Phàn “còi” một thời lái xe Trường Sơn
Trốn nhà đi thanh niên xung phong
Về thôn Linh Thanh, xã Thái Thuần (Thái Thụy) một ngày đầu tháng 4, tôi gặp bà Phạm Thị Phàn - nữ chiến sĩ lái xe Trường Sơn năm xưa. Phàn “còi” ngày nào bây giờ qua hơn 50 năm vẫn vóc dáng ấy, con người ấy nhưng mái tóc đã ngả bạc theo thời gian. Và cũng đã 47 năm có lẻ, người con gái xứ nhãn về quê lúa làm dâu. Với bà Phàn, kỷ niệm một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” vẫn cứ in đậm mãi trong ký ức của mình. Tháng 4 về, bà lại nhớ về đồng đội, nhớ về cái tên Phàn “còi” mà đồng đội đặt cho...
Năm 1950, khi bà Phàn mới 2 tuổi thì bố bị giặc Pháp giết khi hoạt động cách mạng. Một mình mẹ tần tảo nuôi 5 chị em. Lớn lên, bà được các anh chị kể lại chuyện bố bị giặc phát hiện và giết dã man, bà Phàn càng muốn xung phong vào chiến trường đánh Mỹ. Năm 1965, khi đó mới 16 tuổi, người nhỏ hơn chúng bạn nhưng bà đã hăng hái đăng ký tham gia TNXP nhưng mẹ không đồng ý vì sợ con còn nhỏ không chịu nổi khó khăn, vất vả. Tuy nhiên, với quyết tâm của mình, bà đã trốn gia đình để vào TNXP. Ban đầu bà được điều về Đại đội 11 làm nhiệm vụ mở tuyến đường 15 thuộc huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình). Đến tháng 4/1968, bà được chuyển từ TNXP sang bộ đội, biên chế về Binh trạm 12, Đoàn 559.
Bà Phàn còn nhớ: Tết Mậu Thân 1968, chiến sự trên các mặt trận ngày càng ác liệt. Mỹ huy động lượng lớn máy bay đánh phá các con đường trọng điểm trên chiến trường. Nhu cầu cung cấp nhân lực, vật lực cho miền Nam trở nên cấp bách. Đoàn 559 được giao nhiệm vụ phải tăng khối lượng chi viện gấp hai lần thời gian trước đó. Lái xe nam không đủ, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 giao nhiệm vụ cho Binh trạm 9, Binh trạm 12 tuyển gấp 40 nữ TNXP, lập đội lái xe vận tải tuyến hậu phương để hỗ trợ các khu vực cửa khẩu. Lúc ấy, chúng tôi là những cô gái tuổi đôi mươi có sức khỏe, tháo vát được tuyển chọn và gửi đi đào tạo cấp tốc. Khóa huấn luyện nhanh vẻn vẹn 45 ngày tại Thọ Xuân (Thanh Hóa). Nhiệm vụ đầu tiên của chúng tôi là chở hàng hậu cần cho đơn vị từ Thanh Hóa, Nghệ An đưa vào Binh trạm. Đến cuối năm 1968, chúng tôi mới nhận nhiệm vụ lái xe vào chiến trường...
Chiến công lớn nhất của trung đội là lần vượt Cổng Trời (Quảng Bình). Cuối năm 1969, trong lúc mùa mưa ở Lào bắt đầu thì cũng là lúc Mỹ điên cuồng bắn phá đường 12. Con đường dài hơn 50km ngoằn nghoèo bị máy bay Mỹ nhè những đoạn gấp khúc mà thả bom, trọng điểm là khu vực Cổng Trời dốc cao dựng đứng nối với cửa khẩu Cha Lo thông sang Lào. Đây là nơi tập kết hàng hóa và thương binh, nối hai tuyến đường Trường Sơn Đông và Trường Sơn Tây.
Với bà Phàn, kỷ niệm đáng nhớ nhất có lẽ là đêm ngày 2/4/1969, đoàn xe nhận nhiệm vụ phải cấp tốc chở súng ống, đạn dược vượt Cổng Trời chi viện ngay cho các đơn vị phía trong. Binh trạm 12 lấy tinh thần xung phong chở hàng ngay trong đêm. Dù bé nhỏ nhất trung đội nhưng tôi đã xung phong dẫn đầu. Bà Phàn nhớ lại: Đoàn xe đi trong ánh sáng soi bằng hỏa pháo của đối phương, tiếng động cơ máy bay gầm rú trên đầu như xay lúa. Khi xe của chúng tôi vượt lên dốc cao, đèn dưới gầm xe hắt lên khiến địch phát hiện. Biết đối phương sắp đánh tọa độ, tôi nhấn mạnh ga lao nhanh về phía trước, cả đoàn lao theo sau. Khi chúng tôi vừa vượt qua con dốc thì nơi đó trở thành chiến địa rực lửa...
Ở chiến trường bom đạn khốc liệt, sự sống và cái chết mong manh lại thiếu thốn thông tin liên lạc, tin người mẹ ở quê nhà qua đời mãi một thời gian sau đó bà mới nhận được. Nén thương đau, bà Phàn quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Biệt danh Phàn “còi” lái xe giỏi trên những cung đường Trường Sơn huyền thoại được đồng đội ở các đơn vị bạn biết đến. Chính hành động dũng cảm, mưu trí của bà đã tạo động lực, tiếp thêm tinh thần cho các đoàn xe nối đuôi nhau vượt qua “mưa bom, bão đạn”. Sau chuyến đi này, nữ chiến sĩ lái xe Phạm Thị Phàn vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng chiếc đồng hồ Poljiot. Hơn 50 năm qua, chiếc đồng hồ là kỷ vật vô giá bà Phàn gìn giữ cẩn thận.
Nên duyên trên đỉnh Trường Sơn
Lục tìm trong tập tài liệu cũ cất giữ cẩn thận một góc tủ, ông Nguyễn Đức Luận, chồng bà Phàn rút ra tờ giấy A4 đã xỉn màu, nét chữ đã nhạt nhưng vẫn đọc được. Tờ giấy chứng nhận kết hôn của ông bà đề ngày 25/4/1972 do Ủy ban Hành chính thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) cấp.
Ông Luận kể cho tôi nghe về mối lương duyên giữa ông và người con gái xứ nhãn Phạm Thị Phàn. Câu chuyện ông kể có phần ngắt quãng do di chứng tai biến để lại nhưng cũng đủ để cuốn hút tôi về một thời đã qua. Ông vốn là bộ đội nhập ngũ năm 1967, sau khi học trung cấp sửa chữa ô tô, ông được điều chuyển về làm thợ máy tại X120, Sư đoàn 572, Đoàn 559. “Về phần bà Phàn, năm 1970, bà ấy được điều chuyển từ trung đội nữ lái xe sang làm thợ điện máy của X120. Tại đây, hai ông bà gặp gỡ, làm quen. Ban đầu chỉ là nói chuyện với nhau những lúc rảnh rỗi rồi tình yêu cứ nảy nở dần dần, tự nhiên và chân thành. Được đồng đội tác hợp, sau hai năm tìm hiểu, cặp đôi “trai thợ máy, gái thợ điện” tổ chức đám cưới nơi đại ngàn Trường Sơn.
Đỡ lời chồng, bà Phàn tâm sự: Sau ngày đăng ký kết hôn ít lâu, đơn vị tổ chức đám cưới cho chúng tôi đơn giản nhưng cũng tươm tất, ấm cúng. Theo quy định, chúng tôi được cấp 10 gói thuốc lá, 5 gói chè khô và một ít bánh kẹo. Các chị em trong đơn vị thì hái hoa rừng trang trí phòng cưới. Dù chỉ có bát nước vối, nước chè, đĩa bánh kẹo giản đơn nhưng ấm áp tình đồng chí, đồng đội. Với chúng tôi như vậy là sang lắm rồi. Cô dâu và chú rể thì vẫn mặc nguyên bộ quần áo lính.
Sau ngày cưới một thời gian, bà Phàn xin phục viên về quê chồng tại xã Thái Thuần và trở thành cô xã viên hăng say sản xuất trên đồng ruộng, là hậu phương vững chắc cho chồng, con. Ông Luận tiếp tục công tác trong quân đội đến năm 1989 thì nghỉ chế độ. Trở về với đời thường nhưng hàng năm, chị em trong trung đội lái xe Trường Sơn năm xưa vẫn gặp gỡ nhau để cùng ôn lại chuyện chiến trường. Cái tên Phàn “còi” vẫn được chị em đồng đội gọi thân mật. Sau 50 năm giữ gìn chiếc đồng hồ được Bác Hồ tặng cho mình, bà đã trao lại kỷ vật đó cho Bảo tàng tỉnh Thái Bình tiếp tục lưu giữ và bảo quản.
“Tôi muốn kỷ vật ấy sẽ được nhiều người biết đến, nhất là thế hệ trẻ hôm nay biết về một thời hoa lửa, sự hy sinh của thế hệ cha anh đi trước để có hòa bình hôm nay. Mỗi lần cầm trên tay chiếc đồng hồ Bác tặng, tôi lại rưng rưng nước mắt nhớ về những người đồng đội mãi mãi nằm lại nơi chiến trường và tự hứa với lòng mình sẽ tiếp tục học Bác ở những điều giản dị nhất...” - bà Phàn chia sẻ thêm.
Tất Đạt
Tin cùng chuyên mục
- Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn: Nguồn cảm hứng về tinh thần hiếu học 06.10.2024 | 17:20 PM
- Lời thề yêu nước 09.07.2024 | 10:56 AM
- Hoàng Kỳ - người chiến sĩ cộng sản kiên trung 30.06.2024 | 23:35 PM
- Ký ức hào hùng của chiến sĩ Điện Biên 05.05.2024 | 19:35 PM
- Hai cây đại cổ - linh hồn của làng quê Đồng Thanh 26.04.2024 | 13:47 PM
- Gắn kết hai vùng quê danh tướng 03.04.2024 | 10:07 AM
- Người cầm cờ trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 15.12.2023 | 17:48 PM
- Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có 25.10.2023 | 09:01 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiền Hải: Phát huy truyền thống, phấn đấu vươn xa 06.10.2023 | 08:48 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
Xem tin theo ngày
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng