Thứ 6, 03/05/2024, 02:34[GMT+7]

Nam Cường (Tiền Hải) Với lời Bác dặn năm xưa

Thứ 3, 08/11/2011 | 15:36:38
4,076 lượt xem
Trước đây gần 50 năm, vùng đất Nam Cường, huyện Tiền Hải còn là bãi biển hoang vu đầy lau lác sú vẹt. Tháng 3/1960, Tiền Hải huy động nhân công các xã đắp con đê từ thôn Hoàng Môn đến xã Nam Thịnh dài 2 km. Cuối năm ấy công việc quai đê lấn biển của huyện đã cơ bản hoàn thành. Ngày 19/04/1961 được coi là ngày khai sinh ra mảnh đất này.

Đền thờ Bác Hồ ở Nam Cường (Tiền Hải)

Nam Cường có từ ngày ấy với hơn 200 cán bộ đảng viên và quần chúng nhân dân trong huyện đã hội tụ về thôn Hoàng Môn làm lễ tuyên thệ, thành lập tiểu đoàn khai hoang với quyết tâm: “Đẩy sóng lùi xa, kéo chân trời gần lại”. Trong lúc khó khăn tưởng chừng không vượt qua được thì năm 1962 một niềm vinh dự lớn lao đã đến với Đảng bộ và nhân dân Nam Cường, được đón Bác Hồ - vị cha già kính yêu của dân tộc  về thăm. Ngọn lửa nhiệt huyết và tình yêu quê hương tha thiết trong trái tim mỗi người dân Nam Cường được khơi dậy. Bình minh ló rạng trên quê hương Nam Cường kể từ ngày đó.

 

Đúng 8h15’ ngày 26/03/1962, từ trong máy bay trực thăng, Bác Hồ giơ tay vẫy chào mọi người. Về Nam Cường, Bác đã giành thời gian thăm các cụ già, chia quà cho cháu nhỏ, tặng huy hiệu cho các chiến sĩ khai hoang. Bác ân cần nói chuyện với nhân dân, giọng Bác thân thương ấm áp. 49 năm đã đi qua mà người dân Nam Cường vẫn như còn nghe giọng Bác văng vẳng bên tai: Được biết đồng bào Nam Cường có nhiều thành tích trong khai hoang lấn biển. Bác cùng các đồng chí lãnh đạo ở  T.Ư thay mặt Đảng, Chính phủ về thăm đồng bào. Bác khen ngợi đồng bào đã có tinh thần khắc phục khó khăn, quyết tâm lấn biển, quai đê, mở rộng diện tích canh tác, làm giàu cho mảnh đất quê hương. Bác đã căn dặn đồng bào khi đi khai hoang: “Mọi việc khi mới bắt đầu làm đều khó, phải có quyết tâm thật lớn, vượt mọi khó khăn thì mới đạt được những điều mong muốn. Vì vậy, cán bộ đảng viên, các cháu đoàn viên thanh niên phải gương mẫu đi đầu trong mọi việc khó, xã viên phải đoàn kết tốt với cán bộ thì mọi việc sẽ thành”. Bác dạy: “Muốn ăn cam thì phải trồng cam, đồng bào đi khai hoang cũng vậy, phải cố gắng lao động sản xuất thì mới nhanh chóng ổn định cuộc sống....” Bác căn dặn nhiều lắm, nhưng có lẽ người Nam Cường nhớ nhất lời Bác dặn: “Đồng bào đi khai hoang gian khổ không kém gì các chiến sĩ ngoài mặt trận. Lúc đầu có gian khổ, mọi người phải đoàn kết giống như dây chão được se bằng nhiều sợi nhỏ, dây lớn không thể đứt được”.

 

Mới ngày nào hôm nay đã gần 50 năm ngày Bác Hồ về thăm Nam Cường, mọi người không thể không nhắc đến lớp thiếu niên, nhi đồng năm xưa được Bác xoa đầu, chia kẹo. Khi chiến tranh ập đến, cuộc sống đảo lộn, những chàng trai Nam Cường đã hăng hái lên đường đi đánh Mỹ. Thời kỳ đó, Nam Cường đã tiễn đưa trên 700 người con ưu tú lên đường cầm súng bảo vệ Tổ quốc. Nhiều thanh niên chưa đến tuổi nghĩa vụ, nhưng các anh vẫn viết đơn tình nguyện, tạm biệt quê hương, người thân lên đường đi chiến đấu. Nhiều người khám tuyển không đủ sức khoẻ, em trai chưa đến tuổi thay anh...Vì thế thanh niên Nam Cường đã ra trận là lập công.

 

Đã có 66 đồng chí là sỹ quan các cấp trong lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam; 72 người con ưu tú của quê hương đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc; hơn 100 thương bệnh binh, đối tượng chất độc hoá học; 4 lão thành cách mạng; 4 bà mẹ được truy tặng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Ngày 30/04/1975 đất nước hoàn toàn thống nhất. Ngày 05/9/1975, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 234/HĐBT cắt thôn Hoàng Môn xã Đông Lâm và hợp nhất với HTX Nông nghiệp Nam Cường để thành lập ra xã Nam Cường. Từ đây đất Nam Cường đã có tên làng, tên xã . Người Nam Cường bước sang một thời kỳ mới- thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước trong hoà bình.

 

Năm 2001, được sự nhất trí của cấp trên, Nam Cường đã mạnh dạn đi đầu chuyển đổi diện tích cấy lúa năng suất thấp sang nuôi trồng thuỷ sản nước lợ với tổng diện tích 105 ha, bằng 52% diện tích lúa toàn xã. Ngoài ra, xã còn chuyển đổi 15 ha đất cấy lúa úng trũng sang nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Toàn xã chỉ còn 74,5 ha cấy lúa và 20 ha trồng rau màu. Từ cấy lúa chuyển mạnh sang nuôi trồng thủy sản, đây thực sự là một cuộc cách mạng lớn trong kinh tế nông nghiệp của Nam Cường. Nuôi trồng thủy sản đã dần chứng minh chỗ đứng của mình trên đồng đất Nam Cường. Giá trị kinh tế mang lại từ nuôi trồng thủy sản cao gấp 5 đến 7 lần so với cấy lúa trước đây. Nam Cường được đánh giá là lá cờ đầu của tỉnh trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Quan trọng hơn, Đảng bộ và nhân dân trong xã đã tìm được hướng đi riêng thích hợp với đặc điểm đất đai địa phương. Những con nuôi như tôm sú, cá vược, cá song, cá bớp đã chứng minh hiệu quả kinh tế cao trên đồng đất Nam Cường.

 

Từ khi chuyển đổi đến nay, Đảng bộ và nhân dân Nam Cường đã vinh dự được đón các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, các Bộ ngành T.Ư và hơn 100 đoàn đại biểu từ các tỉnh Thái Nguyên, Nam Định, Hải Phòng, Nghệ An, Vĩnh Phúc và các địa phương trong tỉnh về thăm quan học tập mô hình chuyển đổi kinh tế.

 

Ngày vui hôm nay đã làm vơi đi những nhọc nhằn của quá khứ. Nhưng đó là những bài học không thể nào quên, những trải nghiệm không thể thiếu để chứng minh sâu sắc hơn sức mạnh của con người. Làm chủ được đất đai, người Nam Cường đã có những cánh đồng bội thu liên tiếp. Làng quê Nam Cường thay da đổi thịt vươn lên trong diện mạo mới. Nơi đây “Điện - Đường - Trường - Trạm” được xây dựng khang trang, bề thế. Người ốm được chữa bệnh, người già được chăm sóc, con trẻ được cắp sách tới trường...

