Thứ 6, 03/05/2024, 05:14[GMT+7]

Một số thầy thuốc tiêu biểu

Thứ 6, 24/02/2012 | 15:36:25
5,050 lượt xem
Trong đợt phong tặng thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú lần thứ 10 (năm 2012), ngành y tế Thái Bình vinh dự có 2 thầy thuốc được phong tặng Thầy thuốc nhân dân, 15 thầy thuốc được phong tặng Thầy thuốc ưu tú. Nhân dịp ngày 27/2, Báo Thái Bình trân trọng giới thiệu một số gương mặt thầy thuốc tiêu biểu và những suy ngẫm về nghề nghiệp.

Trái tim thầy thuốc và trái tim người lính

 

Gắn bó với nghề y từ trong quân đội, 8 năm phục vụ quân ngũ đã rèn luyện lên người chiến sỹ trẻ Nguyễn Trọng Bình có trái tim người lính và trái tim người thầy thuốc. Dù không còn trong quân đội mà chuyển về ngành y tế, song dường như ý chí và trái tim người lính chính là nền tảng thôi thúc ông không ngừng học tập đạt trình độ: bác sỹ, bác sỹ chuyên khoa I, chuyên khoa II và được tín nhiệm giao các chức vụ: Phó phòng y tế Đông Hưng, Giám đốc Bệnh viện huyện Đông Hưng, giám đốc Trung tâm y tế Đông Hưng, Phó giám đốc Sở, Giám đốc Sở Y tế. Trên cương vị nào, đồng nghiệp cũng dễ nhận thấy ông là người không chỉ hết lòng yêu nghề mà còn thực sự là người thầy thuốc có tấm lòng yêu thương, cảm thông sâu sắc trước nỗi đau của người bệnh và sự vất vả, nhọc nhằn của đồng nghiệp.

 

Thầy thuốc nhân dân: Nguyễn Trọng Bình

 

Những người làm việc cùng ông, cán bộ của ông hiểu một điều ít có người cán bộ ở vị trí lãnh đạo đầu ngành mà vẫn quan tâm, chia sẻ đến những công việc, con người, những điều tưởng như nhỏ nhặt nhất. Dường như tất cả những gì mà thấy có lợi cho người bệnh đều làm ông trân trọng, thương mến. Ông yêu quý những hàng cây trong bệnh viện bởi có nó người bệnh sẽ thêm được phần che nắng và có thêm ít gió mát khi oi ả, ông trân trọng những cán bộ y tá, hộ lý bởi ông thấu hiểu sự vất vả của họ. Nhưng có một điều là ông ít nói ra điều này mà thể hiện trong những vần thơ mộc mạc, giản dị, ẩn dấu tình cảm chân thành. “Những hàng cây đứng trong bệnh viện. Ngày lại ngày góp nhặt tạo màu xanh. Đem gió mát, bóng râm chở che người bệnh...”. “Đêm từng đêm đến  với bệnh nhân. Mang kiến thức, trái tim làm vơi nỗi đau bệnh tật. Cảm ơn em người điều dưỡng tôi yêu”.

 

Dành cho đồng nghiệp, bênh nhân tình cảm chân thành, ngược lại ông cũng nhận được tình cảm quý trọng chân thành của đồng nghiệp, người bệnh. Bởi từ ông, các thế hệ đàn em hiểu sâu sắc một điều ông là người thầy thuốc thực sự và chỉ khi một người thực sự xứng đáng nhận hai chữ thiêng liêng “Thầy thuốc” thì họ mãi sẽ là người thành công.

