Thứ 6, 10/01/2025, 09:56[GMT+7]

Bữa tối ở Đắk Sin

Thứ 2, 08/04/2019 | 08:38:45
2,578 lượt xem
Có đi, có được chứng kiến tận mắt những đổi thay ở vùng rừng núi Tây Nguyên này tôi mới cảm nhận hết được chủ trương của Đảng đưa bà con đi xây dựng quê hương mới là hoàn toàn đúng đắn, khẩu hiệu hành động những năm 70, 80 của thế kỷ trước “Đất nước đẹp giàu đâu cũng là quê hương” đang hiện hữu ở vùng đất này.

Căn biệt thự nhà ông Lương Đắc Vinh.

Biết có đoàn nhà báo từ Thái Bình vào đang nghỉ ở thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông) nên mặc dù đường xa khó đi, trời lại mưa nhưng anh Hữu vẫn một mình một xe lên đón chúng tôi. Chưa một lần gặp nhau nhưng vừa lên xe anh Hữu đã nói luôn, lúc nãy đi một mình, giờ có các anh ở quê vào chắc không buồn nữa rồi. Anh kể về quê hương thứ hai của mình, vùng quê mà đã gần nửa thế kỷ những người Thái Bình gắn bó với nó, chuyện trò vui vẻ nên 40km đường rừng mà chúng tôi cũng không cảm thấy xa. Nhà anh Hữu ở cách chợ Đắk Sin vài trăm mét, đây cũng là khu trung tâm của xã Đắk Sin, với chiều dài bám mặt đường chừng 30m, đủ cho 4 - 5 chiếc ô tô hạng sang đỗ trước cửa. Anh Hữu bảo, đây toàn là xe của bạn bè mua từ tiền trồng cà phê, hồ tiêu, bơ hoặc chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Cây hồ tiêu.

Bữa cơm tối của chúng tôi cùng gia đình và bạn bè anh Hữu kéo dài tới hơn 3 giờ đồng hồ, mặc dù “mâm cao cỗ đầy”, bia rượu nhiều, nhưng việc ăn uống ít được mọi người quan tâm, họ chủ yếu kể với nhau về chuyện làm ăn, cuộc sống cộng đồng ở vùng đất mới và một điều mọi người ai cũng đề cập đó chính là truyền thống lao động cần cù, chịu thương chịu khó và vượt lên cả là đức tính cần kiệm của những người con xa quê, cùng với đó là bản sắc văn hóa của người Thái Bình trên vùng đất mới. 

Ngồi cạnh tôi là ông Trường, nguyên Trưởng công an xã Đắk Sin, sau khi thành lập xã mới Hưng Bình, ông được chuyển sang làm Chủ tịch xã đến nay đã tròn hai khóa. Sang xã mới làm việc, nhà cửa cũng chuyển đi nhưng ông Trường vẫn được những người dân Thái Bình ở đây coi như thủ lĩnh của mình, vì cuộc sống, sinh hoạt của từng gia đình ở đây ông đều nắm rất rõ. Ông bảo, xã này có tới trên 500 gia đình là người Thái Bình, phần lớn họ vào đây từ năm 1977, khi chủ trương “đất nước đẹp giàu đâu cũng là quê hương” đang được các địa phương trong cả nước thực hiện. Hơn 40 năm, bằng bàn tay và khối óc của mình, những người dân Thái Bình đã biến vùng đất khó Đắk Sin nói riêng và nhiều vùng đất khác ở Đắk Nông nói chung trở nên giàu có, đồng hành với đó thì đến nay cuộc sống của các gia đình đều khá giả, chuyện xây nhà lầu, mua xe hơi với người Đắk sin không khó, rồi ông kể cho tôi nghe về chuyện gia đình anh Hữu: Học hết phổ thông ở quê không có việc làm, Hữu quyết định xin bố mẹ vào Đắk Nông sinh sống. Lúc đầu anh làm thuê cho một gia đình người hàng xóm, thấy anh có sức khỏe lại lam làm, cộng với đức tính thật thà nên bà chủ quyết gả cô con gái út cho anh. Nên vợ nên chồng, Hữu càng hăng say phấn đấu, vừa làm vừa học anh đã trở thành thầy giáo làng, cạnh đó là cơ ngơi khang trang, hàng ngày ngoài việc tự lái ô tô đi dạy học, anh còn cùng vợ mở cơ sở kinh doanh tạp hóa, từ hai bàn tay trắng vào Đắk Sin lập nghiệp đến nay cơ ngơi của gia đình anh Hữu cũng đã là tiền tỷ, đây cũng là ước mơ của không ít bạn bè cùng trang lứa.

