Thứ 6, 10/01/2025, 10:23[GMT+7]

Chuyện về người anh hùng (Kỳ 1)

Thứ 2, 29/04/2019 | 16:46:45
8,244 lượt xem
Những người yêu mến điện ảnh cách mạng Việt Nam ai cũng biết bộ phim Biệt động Sài Gòn nổi tiếng sản xuất cuối những năm 80 của thế kỷ XX nhưng không phải ai cũng biết nguyên mẫu của nhân vật Hoàng Sơn trong bộ phim ấy.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai (ảnh do gia đình cung cấp).

Trong phim, Hoàng Sơn - chủ hãng sơn Đông Á thực ra là Phó Tư lệnh Biệt động Sài Gòn. Còn ngoài đời thực, “Hoàng Sơn” là ông Trần Văn Lai (Năm Lai, Mai Hồng Quế, Năm USOM), thành viên của Biệt động Sài Gòn, một chiến sĩ cách mạng can trường hoạt động trong lòng địch dưới danh nghĩa “nhà thầu khoán dinh Độc Lập”, người con ưu tú của quê hương Thái Bình.

Trong chuyến công tác Thành phố Hồ Chí Minh cuối tháng 2 vừa rồi, cơ duyên đã cho chúng tôi gặp gỡ anh Trần Kiến Xương (còn có tên khác là Trần Vũ Bình, thường gọi là Bình), con trai ông Trần Văn Lai. Những câu chuyện anh kể, những tư liệu lịch sử anh cho chúng tôi xem, những cơ sở gắn với quá trình hoạt động của Biệt động Sài Gòn nay đã trở thành di tích lịch sử mà anh hướng dẫn chúng tôi tham quan như những thước phim quay chậm phác họa rõ hơn hình ảnh Biệt động Sài Gòn - lực lượng “xuất quỷ nhập thần” một thời khiến quân thù khiếp vía cũng như cuộc đời và sự nghiệp cách mạng đầy hy sinh của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai.

KỲ 1: TỪ CẬU BÉ BỒI TIÊM ĐẾN “NHÀ THẦU KHOÁN”

Không nhiều người con có thể kể rành rẽ, chi tiết về cuộc đời và sự nghiệp của cha mình với niềm tự hào lớn lao như anh Trần Vũ Bình.

“Ba tôi sinh năm 1920 ở xã Vũ Đông (huyện Kiến Xương), nay thuộc thành phố Thái Bình. Dù nhà nghèo nhưng ngay từ khi còn nhỏ ba tôi đã được cho học chữ Nho, chữ quốc ngữ.

Năm 13 tuổi, vì nhà quá nghèo, ông bỏ quê lên phố. Số phận run rủi ông làm người sai vặt cho nhà me Tây. Me Tây ác quá nên ông bỏ đi, đến ở cho nhà ông chủ người Pháp. Ông chủ người Pháp trước khi về nước dẫn ba tôi đến giao cho quan án sát Phạm Gia Nùng. Quan án sát nghiện thuốc phiện, giao việc bồi tiêm cho ba tôi. Nhờ khéo tay nên ông đã chinh phục được quan án sát, đến anh ruột của quan án sát là đại học sĩ Phạm Gia Thụy cũng mê mẩn nghệ thuật bồi tiêm của ba tôi. Thậm chí, bà vợ bé của quan án sát từng giới thiệu với quan khách rằng “thằng bé bồi tiêm” là cháu của chồng. 

Bởi vậy, khi ba tôi trở thành chiến sĩ biệt động và được lệnh vào nội thành Sài Gòn hoạt động thì ông đã có một lý lịch “hết sức huy hoàng”. Ngay việc để “danh chính ngôn thuận” vào nội thành hoạt động cũng là một hành trình hết sức ly kỳ.

Ông Năm Lai trước căn biệt thự số 6 và số 8 đường Tự Đức, quận Phú Nhuận mà ông từng bán để góp tiền cho cách mạng (ảnh do gia đình cung cấp). 

Để hoạt động lâu dài trong nội thành, tổ chức sắp đặt cho ba tôi trở thành chồng của bà Phạm Thị Phan Chính, cháu ông chủ tiệm vàng Phú Xuân, người nắm giữ khối tài sản hàng trăm nghìn cây vàng, một trong những tài phiệt giàu có nhất Sài thành lúc bấy giờ. Bà Phạm Thị Phan Chính tên thật là Phạm Thị Chinh - một đảng viên, cũng là một chiến sĩ biệt động.

