văn La, ngày 12/9/1952, dân quân du kích xã Minh Đức đã phá tan cuộc càn quét của địch từ bốt Danh Giáo (Thái Đô) vào xã Minh Đức. Sau trận này, quân địch đóng ở bốt Xuân Hòa đã treo thưởng 5 quan tiền cho ai lấy được đầu của xã đội trưởng Giang Văn La.

Trong trí nhớ của bà Giang Thị Nết, 71 tuổi, con gái liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Giang Văn La, hình ảnh về bố chỉ là những mảnh ghép chắp nối qua lời kể của mẹ. Ngày bố hy sinh bà Nết mới vài tháng tuổi. Bố mất, giặc Pháp cho quân đốt nhà ông bà nội, anh em, người thân trong gia đình phải ly tán trước sự lùng sục điên cuồng của chúng. Bà Nết tâm sự: Tôi vẫn nhớ lời mẹ kể, trước hôm bố tôi hy sinh ông ở nhà chơi với tôi một ngày rồi đêm đó bố cùng đồng đội đi làm nhiệm vụ phá bốt giặc. Tôi không ngờ ngày hôm đó lại là ngày cuối cùng tôi còn được cảm nhận hơi ấm từ bố...

Đêm ngày 23/9/1950, Chi ủy Chi bộ xã Minh Đức nhận chủ trương từ Huyện ủy Thái Ninh: lực lượng chia làm 3 mũi, đồng chí La tham gia mũi phá tề ở thôn Hanh Thông (Thái Thọ). Sau khi lực lượng của ta tấn công bốt Trà Lý, Xuân Hòa, một phần lực lượng địch cố thủ tại nhà bà Phó Hỷ do tên Quất chỉ huy ở thôn Hanh Thông. Đồng chí La chỉ huy trung đội dân quân du kích của xã bao vây nhà sau đó đồng chí xông vào đạp cửa, bọn địch bên trong dùng dao chém đứt 4 ngón tay phải của đồng chí. Dù đau đớn nhưng đồng chí vẫn nhanh trí dùng tay trái lấy lựu đạn ném vào phía trong rồi lấy thân mình che kín cánh cửa. Lựu đạn nổ, toàn bộ lực lượng địch bị tiêu diệt, đồng chí La cũng anh dũng hy sinh.

Ghi nhận thành tích chiến đấu anh dũng của đồng chí Giang Văn La, năm 2010, Chủ tịch nước đã ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Giang Văn La.

Ông Giang Văn Liền, Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Lộc

Noi theo tấm gương của đồng chí Giang Văn La và các liệt sĩ của quê hương, Đảng bộ và nhân dân Mỹ Lộc đã đồng sức đồng lòng xây dựng quê hương. Năm 2014 địa phương hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Đời sống nhân dân ngày càng ổn định, thu nhập bình quân đầu người đạt 40 triệu đồng/năm. Trên địa bàn xã đã và đang triển khai các dự án kinh tế trọng điểm của tỉnh, góp phần tạo bước đột phá trong tương lai của miền quê giàu truyền thống yêu nước, cách mạng.
Ông Ngô Đình Điến, 96 tuổi, thôn Lũng Tả, xã Mỹ Lộc

Sau khi đồng chí La hy sinh, đồng đội đã lấy được xác và cất giấu. Tuy nhiên, hôm sau địch theo vết máu đã tìm thấy xác của đồng chí ấy. Chúng cho quân lấy thủ cấp của đồng chí La đi bêu khắp nơi còn xác chúng vứt xuống sông Trà Lý. Mãi sau này gia đình mới tìm lại được. Giờ đây, hài cốt nguyên vẹn của xã đội trưởng Giang Văn La đã yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ địa phương. Đồng chí La mất đi là tổn thất lớn cho Minh Đức nhưng tấm gương của đồng chí đã cổ vũ tinh thần quyết chiến, quyết thắng của nhân dân trong xã, trong huyện, góp phần bảo vệ vững chắc khu căn cứ Thần Đầu - Thần Huống của huyện Thái Ninh.
Ông Giang Anh Thời, em trai liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Giang Văn La


Gia đình, dòng họ luôn tự hào đã sinh ra và nuôi dưỡng người chiến sĩ cách mạng kiên trung Giang Văn La. Từ tấm gương của anh La, anh em chúng tôi đều giác ngộ lý tưởng cách mạng, tham gia các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ... Lớp lớp con cháu đều noi gương các bậc tiền nhân của dòng họ, ra sức học tập, lao động, công tác, trở thành người có ích cho xã hội, góp công sức, trí tuệ xây dựng quê hương, đất nước.

Tất Đạt