Thứ 6, 03/05/2024, 05:37[GMT+7]

Gặp tỷ phú nông dân mang biệt danh "Bảy cò"

Thứ 3, 17/01/2012 | 13:44:32
3,510 lượt xem
Nghe nhiều người kể về gương anh Bùi Thanh Bảy với biệt danh “Bảy cò" ở thôn Hoành Quan, xã Thụy Liên ( Thái Thụy) - một tỷ phú nông dân chân đất từ rất lâu rồi, nhưng đến giờ chúng tôi mới có dịp ghé thăm. Một trang trại với hàng chục ao đầm, bạt ngàn màu xanh của dừa, phi lao, hàng vạn con cò tìm đến trú ngụ... ít ai có thể tưởng tượng được nơi này trước đây chỉ là bãi đất hoang hoá ven cửa sông, ngập trắng nước khi thủy triều lên.

Trong căn nhà nhỏ trên khu đất nằm lọt thỏm giữa mênh mông sông nước, bên tách trà nóng anh Bảy kể cho chúng tôi nghe quãng đường lập nghiệp gian khó của mình. Sinh ra trong một gia đình nông dân, năm 1987 sau khi xuất ngũ trở về địa phương, lập gia đình, cả hai vợ chồng cùng làm ruộng nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn.

 

Khi Nhà nước có chủ trương chuyển đổi những vùng đất úng trũng, cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, anh mạnh dạn gom góp vốn liếng, nhận 4 ha đầu tư sản xuất. Lúc đó, cả vùng đất ven sông Diêm này là bãi hoang hoá, cỏ dại mọc đầy, buổi sáng còn thấy đất, lúc hoàng hôn khi thủy triều lên nước ngập trắng băng. Ngày ngày, hai vợ chồng vừa khai thác tôm, cua, cá tự nhiên để sinh sống vừa cần mẫn đào đất đắp bờ, có khi bờ vừa đắp xong, một trận thủy triều, hay trận lũ quét qua lại san phẳng tất cả. Đắp đi đắp lại nhiều lần, cuối cùng những bờ đất cao, dài dằng dặc ngăn không cho nước mặn xâm nhập, hệ thống bờ nhỏ phân chia các ao đầm cũng được hình thành. Đánh bắt tự nhiên vài năm đầu, nguồn thu nhập cũng khá nhưng càng về sau môi trường bị ô nhiễm, tôm cá cạn kiệt, hai vợ chồng chuyển hướng sang nuôi thả tôm, cua, cá vược, ếch Thái Lan, cá rô phi lai xa, cá lóc bông, trắm đen siêu chủng, các loại cá truyền thống... Từng loại đưa vào nuôi thả, anh đều nghiên cứu kỹ đặc tính, nhu cầu thị trường và đưa ra cách lựa chọn tối ưu là nuôi trái vụ.

 

Vào mùa đánh bắt rộ, nguồn giống rẻ thì nhập về nuôi, thả mật độ dầy, giữ mực nước cao để lưu giữ qua đông, khi nhu cầu thực phẩm trên thị trường tăng thì xuất bán nên hiệu quả kinh tế thường gấp từ 1,5 đến 2 lần nuôi chính vụ. Hôm chúng tôi đến trang trại, lứa cá lóc bông vừa thu hoạch. Anh Bảy khoe: "Loại cá này đang được thị trường rất ưa chuộng, tôi thả 4.000 con trong 1 ao, sau 8 tháng xuất bán, thu lãi 160 triệu đồng. Thời gian tới, tôi tiếp tục thuần hoá con cá trắm đen nuôi trong môi trường nước lợ, nếu thành công lợi nhuận sẽ còn cao hơn".

