Bánh gai ngon từ tâm
Mùa lễ hội đầu năm, nhu cầu sử dụng bánh gai tăng cao nên cơ sở sản xuất bánh gai Hoàng Nhung của gia đình chị Nhung lúc nào cũng tất bật. Không chỉ là “bà chủ” điều hành, sắp xếp công việc mà ở mọi khâu làm bánh, chị Nhung đều làm thuần thục hơn cả những người thợ. Đôi tay thoăn thoắt gói bánh, buộc bánh, dù chị Nhung không cần nhìn, chiếc bánh vẫn đẹp.
Chị Nhung chia sẻ: Trước kia chỉ cấy lúa, gia đình chị nghèo lắm. Năm 1990, khi mới 18 tuổi, chị đi gói bánh gai thuê cho một số hộ trong làng và cũng bén duyên với chồng nhờ nghề gói bánh gai.
Năm 1994, vợ chồng chị Nhung bắt đầu mở cơ sở làm bánh gai, nhưng chỉ có hai vợ chồng tự làm tất cả các khâu. Khi đó chưa có máy móc hiện đại, bánh gai hầu như vẫn được làm thủ công. Lá gai mua về phải phơi khô, nhặt sạch, ngâm nước khoảng 1 ngày, vớt lên rửa sạch cho vào nồi bung, có khi phải húi trấu cho thật nhừ. Lá gai sau khi bung, vợ chồng chị phải thay nhau giã vài tiếng đồng hồ cho nát mịn. Gạo cũng được xay bằng cối quay tay, chứ chưa có máy nghiền. Rồi lại nhào bột lá gai và bột gạo, rất cầu kỳ và tốn công sức mới có được bột làm cùi bánh gai. Các công đoạn khác cũng tỉ mỉ như vậy, cho nên vất vả nhưng 1 ngày vợ chồng chị Nhung chỉ làm được khoảng 100 cái bánh gai, chủ yếu lấy công làm lãi. Dần dần, chị Nhung học hỏi và mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng mua máy nghiền, ép bột, nồi xôi bánh bằng điện, máy rửa lá, máy đảo trộn nhân bánh, máy nạo dừa...
Đến nay, hầu hết các khâu làm bánh thủ công nặng nhọc đã được chị sử dụng máy móc để thay thế. Nhờ có máy móc, năng suất làm bánh tăng lên gấp hàng chục lần, gia đình chị Nhung tập trung mở rộng thị trường tiêu thụ và thuê thêm lao động nặn bánh, gói bánh.
Hơn 10 năm nay, chồng chị đi xuất khẩu lao động, một mình chị Nhung đảm nhận toàn bộ công việc sản xuất của cơ sở. Tuy rất bận rộn, nhưng hàng ngày, ở mỗi mẻ bánh, chị Nhung luôn tự tay thực hiện các khâu quan trọng. Ví dụ như khâu rửa lá gai, chị luôn trực tiếp điều khiển máy rửa lá gai, để bảo đảm lá gai thật sạch sẽ, vệ sinh, hoặc khâu xôi bánh, tuy đã có nồi xôi bánh bằng điện nhưng chị đều phải trực tiếp điều chỉnh nhiệt độ, lượng hơi, thời gian hợp lý để bánh ngon, rền nhất.
Chị Nhung chia sẻ: Hiện nay, thị trường có nhiều loại bánh kẹo phong phú nên bánh gai cũng phải cạnh tranh gay gắt để tồn tại.
Tân Hòa tuy là xã có truyền thống làm bánh gai, trước kia hầu như nhà nào cũng làm bánh bán, tuy nhiên hiện nay, cả xã chỉ còn 5 - 6 hộ làm, trong đó có cơ sở sản xuất của gia đình chị Nhung. Bí quyết để chị Nhung vẫn ổn định, mở rộng sản xuất là chị luôn có yêu cầu khắt khe với từng chiếc bánh gai xuất ra thị trường. Yêu cầu đầu tiên là chất lượng, muốn có chiếc bánh ngon, nguyên liệu làm bánh phải tươi ngon, chị Nhung cẩn thận chọn từ gạo, đỗ, lá gai đạt chuẩn. Nếu hầu hết các hộ dùng đường phên để làm bánh, thì chị Nhung dùng đường trắng làm bánh, chi phí tăng lên chút ít nhưng bù lại bánh rất thơm ngon, thời gian bảo quản lâu. Nhiều năm làm bánh chị rút ra kinh nghiệm, ngay chiếc lá chuối khô, bọc lớp vỏ ngoài của bánh cũng quyết định chiếc bánh gai có ngon hay không, vì nếu lá chuối bị hôi, mốc sẽ làm bánh bị nồng, mất đi mùi vị thơm ngon của bánh gai. Chị luôn nhắc nhở người lao động thực hiện công việc gói bánh gai của cơ sở nhà mình: không cần chạy đua theo số lượng mà phải làm cẩn thận như chính mình sử dụng; chất lượng và vệ sinh là yêu cầu số 1 của chị. Riêng chị Nhung thì tâm niệm mỗi chiếc bánh gai xuất ra thị trường là niềm tự hào của người dân Tân Hòa, chị mong muốn lưu lại những ấn tượng thật đẹp cho khách hàng mỗi khi thưởng thức đặc sản làng quê mình.
Mặc dù phải cạnh tranh khá gay gắt với các loại bánh kẹo khác nhưng mỗi ngày qua đi, sản phẩm bánh gai của gia đình chị Nhung lại thêm vững vàng trên thị trường nhờ có chất lượng tốt, giữ được hương vị truyền thống. Hiện cơ sở sản xuất bánh gai của gia đình chị Nhung có quy mô lớn nhất xã Tân Hòa. Đến nay, gia đình chị sản xuất trung bình 2.000 chiếc bánh gai/ngày, số lượng bánh gai tăng lên gấp 1,5 lần vào mùa đông và giảm một ít vào mùa hè. Trừ chi phí đầu tư, mỗi năm chị Nhung thu lãi khoảng 200 triệu đồng từ sản xuất bánh gai.
Từ hai bàn tay trắng, nhờ chiếc bánh gai, chị Nhung đã vươn lên làm giàu cho gia đình. Ngoài ra, nhiều năm qua, cơ sở sản xuất của chị Nhung còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 8 - 10 lao động lúc nông nhàn, với mức thu nhập hiện nay bình quân 2,5 triệu đồng/lao động/tháng.
Quỳnh Lưu
Tin cùng chuyên mục
- Về nơi thành lập Tỉnh đội Dân quân Thái Bình 09.12.2024 | 10:13 AM
- Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn: Nguồn cảm hứng về tinh thần hiếu học 06.10.2024 | 17:20 PM
- Lời thề yêu nước 09.07.2024 | 10:56 AM
- Hoàng Kỳ - người chiến sĩ cộng sản kiên trung 30.06.2024 | 23:35 PM
- Ký ức hào hùng của chiến sĩ Điện Biên 05.05.2024 | 19:35 PM
- Hai cây đại cổ - linh hồn của làng quê Đồng Thanh 26.04.2024 | 13:47 PM
- Gắn kết hai vùng quê danh tướng 03.04.2024 | 10:07 AM
- Người cầm cờ trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 15.12.2023 | 17:48 PM
- Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có 25.10.2023 | 09:01 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiền Hải: Phát huy truyền thống, phấn đấu vươn xa 06.10.2023 | 08:48 AM
Xem tin theo ngày
- Công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng công nhận thị trấn Tiền Hải mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại IV
- Thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
- Gặp mặt cán bộ, hội viên Câu lạc bộ Lê Quý Đôn
- Khen thưởng 12 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác văn phòng cấp ủy
- Công bố quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác cán bộ
- Hội nghị Chính phủ với chính quyền địa phương
- Không ngừng nghỉ trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực
- Họp Tiểu ban Nhân sự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI
- Chính thức khởi động cuộc thi trắc nghiệm trên internet tìm hiểu “Lịch sử Đảng bộ, lịch sử tỉnh Thái Bình”
- An Ninh: Khánh thành Trung tâm giáo dục cộng đồng