Khác với anh Hữu, Nguyễn Văn Hiệu theo bố mẹ vào đây từ năm 7 tuổi, vùng đất Đắk Sin đã nuôi anh lớn lên và trưởng thành với trên 13 năm làm công tác địa chính. Đến nay anh đã trở thành một trong những cán bộ địa chính giỏi của huyện Đắk R.lấp. Anh bảo, xã có trên 10.000ha đất của trên 1.000 gia đình, đất rộng người thưa nhưng anh có thể nhớ rõ khu đất nào trồng cây gì là của nhà ai, thậm chí anh còn tính được kinh tế của từng gia đình sau mỗi vụ sản xuất. 

Anh Hiệu kể với tôi về gia đình anh Nguyễn Văn Hưởng quê gốc ở Trung An (Vũ Thư) mang theo sức khỏe và đức tính ham lao động, học hỏi. Vào Đắk Nông sinh sống anh vừa trồng cây vừa phát triển chăn nuôi, từ kinh nghiệm đúc rút dần qua từng năm anh chị quyết định lấy chăn nuôi lợn nái làm nghề chính, với đàn lợn nái sinh sản duy trì mức 1.200 con, cộng với vài nghìn con lợn thịt, anh Hưởng đã trở thành một trong số ít những cơ sở nuôi lợn nái sinh sản nhiều nhất vùng Tây Nguyên.

Một góc trung tâm xã Đắk Sin.

Cùng là người Thái Bình vào Đắk Sin sinh sống, nhưng nếu vợ chồng anh Nguyễn Văn Hưởng làm giàu nhờ chăn nuôi, thì gia đình ông Lương Đắc Vinh lại làm giàu nhờ làm rẫy, với trên 7ha ông trồng hồ tiêu, cà phê, cao su, ngôi biệt thự hai tầng nằm trên vùng đất đắc địa của xã đã là minh chứng cho những gì ông và gia đình hái lượm được trong những năm qua. Anh Hiệu bảo, biệt thự đẹp nhưng cũng chỉ để cho những ngày cuối tuần hoặc ngày lễ, tết các con ông về chơi, chứ hiện nay con ông đều sinh sống, học tập và làm việc hết ở Thành phố Hồ Chí Minh và thị xã Gia Nghĩa. Cũng là trồng trọt nhưng một người con khác của quê hương Thái Bình là ông Phạm Văn Quý ở thôn 7 lại thiên về áp dụng khoa học kỹ thuật để trồng cây ăn quả, với hơn 4ha rẫy, mỗi héc-ta ông trồng 600 cây bơ và 600 cây sầu riêng, trừ chi phí một năm ông thu lãi tới 5 tỷ đồng. Nghe mọi người kể về những người Thái Bình vào Đắk Sin sinh sống và làm giàu, tôi hỏi: Thế ở đây không có hộ nghèo hay sao, anh cán bộ địa chính cười và bảo tôi: Người nghèo ở đây cũng có nhưng tỷ lệ người Thái Bình rơi vào hộ nghèo chỉ dưới 1%, đây chủ yếu là những gia đình lười lao động bê trễ ruộng vườn hoặc do ốm đau, bệnh tật, tai nạn giao thông.

Đồng hương gặp nhau chuyện trò vui vẻ nên mọi người quên cả bữa ăn tối, chị Hường vợ anh Hữu phải lấy bếp cồn hấp lại con cá chép nặng trên 5kg đã nguội ngắt, lúc này tôi mới để ý tới con cá. Anh Hữu bảo, cá anh câu ở lòng đập thủy lợi, ở đây cá nhiều lắm, nhiều hôm câu được cả cá trắm nặng tới trên 10kg, còn cá chép 5 - 7kg là chuyện bình thường.

Chuyện của những người dân xa quê, những người con Thái Bình đi xây dựng quê hương mới cứ ly kỳ cuốn hút chúng tôi, có đi, có được chứng kiến tận mắt những gì đổi thay ở vùng rừng núi Tây Nguyên này tôi mới cảm nhận hết được chủ trương của Đảng đưa bà con đi xây dựng quê hương mới là hoàn toàn đúng đắn, khẩu hiệu hành động những năm 70, 80 của thế kỷ trước “đất nước đẹp giàu đâu cũng là quê hương” đang hiện hữu ở vùng đất này.

Tuấn Dung

(Bài dự thi viết về đề tài người Thái Bình - đất Thái Bình)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày