Thứ 6, 03/05/2024, 09:15[GMT+7]

Người phụ nữ mới ở vùng nông thôn mới

Thứ 5, 12/01/2012 | 08:55:34
2,653 lượt xem
Về xã Liên Hiệp (Hưng Hà), bất cứ ai cũng dễ dàng nhận ra nét khác biệt trong sinh hoạt hàng ngày của người dân, nhất là chị em phụ nữ nơi đây. Rất đời thường nhưng không phải ở vùng quê nào cũng có. Đó là ý thức về vệ sinh môi trường, tự giác thu gom rác thải, phân loại và xử lý nguồn rác trong nhà cho đến ngoài ngõ... dùng làn nhựa đi chợ, gói hàng bằng lá chuối, lá dong.

Mô hình nuôi nhím của chị Phạm Thị Hạnh, xã Hồng Lý (Vũ Thư)

Triển khai Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy và thực hiện Chương trình Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), thời gian qua, cùng với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trong toàn tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã tích cực vào cuộc với nhiều hoạt động mang lại hiệu quả cao.

 

Về xã Liên Hiệp (Hưng Hà), bất cứ ai cũng dễ dàng nhận ra nét khác biệt trong sinh hoạt hàng ngày của người dân, nhất là chị em phụ nữ nơi đây. Rất đời thường nhưng không phải ở vùng quê nào cũng có. Đó là ý thức về vệ sinh môi trường, tự giác thu gom rác thải, phân loại và xử lý nguồn rác trong nhà cho đến ngoài ngõ... dùng làn nhựa đi chợ, gói hàng bằng lá chuối, lá dong.

 

Chị Lương Thị Hạnh, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Liên Hiệp cho biết: Nếp sinh hoạt này bắt đầu xuất hiện từ khi Hội LHPN huyện triển khai làm điểm mô hình Câu lạc bộ (CLB) Phụ nữ phân loại và xử lý rác thải tại nguồn, hạn chế sử dụng túi ni lông” tại xã. Ngày 20/9/2010, CLB chính thức đi vào hoạt động. Hội LHPN huyện đã hỗ trợ 50 thành viên của CLB, mỗi người một xô nhựa đựng rác và một làn nhựa để đi chợ đựng đồ thay túi ni lông. Vì một môi trường trong lành, chị em phụ nữ nói riêng, nhân dân xã Liên Hiệp nói chung đều đồng tình hưởng ứng thực hiện.

 

Đến nay, toàn xã có 60- 70% hộ gia đình tự giác phân loại và xử lý rác thải tại nguồn; 60% chị em mang làn chựa đi chợ. Với rác hữu cơ, chị em đào hố đổ xuống, đầy thì lấp đất để trồng cây cho nhiều củ, quả. Hiệu quả của CLB đã mang văn hóa, văn minh về cho làng quê, từ những ứng xử tưởng như nhỏ nhặt. Chị Nguyễn Thị Be, thôn Nứa đang xách làn nhựa đi chợ, vui vẻ nói “Giờ đã thành thói quen rồi, đi chợ là phải có làn, có lá chuối, cả hai đều tiện lợi. Lá chuối gói xong, phơi khô rồi đốt, rất sạch chứ không như túi ni lông, chôn không hủy, đốt thì khét, ảnh hưởng môi trường xung quanh”. Chị cũng cho biết thêm, từ khi có CLB đến nay, không chỉ môi trường trong xã sạch sẽ mà chị em cũng đỡ vất vả, bởi trước đây mọi người vứt rác bừa bãi phần lớn là phụ nữ gom nhặt. Giờ thì khác, mỗi người trong nhà đều có ý thức, mấy đứa nhỏ còn biết phân rác ra từng loại bỏ vào thùng.

