Chủ nhật, 24/11/2024, 02:31[GMT+7]

Chuyện về người anh hùng (Kỳ 3)

Thứ 4, 01/05/2019 | 05:02:52
2,774 lượt xem
Mưu trí, sáng tạo, không quản hiểm nguy khi hoạt động trong lòng địch, cùng đồng đội chiến đấu ngoan cường, lúc gian khó luôn nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí của chiến sĩ biệt động Trần Văn Lai thật đáng khâm phục!

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh thăm căn hầm bí mật của gia đình ông Trần Văn Lai tại quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh do gia đình cung cấp).

Kỳ 3: Ý chí của người chiến sĩ cách mạng

Thật khó tưởng tượng ba căn nhà liền kề của ông Trần Văn Lai tại số 287/68-70-72 đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 nằm lọt thỏm trong một khu chợ đông đúc lại là nơi cung cấp vũ khí cho Biệt động Sài Gòn tấn công các mục tiêu trọng yếu của địch ngay trong nội thành Sài Gòn và là nơi Đội 5 Biệt động Sài Gòn tập kết, trú ém, chuẩn bị vũ khí thực hiện sứ mệnh tấn công thẳng vào dinh Độc Lập, cơ quan đầu não của chính quyền Mỹ - ngụy trong chiến dịch Mậu Thân 1968. Trong lúc đồng đội lắp ráp vũ khí, lau chùi súng đạn, ông Lai vừa cảnh giác tình hình địch và các nhà xung quanh vừa dùng bàn ghế có chân sắt kéo lê trong nhà đồng thời ra vào kéo đóng cửa sắt để át tiếng động của việc lắp ráp vũ khí. Sau khi lắp ráp, tất cả vũ khí cùng các trang thiết bị chiến đấu khác được đưa lên hai chiếc ô tô của ông.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nghe giới thiệu về quá trình xây dựng căn hầm. (ảnh do gia đình cung cấp).

 Đúng “giờ G”, hai chiếc ô tô chở toàn bộ lực lượng Đội 5 Biệt động Sài Gòn cùng vũ khí xuất phát tấn công dinh Độc Lập. Lúc này, quanh dinh, địch đã tăng cường quân số, vũ khí, tạo vành đai phòng ngự bằng cách dựng lên nhiều ụ cát cùng hàng rào kẽm gai dày đặc. Chúng cũng tăng cường giới nghiêm, thi hành thiết quân luật trong thành phố.

Bị tấn công, địch phản kích dữ dội, các chiến sĩ Đội 5 Biệt động Sài Gòn kiên quyết bám trụ, chiến đấu. Trong trận chiến đấu không cân sức ấy, 7 người của Đội 5 đã anh dũng hy sinh, những người còn lại bị địch bắt sau khi chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. 4 ngày sau, phát hiện địa điểm tập kết lực lượng và cất giấu vũ khí của Biệt động Sài Gòn lại chính là nhà của “nhà thầu khoán dinh Độc Lập”, địch mở cuộc hành quân bố ráp, có sự yểm trợ của trực thăng… Tại ngôi nhà số 287/68-70-72 đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, sợ quân ta vẫn còn ở đây, chúng dùng súng bắn tràn vào nhà, đến giờ trên cửa sắt phía trước ngôi nhà vẫn còn các vết đạn. Vào được nhà, địch lục soát khắp nơi nhưng chúng không thể phát hiện căn hầm bí mật của ông Lai ngay dưới sàn nhà.

Du khách tham quan di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia “Hầm chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn tấn công dinh Độc Lập tết Mậu Thân năm 1968” - ảnh Minh Hãnh.

Bà Đặng Thị Thiệp - người vợ thứ hai của ông Lai cho chúng tôi biết thêm: Trước trận đánh được dự báo là sẽ rất khốc liệt, có lẽ ông ấy xác định mình ít có cơ hội trở về nên đã viết sẵn và kín đáo để lại một lá thư dặn dò con cái nhớ tìm về quê hương bản quán sau ngày đất nước giải phóng. Điều đáng nói là do tình thế hoạt động cách mạng lúc bấy giờ nên tôi chỉ được coi là “vợ bé” của ông còn các con ông thì gọi cha mình bằng… bác.

Anh Trần Vũ Bình kể tiếp: “Sau khi tấn công dinh Độc Lập, cơ sở và thân phận của ba tôi đã bị lộ, địch tịch thu toàn bộ tài sản, nhà cửa, xe cộ của ông đồng thời phát lệnh truy lùng và treo giải thưởng cho người nào bắt được tên Việt cộng nằm vùng Trần Văn Lai.

Vết đạn của địch trên cửa ngôi nhà số 287.68-70-72 đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh

Tình thế nguy hiểm, ba tôi được tổ chức cho phép tạm lánh để tránh địch truy lùng, tạo điều kiện trở về căn cứ khi cần thiết. “Nhà thầu khoán dinh Độc Lập” lúc này phải giả trang, thay đổi chỗ ở liên tục để trốn tránh sự truy lùng của địch. Một thời gian sau địch bắt được ông, dù chúng đã dùng đủ mọi thủ đoạn, tra tấn dã man nhưng ông vẫn một mực không khai. Đến lúc sức ông suy kiệt chúng mới chấp nhận cho gia đình lên đón về để lo hậu sự.

Rất may, nhờ một thầy lang giỏi, sức khỏe của ông dần hồi phục. Khi sức khỏe ổn định, ông vượt đường xa ra Quảng Ngãi, quê hương của bà Thiệp để tìm cách ra Bắc. Tại đây ông bị địch bắt lần hai nhưng cũng như lần trước các đòn tra tấn của chúng vẫn không thể lay chuyển được ý chí sắt đá của người chiến sĩ cách mạng kiên trung.

Năm 1975, sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ba tôi về công tác tại đơn vị tiền phương B12 Bộ Tư lệnh Thành đội Sài Gòn - Gia Định, được giao nhiệm vụ truy quét tàn quân địch, tiếp quản nhà các sĩ quan địch bỏ lại. Ông còn được phân công nhiệm vụ Trưởng ban Quản lý thương xá Tam Đa - trung tâm thương mại lớn nhất Sài Gòn thời đó. Nhờ vận dụng và sử dụng toàn bộ công nhân cũ tự quản và bảo vệ do ông chỉ huy, thương xá Tam Đa được giữ nguyên vẹn và bàn giao cho Sở Thương nghiệp thành phố năm 1976. Năm 1977, ông về công tác tại Phòng Tổng kết chiến tranh, Bộ Tư lệnh Thành đội cho đến năm 1981 thì nghỉ hưu với quân hàm thượng úy. Ông là thương binh hạng 1/4 với tỷ lệ thương tật 81%”.

Năm 2015, đúng dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015), niềm vui đến với gia đình anh Trần Vũ Bình khi ba anh - chiến sĩ biệt động Trần Văn Lai được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Phần thưởng xứng đáng cho những thành tích, công lao và sự hy sinh, chịu đựng to lớn của ông.

Ông Trần Văn Lai bên chiếc xe chở Đội 5 Biệt động Sài Gòn đi đánh dinh Độc Lập tết Mậu Thân 1968 (ảnh do gia đình cung cấp).

Trước đó, ngày 16/11/1988, hơn 20 năm sau trận Đội 5 Biệt động Sài Gòn tấn công dinh Độc Lập, Bộ Văn hóa ra quyết định công nhận ngôi nhà tại đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 (Thành phố Hồ Chí Minh) của ông Trần Văn Lai là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia “Hầm chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn tấn công dinh Độc Lập tết Mậu Thân năm 1968”.

Một số loại vũ khí Biệt động Sài Gòn sử dụng trong chiến dịch tết Mậu Thân 1968

Sáng ngày 31/1/2018, sau khi dự lễ kỷ niệm 50 năm cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã tới thăm căn hầm bí mật của gia đình ông Trần Văn Lai tại quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.

Lắng nghe lịch sử căn hầm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ xúc động, nâng niu từng kỷ vật, hiện vật. Đó là những bộ ván gõ, giỏ cần xé, cuộn cà tang… mà Biệt động Sài Gòn dùng để ngụy trang khi chở vũ khí từ căn cứ vào nội thành; đó là những chiếc ô tô, xe gắn máy chở Đội 5 Biệt động Sài Gòn đi đánh dinh Độc Lập…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chiêm ngưỡng kiến trúc bí mật của căn hầm ngay bên dưới ngôi nhà, khen ngợi truyền thống của gia đình và động viên gia đình cố gắng phát huy, giữ gìn khu di tích độc đáo, hào hùng này.


(còn nữa)

Hương Giang