Chủ nhật, 24/11/2024, 01:07[GMT+7]

Những người lính trên tuyến lửa Trường Sơn

Thứ 7, 27/04/2019 | 10:00:38
3,851 lượt xem
Để tập trung cho mục tiêu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tháng 8/1973 gần 2.000 thanh niên là con em Thái Bình đã hăng hái lên đường bổ sung lực lượng cho Đoàn 559, Sư đoàn 472, Sư đoàn 473 để mở đường Trường Sơn vận tải vũ khí, quân lương phục vụ chiến trường. Những người con quê lúa đã chiến đấu anh dũng, gan dạ trên các tuyến đường “máu lửa” góp phần viết nên bản trường ca hào hùng “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Liệu ôn lại những năm tháng hào hùng.

Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Liệu, Trưởng ban liên lạc Hội đồng ngũ tháng 8/1973 tỉnh Thái Bình bồi hồi nhớ lại những ngày tháng chiến đấu đầy gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng của ông và đồng đội. Để đáp ứng yêu cầu cấp bách của mặt trận, tháng 8/1973 gần 2.000 thanh niên với 3 tiểu đoàn, gồm 2 tiểu đoàn nam, 1 tiểu đoàn nữ đã tình nguyện lên đường. Được tập trung huấn luyện tại huyện Vũ Thư và Quỳnh Phụ, sau đó các tân binh được lệnh đi chiến trường B. Sau gần 2 tháng hành quân, đến cuối tháng 10/1973 đơn vị tập kết tại huyện Hiên, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và được bổ sung cho Sư đoàn 471, 473, Đoàn 559 làm nhiệm vụ mở đường, bảo đảm thông đường 14 Đông Trường Sơn. Bước sang năm 1974, tình hình chiến trường có nhiều chuyển biến, Sư đoàn 471 được điều sang Tây Trường Sơn thành lập đơn vị xe thuộc Sư đoàn 472 Đoàn 559. Các anh nhanh chóng làm quen với nhiệm vụ mới, mặc cho mưa rừng, nắng lửa, thời tiết khắc nghiệt, côn trùng như vắt xanh, rắn xanh, muỗi rừng, ruồi vàng, bọ chó, gió Tây “đặc sản” ở Trường Sơn hành hạ... Những người lính Trường Sơn vẫn quyết tâm vừa chiến đấu vừa thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ mở đường “Vì miền Nam ruột thịt”, với khẩu hiệu “Làm ngày chưa đủ, tranh thủ làm đêm" để mùa khô 1974, thông tuyến Đông Trường Sơn. Nhìn những đoàn xe ngày đêm nối đuôi nhau chở quân, chở hàng chi viện cho chiến trường chuẩn bị chiến dịch giải phóng miền Nam mà lòng vui phơi phới quên hết mệt nhọc, gian khổ. Trong thời gian phục vụ chiến đấu đó đã có nhiều đồng chí, đồng đội anh dũng hy sinh, nhiều đồng chí đã để lại một phần cơ thể tại chiến trường, nhiều đồng chí đã bị nhiễm chất độc hóa học để lại di chứng nặng nề.