 

Hùng Dũng (Hưng Hà) là một xã phát triển mạnh về chăn nuôi gia trại, trang trại. Trên 35% gia đình hội viên phụ nữ lấy chăn nuôi làm trọng, xây dựng được tới 46 trang trại, hàng trăm gia trại. Nhưng điều mà mọi người ngạc nhiên khi đến Hùng Dũng là môi trường ở đây vẫn trong lành. Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hùng Dũng- Trần Thị Lộc, cho chúng tôi hay: Từ năm 2008, Huyện Hội đã thí điểm triển khai mô hình tiết kiệm năng lượng tại xã. Đến nay, gia đình hội viên phụ nữ xây được trên 300 hầm Bi ô ga, có nhà xây 2 cái, ga đun nấu không xuể, cho cả những nhà xung quanh dùng, như nhà các chị: Nguyễn Thị Tuyển, Phạm Thị Hệ, Nguyễn Thị Dấu... Vừa tiết kiệm tiền mua ga đun nấu, vừa giữ cho môi trường sạch sẽ, giảm bệnh tật cho người thân và hàng xóm. 100% gia đình chị em đã thay thế bóng đèn sợi đốt thắp sáng bằng đèn compact, tiết kiệm tới 50% tiền điện. Các chị còn cùng hội viên phụ nữ toàn huyện Hưng Hà tham gia chiến dịch diệt chuột và ốc bươu vàng bảo vệ mùa màng.  Mô hình đang được nhân rộng ra toàn tỉnh, để thu hút ngày càng nhiều chị em tham gia bảo vệ môi trường, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện đạt các tiêu chí về xây dựng NTM, nâng cao chất lượng cuộc sống cho phụ nữ nói riêng, nhân dân nói chung.          

 

Khác với Liên Hiệp và Hùng Dũng (Hưng Hà), các cấp hội phụ nữ huyện Thái Thụy lại tập trung phát triển kinh tế theo mô hình “Nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản”, nhằm tăng thu nhập, giảm hộ nghèo gắn với phát triển bền vững. Từ mô hình điểm “nuôi trồng thủy sản” hiệu quả ở xã Thụy Ninh và Thái Thủy, nay 90% gia đình chị em làm theo hướng phát triển kết hợp vườn- ao- chuồng. 

 

Với các xã ven biển, như: thị trấn Diêm Điền, xã Thụy Hải... chị em tận dụng thế mạnh địa phương phát triển nuôi trồng và chế biến thủy, hải sản nước lợ, nước mặn, từng bước đưa gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, giải quyết việc làm cho nhiều lao động khác, với mức thu nhập ổn định. Điển hình như các chị: Tạ Thị Sáu, Nguyễn Thị Thảo, Nguyễn Thị Hạnh (thị trấn Diêm Điền)- chủ các cơ sở chế biến hải sản; chị Bích chủ cơ sở nuôi và cung cấp tôm, cua, cá giống. Phát triển kinh tế hướng ra biển là chủ trương lớn của tỉnh ta, chị em phụ nữ Thái Thụy đang nỗ lực hết sức mình để thực hiện tốt chủ trương đó. Bên cạnh đó, các mô hình nuôi dúi, cá sấu và nhím cũng đang được nhiều chị em ở vùng quê ven biển này nhân rộng khắp tỉnh. Không thua kém Thái Thụy, chị em huyện biển Tiền Hải Anh hùng, đang vươn ra biển, chinh phục biển, biến từng tấc đất thành tấc vàng bằng việc nuôi, trồng ngao, vạng, tôm, cua... Nổi bật là các chị: Lý Thị Dung, Đào Thị Liễu- những nữ tỷ phú ngao của đất Thái Bình.

 

Ngoài các mô hình nói trên, tùy theo đặc thù của từng địa phương, các cấp hội phụ nữ đều triển khai xây dựng những mô hình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Chị Trần Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Sau khi tiếp thu tinh thần chỉ đạo của tỉnh, hưởng ứng lời kêu gọi “cả nước chung tay xây dựng NTM”, Hội đã xây dựng chương trình hành động cụ thể, tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ phụ nữ 8 huyện, thành phố và 286 xã, phường, thị trấn; phát động phong trào “Phụ nữ tham gia xây dựng NTM” gắn với từng nhiệm vụ công tác Hội tới toàn thể hội viên. Đồng thời, vận động mỗi cán bộ, hội viên là một tuyên truyền viên tích cực về xây dựng NTM. Đây cũng là một giải pháp quan trọng để nâng cao vị thế, chất lượng cuộc sống cho hội viên.

Bài, ảnh: Đỗ Hiền

  • Từ khóa