“Nông dân mới” truyền lửa
Ở cái tuổi thất thập như ông, người ta thường nghỉ ngơi vui cùng con cháu, song ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc ThaiBinh Seed Group vẫn hàng ngày lội ruộng, gắn bó với cánh đồng, vẫn say mê nghiên cứu khoa học, cùng đồng nghiệp chọn tạo những giống lúa tốt giúp người nông dân có những mùa vàng bội thu. Có lẽ, đó cũng là lý do mà ông luôn giới thiệu mình là “nông dân - nông dân mới”.
Sinh ra trong một gia đình thuần nông ở vùng ven biển Thái Thụy, năm 1968, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, cậu học sinh trường cấp 3 Thái Ninh (Thái Thụy) Trần Mạnh Báo đã tình nguyện xung phong ra mặt trận tham gia chiến đấu trên mặt trận máu lửa Quảng Trị. Năm 1972, trong một trận chiến, Trần Mạnh Báo bị thương. Đất nước thống nhất, Trần Mạnh Báo trở về quê hương với thương tật 2/4. Nhớ lời Bác Hồ dạy “thương binh tàn nhưng không phế”, thanh niên Trần Mạnh Báo đã tự mình vươn lên, làm nên kỳ tích cuộc đời mình.
Dịp mới đây, khi được nghe ông trò chuyện với các bạn trẻ huyện Thái Thụy, tôi càng cảm nhận được bầu nhiệt huyết trong ông luôn cháy và truyền lửa cho những người đã, đang và sẽ nghe ông nói, chứng kiến ông làm việc. Ông Báo chia sẻ: Cái máu nông dân ngấm vào tôi từ ngày còn nhỏ nên dù mới 13 tuổi tôi đã khao khát làm được điều gì đó cho quê hương. Và tôi đã lựa chọn gắn bó với cánh đồng dù biết đó là con đường nhiều khó khăn, gian khổ. Tất cả những khó khăn như bị thương ở chiến trường hay đi học với lứa học trò cấp 3 khi tuổi tôi lớn hơn rất nhiều… tôi đều vượt qua để bước chân vào giảng đường đại học. Chính khát vọng tuổi trẻ đã giúp tôi mạnh mẽ hơn, quyết tâm hơn để biến ước mơ thành hiện thực.
Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, ông Trần Mạnh Báo được phân công về làm việc và gắn bó với cánh đồng quê hương. Từ đây ông bước đi từng bước vững vàng nhưng cũng đầy gian truân, biến khát vọng thành hành động, trở thành người “Đối thoại với cánh đồng”. Với nỗ lực không ngừng, từ một nhân viên tạp vụ rồi trở thành cán bộ, năm 2000 ông được tín nhiệm bầu làm Giám đốc Công ty Giống cây trồng Thái Bình. Năm 2004, Công ty tiến hành cổ phần hóa và ông trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed ngày nay. Thành công, song ông không bao giờ quên những ngày đầu khởi nghiệp của mình. Ông nhớ và kể lại thời điểm ông công tác tại Trại giống lúa Đông Cơ (thuộc Công ty Giống lúa Thái Bình). Khi ấy, Trại giống sản xuất kém hiệu quả, từ kiến thức và kinh nghiệm ông đã tự nghiên cứu, tìm tòi rồi mạnh dạn xây dựng đề tài “Khoán sản phẩm cuối cùng đến người lao động trong sản xuất nông nghiệp quốc doanh”. Thời điểm đó, đề tài vấp phải nhiều sự phản đối nhưng ông vẫn kiên trì với mục tiêu của mình. Kết quả, ông đã cùng đồng nghiệp đưa Trại giống lúa Đông Cơ tăng trưởng vượt bậc, gấp 10 lần so với thời kỳ trước.
Thán phục trước ý chí của ông, bạn trẻ Nguyễn Văn Xứng, xã Thái Thượng (Thái Thụy) đã nói: Khi nghe ông chia sẻ, nhiều bạn trẻ trong đó có tôi thực sự khâm phục trước một thanh niên, một người lính đi qua cuộc chiến tranh với nhiều thương tật mà niềm đam mê, khát vọng không bị lụi tàn. Với những gì được nghe ông kể mới thấy con đường khởi nghiệp không phải lúc nào cũng bằng phẳng. Cuộc đời của ông chính là một minh chứng cho chúng tôi thấy sự dám nghĩ, dám làm, có đam mê, ý chí, có sáng tạo sẽ đạt được thành công. Ông đã truyền lửa để chúng tôi có thêm quyết tâm vươn lên trong cuộc sống. Đó là tấm gương sáng để lớp trẻ chúng tôi học tập.
Khác với dáng vẻ của một doanh nhân thành đạt, tôi có cảm giác lúc nào ông Báo cũng bận rộn với các công trình nghiên cứu, khảo nghiệm về giống. Và quả thực như vậy, thời gian cũng như tâm huyết của ông luôn gắn bó với đồng ruộng, với nông dân. Nhớ có lần ông đã từng nói “đi đâu vài ngày khi về đến nhà việc đầu tiên tôi làm là đi thăm đồng”, khi ấy tôi lại nhớ những lần đi cùng ông tham quan giống lúa. Giữa cái nắng trưa hè, khi mà nhiều người đã phải “trốn nắng” thì ông vẫn phăm phăm bước đi và hào hứng giới thiệu kỹ càng về từng giống lúa mặc cho mồ hôi chảy ròng trên mặt và áo ướt như vừa dội nước. Nhìn phong thái ông làm việc, cái cách ông nâng niu từng hạt giống, từng nhánh mạ non hay đọc một bài báo viết về ông với câu chuyện 11 hạt giống đã được ông nghiên cứu nhân lên thành 11 cây mạ, gieo trồng thử nghiệm rồi trở thành nguồn giống quý, thành bố mẹ của nhiều cặp lai cho nhiều giống lúa thuần của Công ty sau này, tôi mới càng hiểu tại sao ông luôn giới thiệu mình là nông dân.
Không chỉ nhận mình là nông dân, ông Báo còn khẳng định mình là một người “nông dân mới”. Cuối tháng 3 vừa qua, ông vừa có bài phát biểu tại diễn đàn “Người Việt có tầm ảnh hưởng - VGLF” diễn ra tại Paris (Pháp). Qua bài phát biểu của mình, ông mong muốn gửi gắm một thông điệp rằng nền nông nghiệp Việt Nam muốn trở thành một nền sản xuất hàng hóa hiện đại theo đúng nghĩa thì cần huy động được những trí tuệ lớn, những công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới. Ông cũng luôn cho rằng, để ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 vào nông nghiệp và phát triển một nền nông nghiệp công nghệ cao bền vững, hiện đại thì yếu tố con người, cụ thể là đào tạo và phát triển nhân lực có trình độ cao là điều quan trọng nhất. Do vậy, phải đầu tư kiến thức và thay đổi nhận thức cho nông dân để họ trở thành “nông dân mới” đáp ứng yêu cầu hội nhập.
Chính sự say mê, nhiệt huyết, dám đổi mới, không ngừng sáng tạo ở ông - một người lãnh đạo tài ba đã giúp ThaiBinh Seed Group ngày càng phát triển, trở thành công ty giống hàng đầu trong nước như hiện nay. ThaiBinh Seed Group cũng là doanh nghiệp đầu tiên trong cả nước xây dựng thành công trung tâm nghiên cứu và phòng thử nghiệm quốc gia. Là doanh nghiệp khoa học công nghệ đầu tiên của tỉnh, đơn vị tiên phong thực hiện chương trình liên kết “4 nhà” với chuỗi liên kết sản xuất tại hơn 60 điểm trong cả nước, mỗi năm tiêu thụ 20.000 - 22.000 tấn sản phẩm cho nông dân. Nhìn lại chặng đường qua, hơn 40 năm đối thoại với cánh đồng, “nông dân mới” Trần Mạnh Báo đã giúp bà con nông dân có được nhiều mùa vàng bội thu. Dù ở cương vị nào, ông mãi luôn là một “nông dân mới”, một người truyền lửa cho các thế hệ, nhất là cho tuổi trẻ quê hương với mong muốn tuổi trẻ hôm nay sẽ kế thừa, đưa ThaiBinh Seed Group nói riêng và nền nông nghiệp nước nhà nói chung vươn mình ra biển lớn.
Mai Thư
(Tác phẩm dự thi viết về đề tài người Thái Bình - đất Thái Bình)
Tin cùng chuyên mục
- Về nơi thành lập Tỉnh đội Dân quân Thái Bình 09.12.2024 | 10:13 AM
- Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn: Nguồn cảm hứng về tinh thần hiếu học 06.10.2024 | 17:20 PM
- Lời thề yêu nước 09.07.2024 | 10:56 AM
- Hoàng Kỳ - người chiến sĩ cộng sản kiên trung 30.06.2024 | 23:35 PM
- Ký ức hào hùng của chiến sĩ Điện Biên 05.05.2024 | 19:35 PM
- Hai cây đại cổ - linh hồn của làng quê Đồng Thanh 26.04.2024 | 13:47 PM
- Gắn kết hai vùng quê danh tướng 03.04.2024 | 10:07 AM
- Người cầm cờ trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 15.12.2023 | 17:48 PM
- Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có 25.10.2023 | 09:01 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiền Hải: Phát huy truyền thống, phấn đấu vươn xa 06.10.2023 | 08:48 AM
Xem tin theo ngày
- Công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng công nhận thị trấn Tiền Hải mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại IV
- Thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
- Gặp mặt cán bộ, hội viên Câu lạc bộ Lê Quý Đôn
- Khen thưởng 12 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác văn phòng cấp ủy
- Công bố quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác cán bộ
- Hội nghị Chính phủ với chính quyền địa phương
- Không ngừng nghỉ trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực
- Họp Tiểu ban Nhân sự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI
- Chính thức khởi động cuộc thi trắc nghiệm trên internet tìm hiểu “Lịch sử Đảng bộ, lịch sử tỉnh Thái Bình”
- An Ninh: Khánh thành Trung tâm giáo dục cộng đồng