Nhưng để tìm được lý do qua mặt các chốt kiểm soát của địch, từ đó “danh chính ngôn thuận” vào nội thành là điều không hề dễ dàng”…

Câu chuyện ông Trần Văn Lai vào nội thành được kể lại như sau:

“Một ngày, ông Lai một thân một mình xuống Long An, tạt vào ty cảnh sát rồi hỏi thiếu tá trưởng ty: Thưa thiếu tá, tôi định sang Cao Miên. Liệu có cần giấy tờ xuất cảnh không?

Nghe hỏi vô lý, viên thiếu tá quắc mắt: Hỏi chi kỳ cục, phải có chứ!

Chỉ chờ có thế, ông Lai trình ra tấm chứng chỉ của vua Xi-ha-núc cho phép được tự do qua nước bạn.

Bức tranh này do tự tay ông Năm Lai vẽ mình và bà Phạm Thị Phan Chính (ảnh do gia đình cung cấp).

Viên thiếu tá thất kinh, đổi giọng gọi ông Lai là “anh Hai”, đon đả mời “anh Hai” uống nước rồi kể cho nghe về tấm chứng chỉ vô giá kia: Năm 1948, vua Xi-ha-núc tổ chức mừng thượng thọ cho cha. Vua cha thường ngồi trên chiếc ngai vàng có lớp vải lót đã cũ. Nhiều lần mời chuyên gia các nước về phục chế nhưng không thành, vua Xi-ha-núc nhờ quan cao ủy Pháp ở Đông Dương, ông này không biết xử trí ra sao bèn cầu cứu vua Bảo Đại. Ông Lai lúc này đang theo học ông Nguyễn Tái Ước và ông Nguyễn Văn Thiết là thợ trang trí nội thất khéo léo bậc nhất của vua. Vua liền cho vời thầy trò ông vào giao nhiệm vụ nặng nề kia. Thật không ngờ, chỉ sau một thời gian ngắn những người thợ Việt Nam đã phục chế được lớp vải lót đã cũ mà không cần dùng vải khác thay thế. Vua Xi-ha-núc vô cùng vui mừng và khâm phục liền ban cho mỗi người một tấm chứng chỉ cho phép qua Cao Miên lúc nào cũng được mà không cần giấy tờ gì khác.

Nghe kể, thiếu tá trưởng ty bội phần nể phục, hỏi đợt này “anh Hai” qua Cao Miên có việc chi, ông Lai bảo rằng mình có người vợ là cháu ông chủ tiệm vàng Phú Xuân, em của trưởng ty cảnh sát Nha Trang Phạm Phong Ngư, vợ ông cậy thế ức hiếp chồng nên ông giận, bỏ đi.

Chế tạo nội thất dinh Độc Lập (ảnh do gia đình cung cấp)

Thiếu tá trưởng ty nghe thế thì muốn có thêm mối quan hệ nên đã chủ động gọi điện cho tiệm vàng Phú Xuân mời bà Phạm Thị Phan Chính xuống đón chồng về. “Ông Lai - dù chưa hề biết mặt “vợ” nhưng cũng làm bộ giận dỗi ra trò khiến thiếu tá trưởng ty càng tin.

Cuộc điện thoại của thiếu tá trưởng ty cảnh sát Long An đã mở đường cho chiến sĩ biệt động Trần Văn Lai đường hoàng vào nội thành Sài Gòn. Và với một lý lịch “hết sức huy hoàng”: cháu của quan án sát cộng với tấm chứng chỉ của vua Xi-ha-núc, ông chủ tiệm vàng Phú Xuân chẳng nghi ngờ gì khi nhận ông Lai làm rể quý. Sau đó ông chủ tiệm vàng còn tìm mọi cách để “cháu rể” trở thành người thầu khoán, chủ trì việc trang trí nội thất cho dinh Độc Lập.

Dinh Độc Lập (nay là Hội trường Thống Nhất).

“Cháu của quan án sát” trở nên thân thiết với trung tá Huỳnh Giá, trưởng phòng nội dịch phủ tổng thống qua sự giới thiệu của ông chủ tiệm vàng Phú Xuân. Trung tá Huỳnh Giá sau đó đưa ông Lai vào dinh Độc Lập làm nhà thầu trang trí nội thất cho dinh thự xa hoa này. Ông Trần Văn Lai lúc này đã “lột xác” trở thành “nhà thầu khoán”, dùng tên giao dịch Mai Hồng Quế, mua nhà, sắm xe, là “ngôi sao” trong giới tư sản Sài Gòn khi sở hữu trong tay khối tài sản lên đến hàng nghìn cây vàng và có quan hệ rộng rãi với nhiều quan chức cỡ bự của chính quyền Việt Nam cộng hòa”.

(còn nữa)

HƯƠNG GIANG

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày