Thứ 7, 23/11/2024, 22:24[GMT+7]

Chàng ngự lâm nhạc đỏ,

Chủ nhật, 03/02/2019 | 16:32:54
2,849 lượt xem
Trong suốt nhiều thập niên của thế kỷ trước, người yêu nhạc Việt Nam được biết đến ba chàng ngự lâm, ba cây đại thụ của nhạc cách mạng Việt Nam là các nghệ sĩ: NSND Quý Dương, NSND Trung Kiên, NSND Trần Hiếu. 20 năm qua, đã có ba chàng ngự lâm mới xuất hiện để tiếp bước con đường cha anh. Trong số đó, có một nghệ sĩ của quê hương Thái Bình, đó là NSƯT Việt Hoàn.

NSƯT Việt Hoàn và các học trò trước giờ biểu diễn.

Sinh ra và lớn lên tại thành phố Thái Bình, NSƯT Việt Hoàn vốn là “con nhà nòi” vì bố mẹ anh đều là nghệ sĩ của Đoàn Cải lương Thái Bình. Song theo như NSƯT Việt Hoàn tâm sự, từ nhỏ anh vốn không định theo nghiệp cầm ca của bố mẹ vì đã thấm cái cảnh nghèo và những nỗi vất vả của người nghệ sĩ. Nhưng khi đã có duyên thì có cưỡng cũng chẳng được. Dù không muốn theo con đường ca hát nhưng với chất giọng trời cho nên ngay khi còn là học sinh, Việt Hoàn luôn là trụ cột trong các buổi văn nghệ của trường. 18 tuổi, ngay sau khi tốt nghiệp PTTH, Việt Hoàn đoạt giải nhất cuộc thi đơn ca toàn tỉnh Thái Bình năm 1985 và được tuyển về đội văn nghệ Công an thành phố Hải Phòng. Từ đây, con đường ca hát của anh đã thực sự bắt đầu. Song để theo đuổi sân khấu âm nhạc chuyên nghiệp và dòng nhạc cách mạng có lẽ phải đợi đến năm 1997 khi anh quyết định thi và theo học hệ đại học thanh nhạc tại Nhạc viện Hà Nội. Đã có hơn 10 năm đi hát, học chuyên nghiệp muộn hơn các bạn, nên trong 4 năm tại Nhạc viện Hà Nội, Việt Hoàn chuyên tâm học tập mà không chạy theo các show diễn. Năm 2001, anh tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội, về đầu quân tại Nhà hát Nhạc nhẹ Việt Nam. Năm 2006, anh chuyển về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam.

Việt Hoàn bước chân vào con đường âm nhạc đúng thời điểm những năm đầu đổi mới của đất nước, cũng là thời điểm cuộc sống của giới nghệ sĩ trở nên khó khăn. Vì vậy, những năm tháng tuổi hai mươi là những năm tháng chật vật đối với Việt Hoàn. NSƯT Việt Hoàn chia sẻ trong gần 10 năm là ca sĩ của đội văn nghệ Công an thành phố Hải Phòng, vừa là ca sĩ, vừa là chiến sĩ nên dù khó khăn, anh cũng không thể tìm thêm một nghề tay trái như giới nghệ sĩ lúc đó vẫn thường làm để mưu sinh. Có một kỷ niệm anh không thể quên đó là anh được chị gái may cho một chiếc quần từ tấm vải tiết kiệm được sau một vụ cháy tại cảng Hải Phòng. Do thiếu vải, nên chiếc quần có một viếng vá. Nhiều năm, anh vẫn dành chiếc quần để mặc mỗi lần đi hát. Song, mỗi lần lên sân khấu, anh không dám đi lại giao lưu với khán giả vì sợ bị phát hiện miếng vá. Một thời gian khó khăn tưởng chừng phải bỏ nghề song có lẽ tình yêu âm nhạc đã ngấm vào máu mà dù muốn nhưng lại không thể bỏ nghề. Cũng nhờ những năm tháng khó khăn đó đã giúp Việt Hoàn biết yêu và trân trọng những giá trị cuộc sống và không để mình bị lung lay trước sự mời gọi vật chất.

"Là một nghệ sĩ tỉnh lẻ bước chân vào con đường âm nhạc đúng thời điểm nhiều biến động song bằng nỗ lực, lòng yêu nghề và đặc biệt là sự định hướng đúng đắn về nghệ thuật đã giúp Việt Hoàn có chỗ đứng không nhỏ trong dòng nhạc cách mạng hiện nay".


Cách đây 20 năm, trong trào lưu đổi mới nghệ thuật, nhạc cách mạng cũng có lúc bị các dòng nhạc trẻ lấn lướt. Đó cũng là thời điểm nhiều nghệ sĩ phải chuyển hướng, tìm hướng đi mới để trụ lại với thị trường âm nhạc. Nhưng Việt Hoàn vẫn kiên định lựa chọn dòng nhạc cách mạng. Về điều này, NSƯT Việt Hoàn chia sẻ có lẽ bởi anh vốn là người khó tính, không chấp nhận được sự hời hợt, dễ dãi, đặc biệt là trong nghệ thuật. Sự nỗ lực và nghiêm túc trong nghề nghiệp đã làm lên một Việt Hoàn không quá nổi bật về ngoại hình hay chất giọng song lại chinh phục được những người yêu nhạc khó tính bằng tiếng hát từ trái tim. “Bài ca hy vọng”, “Những ánh sao đêm”,  “Gửi em ở cuối sông Hồng”..., những ca khúc đi cùng năm tháng được Việt Hoàn làm mới trong dòng chảy âm nhạc song vẫn giữ được âm hưởng hào hùng, trữ tình và sâu lắng như chính tâm hồn và phong cách của anh. Người yêu nhạc, yêu giọng hát Việt Hoàn có lẽ là bởi họ đã yêu sự giản dị, chân thành từ chính con người anh. Mỗi khi Việt Hoàn bước ra sân khấu và tiếng hát cất lên, không gian lắng đọng, người nghe cảm nhận được tình cảm tha thiết của người nghệ sĩ qua mỗi giai điệu. Có lẽ vì thế mà cùng với hai người bạn là Đăng Dương và Trọng Tấn trong “ba chàng ngự lâm nhạc đỏ”, Việt Hoàn vẫn để lại một dấu ấn riêng. Người yêu nhạc cũng luôn dành cho anh một tình cảm đặc biệt như lý tưởng và niềm tin mà mỗi ca khúc cách mạng đã truyền cảm hứng cho người dân Việt Nam nhiều thập kỷ qua. Không chỉ trên sân khấu, trong cuộc sống Việt Hoàn là người giản dị, gần gũi và hết lòng vì gia đình. Anh cũng chia sẻ, với anh, gia đình là số một, là điểm tựa giúp anh có được thành công. Vì công việc nên sau những ngày đi diễn xa, anh đều dành thời gian và sự quan tâm cho vợ, con từ những điều rất nhỏ như tự vào bếp nấu ăn hay chăm sóc cây, cỏ trong vườn.

Chia sẻ của Việt Hoàn với các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn trẻ ở các tỉnh lẻ muốn theo đuổi con đường nghệ thuật là phải luôn nỗ lực hết mình, phải tìm được định hướng đúng đắn và kiên trì đi theo con đường mình đã chọn thì một ngày nào đó sẽ chạm tới thành công. Tự tin với con đường âm nhạc đã chọn, tự hào vì mảnh đất mình đã sinh ra, NSƯT Việt Hoàn chia sẻ anh luôn mong muốn được đóng góp, được phục vụ nhiều hơn cho quê hương. Mỗi lần có lời mời từ quê hương, anh đều gác lại mọi việc, thậm chí là từ chối những lời mời hấp dẫn để trở về. Gần đây nhất, trong chương trình truyền hình trực tiếp “Trái tim nhân ái” do Báo Thái Bình, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh, Hội Doanh nhân nữ Thái Bình tổ chức, NSƯT Việt Hoàn cũng trở về với một ca khúc ý nghĩa góp phần đem lại thành công cho chương trình. Anh cũng ủng hộ 10 triệu đồng cho quỹ “Trái tim nhân ái” để giúp đỡ người khuyết tật và trẻ mồ côi. Điều mong muốn của NSƯT Việt Hoàn là trong năm 2019, anh có thể tổ chức được một liveshow tại quê hương Thái Bình, nơi mà anh luôn tự hào đã nuôi dưỡng cả tuổi thơ và giữ cho anh một tâm hồn, tiếng hát của Việt Hoàn hôm nay. Nhân dịp năm mới, qua Báo Thái Bình, NSƯT Việt Hoàn mong muốn được gửi lời chúc tốt đẹp đến mỗi người con của quê hương năm tấn.

Bảo Anh