Thứ 4, 08/01/2025, 23:38[GMT+7]

Hạ Đồng: Miền quê huyền diệu

Thứ 4, 17/10/2018 | 08:31:54
5,960 lượt xem
Hàng năm, cứ từ ngày 10 - 12/9 âm lịch, du khách khắp nơi lại náo nức trở lại miền quê Hạ Đồng, xã Thụy Sơn (Thái Thụy) để tham gia lễ hội truyền thống của làng, cầu cho “phong điều vũ thuận, quốc thái dân an”. Tại đây có một quần thể các đền thờ được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia từ năm 1990, cũng là nơi khai thác, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự tôn dân tộc cho các thế hệ người Việt Nam.

Đền thờ Mẫu Cống Nương hoàng phi (xã Thụy Sơn, huyện Thái Thụy).

Theo truyền thuyết, tổ khai cơ vùng đất phía Tây Bến Tuần (nay thuộc xã Thụy Liên) là cụ Mai Công Phúc - thân bào của phò mã Mai An Tiêm đời Hùng Vương. Cụ Mai Công Phúc quê vùng Đường Hào, bộ lạc Dương Tuyền (nay thuộc Mỹ Hào, Hưng Yên), là bậc đại nhân, đại từ được Thục An Dương Vương mời về thành Cổ Loa ban cho tước lộc. Vì ước vọng dân có ruộng cày, khai hóa biên cương khắp vùng biên ải nên cụ đã xin vua đi tuần du khắp các vùng thuộc Hải Dương, Thái Bình, Nam Định và cả bộ Cửu Chân (Thanh Hóa). Khi tới cửa Thù Nương, thấy có dải đất phù sa sát sông gần biển nhưng cao ráo đã dâng sớ xin dẫn con em đi khai hoang mở đất. Theo tấm mộc bài tìm được tại cánh đồng Đa Bối, thôn Bái Thượng, xã Thụy Phúc khắc năm Triệu Long thứ 12 (1269) thì cửa Thù Nương xưa là cửa Trà Linh nay. Được vua chuẩn tấu, quan Lạc tướng họ Mai lên Phong Châu, về Đường Hào vào Cửu Chân gọi con cháu họ Mai, ngoại tộc họ Hà quy tập về mở ấp vùng hà lưu sông đặt tên là Hạ Động (nay là Hạ Đồng). Chỉ qua vài năm, mấy trăm mẫu đất được phát quang, đất chua mặn thành mật điền, đời sống của dân được nâng lên. Sau khi Mai Lạc tướng tạ thế, nhân dân làng Hạ Động tiếc thương vô hạn, lo hậu sự chu đáo và được vua Lê Cảnh Hưng phong là “Tuế thờ tự vân hành vũ thứ thiên quan hộ quốc cứu dân thượng đẳng tôn thần”, được thờ tại đền Hạ Đồng và là thành hoàng của làng.

Nét nổi bật, điểm nhấn trong lễ hội của miền quê Hạ Đồng là phần lễ và phần hội tại đền Mẫu Hạ Đồng (Ngọc Động từ) nơi thờ Mẫu Cống Nương hoàng phi. Theo các văn tự lưu giữ tại đền và tư liệu truyền khẩu trong làng, ngoài xã thì Cống Nương là trưởng nữ của cụ Nguyễn Công, quê làng Hạ Động nếp nhà thuần hậu tổ phụ nối đời tu nhân tạo phúc, ân đức trùm một vùng. Nguyễn Công rất yêu con gái và dạy con đúng đạo, truyền đủ nghề, lớn lên xinh đẹp vô cùng. Bấy giờ vua An Dương Vương đi tuần thú đến làng Hạ Động thấy có người con gái có sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành ngỏ lời xin đón về cung và phong làm Hoàng phi. Hoàng phi sinh được hoàng tử đặt tên là Công Uy, lớn lên hoàng tử được vua cha cho Cao Lỗ truyền võ nghệ và quan Lạc hầu dạy nghi lễ, hoàng tử học một biết mười. Bấy giờ Triệu Đà cất quân xâm lược nước ta, bị vua An Dương Vương đem nỏ thần đánh cho đại bại, Triệu Đà mang biểu xin cầu hòa, dạm hỏi công chúa Mị Châu cho Trọng Thủy. Vua hỏi hoàng tử Công Uy, hoàng tử thưa trước điện: “Hai nước hiếu hòa thì tốt, hai nhà thông gia thì được, còn cho thái tử nước người làm rể thực chất chẳng khác gì đưa thám mã vào nhà, phúc họa khó lường...”. Sau khi thất thủ, An Dương Vương cùng con gái chạy trốn, hoàng tử Công Uy sai người đưa mẹ về lánh nạn tại Hạ Động rồi đem quân đi bảo vệ vua cha. Khi tới cửa bể Quỳnh Lưu thì được tin vua cha đã trẫm mình, hoàng tử cũng định nhảy xuống biển tự tử nhưng rồi nghĩ đến mẫu thân nên làm lễ cúng vua cha rồi rút quân về Hạ Động. Trong một trận giao tranh ác liệt với quân của Trọng Thủy, quân lính của hoàng tử bị chết vô số trên cánh đồng Hạ Động, hoàng tử Công Uy liền thét lên: “Nước mất, con vua sao còn có thể sống, ta theo phụ hoàng đây” rồi rút gươm tuẫn tiết. Nước mất, nhà tan, để giữ trọn tiết khí Hoàng phi Cống Nương đã dùng liều độc dược tự vẫn vào ngày 12 tháng 9 năm Đinh Mùi. Nhân dân miền Hạ Đồng tiếc thương, ghi nhớ công lao của bà mà lấy đó làm ngày hội làng. Còn hoàng tử Công Uy, sau khi mất được tôn thờ là Đức Thánh, nhân dân thờ tự tại đền Đông, thôn Ngọc Thanh, xã Thụy Sơn.

Nằm trong quần thể các di tích diễn ra lễ hội, không thể không nhắc đến đền thờ Công thần hộ quốc Đặng Công Kỳ. Đặng Công Kỳ người Hạ Động, đậu cử nhân võ trong niên hiệu Cảnh Hưng, từng làm võ quan giữ tuần An Lệnh cửa Diêm Điền sau được thăng chức Quản Bưu Đình (1787). Phò tá vương triều Hậu Lê, ông có nhiều công lao trong việc ổn định triều đình, nhất là xử lý việc dung hòa giữa vua Lê, chúa Trịnh; kịch liệt lên án, tố cáo việc tham nhũng, đục khoét của các quan lại triều đình.

Tháng 6 năm Bính Ngọ (1786), vua Lê Hiển Tông băng hà, Lê Chiêu Thống được nối ngôi. Khi đó, theo lệnh trung ương Hoàng đế Nguyễn Nhạc, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đem công chúa Ngọc Hân trở về Nam nên Bắc Hà rối loạn, Trịnh Bồng trở lại ép Lê Chiêu Thống phong vương, đất nước rơi vào cảnh chiến tranh nội bộ. Ngày 10/7 năm ấy, trong trận chiến không cân sức, tướng quân Quản Bưu Đình được gọi hàng, ông thét lớn: “Tôi trung bất phò nhị chúa” rồi khoác áo xông vào tử chiến. Đời Nguyễn khen ông là bậc “Giúp nước, cứu dân” năm Thành Thái thứ 4 và Khải Định thứ 9 có sắc phong thần liệt quan Quản Bưu Đình “Hộ quốc cứu dân, lầm trước linh ứng, dực bảo trung hưng tôn thần”.

Video: ha_dong_huyen_thoai_mot_mien_que_2_web_181018.mp4

 


Ông Lê Văn Hạnh, phó ban quản lý khánh tiết, lễ giáo đền Mẫu Hạ Đồng, xã Thụy Sơn, huyện Thái Thụy
Đền Mẫu Hạ Đồng thờ thánh Mẫu Cống Nương hoàng phi, người đã dạy cho nhân dân chúng tôi nghề cấy lúa, trồng ngô, bắt cá... từ cách đây hơn 2.000 năm, giúp cho cuộc sống của cư dân miền ven biển này ngày thêm sung túc. Trong ngôi đền cổ kính này, tòa Đệ Nhị và tòa Đại Bái còn nguyên vẹn có niên đại hơn 800 năm. Hàng năm, nhân dân trong làng đều mở hội với rất nhiều nghi lễ trang nghiêm và hoạt động vui chơi giải trí vui vẻ, lành mạnh để bà con gần xa về chung vui cũng như để tri ân đức Thánh Mẫu.

Cụ Lê Xuân Tặng, 89 tuổi, thôn Ngọc Thanh, xã Thụy Sơn, huyện Thái Thụy
Trong quần thể di tích miền Hạ Đồng, du khách về thăm không thể không đến thăm đền Đông, nơi thờ hoàng tử Công Uy, người con trai của Cống Nương hoàng phi và vua An Dương Vương. Ngay phía sau đền thờ là ngôi mộ của hoàng tử Công Uy. Chính nơi này cách đây hơn 2.000 năm hoàng tử đã tuẫn tiết không để mình rơi vào tay của bọn giặc Trọng Thủy, giữ trọn uy danh. Đó là truyền thống anh hùng tốt đẹp của các bậc tiền nhân được chúng tôi luôn gìn giữ, trao truyền và giáo dục con cháu noi theo.

Bà Lê Thị Then, thôn Ngọc Thanh, xã Thụy Sơn, huyện Thái Thụy
Miền Hạ Đồng chúng tôi có 5 di tích lịch sử còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Ngày hội làng vào dịp mùa thu luôn được người dân địa phương, mọi người con xa quê cũng như du khách thập phương háo hức, phấn khởi đón chờ. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cộng với sự chung tay của các tầng lớp nhân dân, các di tích lịch sử đều được bảo tồn, phát huy phục vụ đời sống tinh thần của cộng đồng. Ngoài sự hỗ trợ của nhà nước, nhân dân đóng góp, chúng tôi mong muốn quý khách thập phương phát tâm công đức để bảo tồn, tôn tạo, nâng cấp các công trình lịch sử, văn hóa ngày càng khang trang hơn.


Phan Anh - Khắc Duẩn 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày