Thứ 5, 09/01/2025, 14:36[GMT+7]

“Ông chủ lớn” trên đồng ruộng

Thứ 4, 05/12/2018 | 08:56:42
1,740 lượt xem
Những “ông chủ” thuê hoặc mượn ruộng để sản xuất hàng hóa quy mô lớn không còn là chuyện xa lạ ở nhiều địa phương trong thời gian gần đây. Ông Hoàng Văn Hòe, thôn Phúc Hạ, xã Vũ Phúc (thành phố Thái Bình) là một trong những người như thế.

Mô hình đã tạo việc làm thường xuyên cho 10 - 20 lao động.

Sự phát triển của công nghiệp khiến những mảnh ruộng của xã Vũ Phúc trước kia vốn là “bờ xôi ruộng mật” trở nên xơ xác, tiêu điều. Người dân có việc làm mới với mức thu nhập ổn định nên lơ là, chểnh mảng, thậm chí bỏ hoang đồng ruộng để cỏ mọc um tùm. 

Nhưng từ 5 năm nay, những mảnh ruộng ấy được hồi sinh bởi sự quyết tâm, nỗ lực không ngừng nghỉ của ông Hòe. Sinh ra và lớn lên với nghề nông, thấu hiểu sự vất vả, cực nhọc, ông Hòe cũng từng ly nông, đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc. Trở về nước với số vốn tích lũy được, ông xây dựng chuồng trại, chăn nuôi lợn theo hình thức tập trung quy mô lớn để phát triển kinh tế. Năm 2013, vợ chồng ông Hòe quyết định thuê của các hộ dân khoảng 30 mẫu ruộng bỏ hoang để sản xuất hàng hóa. 

Nhớ lại quãng thời gian vật lộn với từng tấc đất, ông Hòe tâm sự: Nhìn thấy những mảnh ruộng ngay trục chính đường giao thông nội đồng, thuận tiện tưới, tiêu bị bỏ hoang tôi thấy không đành. Khi bắt tay vào gom ruộng, tôi nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ rất nhiều từ chính quyền xã trong vận động người dân cho thuê ruộng, năm đầu tôi tập trung khai hoang, cải tạo, chưa thể sản xuất được nên họ cho tôi mượn không. Những năm sau tôi trả 200.000 - 500.000 đồng/sào/năm tùy từng chân ruộng. Từ năm 2016, tôi thuê thêm được 30 mẫu, mở rộng diện tích sản xuất lên 60 mẫu, canh tác 2 vụ lúa, 1 vụ màu, ký kết hợp đồng với thương lái để có định hướng trong sản xuất. Tôi đã đầu tư gần 2 tỷ đồng mua 2 máy gặt, 1 máy cấy, 3 máy làm đất để phục vụ sản xuất. Vụ đông này, tôi trồng 1,5 mẫu bí xanh; 1,7 mẫu dưa chuột; 2,7 mẫu ngô; còn lại là khoai tây. Trong đó, Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho 2,7 mẫu ngô để thực hiện mô hình khảo nghiệm, 50% chi phí mua phân bón, giống cho trên 10 mẫu khoai tây. Đến nay, bí xanh đã cho thu hoạch lứa đầu được 1,5 tấn.

Khi được hỏi về thu nhập, ông Hòe khiêm tốn chia sẻ: Thời gian đầu do chi phí đầu tư lớn nên trung bình mỗi năm tôi thu lãi được khoảng 100 triệu đồng. Năm nay, khi sản xuất bước vào ổn định thì vụ mùa bị chuột phá hại nhiều. Riêng 13,5 mẫu cấy lúa theo phương pháp hữu cơ, sử dụng phân bón hữu cơ Ong Biển theo chương trình hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến cho thu hoạch trên 2 tạ/sào nhưng cuối vụ bị chuột cắn phá gần như không được hạt thóc nào. Hy vọng vào vụ đông này thời tiết thuận lợi, thị trường ổn định để bù lại.

Không chỉ giải quyết bài toán bỏ ruộng, mô hình tập trung ruộng đất của ông Hòe còn tạo việc làm thường xuyên cho 10 - 20 lao động, cao điểm lên tới 30 người với thu nhập 150.000 đồng/ngày. Dù hiệu quả sản xuất chưa thực sự ổn định song mô hình tập trung ruộng đất của ông Hòe đã mang lại “làn gió mới” làm thay đổi nhận thức của người dân nơi đây. Tuy nhiên, không chỉ riêng ông Hòe mà nhiều cá nhân thực hiện tập trung ruộng đất vẫn canh cánh những tâm tư. Muốn nâng cao giá trị không còn cách nào khác ngoài hướng xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nhưng thời gian thuê đất có hạn trong khi đầu tư ban đầu lớn, cần có thời gian dài để thu hồi vốn, sinh lợi nhuận.

Mô hình tập trung ruộng đất của ông Hòe góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân.

Để xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa, tập trung cần xóa bỏ tư duy sản xuất manh mún, chụp giật. Những nông dân gom ruộng làm giàu như ông Hoàng Văn Hòe đã và đang cho thấy những thay đổi trong nhận thức của nông dân về sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, những mô hình tập trung ruộng đất như trên rất cần sự quan tâm, động viên bằng những chính sách hỗ trợ kịp thời, hiệu quả.


Lưu Ngần

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày