Một người con siêu phàm
Nguyễn Văn Cẩm, người làng Ngọc Đình, tổng Hà Lý, huyện Duyên Hà, phủ Tiên Hưng, nay thuộc xã Văn Cẩm, huyện Hưng Hà. Vốn có tư chất thông minh từ nhỏ, lại được cha là thầy đồ Tỵ truyền dạy chữ Hán sớm. Chưa đầy 8 tuổi, Nguyễn Văn Cẩm dự thi khảo khóa chuẩn bị cho kỳ thi hương tại Nam Định, đạt loại ưu, được quan đốc học trình tấu về triều. Vua Tự Đức thấy lạ bèn ban chỉ dụ đặt cho tên Kỳ, cấp cho mỗi tháng ba quan tiền, một phương gạo, áo quần mỗi thứ hai cái, mỗi năm một lần. Từ đó trong dân gian đã truyền gọi Nguyễn Văn Cẩm là Kỳ Đồng.
Tương truyền cậu bé Cẩm (Kỳ Đồng) còn nổi tiếng là một thầy lang giỏi, lại có thể tàng hình, xuất nhập theo ý muốn. Nghe tin đồn thổi, những người hiếu kỳ xa gần tìm đến nhà cậu xem hư thực thế nào ngày một thêm đông. Thế rồi, người ta đưa rước cậu như một đấng siêu phàm và loan tin Kỳ Đồng là hậu thân của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tái sinh nhập thế, giúp dân cứu nước.
Ngày 27/8/1887 (Kỳ Đồng 13 tuổi), dân chúng tổ chức một đám rước kiệu, đưa Kỳ Đồng về thành Nam Định, nêu danh “thánh nhân cứu thế” nhằm tạo dựng một thủ lĩnh chống Pháp hư hư, thực thực. Công sứ Pháp Brie ở Nam Định ra lệnh nổ súng thị uy, giải tán đám rước. Những người tham gia đám rước bị bắt, hầu hết bị đưa đi lưu đày ở Côn Đảo. Kỳ Đồng được chính phủ Pháp cấp học bổng cho đi du học tại An-giê-ri, bấy giờ đang là thuộc địa của Pháp với ý đồ đào tạo nhân tài bản xứ phục vụ lâu dài cho chính phủ bảo hộ.
Tháng 10/1887, Kỳ Đồng vào trường trung học Lu-i-lơ-grăng. Sau 9 năm học, vị thần đồng đất Việt này đã tốt nghiệp tú tài khoa học toàn phần (toán, văn, triết) vào tháng 9 năm 1896. Trong những năm học ở An-giê-ri, Kỳ Đồng đã có quan hệ thân thiết với cựu hoàng Hàm Nghi cùng độ tuổi, đang bị lưu đày ở đó và ông đã kết thân với họa sĩ Go-ganh, một đại danh họa nổi tiếng của Pháp. Sau khi tốt nghiệp, ông đã có một thời gian làm việc trên một tàu hải quân của Pháp.
Với chủ ý sử dụng Kỳ Đồng vào bộ máy chính quyền thuộc địa nên người Pháp đã đưa ông về Việt Nam. Chung cục, thực tế đã diễn ra hoàn toàn ngược lại. Kỳ Đồng từ chối lời mời làm quan của Pháp, ông xin chính phủ bảo hộ cho mở đồn điền khai hoang ở huyện Yên Thế (Bắc Giang), nằm cận kề với căn cứ địa của Hoàng Hoa Thám (1854 - 1913).
Với Kỳ Đồng việc mở đồn điền ở Yên Thế chính là để tìm cách bắt liên lạc với Hoàng Hoa Thám, để giúp đỡ Hoàng Hoa Thám chống Pháp. Tại một khu đất rộng, nay thuộc hai xã Đồng Kỳ và Hồng Kỳ của huyện Yên Thế, Kỳ Đồng đã cho lập nên “Thất diệu đồn điền”, dân chúng từ đồng bằng đến trung du tìm về theo Kỳ Đồng rất đông. Các nguồn tư liệu lưu trữ đã cho biết: trong thời gian xây dựng đồn điền, Kỳ Đồng đã bắt liên lạc với Hoàng Hoa Thám và giúp Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân Yên Thế về người, tiền của và cả tinh thần.
