Thứ 6, 03/05/2024, 04:18[GMT+7]

Người thủ thư cao tuổi giàu lòng với bạn đọc

Thứ 5, 01/03/2012 | 15:50:21
2,000 lượt xem
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất đồng quê thôn Bương Hạ Tây xã Quỳnh Ngọc huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình, bác Vũ Thị Nga được mọi người dân trong xóm ngoài làng kính trọng.

Bác Nga đang hướng dẫn bạn đọc nhỏ tuổi tìm đầu sách cần đọc.

Thời còn thơ không được cắp sách đến trường, đến tận sau ngày hoà bình lập lại ở miền Bắc, tham gia học buổi tối tại các lớp bình dân học vụ chỉ cốt được xoá nạn mù chữ, bởi vậy bác Nga luôn thèm học và đọc sách. Mong muốn ấy của bác đã có dịp được thực hiện. Ðó là khi người cháu ngoại lúc đó học tại Trường PTTH Quỳnh Côi xin phép đến Không gian đọc An Phú Quỳnh Hải đọc và mượn sách. Tìm hiểu thì bác được biết tại đây sách cho mượn về nhà không thu phí, không cần đặt cọc tiền. Bác Nga đã đến tận nơi và được anh Nguyễn Văn Quân thủ thư Không gian đọc An Phú giới thiệu về mô hình và cách phục vụ của thư viện tư nhân do mình quản lý. Ðược tận mắt thấy những cuốn sách hay, bác xin phép anh Quân rồi miệt mài đọc, quên cả thời gian đã quá buổi trưa. Biết bác tuổi cao, nhà ở xa, mà ham đọc sách, anh Quân đã mời bác ở lại dùng cơm trưa cùng gia đình để có thời gian đọc đến chiều. Trước khi ra về bác được cấp thẻ để hàng tuần đến đọc và mượn sách.

  

Nhân ngày sách và bản quyền thế giới 23/4/2010 trong buổi giao lưu văn hoá đọc tại rạp 19/5 do TTVHTT huyện Quỳnh Phụ phối hợp với các nhà hảo tâm yêu quý sách tổ chức, bác Nga đã mạnh dạn đề đạt nguyện vọng mong ước tại thôn Bương Hạ Tây quê mình có được tủ sách để mọi người nhất là người già, trẻ nhỏ, ai muốn cũng có sách đọc. Ngay hôm đó,  Giám đốc nhà sách Thái Hà Nguyễn Mạnh Hùng, nhà văn Nguyễn Văn Thọ cùng anh Nguyễn Quang Thạch đã tặng bác số sách hợn trăm cuốn. Không gian đọc An Phú đã cùng chung tay góp sức bằng cách chuyển một số sách báo, sách tham khảo học thêm cho học sinh phổ thông các cấp. Có vốn sách ban đầu được gần 300 cuốn, ngày khai trương là ngày vui quá bất ngờ đối với bác Nga. Bạn đọc nhỏ tuổi đến đông chật cả mấy gian nhà, nhiều cụ già cũng lui tới hỏi có sách nào phù hợp với người cao tuổi xin mượn đọc, không khí thật đầm ấm, sôi nổi và vui vẻ.

 

Hoạt động của tủ sách do bác Nga phụ trách đã dần đi vào nề nếp, một tuần mở của   phục vụ đối tượng thiếu nhi 3 ngày, còn các cụ già ngày nào cũng có thể đến mượn sách.

 

Ðể duy trì tốt hoạt động, ngoài các công việc trực tiếp xin tài trợ vốn sách báo, bàn ghế, chỗ ngồi phục vụ bạn đọc, mặt khác bác Nga đã tổ chức một đội ngũ cộng tác viên là các cháu thiếu nhi tích cực cùng tham gia sắp xếp, đóng lại sách đã đem lại  hiệu quả khá rõ rệt. Số bạn đọc đến với Không gian đọc thôn Bương Hạ ngày một đông, hiện có tới hàng trăm người đến làm thẻ, số sách báo phục vụ cũng được ghi chép kín cả hai quyển sổ.

 

Bên cạnh việc cố gắng duy trì nề nếp mở cửa phục vụ bạn đọc, bác Nga còn có cách làm kích thích lòng ham mê đọc sách của nhân dân trên địa bàn. Nhân ngày Tết Nguyên Ðán với số sách do một số tác giả địa phương gửi tặng, người thủ thư Không gian đọc Bương Hạ đã tổ chức mừng tuổi bạn đọc bằng sách. Thật ý nghĩa và vui sướng khi thấy những nét mặt rạng rỡ tươi cười, hai bàn tay các cháu đưa lên nâng đón nhận phần quà, miệng nói lời cám ơn, nhiều em nhảy chân sáo nói sẽ khoe với mọi người trong gia đình để cùng đọc sách.

 

Có cụ già đã 83 tuổi vui mừng thốt lên “ Trời đất ạ! Tôi bằng này tuổi rồi chưa bao giờ tết nào được ai mừng tuổi bằng sách cả, con cháu chỉ mừng bằng tiền và lời chúc sống lâu, nay được Không gian đọc mừng tuổi bằng sách tôi sẽ đọc và nhắc nhở con cháu cùng đọc sách”. Niềm vui ấy đã là nguồn cổ vũ động viên bác Nga tiếp tục công việc. Với đồng lương trợ cấp mất sức lao động có hạn, để  đảm bảo duy trì sinh hoạt của hai bà cháu, bác Nga phải làm thêm nghề phụ. Tuy vậy, bác vẫn chọn nghề có thu nhập ngày công thấp hơn so với một số công việc có thể làm được, nhưng bù lại bác vẫn được làm tại gia đình để có điều kiện phục vụ bạn đọc.      

 

Kinh nghiệm tổ chức tủ sách phục vụ nhân dân nông thôn được bác Nga chia sẻ: “Tuy đây là việc làm khó nhưng ai cũng có thể làm được chỉ cần người đó có một tấm lòng. Nếu ta ham đọc sách, ham học tập, có trách nhiệm với sách, với mọi người, đặc biệt là biết nâng niu trân trọng những vần thơ hay, biết yêu những áng văn chương, biết giữ gìn những trang lịch sử, biết đọc và học hỏi những khoa học kỹ thuật, đem những điều đọc được trong sách áp dụng vào đời sống hàng ngày”.

 

Việc làm của người thủ thư cao tuổi với tấm lòng thiện nguyện, không đòi hỏi thù lao kinh phí, chỉ với nỗi niềm ước ao, mong muốn mọi người được đọc sách và có sách để đọc. Ðây hẳn là điều khiến nhiều người trong  chúng ta phải suy nghĩ.        

Lê Thị Thanh Đài

Thư viện tỉnh Thái Bình

  • Từ khóa