190 mùa xuân
Nhìn ra phía biển từ thuở hoang sơ đến hôm nay vẫn những con sóng bạc đầu, mạnh mẽ, ào ào xô lên bờ cát, bao bọc dải đất Tiền Châu năm xưa nay là huyện Tiền Hải. Một miền quê nằm ở cuối con sông Hồng, nơi có ba cửa biển lớn được ghi dấu trong lịch sử: cửa Ba Lạt, cửa Lân, cửa Trà Lý. Những dấu mốc thiêng liêng của một vùng đất từng chứng kiến bao cuộc khẩn hoang lùi biển của cư dân. Chứng kiến lòng quả cảm của những con người chống giặc ngoại xâm, là cửa tử thời chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
Hai tiếng Tiền Hải gợi cho người ta nhớ đến một vùng quê trước biển, nơi 190 năm trước, cư dân bản địa dưới sự chỉ huy của Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ đã thực hiện một cuộc khẩn hoang lớn nhất trong lịch sử “lùi biển” lập ra đất Tiền Châu. Nguyễn Công Trứ một con người cả đời sống vì một châm ngôn nổi tiếng:
Đã mang tiếng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông
Cái danh với núi sông ông để lại cho nơi này là biến vùng bãi biển hoang sơ thành vùng đất sống, đất Tiền Châu, là huyện Tiền Hải hôm nay, để cho hàng vạn người nghèo đói lập ấp, sinh sôi, phát triển suốt 190 năm qua.
Dấu vết những con đê do Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ cùng cư dân Tiền Hải đào đắp năm xưa nay vẫn còn. Nhưng cái còn lại lớn hơn chính là lòng người dân bản địa đối với Nguyễn Công Trứ ngày đó. Khi ông còn sống dân các làng Tiểu Hoàng, Tây Sơn và nhiều làng quê khác đã lập miếu thờ, đền thờ, thờ sống Nguyễn Công Trứ và hương khói cho đến tận ngày nay.
Anh Nguyễn Văn Giang, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Tiền Hải cho biết: Tính từ cái mốc thành lập huyện, năm 1828 đến nay công cuộc quai đê lấn biển của Tiền Hải không ngừng nghỉ. Trung bình 10, 20 năm Tiền Hải lại khai sinh thêm một xã mới nơi chân sóng.
Theo quy luật lùi biển và sự bồi đắp tự nhiên, cùng với nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân huyện trong việc đầu tư, huy động sức người, sức của, trong tương lai Tiền Hải sẽ có thêm những vùng đất mới ra đời. Ở đó tiềm năng còn rất lớn, là cơ hội để Tiền Hải tiếp tục thực hiện nghị quyết của Huyện đảng bộ: Từ công nghiệp khí đốt và từ biển đi lên, từ người, từ đất đi ra.
Chúng tôi hiểu, đã từ lâu Tiền Hải luôn kiên trì với chủ trương mở rộng phát triển kinh tế biển. Một thực tế sinh động không thể phủ nhận. Những địa danh như Nam Cường, Đông Hải, Nam Phú… đã trở thành những xã mới sầm uất, đang tô đậm màu xanh trên vùng đất Tiền Châu do Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ khai mở năm xưa. Năm 1962, Đảng bộ và nhân dân Tiền Hải vinh dự được đón Hồ Chủ tịch về thăm xã Nam Cường một vùng quê biển mới tạo lập.
Hình thành, phát triển trên chặng đường gần 200 năm, tuy chưa phải là dài nhưng mảnh đất, con người Tiền Hải đã lập nên bao kỳ tích mang đậm dấu ấn lịch sử. Một vùng đất có truyền thống chinh phục thiên nhiên và đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Vùng đất đã hun đúc nên những người con trên đất Tiền Châu, thế hệ này qua thế hệ khác luôn cần cù sáng tạo trong lao động, kiên cường bất khuất trong chiến đấu và một tình yêu sâu nặng vì đất nước, quê hương.