 

Thành công lớn nhất là tình cảm, sự tôn trọng của người bệnh

 

Tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội năm 1981, bác sỹ trẻ Vũ Thị Thuý về công tác tại Khoa huyết học truyền máu Bệnh viện đa khoa tỉnh. Thụ hưởng kiến thức và tinh thần làm việc của những người thầy là những giáo sư nổi tiếng tại Đại học Y Hà Nội cùng những ngày tháng miệt mài bên bệnh nhân khi còn là một sinh viên y khoa đã ảnh hưởng lớn đến cô bác sỹ trẻ. Bác sỹ Thuý đã xây dựng cho mình một tinh thần làm việc nghiêm túc, say mê. Sự nghiêm túc của người thầy thuốc không chỉ là việc hết sức coi trọng sinh mạng của người bệnh mà còn qua cả thái độ ứng xử, giao tiếp hàng ngày với đồng nghiệp và bệnh nhân. Khi giữ vị trí Trưởng khoa Huyết học truyền máu của Bệnh viện đa khoa, chứng kiến những người bệnh trong cơn nguy kịch vì mất máu, đồng thời cũng chứng kiến sự hồi sinh thần kỳ của những sản phụ sau khi được truyền máu, nỗi đau và niềm hạnh phúc chính là cơ sở để chị là người đặt nền móng đầu tiên cho phong trào hiến máu nhân đạo của tỉnh ngay từ những năm 1994-1995. Từ phong trào này, tình trạng khan hiếm máu đã dần được khắc phục, đóng góp quý báu vào công tác cấp cứu cứu và điều trị.

 

Thầy thuốc nhân dân: Vũ Thị Thuý

 

Khi ở cương vị Phó giám đốc bệnh viện, dù bận mải với công tác quản lý song chị vẫn giữ tinh thần say mê nghiên cứu khoa học. “Nghiên cứu khoa học đôi khi không phải là nghiên cứu những điều cao sang mà chỉ là những cái bất cập, những hạn chế vẫn gặp trong công việc hàng ngày, những điều nhỏ nhặt nhưng lại mang lại hiệu quả rất lớn...”. Chính vì vậy, chị đã làm chủ nhiều đề tài nghiên cứu khoa học mang giá trị thực tiễn lớn,  đạt giải cao của ngành y tế Thái Bình. Sự phấn đấu bền bỉ và lâu dài của chị đã gặt hái một số kết quả song với chị thành công lớn nhất của người thầy thuốc chính là tình cảm, sự tôn trọng của người bệnh. “Rèn luyện để luôn giữ mãi được tấm lòng, chữ tâm sáng trong với nghề là điều quan trọng nhất bởi có nó, ngay cả trong lúc sóng gió sẽ vẫn tự tin vượt qua...”.

 

Hạnh phúc là được phục vụ người bệnh

 

Phóng khoáng và nhiệt tình, ngay khi còn là một bác sỹ mới ra trường làm việc tại phòng khám Đông Long (Bệnh viện I Tiền Hải), bác sỹ Trần Văn Bội đã luôn nhận được sự tin yêu, mến phục của mọi người. “Khi nào nhân dân, làng xóm còn có lời chê trách con thì con chưa phải là một bác sỹ tốt!”. Đó là điều anh từng tâm sự với người bố của mình và trên thực tế anh đã làm được điều đó. “Phải luôn đặt mình vào vị trí của bệnh nhân, khi bệnh nhân đã tìm đến, người thầy thuốc không bao giờ được phép từ chối, cũng không để người bệnh phải chờ đợi”, đó là cung cách làm việc của anh, cũng là điều mà anh hay thẳng thắn góp ý với đồng nghiệp.

 

Thầy thuốc ưu tú:  Trần Văn Bội

 

Khi đã ở cương vị lãnh đạo, tinh thần ấy càng được anh quán triệt đến đội ngũ cán bộ của mình. Chính vì vậy, Trung tâm vận chuyển cấp cứu 115 do anh làm giám đốc đã thực sự thực hiện được phương châm “Đáp ứng nhanh, kịp thời”. Những năm gần đây, Trung tâm đều thực hiện hơn 7000 ca vận chuyển cấp cứu và chi viện kỹ thuật mỗi năm, được Bộ Y tế đánh giá là 1 trong 4 Trung tâm vận chuyển cấp cứu hàng đầu của cả nước. Tin tưởng vào tư duy quản lý năng động, đổi mới của anh, Sở Y tế đã giao cho đơn vị xây dựng kế hoạch triển khai mô hình khám chữa bệnh “Bác sỹ gia đình”. Đây là một mô hình khám chữa bệnh mới, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội hiện đại.

 

Bác sỹ Trần Văn Bội tâm sự “Khi được đặt trong những hoàn cảnh đặc biệt mình mới hiểu, yêu quý và tự hào về nghề nghiệp của mình như thế nào! Đại đa số bệnh nhân đều rất tốt, họ trông cậy và quý trọng người thầy thuốc. Vì vậy, khi khám chữa bệnh cho bệnh nhân người thầy thuốc đừng nghĩ là mình đang hàm ơn, mà phải thực sự tôn trọng, phải coi bệnh nhân như người thân của mình. Bệnh đau đến đâu, trị đến đấy. Đừng làm cho bệnh nhân lo sợ vì bệnh tật của họ nhưng cũng đừng để cho họ chủ quan, không quan tâm đến sức khỏe”. Với bác sỹ Trần Văn Bội, điều tâm đắc nhất của người thầy thuốc chính là được chăm sóc phục vụ bệnh nhân bởi với anh “niềm hạnh phúc của  người thầy thuốc khi chăm sóc, phục vụ bệnh nhân cũng như niềm hạnh phúc của người mẹ khi được chăm sóc, lo lắng cho con cái của mình...”.

 

Yêu nghề, tâm huyết với nghề

 

Những năm đầu 1980, hoạt động y tế dự phòng còn hết sức khó khăn, dịch bệnh nhiều, công việc của bác sỹ, cán bộ hẹ dự phòng vất vả song lại ít được coi trọng. Tốt nghiệp đại học hệ nội nhi, được phân công làm việc trong lĩnh vực dự phòng, mặc dù vậy, bác sỹ Bùi Thế Hiền vẫn hăng hái nhận nhiệm vụ. Những chuyến công tác dài ngày có khi nằm dưới xã cả tháng trời để chống dịch. Cái khó khăn, vất vả mà lặng lẽ của hoạt động y tế cộng đồng thấm vào người rồi dần thành yêu, thành tâm huyết.

 

Thầy thuốc ưu tú: Bùi Thế Hiền

 

Cũng như nhiều đồng nghiệp trong đơn vị, bác sỹ y tế dự phòng là 285 xã, phường, thị trấn không vắng dấu chân mà chỉ là đạp xe đạp song nhiệm vụ vẫn hoàn thành và hoàn thành tốt. Bác sỹ Bùi Thế Hiền tâm sự hoạt động y tế dự phòng là hoạt động cộng đồng vì vậy điều quan trọng đối với cán bộ dự phòng không chỉ là yêu nghề, tâm huyết với nghề mà còn phải có kỹ năng giao tiếp, vận động cộng đồng tốt. 30 năm gắn bó với nghề y trong đó có 15 năm làm cán bộ quản lý, bác sỹ Bùi Thế Hiền đã có những đóng góp không nhỏ trong công tác tham mưu, chỉ đạo đưa hoạt động y tế dự phòng của Thái Bình phát triển, đạt được những thành tích quan trọng như: tỉnh đầu tiên thanh toán bại liệt, uốn ván sơ sinh, thực hiện tốt chương trình tiêm chủng mở rộng, các chương trình y tế mục tiêu...

 

Mặc dù hoạt động y tế dự phòng đang ngày càng phát triển và khẳng định vị trí của mình trong hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân song việc thu hút cán bộ làm việc trong lĩnh vực này vẫn còn đang là điều khó. Vì vậy, theo bác sỹ Bùi Thế Hiền, cần tăng cường đào tạo cán bộ cho chuyên ngành này để tạo nên đội ngũ đông đảo, đủ năng lực đáp ứng hoạt động dự phòng trong tình hình mới.

 

Trần Thu Hương

 

 

 

 

  • Từ khóa