Đương nhiên, những hoạt động này của Kỳ Đồng không thể lọt qua được con mắt theo dõi của mật thám Pháp. Chiều ngày 21/9/1897, Kỳ Đồng đã bị bắt khi kẻ thù phát hiện thấy ông và người nhà đang vận chuyển vũ khí. Tòa án quân sự của chính phủ bảo hộ đã kết án ông phải lưu đày chung thân ở hải ngoại. Đầu năm 1898, Kỳ Đồng bị đưa tới đảo Nu-ven Ca-lê-đô-ni, sau đưa sang đảo Ta-hi-ti, cuối cùng đày tới quần đảo Ma-ki đang thuộc Pháp ở Thái Bình Dương cho tới lúc ông qua đời vào ngày 17/7/1929 khi đang ở tuổi 54.
Cho đến nay, chưa có tài liệu nào công bố một cách tường tận về hành trạng và gia cảnh của Kỳ Đồng trong hơn 30 năm lưu đày. Nhiều tài liệu cho biết, ông đã lấy vợ là một nữ y tá gốc Pháp và sinh sống bằng nghề sản xuất, kinh doanh tân dược.
Đầu tháng 9/2004, đúng vào dịp Quốc khánh của Việt Nam, hậu duệ của Kỳ Đồng đã về Việt Nam và tìm về thắp hương tại phần mộ thân phụ và thân mẫu của Kỳ Đồng tại xã Văn Cẩm, huyện Hưng Hà.
Vào dịp ấy, trên tờ Việt Báo đã đăng bài “Gặp hậu duệ nhà yêu nước Kỳ Đồng”. Theo tác giả của bài báo này thì hậu duệ của Kỳ Đồng hồi hương vào dịp đó gồm năm người: hai cháu nội, hai chắt nội và một cháu dâu của Kỳ Đồng. Tác giả bài báo còn cho biết khá rành rọt về nếp cảm, nếp nghĩ của cháu chắt Kỳ Đồng: “Ông Charles, cháu nội nhà yêu nước, năm nay đã 71 tuổi, thay mặt cụ thân sinh đã 101 tuổi đang phải ngồi xe lăn không về được, cùng với những người thân của mình tìm về cố hương sung sướng trào nước mắt trong vòng tay thân thiết của bà con cả làng đón tiếp những đứa con trở về từ phương xa. Xúc động chỉ vào mạch máu trên cánh tay mình, ông nói: “Đây là tiếng gọi của máu, máu của ông tôi đang chảy trong huyết quản của tôi”. Tình cảm thiêng liêng và sâu nặng ấy giục giã ông nói lên những lời xúc động trước thầy trò Trường Kỳ Đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh trong buổi gặp mặt: “Cây không thể lớn lên nếu không có rễ ăn sâu xuống lòng đất. Rễ ở đây là ông nội chúng tôi, cụ Kỳ Đồng và mảnh đất rễ ăn sâu vào là quê hương, đất nước mà hôm nay chúng tôi được trở về”… Những lời gan ruột đó được nói bằng tiếng Pháp, nhưng rào cản về ngôn ngữ không hề ngăn cách dòng chảy của những giọt máu chuyển về tim.
Anh Reid Heinui, chắt nội nhà ái quốc, nói trong bữa cơm thân mật: “Cây thế nào thì quả thế ấy, tôi tự hào để nói lên điều này và sẽ cố gắng làm sao cho xứng đáng với cụ cố của chúng tôi”. Đưa bàn tay mân mê chiếc lá sen gói cơm và cánh hoa sen đặt bên cạnh, Reid cũng như những người thân bồi hồi xúc động khi được cho biết đây là loại hoa có mặt ở tất cả các miền Bắc, Trung, Nam của Tổ quốc mình, được cả sắc lẫn hương! Reid nói: “Bông hoa như một trái tim hồng, trái tim đó đang đập trong ngực tôi, trong đó nuôi dưỡng hình ảnh cụ cố của tôi, cụ Kỳ Đồng”…
Đẹp thay, những người mang dòng máu Kỳ Đồng vốn không được sinh ra ở Việt Nam, chưa từng được sống ở Việt Nam, không nói được tiếng Việt mà lại sống, lại nói đúng với đạo lý của người Việt Nam: “Máu chảy về tim”, “Cây có cội, nước có nguồn”, “Cây nào quả ấy”…
Là một thần đồng, một nhà yêu nước, vừa giỏi chữ Hán, vừa thạo tiếng Pháp, Kỳ Đồng còn là một nhà thơ, nhà báo, nhà viết kịch tài hoa. Ngoài những bài thơ khơi dậy và cổ súy lòng yêu nước vẫn được truyền tụng trong dân gian thì vở hài kịch “Những cuộc tình của một họa sĩ già ở quần đảo Marquises” của ông là một trong những tác phẩm nổi tiếng viết về thiên tài Gô-ganh, từng được giới nghiên cứu sân khấu đánh giá là “thấp thoáng bóng dáng hề chèo đồng bằng Bắc Bộ”.