Các nhà cách mạng có công lớn truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin và thành lập tổ chức hội Việt Nam cách mạng thanh niên đầu tiên ở Thái Bình như Vũ Trọng, Vũ Nhu… Và những người lãnh đạo cuộc biểu tình ngày 14/10/1930, một dấu son trong lịch sử đấu tranh cách mạng, tiếng trống năm ba mươi còn vọng đến bây giờ.
Dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ, các cơ sở đảng ở Tiền Hải đã tổ chức cuộc biểu tình lớn vào ngày 14/10/1930. Nông dân ba làng: Đông Cao, Nho Lâm, Thanh Giám tập trung cả nghìn người kéo lên huyện lỵ. Sau tiếng trống, tiếng tù và, tiếng loa kêu gọi khởi nghĩa phát đi từ đình làng Nho Lâm, đoàn người biểu tình rầm rập tiến vào huyện đường. Bọn lính xông ra ngăn lại rồi dùng súng xả vào đoàn người, làm 8 người chết, 13 người bị thương. Ông Lương Văn Sảng bị đạn xuyên lòi ruột, ông lôi đoạn ruột lòi ra ném vào mặt tên địch và hô vang khẩu hiệu: “Đả đảo bọn đế quốc, tay sai. Đảng Cộng sản Việt Nam vạn tuế”, rồi ông mới gục xuống. Hành động anh hùng của ông Lương Văn Sảng thể hiện tinh thần yêu nước mãnh liệt của người dân Tiền Hải. Hành động ấy mãi mãi được lưu giữ trong lòng nhân dân.
Khi quân Pháp đánh chiếm Thái Bình chúng tràn xuống Tiền Hải càn quét, bắn phá rất dã man. Quân và dân Tiền Hải, được sự chỉ đạo của Huyện đảng bộ đã anh dũng chiến đấu, tiêu diệt nhiều sinh lực của địch. Trận đánh phục kích tại gốc cây xoan tây và trận đánh địch tại cửa Lân, du kích liên khu Nam Tiền Hải phối hợp cùng bộ đội địa phương đánh một trận quyết tử, buộc địch phải bỏ chạy. Du kích các xã An Ninh, Tiểu Hoàng, Tây Lương, Tây Ninh… đánh địch trên dọc đường 39B rất kiên cường. Ngày 27/11/1953, địch huy động 3 binh đoàn cơ động, 1 tiểu đoàn xe cơ giới mở trận càn Buttle (con trâu) đánh vào trung tâm huyện Tiền Hải. Ngày 12/12/1953 quân Pháp điều 6 binh đoàn cơ động, 3 tiểu đoàn liên quân, 8 tiểu đoàn pháo cùng xe vận tải, tàu chiến, có máy bay yểm hộ, mở trận càn OerFant (con cắt) càn quét khu vực Kiến Xương, Tiền Hải nhằm san bằng mảnh đất phía Nam Thái Bình. Quân và dân Tiền Hải đã chiến đấu dũng cảm, kiên cường, bao vây chia cắt đội hình địch để đánh. Kết quả đã ngăn chặn và đập tan hai trận càn lớn, tiêu diệt và làm bị thương hàng trăm tên địch, thu nhiều vũ khí, quân dụng của chúng, góp phần cùng quân dân cả nước tiến lên giải phóng quê hương.
