Thứ 6, 03/05/2024, 01:08[GMT+7]

Cựu chiến binh Nguyễn Chiến Tuổi cao, chí càng cao

Thứ 5, 15/12/2011 | 16:28:06
2,203 lượt xem
Với ông Chiến, thành công nhiều song thất bại cũng không ít, điều đáng quý ở người lính Cụ Hồ này là biết đứng dậy sau vấp ngã, nuôi chí bền đưa gia đình thoát nghèo, nuôi dạy con cái thành người hữu ích cho xã hội. Ông chính là Nguyễn Chiến, thôn Văn Ông Đông, xã Đông Vinh, huyện Đông Hưng.

Ông chưa phải là người làm kinh tế có doanh thu hàng trăm triệu đồng, nhưng ông đã từng là người tiên phong đưa những giống con mới vào chăn nuôi.

Chiến đấu thắng đói nghèo

 

Mười sáu tuổi nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên Nguyễn Chiến vai khoác ba lô lên đường diệt giặc thù. 16 năm 8 tháng  chiến đấu ở các chiến trường nước bạn Lào và chiến trường miền Namon>. Nước nhà hoàn toàn độc lập, bệnh binh 2 Nguyễn Chiến vẫn làm tốt vai trò trưởng ban tài vụ Sư đoàn 316.

 

Được 3 năm, anh xin nghỉ chế độ về quê phụng dưỡng bố mẹ già ốm đau. Bảo vệ Tổ quốc- nhiệm vụ anh đã hoàn thành, về quê báo hiếu bố mẹ âu cũng là phải đạo. ở chiến trường thì hăng hái chiến đấu với giặc thù, lúc về quê không quên lời dạy của Bác Hồ, chiến đấu với giặc đói, giặc dốt tới cùng. Cuộc chiến này cũng không kém phần cam go. Giờ đây, ngồi kể lại cho chúng tôi nghe, ông Chiến còn ngậm ngùi. Về quê, trước cảnh nhà quá nghèo, ông không nề hà làm cả những việc như buôn thúng, bán mẹt, chăn nuôi, trồng trọt chỉ để phát triển kinh tế cho gia đình. Song “người khôn, của hiếm” nên cái nghèo vẫn bám riết.

 

Thấy ông đào ao, một công ty tới tận nhà môi giới bán giống cá trê lai, hướng dẫn cách nuôi và hứa thu mua với giá “hời”. Cá trê ông nuôi bằng tép, lớn nhanh như thổi, chưa đến 2 tháng đã đạt 2-3 kg/con, cả làng kéo đến xem, trầm trồ khen ông khéo nuôi, chúc mừng ông sắp thành triệu phú. 5000 con cá trê lai, niềm hy vọng thoát nghèo của cả gia đình ông Chiến đã thành công cốc trước lời chối bỏ của công ty cung ứng giống. Tiếc của ông bắt 8 con to nhất đạp xe lên tận chợ Rặng Dừa (Thành phố Thái Bình) bán. Nào ngờ, bị mấy tên đầu gấu ở chợ giở trò, cá mất, không một xu trong túi, bụng thì đói meo, ông thất thểu ra về. Những người bạn lính nghe ông gặp nạn đã đến tìm cách bán cá giúp.

 

Sau vụ cá trê, ông ân hận lắm vì cả tin khiến gia đình lâm vào cảnh khốn đốn. Chưa hết, vụ nuôi 200 con gà thịt ISA, không tìm được mối bán, suốt ngày chúng đánh, mổ nhau lòi cả ruột khiến ông đau đầu. Thế là cả hai lần ông tiên phong nuôi cá trê lai và gà ISA, đều bị thua lỗ, tiền mất, tật mang. Buồn nhất là điều đó không phải do ông không biết nuôi mà do bị các công ty cung cấp giống lừa.

 

Hai lần thất bại, tóc đã điểm sợi bạc, ông Chiến mới nhận ra rằng: Muốn làm kinh tế giỏi phải nắm chắc khoa học kỹ thuật, ham học hỏi, tìm đúng đối tác tin cậy, chọn thời điểm xuất bán được giá nhất.  áp dụng vào 2 ao nhà, những tháng nắng ấm ông Chiến ương cá giống, gần đến mùa đông lạnh rét ông thả cá trắm thịt và rô phi đơn tính. Thức ăn cho cá là cỏ ông bà cắt quanh bờ ao và tận dụng phân gà. Trời nắng, ông lấy bèo phủ lên mặt ao hoặc làm dàn cho mát mẻ; trời lạnh, rét thì bện rơm và bùn vào bó rào thả xuống đáy ao để cá chui vào tránh rét. Với cách làm đó, cá của ông chưa bao giờ chết nóng hoặc chết rét. Tương tự như vậy, trong chuồng suốt 10 tháng nắng ấm, ông ún gà con, mỗi lứa 100 con, kéo dài một tháng, lãi khoảng trên 1 triệu đồng và 100 gà đẻ trứng, gà thịt. Ông chăm nghe đài, xem thời tiết để tránh rét, phòng dịch bệnh kịp thời, điều chỉnh chế độ ăn cho cá và gà, nhất là mùa rét. Vì thế, suốt 15 năm chăn nuôi, chưa một lần gà, cá của ông bị dịch bệnh. Những người mua gà con còn được ông Chiến hướng dẫn tỉ mỉ cách phòng dịch và chăm sóc gà. Quanh bờ ao ông trồng 200 cây chè, mỗi ngày hái dăm cân, người quanh làng đến tận nhà mua về uống, ít khi phải mang ra chợ. Ông Chiến tính nhanh, mỗi tháng cá, gà, chè mang về cho gia đình khoản lời gần 4 triệu đồng.

 

Hết lòng với công tác khuyến học

 

Trước đây, ông làm kinh tế để nuôi con ăn học, xây dựng nhà cửa, mua sắm đồ dùng trong gia đình, giờ con cái đã có nghề nghiệp ổn định, gia đình đề huề, ông vẫn tiếp tục phát triển chăn nuôi, một phần để dành lo tuổi già, phần giúp con cái, phần làm công tác khuyến học và từ thiện. Dường như càng về già, ông càng bận rộn, vừa trông các cháu, vừa chăm đàn gà, hai ao cá, làm chi hội phó chi hội Người cao tuổi và tham gia công tác khuyến học, khuyến tài của thôn. Năm nào ông cũng cùng một số cụ có tiếng nói trong làng, có con cái ăn học thành đạt đứng lên vận động nhân dân, con cái mình ủng hộ quỹ khuyến học để mua quà, tặng các cháu thi đỗ đại học, cao đẳng, các cháu học sinh giỏi. Nhờ thế, quỹ khuyến học của thôn luôn đứng đầu xã. Không nề hà đến từng gia đình vận động cho con em đi học, ông còn đến cả trường xin danh sách các cháu học sinh cá biệt về nhắc nhở, giúp đỡ kịp thời. Nếu trước đây, bà con thôn Văn Ông Đông đói ăn, đói mặc, đói cả chữ thì nay đã có trên 40 người có trình độ đại học, có năm 6 cháu đỗ đại học, trình độ dân trí và đời sống được nâng cao.

 

Đã bước sang tuổi lục tuần song vẫn ham làm giàu, hết lòng với công tác khuyến học, khuyến tài. Đó là phẩm chất tốt đẹp của người lính Cụ Hồ -Nguyễn Chiến.

Bài, ảnh: Đỗ Hiền

 

 

 

  • Từ khóa