Cô Phạm Thị Mỵ, sinh năm 1957, trú tại số nhà 44, số Lê Lợi, phường Đề Thám (thành phố Thái Bình) - một nữ chiến sĩ mở đường năm xưa kể lại không khí hào hùng của những tháng năm đi mở đường, công tác trên “tuyến lửa”. Lúc đó, cô 16 tuổi, thấy bạn bè cùng trang lứa viết đơn tình nguyện lên đường, cô cũng xung phong nhưng chưa đủ tuổi. Để được tiếp nhận, trong đơn cô đã viết tăng thêm 1 tuổi (sinh năm 1956) cho đủ 17 tuổi. Tháng 8/1973, cô nhập ngũ và được huấn luyện tại xã Quỳnh Hội (Quỳnh Phụ). Sau 2 tháng huấn luyện, tháng 10/1973, cô được lệnh vào chiến trường B, biên chế vào Sư đoàn 473 thuộc Đoàn 559 nhận nhiệm vụ tham gia mở đường. Hơn 1 tháng hành quân, cô và đồng đội đã đến Khe Sanh, một vùng chiến trường ác liệt làm nhiệm vụ mở đường và san lấp hố bom. Khi mở đường, những cây gai làm quần áo cô và đồng đội rách tơi tả. Cái mưa, nắng thất thường của miền Trung, cái lạnh “cắt da thịt” của những đêm mưa rừng khiến nhiều đồng đội không tránh khỏi những cơn sốt rét đeo bám dai dẳng. Có những đêm ngủ trên võng, sáng dậy vắt đã bu kín chân tay. Sau chiến trường Khe Sanh, cô được điều động đến mặt trận A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, tiếp tục làm nhiệm vụ mở đường. Những ngày tháng ấy với cô Mỵ và đồng đội vô cùng gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng, đó là những trận sốt rét rừng, đó là nỗi đau phải chứng kiến đồng đội hy sinh. Cô nhớ nhất vào mùa khô năm 1974, cái nóng miền Trung như thiêu như đốt, lúc đó địch vây ráp rất gắt gao, 2 ngày trời cả tiểu đội của cô không ra suối lấy nước được, đến ngày thứ ba khi những giọt nước dự trữ cuối cùng đã hết, cô và đồng đội phải uống nước tại hố bom mà trước đó có hàng chục chiến sĩ hy sinh vì bom Mỹ, thịt xương tan nát, chỉ còn lại những mảnh quần áo nằm rải rác ở miệng hố. Cô nhớ như in cái mùi tanh nồng khi đưa bát nước lên miệng, ai cũng nôn ọe, nhưng rồi để tồn tại, để tiếp tục ra mặt trận, mọi người đều phải bịt mũi lại và uống… Sau giải phóng, năm 1977 cô Mỵ về địa phương và tiếp tục theo học thương nghiệp, ra trường cô công tác tại cửa hàng ăn uống thị xã Thái Bình. Những năm đất nước mở cửa, cô đã xin ra ngoài mở công ty. Với bản lĩnh của người lính Cụ Hồ cô đã thành công trong lĩnh vực kinh doanh, tạo việc làm cho hàng chục lao động là con em của đồng đội với mức thu nhập ổn định.    

Cô Phạm Thị Mỵ phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ thành công trên con đường kinh doanh.


Đang là công nhân của tổ chế biến hải sản Hợp tác xã Hải Hà, huyện Thái Thụy, tháng 8/1973, cô Tạ Thị Hạnh, sinh năm 1955, ở khu 8, thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy) đã tình nguyện lên đường nhập ngũ. Sau 2 tháng huấn luyện, tháng 10/1973, cô được lệnh vào chiến trường B, biên chế vào Sư đoàn 473 thuộc Đoàn 559 nhận nhiệm vụ tham gia mở đường Trường Sơn dọc tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Hàng ngày, cô và nhiều đồng đội khác có nhiệm vụ phát quang cây cối, mở đường để đưa quân lương vào miền Nam, chuẩn bị cho chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Công việc mở đường vất vả, cộng với khí hậu miền Trung khắc nghiệt càng khiến công việc khó khăn hơn đòi hỏi cô và đồng đội luôn phải cố gắng hết mình. Tháng 6/1974, cô Hạnh nhận lệnh chuyển sang Tiểu đoàn 674. Tại đơn vị mới, giai đoạn đầu cô nhận nhiệm vụ làm đường nhưng sang năm 1975 cô chuyển sang công việc mới là cùng đồng đội xây dựng Nghĩa trang quốc gia Trường Sơn, quy tập hài cốt liệt sĩ phân theo khu vực địa lý để an táng. Thời gian đầu, cả đơn vị của cô phải bạt rừng cây, san từng quả đồi để làm mặt bằng nghĩa trang. Sau đó, những chiến sĩ nam luồn rừng tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ, còn những chiến sĩ nữ tiếp nhận hài cốt, lau rửa và chôn cất các liệt sĩ. Đợt cao điểm, có ngày đơn vị cô tiếp nhận tới 900 bộ hài cốt liệt sĩ do đồng đội đưa về sau 1 tuần tìm kiếm. Tháng 4/1977, cô Hạnh ra quân, trở về quê hương với quyết định bệnh binh.


Về với cuộc sống đời thường, những người lính trên tuyến lửa Trường Sơn năm xưa lại tiếp tục hăng say lao động sản xuất, xây dựng quê hương. Những năm tháng chiến đấu hào hùng đó đã động viên họ tiếp tục phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, không ngừng phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

Vũ Tiến
(Tác phẩm dự thi viết về đề tài người Thái Bình - đất Thái Bình)