 

Giờ đây với anh Bảy chuyện ngăn mặn, nuôi cá đã trở nên quá dễ dàng, chỉ cần nhìn màu nước ao, cá ăn, bơi lội là biết chúng có bệnh hay không, cách chữa trị thế nào. Ngoài ao đầm, anh dựng một hệ thống chuồng trại nuôi 5.000 vịt thịt, vịt đẻ, đất trống quanh bờ trồng dừa nước để chống xói lở, giữa bờ trồng xanh, si làm cảnh. Phần đất đào ao được lập thành một khu vườn rộng 1,5 ha, ban đầu định trồng cây ăn quả nhưng sau đó anh quyết định trồng bạch đàn để ngăn lũ, chống gió. Đến nay hàng vạn cây dừa, bạch đàn do anh trồng đã đan kín tán, tạo cho trang trại cảnh quan sinh thái trong lành. Trung bình mỗi năm trang trại xuất ra thị trường khoảng 30 tấn cá các loại, vài trăm ngàn quả trứng gia cầm cộng thêm các nguồn thu khác đạt 1 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí lãi 500 triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho 4 lao động thường xuyên và hàng chục lao động thời vụ.

 

Thu nhập được bao nhiêu, anh đầu tư mở rộng trang trại đến đó, ước tính số tiền đã lên tới khoảng 5 tỷ đồng. Và sau hơn 20 năm dầm bùn lầy, nước mặn đến nay hai vợ chồng không chỉ sở hữu cơ ngơi trang trại bạc tỷ mà có một tài sản quý giá hơn gấp bội lần đó là đàn cò hàng vạn con tìm đến đây trú ngụ. Anh Bảy dẫn chúng tôi đi dọc bờ đầm, xuyên qua lối nhỏ phía trên là tán dừa đan kín đến khu vườn bạch đàn để thăm "nơi ở" của đàn cò. Anh kể: "Năm 1996, một trận bão lớn quét qua, trang trại này ngập trắng nước, nhà cửa đổ sập, cây cối ngổn ngang.

 

Ngồi trong căn lều nhỏ, tôi nghe thấy những âm thanh náo động rất lạ xen với tiếng gió rít, tò mò lần ra ngoài xem thấy cò ở đâu về nhiều quá, đậu kín vườn bạch đàn, trắng xoá trên lá dừa. Sau trận bão ấy, chúng ở lại làm tổ trong vườn cây, không đi đâu nữa. Sáng sáng, chúng tản mạn đi kiếm ăn, chiều nhập nhoạng lại bay về tổ". Cũng từ hôm đó, anh dặn vợ con tuyệt đối không được xua đuổi. Để bảo vệ đàn cò đã nhiều phen anh phải liều mình bất chấp nguy hiểm chiến đấu tới cùng với những tay "trộm cò" nổi tiếng trong vùng,  rồi cái tên "Bảy cò" cũng được người ta đặt cho anh từ đấy.

 

Thời gian tới, anh Bảy tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nuôi trồng các đối tượng thuỷ sản đồng thời trồng thêm nhiều bạch đàn, dừa tạo cảnh quan, môi trường sinh thái lý tưởng cho đàn cò trú ẩn. Trước khi chia tay tôi hỏi anh, nuôi cò anh được lợi gì? 20 năm nay riêng vườn cây bạch đàn này nếu chặt bán vài lứa cũng thu tiền tỷ, chưa kể tiền bán quả dừa, lá dừa. Trên nét mặt của người nông dân nở một nụ cười hồn hậu rồi trả lời : "Đàn cò đã ở trang trại của tôi 15 năm nay, số lượng đến hàng chục vạn con, chứng tỏ nơi đây "đất lành chim đậu". Để giữ đàn cò, hai vợ chồng chỉ trồng thêm mà không dám phá cây nào, vì chỉ cần chặt một cây làm động tổ thì chúng sẽ bỏ đi hết. Bao năm tôi quá quen thuộc với cảnh có đàn cò trong vườn nhà, được ngắm chúng ríu rít kéo về lúc hoàng hôn, nghe âm thanh chúng phát ra lúc đêm vắng, tiếng kêu khi bão gió, mưa rơi. Mỗi khi có công việc xa nhà vài ngày, tôi lại thấy nhớ đàn cò đến nao lòng, chính điều này thì không tiền bạc nào có thể đánh đổi được ".

Bài, ảnh: Nguyễn Hình

  • Từ khóa