Thứ 6, 03/05/2024, 05:08[GMT+7]

Son sắt Đồng Uyên

Thứ 6, 03/02/2012 | 09:03:33
2,046 lượt xem
Mùa xuân này, chào mừng 82 năm ngày thành lập Ðảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, gần một nghìn dân làng Ðồng Uyên dâng lên Ðảng kính yêu bằng việc hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2011, hoàn thành sớm công tác dồn điền đổi thửa theo tiêu chí nông thôn mới; đã giao nhận xong gần 60 ha ruộng cho hộ theo vùng, thửa phù hợp với việc sản xuất nông nghiệp theo hướng công nhiệp hoá, hiện đại hoá. Bà con nông dân Ðồng Uyên đã nhanh chóng làm đất, gieo cấy; lúa xuân 2012 n

Tên làng Ðồng Uyên (nay là thôn Ðồng Uyên, xã Thái Phúc, Thái Thuỵ) có từ khoảng thế kỷ thứ X, thế kỷ thứ XI, khi mà người dân ở Ðông Triều (Hải Dương), Thần Khê, Duyên Hà, Ninh Bình… tụ tập về đây làm nghề đánh cá, chăn vịt và làm lúa nước, lập thành làng – Làng Ðồng Uyên.

Ðồng Uyên: Ðồng là đồng ruộng, uyên là sâu "đồng sâu". Thuở khai thiên lập địa, nơi đây là vùng đất ven biển sình lầy, lau lách. Nguyên điều ấy đã nói lên sự gian lao vất vả của người dân Ðồng Uyên đổ mồ hôi sôi nước mắt làm ra hạt gạo cho đời. An cư lạc nghiệp, hàng trăm năm thăng trầm no đói, đến năm 1945 Ðồng Uyên chết đói trên 50 người chiếm nửa số dân của làng lúc ấy, do sự thống trị của đế quốc phong kiến, sự bóc lột của địa chủ cường hào. Nhưng nhờ có Ðảng, người dân Ðồng Uyên đã gượng dậy, đoàn kết theo Ðảng đấu tranh để giành lại quyền sống, quyền làm người. Ngày 19-8-1945, nhân dân Ðồng Uyên dưới sự lãnh đạo của Ðảng, trực tiếp là chi bộ Ðảng Phúc Khê Tiền, đã vùng lên đấu tranh giành chính quyền. Cùng với đoàn biểu tình của tổng Phúc Khê trực tiếp đấu tranh với chính quyền cũ, đại diện cho làng Ðồng Uyên có các ông Nguyễn Duy Tri, Phạm Văn Căn, Ðỗ Văn Quất, Vũ Văn Tạc. Chỉ trong một ngày, các ấn tín của bọn kỳ hào đã được thu nộp giao cho chính quyền cách mạng. Tổng Phúc Khê, trong đó có làng Ðồng Uyên được giải phóng, lá cờ đỏ sao vàng do ông Ðỗ Văn Quất, Vũ Văn Tạc mang về đã được kéo lên, phấp phới tung bay ở sân đình làng Ðồng Uyên.

Tự do chưa được bao lâu, từ năm 1946, quan quân của đế quốc thực dân Pháp lại trở lại đàn áp các thôn làng. Làng Ðồng Uyên, có lúc là xã Ðồng Uyên thuộc tổng Phúc Khê là một trong những làng xã kiên cường bất khuất đấu tranh với giặc. Có thời kỳ tưởng như cơ sở cách mạng không còn nữa như thời kỳ 1950-1952 là thời kỳ thử thách cam go nhất và cũng là thời kỳ người dân Ðồng Uyên sống đến tận cùng cực khổ, chịu nhiều đau thương mất mát nhất: người bị bắt bớ bắn giết, nhà cửa làng mạc bị triệt hạ, lúa mầu của cải bị thu vét. Không còn con đường nào khác, người Ðồng Uyên đã một lòng theo Ðảng sống mái với quân thù, dù có phải hy sinh đến người cuối cùng cũng phải đấu tranh với giặc. Giữa sáng mồng 5 tháng 5 năm Canh Dần, tức ngày 19-6-1950, giặc Pháp cho ca nô, tàu chiến với lực lượng hàng trăm lính Nguỵ, lính Lê Dương từ phía Trà Lý dọc sông tiến về Phúc Khê, đi đến đâu chúng xả súng bắn vào hai bên bờ sông đến đó. Ðến Bến Lở (khu vực Cống mới-Lò vôi Thái Phúc bây giờ), chúng đổ bộ lên bờ, với hai mũi tiến quân, một mũi tiến dọc đường 219 ra ngã ba Chợ Phố, Thái Dương; một mũi vu hồi phía chùa Ðồng Uyên qua làng Ðồng Uyên. Hai mũi quân địch tiến đến Cầu Sắt, nơi giáp ranh giữa Phúc Khê và Thái Dương thì đóng bốt ở đó. Hàng ngày chúng đi càn quét vơ vét, triệt hạ xóm làng, bắn giết cán bộ, đảng viên, dân thường. Thời kỳ giữa tháng 3 năm 1951 trở đi là thời kỳ đen tối nhất – cơ sở cách mạng ở Ðồng Uyên chỉ còn lại 2 đồng chí cán bộ cách mạng trung kiên là đồng chí Vũ Văn Rỵ và đồng chí Vũ Thị Sy lăn lộn với phong trào, bám sát dân chiến đấu, cùng dân đấu tranh với giặc. Trong cam go ác liệt, quân dân Ðồng Uyên không nao núng, hướng về Ðảng, hướng về Bác Hồ, bám trụ kiên cường, hơn một nghìn ngày đêm bao vây bốt giặc, phá tề. Sau khi bộ đội ta đánh thắng bốt Nam Cao, giải phóng bốt Ðông Hướng (Kiến Xương); được sự chi viện của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, quân dân làng Ðồng Uyên, cùng với quân dân các thôn làng Phúc Khê tham gia chiến đấu, vây ráp bốt Cầu Sắt. Ngày 30-5-1953 quan quân địch bốt Cầu Sắt đầu hàng, bỏ chạy, quê hương được giải phóng.

