Chủ nhật, 24/11/2024, 07:25[GMT+7]

Rạng danh quê lúa Thái Bình

Thứ 4, 17/07/2019 | 15:12:46
2,348 lượt xem
Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển của tỉnh Điện Biên trong những năm qua có sự đóng góp không nhỏ của những người con quê lúa Thái Bình. Những người đã không quản ngại khó khăn, gian khổ đi khai hoang phát triển vùng kinh tế mới, không ngừng học tập, lao động sáng tạo để làm rạng danh quê hương Thái Bình trên mảnh đất lịch sử Điện Biên anh hùng.

Ông Phạm Bá Tiến bên vườn cam đã cho thu hoạch.

Xa quê hương phát triển kinh tế

Là người con của xã Trung An, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, năm 1964 theo chủ trương của Đảng, Nhà nước về khai hoang phát triển vùng kinh tế mới, gia đình ông Nguyễn Thế Nghi là hộ duy nhất trong xã đăng ký tham gia. 

Nhớ lại những ngày đầu mới đặt chân đến điểm khai hoang ở xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, ông Nghi chia sẻ: Thời điểm đó, tuy vẫn còn nhỏ (mới 11 tuổi) nhưng ông vẫn nhận thức rõ cuộc sống lúc đó vô cùng khó khăn. Do vùng đất khai hoang là khu vực rừng núi rộng lớn trong khi dân cư rất thưa thớt nên có nhiều thú dữ rình rập, cuộc sống ban đầu dựa cả vào sự hỗ trợ của Nhà nước nên còn thiếu thốn đủ bề. Phải mất gần 3 năm việc sản xuất mới dần ổn định, cuộc sống gia đình bớt khó khăn hơn. Đến khi trưởng thành, sau khi tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và chiến tranh bảo vệ biên giới, năm 1992 ông bắt tay vào xây dựng kinh tế hộ gia đình theo hướng đào ao nuôi cá thương phẩm, cá giống, kinh doanh vật liệu xây dựng. 

Với bản chất cần cù, chịu khó cộng với sự nhạy bén với thị trường chỉ sau 5 năm kinh tế gia đình ông đã trở nên vững mạnh. Phát huy kinh nghiệm, kiến thức của bản thân trong việc nuôi trồng thủy sản, ông cùng các anh em trong gia đình còn thuê gần 20ha mặt nước hồ Pe Luông (xã Thanh Luông) để nuôi cá lồng và cung cấp cá giống khi có các đơn hàng. Để đáp ứng sở thích, nhu cầu thư giãn, giải trí của người dân quanh xã và khu vực thành phố Điện Biên Phủ, ông Nghi còn mở dịch vụ bán vé cho người dân đến câu cá tại hồ Pe Luông để có thêm nguồn thu nhập. Ngoài ra, ông cũng là người đi đầu trong việc thành lập Hợp tác xã thủy sản Pe Luông để chủ động hỗ trợ, giúp đỡ các thành viên trong hợp tác xã nuôi, tiêu thụ thủy sản. Thành quả xứng đáng sau nhiều năm nỗ lực phát triển kinh tế của ông Nghi chính là cơ ngơi khang trang với nhà cao cửa rộng, xe ô tô cùng nguồn thu nhập lên tới hàng trăm triệu đồng/năm.

Cũng là người con của vùng quê lúa Thái Bình, sau gần 40 năm đi xây dựng và phát triển kinh tế trên mảnh đất Điện Biên đầy gian khó, ông Phạm Bá Tiến, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên đã thành công với mô hình trồng cây ăn quả kết hợp với đào ao nuôi cá cho thu nhập cao và là niềm mơ ước của nhiều người. Hiện gia đình ông có 5.000m2 ao nuôi cá thương phẩm và hơn 2ha vườn trồng cây ăn quả các loại, như: Cam, quýt, bưởi. Mỗi năm, trừ chí phí gia đình ông thu nhập trên 300 triệu đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 4 - 5 lao động địa phương. Với mô hình kinh tế hiệu quả trên, ông cũng được công nhận là một trong những hộ sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh Điện Biên...

Tự hào những người con quê lúa

Với bản chất đam mê học tập, tích cực nghiên cứu sáng tạo, trong quá trình sống và làm việc trên mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng, nhiều người con quê lúa Thái Bình đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, được tin tưởng giao phó giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Điện Biên. Tiêu biểu như ông Lê Thành Đô quê xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, hiện đang giữ chức Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Điện Biên; ông Phạm Khắc Quân, Phạm Phú Duẩn cùng quê ở xã Thụy Việt, huyện Thái Thụy hiện đều là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên, trong đó một người đang là Bí thư Thành ủy Điện Biên Phủ và 1 là Bí thư Thị ủy Mường Lay...

Đáng chú ý với sự năng động, nhạy bén, tinh thần hăng say lao động sản xuất, những người con quê lúa không chỉ trở thành tấm gương trong phát triển kinh tế gia đình mà còn đạt nhiều thành công trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều người trở thành những doanh nhân thành đạt, đi đầu trong các lĩnh vực xây dựng, kinh doanh khách sạn, nhà hàng, thương mại... của tỉnh Điện Biên. 

Điển hình phải nhắc đến ông Bùi Đức Giang, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng số 6, tỉnh Điện Biên, một người con của xã Vũ Vân, huyện Vũ Thư. Từ một xí nghiệp tư nhân nhỏ sau hơn 20 năm chèo lái, ông đã đưa công ty phát triển vững mạnh, đi đầu trong các lĩnh vực xây dựng, giao thông, thủy lợi, thương mại, kinh doanh khách sạn... với tổng số vốn điều lệ của Công ty lên tới gần 1.000 tỷ đồng. Ông cũng là chủ sở hữu khu du lịch sinh thái Him Lam với tổng diện tích lên tới hàng chục héc ta, là nơi lý tưởng cho việc nghỉ dưỡng và du lịch tại Điện Biên. Đây cũng chính là nơi có ngôi nhà sàn gỗ lim lớn nhất Việt Nam với tổng diện tích gần 500m2 được xây dựng từ hơn 400m3 gỗ lim với tổng trị giá trên 200 tỷ đồng. Mỗi năm, khu du lịch sinh thái Him Lam phục vụ hàng chục nghìn lượt khách đến nghỉ dưỡng, tham quan... 

Một doanh nghiệp tiêu biểu khác cũng của người con quê lúa Thái Bình là Công ty TNHH Trường Thọ Điện Biên do ông Bùi Văn Thọ làm Giám đốc. Đây cũng là một trong những công ty lớn của tỉnh Điện Biên, hoạt động trong nhiều lĩnh vực như xây dựng nhà các loại, phá dỡ, chuẩn bị mặt bằng, kinh doanh khách sạn... 

Đặc biệt, trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, nhiều người con quê lúa còn nêu cao tinh thần trách nhiệm thực hiện tốt các cuộc vận động, phong trào thi đua, trở thành tấm gương điển hình tiên tiến được người dân nơi đây học tập noi theo. 

Nổi bật phải kể đến ông Phạm Văn Đáo, trong suốt thời gian sinh sống tại nơi ở mới (xã Thanh Yên, huyện Điện Biên) ông luôn hăng hái tham gia phát triển kinh tế cũng như công tác xã hội. Năm 2010, hưởng ứng chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, ông Đáo đã hiến 3.200m2 đất để xây dựng trường mầm non cho con em trong xã Thanh Yên đến học tập, đồng thời hiến 1 vạn gạch xây dựng nhà văn hóa thôn Hoàng Yên cho nhân dân có nơi hội họp, sinh hoạt... Với sự đóng góp to lớn của mình, ông đã nhiều lần được các cấp có thẩm quyền của tỉnh Điện Biên biểu dương, khen thưởng...

Bằng sự cần cù, chịu thương chịu khó, tích cực học tập, lao động sáng tạo đã giúp nhiều người con quê lúa Thái Bình tạo dựng được sự nghiệp, gặt hái những thành công trong việc phát triển sản xuất, kinh doanh trên mảnh đất Điện Biên lịch sử đầy gian khổ, hi sinh. Đây chính là những người con ưu tú làm rạng danh quê lúa Thái Bình, đồng thời góp phần chung sức cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc nơi đây xây dựng tỉnh Điện Biên ngày một phát triển, giàu đẹp.


Đức Linh

(Báo Điện Biên)

(Tác phẩm tham dự Cuộc thi viết về Người Thái Bình, đất Thái Bình)