Kỳ Đồng là một người xuất chúng bởi ông đã trở thành “người Việt Nam đầu tiên” ở nhiều lĩnh vực. Ví như: người Việt Nam đầu tiên đi du học 9 năm ở châu Phi; người Việt Nam đầu tiên có bằng tú tài khoa học toàn phần (toán, văn, triết); người Việt Nam đầu tiên có bằng huấn luyện viên thể dục; cũng lại là một doanh nhân Việt Nam đầu tiên đã bào chế và kinh doanh tân dược ở nước ngoài và hơn cả thế là một nhà yêu nước Việt Nam đầu tiên bị lưu đày ở nước ngoài lâu nhất…
Cuộc đời, hành trạng và sự nghiệp của Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm thật diệu kỳ và thấm đẫm sắc màu huyền thoại. Tại nơi ông mở đồn điền, người dân đã tôn ông là bậc Thánh. Đền thờ Thánh Kỳ Đồng ở động Thiên Thai thuộc xã Hồng Kỳ, Yên Thế (Bắc Giang) đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành trong nước đã có tên đường, tên trường mang tên Kỳ Đồng.
Là một nhà yêu nước diệu huyền, Kỳ Đồng đã vì nước quên thân, vì nước mà bị lưu đày ở hải ngoại đến mãn đời, để rồi gần một trăm năm sau, hồn cốt vẫn đang phải phiêu diêu ở một xứ sở xa xăm.
Từ nhiều năm qua, các thế hệ hậu duệ của Kỳ Đồng vẫn có nguyện vọng đưa hài cốt của ông về Việt Nam. Hẳn là, nguyện vọng đó sẽ sớm trở thành hiện thực vì gần đây Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Ngoại giao báo cáo Ban Bí thư xin chủ trương về việc tiếp nhận hài cốt Kỳ Đồng về nước an táng tại huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang.
Diệu huyền thay, Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm, một người con của Thái Bình, một thần đồng xuất chúng vì yêu nước mà phải “sống nhờ đất khách, thác chôn quê người”. Lại cũng diệu huyền thay, sau khi hóa thân tới 90 năm phần thiêng của ông đã sắp được trở về với lòng đất Việt.
Nguyễn Thanh
(Vũ Quý, Kiến Xương)
Tin cùng chuyên mục
- Về nơi thành lập Tỉnh đội Dân quân Thái Bình 09.12.2024 | 10:13 AM
- Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn: Nguồn cảm hứng về tinh thần hiếu học 06.10.2024 | 17:20 PM
- Lời thề yêu nước 09.07.2024 | 10:56 AM
- Hoàng Kỳ - người chiến sĩ cộng sản kiên trung 30.06.2024 | 23:35 PM
- Ký ức hào hùng của chiến sĩ Điện Biên 05.05.2024 | 19:35 PM
- Hai cây đại cổ - linh hồn của làng quê Đồng Thanh 26.04.2024 | 13:47 PM
- Gắn kết hai vùng quê danh tướng 03.04.2024 | 10:07 AM
- Người cầm cờ trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 15.12.2023 | 17:48 PM
- Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có 25.10.2023 | 09:01 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiền Hải: Phát huy truyền thống, phấn đấu vươn xa 06.10.2023 | 08:48 AM
Xem tin theo ngày
- Khen thưởng 12 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác văn phòng cấp ủy
- Công bố quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác cán bộ
- Hội nghị Chính phủ với chính quyền địa phương
- Không ngừng nghỉ trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực
- Họp Tiểu ban Nhân sự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI
- Chính thức khởi động cuộc thi trắc nghiệm trên internet tìm hiểu “Lịch sử Đảng bộ, lịch sử tỉnh Thái Bình”
- An Ninh: Khánh thành Trung tâm giáo dục cộng đồng
- Gắn thực hiện nhiệm vụ của ngành kiểm sát với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương
- Đảng ủy Quân khu 3: Ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và xây dựng Đảng bộ năm 2025
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri thành phố Thái Bình