 

Trong cái nhìn, nếp nghĩ, tất cả điều đó có được đều từ chính khát vọng, chính những giọt mồ hôi của người dân Nam Cường. Và khát vọng đó, giọt mồ hôi đó lại bắt nguồn từ những lời dạy của Bác Hồ trong lần người về thăm. Khi nói chuyện với chủ tịch UBND xó Hoàng Ngọc Sang, chúng tôi càng hiểu thêm  sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Huyện uỷ-UBND huyện Tiền Hải, sự quyết tâm trong chỉ đạo của Đảng uỷ-HĐND-UBND xã qua các thời kỳ để Nam Cường ngày càng phát triển đi lên.Với chủ tịch Hoàng Ngọc Sang, tôi được biết anh luôn đi sát với người dân Nam Cường, kết hợp cùng Công ty TNHH Diệu Tuấn do bà Vũ Thị Nga làm giám đốc, đưa việc làm đến với người lao động của xã, trong lúc nông nhàn, tạo thêm những thu nhập cho bà con nông dân. Trước kia toàn xã chỉ có vài trăm nhà tranh vách đất, ngày nay đã có 785 hộ với 100% nhà xây, 99% hộ có tivi, 98% hộ có xe máy, bình quân mỗi hộ có 1 điện thoại cố định chưa tính đến di động. Hộ nghèo theo tiêu chuẩn mới chỉ còn  9,3%, ngành nghề dịch vụ có bước phát triển khá; đến nay đã hình thành 01 cụm công nghiệp thu hút 11 hộ cá thể và doanh nghiệp đầu tư sản xuất bước đầu cho hiệu quả.

 

Các phong trào văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư được quan tâm và phát triển sâu rộng với nhiều nét đẹp văn hoá của quê hương. Thôn Đức Cường và Hoàng Môn đạt thôn văn hoá cấp huyện. Tuy tệ nạn xã hội như ma tuý, cờ bạc đang trở thành điểm nóng ở nhiều địa phương, song Nam Cường vẫn ổn định, là xã có số vụ việc thấp nhất huyện. Nhiều con em Nam Cường công tác trên mọi miền Tổ quốc đã phát huy truyền thống của quê hương, trưởng thành trên nhiều lĩnh vực công tác. Đến nay toàn xã có trên 300 người trình độ đại học và trên đại học. Năm học 2009 – 2010, Nam Cường lại một lần nữa tự hào về truyền thống hiếu học của quê hương khi em Vũ Tấn Lộc đạt điểm thi vào đại học cao nhất trong toàn huyện.

 

Quá trình phấn đấu của Đảng bộ và nhân dân qua các thời kỳ, Nam Cường đã vinh dự được đón nhận nhiều phần thưởng cao quí của Đảng và Nhà nước: Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Huân chương Chiến công và nhiều bằng, giấy khen của các cấp, các ngành. Đặc biệt từ năm 2001 đến nay, Nam Cường liên tục được công nhận là Đảng bộ trong sạch vững mạnh, Chính quyền trong sạch vững mạnh. Năm 2002, 2004 được UBND tỉnh tặng Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua; năm 2008 được Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong bảo vệ an ninh biên giới; năm 2010 mặc dù trong điều kiện khó khăn chung song với sự cố gắng nỗ lực của cán bộ và nhân dân trong xã, Nam Cường đã giành được những thành tích đáng ghi nhận được cấp trên đánh giá cao: Đảng bộ, chính quyền được công nhận là đơn vị trong sạch vững mạnh; cán bộ và nhân dân xã được UBND huyện tặng Giấy khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2010 và thành tích dẫn đầu phong trào phát triển chăn nuôi trong huyện.

 

Để thể hiện tình cảm thiêng liêng và lòng biết ơn vô hạn đối với Bác Hồ kính yêu, Đảng bộ và nhân dân Nam Cường đã quyết tâm xây dựng đền thờ Bác Hồ. Đền được khánh thành vào ngày 19/5/1995, đến nay vừa tròn 16 năm và được UBND tỉnh công nhận là Khu di tích lich sử văn hoá vào năm 2002. Đền thờ Bác Hồ đã đón Chủ tịch nước Trần Đức Lương, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, đồng chí Trương Tấn Sang – Chủ tịch nước và nhiều đoàn khách trong nước về thăm, dâng hương viếng Bác. Hàng năm đã thành thông lệ, kỷ niệm ngày Bác về thăm, Đảng bộ và nhân dân Nam Cường lại long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm và mở lễ hội truyền thống, đồng thời báo công với Bác những thành tích trong năm và xin hứa với Bác quyết tâm xây dựng quê hương ngày một mạnh giàu.

 

Bài, ảnh: Đức Viên

                   (Thành phố Thái Bình)

  • Từ khóa