Đọc những con số được đúc kết qua hai cuộc kháng chiến và cuộc chiến tranh biên giới mới thấy sự đóng góp của Đảng bộ và nhân dân Tiền Hải là vô cùng to lớn. Toàn huyện có hơn 22.000 người tham gia quân đội, có gần 5.000 liệt sĩ, 618 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 3.200 thương bệnh binh, trên 3.230 người hoạt động kháng chiến và nạn nhân bị nhiễm chất độc hóa học… Ghi nhận sự cống hiến đó, Đảng, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang cho nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Tiền Hải. Đại đội 4 nữ dân quân Đông Lâm và Hợp tác xã mua bán Tây Giang được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động xây dựng xã hội chủ nghĩa. Các xã Đông Lâm, Tây Tiến, An Ninh, Tây Giang, Nam Hà, Đông Minh, Tây An, Vũ Lăng, Tây Lương, Tây Ninh, Công an huyện và 11 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhiều người con của Tiền Hải có những đóng góp xứng đáng. Các tướng lĩnh anh hùng, các danh nhân tiêu biểu, nhiều người từng đảm nhiệm những trọng trách lớn trong quân đội, như Đại tướng Hoàng Văn Thái. Có người là bộ trưởng, là Ủy viên Trung ương Đảng. Đặc biệt, Tiền Hải còn có người con đương nhiệm là Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, họ là niềm tự hào của đất nước, của quê hương.
Từ nền tảng của mảnh đất con người anh hùng, Đảng bộ và nhân dân Tiền Hải không ngừng nỗ lực phấn đấu đi lên. Trải qua các thời kỳ huyện luôn là một điểm sáng về xây dựng phát triển kinh tế - xã hội.
Anh Nguyễn Văn Giang, Bí thư Huyện ủy Tiền Hải vui mừng cho chúng tôi biết: Trong những năm qua, kinh tế của huyện tăng trưởng khá, là trọng điểm của nền kinh tế tỉnh Thái Bình. Tốc độ tăng trưởng năm 2017 đạt 13,2%, cơ cấu kinh tế được chuyển dịch tích cực. Nông, lâm, thủy sản chiếm 39%, công nghiệp, xây dựng 43%, thương mại, dịch vụ 18%, khai thác tiềm năng biển, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản đạt giá trị cao. Khai thác nguồn khí đốt dưới lòng đất để phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp Trà Lý, Tây An, Cửa Lân, An Ninh đang mở ra nhiều triển vọng tốt. Các điểm tiểu thủ công nghiệp, làng nghề: Tây An, Tây Sơn, Đông Cơ, Nam Hà và khu du lịch sinh thái cồn Vành diện tích gần 2.000ha đạt hiệu quả khá. Trên 5.000ha bãi bồi ven biển được quy hoạch, sử dụng nuôi trồng thủy hải sản là một trong những nguồn lợi đã và đang khai thác hiệu quả ngày càng khả quan…
Năm 2017, Tiền Hải có 27/34 xã đạt chuẩn quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Các tổ chức chính trị - xã hội, văn hóa, giáo dục đều có bước phát triển đáng kể. Là huyện đầu tiên 100% xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế cơ sở. Toàn huyện có 89/101 trường học đạt chuẩn quốc gia. Hộ đói nghèo giảm từ 10,3% năm 2008 xuống 3,68% năm 2017. Tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh đạt trên 85%; công tác an ninh, quốc phòng luôn giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm…
Những con số được đánh giá giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện 2015 - 2020 tuy chưa đủ tiềm lực để làm nên một nền kinh tế cấp huyện giàu mạnh. Nhưng dẫu sao nó cũng là nền tảng vững chắc, tự tin cho Tiền Hải đi tiếp vào thời kỳ phát triển mới.
Nguyễn Văn Giang, Bí thư Huyện ủy Tiền Hải cho biết thêm: Trên cơ sở thành tựu đã đạt được, những năm tới Tiền Hải tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác xây dựng hệ thống chính trị, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, tham ô, tư lợi. Tiếp tục khai thác có hiệu quả những điều kiện tiềm năng, những thuận lợi để tập trung phát triển kinh tế - xã hội. Những cơ hội lớn chúng tôi sẽ đón nhận và xúc tiến triển khai thực hiện, trong đó khu kinh tế Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có 16 xã của huyện Tiền Hải. Hai là tuyến đường bộ ven biển đi qua huyện Tiền Hải sẽ kết nối giao thông hành lang ven biển Bắc Bộ. Đây là điều kiện để mở rộng quỹ đất cho đầu tư sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên biển của các địa phương có tuyến đường đi qua. Tạo thuận lợi trong xử lý các tình huống cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với thiên tai, với biến đổi khí hậu và tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh khu vực ven biển. Khu du lịch cồn Vành đã được tỉnh quy hoạch, có nhiều tiềm năng thu hút các nhà đầu tư. Từ những hiện thực khả quan đó, cùng với ý chí quyết tâm, Tiền Hải phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội do Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVII đề ra.
Tiền Hải phấn đấu đến năm 2020, tổng giá trị sản xuất tăng 1,8 lần so với năm 2015. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm tăng 12% trở lên. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng 4,2%/năm. Sản xuất công nghiệp, xây dựng tăng 17,4%/năm. Giá trị sản xuất dịch vụ tăng 9,1%/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 50 triệu đồng trở lên. Giữ vững đạt chuẩn quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011 - 2020. Phấn đấu đến năm 2020 có 95% trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 3%. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, hoàn thành tốt công tác quân sự, quốc phòng địa phương. Đến hết tháng 6/2019 có 100% các xã trong huyện hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Huyện đạt chuẩn quốc gia về xây dựng nông thôn mới năm 2019…
Những con số chỉ tiêu tuy nằm gọn trong trang giấy, nhưng để đi tới cái đích của nó là một “núi công việc” Tiền Hải đang phải làm.
Để đạt được các mục tiêu chiến lược trên. Trước hết, Tiền Hải bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội sát với quy hoạch của trung ương, của tỉnh trên địa bàn huyện và đẩy mạnh tiến độ triển khai thực hiện, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế để phát triển nhanh, chắc, bền vững. Đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, khuyến khích thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp quy mô lớn theo tiêu chuẩn VietGAP. Phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, nuôi trồng thủy sản công nghệ cao. Đẩy mạnh khai thác đánh bắt xa bờ, phát triển các dịch vụ sản xuất ngư cụ tại chỗ, sửa chữa đóng tàu, chế biến, bao tiêu sản phẩm. Khuyến khích phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển làng nghề, sử dụng tối đa nguồn lao động tại chỗ. Ưu tiên các doanh nghiệp và các tập đoàn kinh tế lớn, công nghệ cao, có vốn đầu tư nước ngoài. Mở rộng các khu công nghiệp và cụm công nghiệp mới. Khai thác có hiệu quả diện tích bãi bồi ven biển. Tập trung thi công các công trình trọng điểm, xây dựng trung tâm khu hành chính huyện, hệ thống đường giao thông trục chính. Hoàn thiện các công trình thủy lợi, giao thông nông thôn và các mục tiêu xây dựng nông thôn mới toàn huyện vào năm 2019. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao. Đẩy mạnh các loại hình dịch vụ, thương mại, du lịch biển, du lịch sinh thái. Tăng cường cơ sở vật chất khoa học công nghệ, kỹ thuật theo hướng hiện đại. Thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Bí thư Huyện ủy Tiền Hải Nguyễn Văn Giang nhấn mạnh, giải pháp cuối cùng cần phải thực hiện tốt việc sắp xếp tổ chức, tinh giản biên chế theo tinh thần nghị quyết của Trung ương và sự chỉ đạo của tỉnh, bảo đảm tinh gọn, hiệu quả. Đồng thời, tiếp tục đổi mới cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, xây dựng bộ máy chính quyền nhân dân thực sự trong sạch, vững mạnh…
Có thể nói đó là những giải pháp khả thi. Nhưng để đi tới cái đích khả thi ấy, có thể cản trở bất thường vẫn đang ở phía trước. Thiên nhiên vốn khắc nghiệt, với một vùng quê biển chưa biết điều gì sẽ xảy ra. Cũng như ý kiến nhận xét của đồng chí Bí thư Huyện ủy, đồng thuận cùng chúng tôi. Cái mốc 10 năm trước Tiền Hải chưa giàu. 10 năm trở lại đây, Tiền Hải cũng chưa giàu. Nhưng cái mục tiêu dân giàu, huyện mạnh luôn là khát vọng cháy bỏng. Với những thành tựu đã đạt được, cùng với niềm tự hào về con người nơi đây, lại được quyết tâm cao của Đảng bộ và nhân dân trong huyện, chắc chắn Tiền Hải sẽ vượt qua thử thách, khó khăn, vươn lên, trở thành một huyện giàu mạnh, văn minh.