Sau chiến thắng Ðiện Biên Phủ, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, người dân Ðồng Uyên bắt tay vào việc khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục phát triển kinh tế. Mười năm sau ngày giải phóng quê hương, hai miền Nam Bắc bị chia cắt, cả nước hướng về đồng bào miền Nam ruột thịt, Ðồng Uyên cùng với các làng xã cả huyện, cả tỉnh "Tay cày, tay súng", chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn. Mặc dù thiên tai hạn hán, mưa bão, sâu bệnh phá hoại, lúa màu thất thu, với tinh thần "thóc không thiếu 1 cân, quân không thiếu 1 người", Ðồng Uyên luôn hoàn thành nghĩa vụ với Ðảng và Nhà nước. Trên chín mươi phần trăm con em Ðồng Uyên đã tình nguyện nhập ngũ, vào Nam chiến đấu, có những gia đình 2 đến 3 lần tiễn đưa con em mình lên đường chiến đấu chống Mỹ, cứu nước. Có những gia đình chỉ có 1 con cũng hăng hái tình nguyện cho con em đi bộ đội chống Mỹ. Có gia đình có tới 6-7 người con trai gia nhập quân đội chống Mỹ. Ở quê hương, phụ nữ, người già vừa sản xuất vừa chiến đấu đánh trả chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Ðoàn thanh niên 3 sẵn sàng, hội phụ nữ 3 đảm đang đã làm ra cánh đồng 5 tấn, bắn rơi máy bay địch khi chúng vào bỏ bom kho thóc, đánh phá Cầu Bông. Tất cả con em Ðồng Uyên đi chiến đấu trên các chiến trường đều hoàn thành nhiệm vụ, lập công xuất sắc, 22 đồng chí đã hy sinh, một số đồng chí hoàn thành nhiệm vụ trở về quê hương mang trên mình thương tích. Nếu tính cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Ðồng Uyên thời đó, với dân số trên dưới 300 người, đã có 40 liệt sĩ, trên 30 thương bệnh binh. Ðồng Uyên đã được Ðảng và Nhà nước tặng thưởng cho tập thể và cá nhân 1 Huân chương Quân kỳ, 9 Huân chương chiến công, 26 Huân chương Giải phóng, 59 Huân, Huy chương Chiến sĩ vẻ vang, 36 Huân, Huy chương Kháng chiến, góp phần cho xã Thái Phúc trở thành xã Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Trong xây dựng hoà bình, nhất là từ sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, dù là nơi nước mặn đồng chua, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, trực tiếp là chi bộ thôn, nhân dân Ðồng Uyên đã tập trung vào việc phát triển sản xuất. Trải qua chặng đường dài đầy cam go thử thách thăng trầm: xây dựng củng cố HTX nông nghiệp, cải tiến phương thức quản lý, thực hiện khoán 10, khoán 100, đến giao đất cho nông dân, dồn điền đổi thửa 1992, dồn điền đổi thửa xây dựng nông thôn mới ngày nay, Ðồng Uyên vẫn son sắt một lòng theo Ðảng. Có thời kỳ ở địa phương đã manh nha xuất hiện tư tưởng thiếu tin tưởng Ðảng, tư tưởng cục bộ, cực đoan, rồi âm mưu diễn biến hoà bình của các thế lực thù dịch, tuyên truyền xuyên tạc quan điểm, đường lối chính sách của Ðảng, nói xấu lãnh tụ, rục rịch có hành động biểu tình, gây rối… nhưng người Ðồng Uyên biết phân biệt đúng sai, cùng Ðảng, Chính quyền địa phương đoàn kết, đấu tranh ngăn chặn kịp thời, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển đi lên. Là vùng sản xuất nông nghiệp khó khăn: chua mặn, sâu bệnh, hạn hán, lũ lụt…người Ðồng Uyên đã làm nên năng suất lúa 78 tạ/ha vào những năm 80 và giữ thế ổn định 110 tạ/ha từ cuối thập kỷ 90 thế kỷ XX. Ðời sống nhân dân Ðồng Uyên đã được cải thiện nhanh chóng, không còn hộ nghèo; hộ giàu, hộ khá, hộ nông dân sản xuất giỏi bằng các mô hình kinh tế trang trại, gia trại, ngành nghề… ngày một tăng; đã xoá được nhà tranh tre nứa lá, xây dựng nhà gạch lợp ngói, nhà hai ba tầng; phố chợ đông vui, hàng hoá nông sản, công nghiệp… đầy đủ, thoả mãn nhu cầu người mua. Công tác văn hoá giáo dục phát triển mạnh, hầu hết con em các gia đình học hết chương trình THCS, 80-90% con em học hết THPT; đã nhiều gia đình có 2 đến 5 con học cao đẳng, đại học; đã có hàng chục kỹ sư, bác sĩ, trung học chuyên nghiệp… ra trường làm việc ở các cơ quan, địa phương, có cả kỹ sư nông nghiệp làm chủ tịch xã nhà. Ðồng Uyên có tới 6 cán bộ được tín nhiệm bầu giữ các chức danh chủ tịch là Chủ tịch UBND xã, Chủ tịch Hội CCB xã, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, Chủ tịch HÐQT Quỹ Tín dụng nhân dân xã.

Mùa xuân này, chào mừng 82 năm ngày thành lập Ðảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, gần một nghìn dân làng Ðồng Uyên dâng lên Ðảng kính yêu bằng việc hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2011, hoàn thành sớm công tác dồn điền đổi thửa theo tiêu chí nông thôn mới; đã giao nhận xong gần 60 ha ruộng cho hộ theo vùng, thửa phù hợp với việc sản xuất nông nghiệp theo hướng công nhiệp hoá, hiện đại hoá. Bà con nông dân Ðồng Uyên đã nhanh chóng làm đất, gieo cấy; lúa xuân 2012 non xanh rộng dài trên đồng đất mới như đang gọi ấm no về.

Lê Vũ

(Thái Phúc, Thái Thụy)

 

  • Từ khóa