Sau buổi làm việc ở huyện đường Tiền Hải, theo con đường trải nhựa phẳng phiu, uốn lượn, chiếc xe băng băng đưa chúng tôi ra thăm một làng mới nơi giáp chân sóng. Dừng lại bên một con đê cũ, dấu tích còn lại của thời Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ khai mở ra đất Tiền Châu. Nơi người đã lập sớ tấu trình lên triều đình Minh Mạng xin thành lập ra huyện Tiền Hải. Vậy mà đã 190 mùa xuân đi qua. Vùng đất ngày ấy nay là những khu công nghiệp, công trường, nhà máy, những cánh đồng xanh, những làng quê sầm uất… Đứng trên cái mốc con đê Nguyễn Công Trứ quai đắp năm xưa, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Giang hướng tầm mắt ra phía những con sóng bạc đầu ngoài biển, bộc bạch: Cứ cái đà tiến ra biển và quyết tâm cao, có thể một ngày nào đó Tiền Hải sẽ có thêm những khu kinh tế, đô thị mới sầm uất ra đời.
Niềm tin từ đồng chí Bí thư Huyện ủy Tiền Hải lan truyền sang chúng tôi một cảm giác hiện thực. Tuy nhiên, để ra đời thêm một Tiền Hải mới, còn phải vượt qua quãng thời gian bồi tụ của tạo hóa. Còn phải vượt qua muôn vàn thử thách khó khăn. Nhưng khó khăn như thời Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ dùng sức người “cõng đất” cơi đê còn lập ra một vùng quê mới. Chúng tôi tin các thế hệ người Tiền Hải nhất định cũng sẽ làm được. Ngày ấy, một huyện Tiền Hải mới nơi chân sóng sẽ lại ngân vang khúc hát về những người đi mở đất hôm nay.
Minh Chuyên
Tin cùng chuyên mục
- Về nơi thành lập Tỉnh đội Dân quân Thái Bình 09.12.2024 | 10:13 AM
- Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn: Nguồn cảm hứng về tinh thần hiếu học 06.10.2024 | 17:20 PM
- Lời thề yêu nước 09.07.2024 | 10:56 AM
- Hoàng Kỳ - người chiến sĩ cộng sản kiên trung 30.06.2024 | 23:35 PM
- Ký ức hào hùng của chiến sĩ Điện Biên 05.05.2024 | 19:35 PM
- Hai cây đại cổ - linh hồn của làng quê Đồng Thanh 26.04.2024 | 13:47 PM
- Gắn kết hai vùng quê danh tướng 03.04.2024 | 10:07 AM
- Người cầm cờ trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 15.12.2023 | 17:48 PM
- Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có 25.10.2023 | 09:01 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiền Hải: Phát huy truyền thống, phấn đấu vươn xa 06.10.2023 | 08:48 AM
Xem tin theo ngày
- Khen thưởng 12 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác văn phòng cấp ủy
- Công bố quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác cán bộ
- Hội nghị Chính phủ với chính quyền địa phương
- Không ngừng nghỉ trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực
- Họp Tiểu ban Nhân sự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI
- Chính thức khởi động cuộc thi trắc nghiệm trên internet tìm hiểu “Lịch sử Đảng bộ, lịch sử tỉnh Thái Bình”
- An Ninh: Khánh thành Trung tâm giáo dục cộng đồng
- Gắn thực hiện nhiệm vụ của ngành kiểm sát với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương
- Đảng ủy Quân khu 3: Ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và xây dựng Đảng bộ năm 2025
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri thành phố Thái Bình