Chủ nhật, 24/11/2024, 06:27[GMT+7]

Người đam mê sách, báo Đảng

Thứ 2, 29/07/2019 | 09:46:31
2,310 lượt xem
Năm nay 85 tuổi đời, 65 năm tuổi Đảng, ông Nguyễn Văn Tựa ở thôn Hú, xã Hòa Tiến (Hưng Hà) vẫn giữ niềm đam mê đọc và sưu tầm sách, báo về công tác Đảng. Với ông, đó là kho báu quý giá nhất để lại cho con cháu sau này.

Nuôi dưỡng đam mê

Tôi tìm đến căn nhà nhỏ của ông Nguyễn Văn Tựa trong một ngày hè đỉnh điểm của nắng nóng. Được lãnh đạo xã giới thiệu về ông từ trước đó nhưng tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng vì đã ở tuổi 80 mà ông vẫn minh mẫn đọc cuốn “Nguyên lý triết học chủ nghĩa Mác - Lênin” dày cộp, chữ nhỏ trên nền giấy ngả màu thời gian. Khi được biết tôi là phóng viên, ông hào hứng kể: Cuốn sách đã cũ dần theo thời gian nhưng những kiến thức trong này thì không bao giờ cũ. Đây là cuốn sách tôi được người chú Nguyễn Xuân Kiểm tặng khi mới hơn 10 tuổi với một câu nói đi suốt cuộc đời: “Hãy đọc cuốn sách này, quý lắm đấy, ở đó mày sẽ tìm được chân lý của cuộc đời”. Chính cuốn sách này đã giúp ông Tựa có những lựa chọn đúng đắn trong cuộc sống. Cuốn sách quý cùng những ký ức hào hùng về cuộc cắm cờ ở gốc gạo làng Hú năm 1941 thời niên thiếu đã nhen nhóm niềm đam mê tìm hiểu lịch sử Đảng. 

Ông Tựa kể: Nhân ngày Bắc Sơn, Đô Lương, Nam Kỳ khởi nghĩa năm 1941, tổ chức cách mạng địa phương phát động quần chúng đấu tranh, quyết định treo cờ, rải truyền đơn 4 khu vực: thôn Hú, Dương Thôn (tổng Hiệu Vũ), thôn Vế (tổng Quan Bế), thôn Khánh Mỹ (tổng Tống Xuyên) vào đêm ngày 30, rạng ngày mùng 1 tết Tân Tỵ. Tổ chức cử 2 người đi lấy cờ ở Kiến Xương về trước ngày 30 tết. Làng Hú vinh dự được nhận là nơi treo cờ Đảng do các đồng chí Bẩy, Khâm, Ngâm đảm nhận tổ chức treo cờ đúng nơi quy định trên cây gạo to nhất vùng phía trước đình làng Hú. Đây là nơi duy nhất lá cờ được treo lên, đến quá trưa quân Pháp và quan huyện Hưng Nhân mới hạ được.

Đến nay, trong kho sách của ông Tựa có hàng nghìn đầu sách quý về công tác Đảng như: Nguyên lý triết học chủ nghĩa Mác - Lênin, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng bộ tỉnh Thái Bình, Đảng bộ huyện Hưng Hà… Đặc biệt, kho sách của ông có những đầu sách quý về đất và người Thái Bình như: Thái Bình tên làng, tên xã; Thái Bình truyền thống và hiện tại; Thái Bình những sự kiện đáng ghi nhớ; Thái Bình chiến thắng; Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Thái Bình… Tất cả được ông cất giữ cẩn thận, nâng niu. 

Những tư liệu quý này đã được nhiều người trong làng, trong xã, trong huyện tìm đến để đọc. Nhất là với thế hệ trẻ như chị Nguyễn Thị Vinh, cán bộ văn hóa xã Hòa Tiến, mỗi khi cần tư liệu gì về lịch sử chị đều tìm đến ông Tựa và những quyển sách quý của ông để đọc, tìm hiểu. 

Chị Vinh chia sẻ: Là cán bộ trẻ, kiến thức về công tác đảng chưa nhiều, khi cần đến tư liệu nào tôi đều tìm đến ông Tựa để hỏi và tìm đến kho sách quý của ông để đọc.

Cơ duyên đến với sách, báo Đảng

Khi được hỏi về cơ duyên nào mà ông sưu tầm những quyển sách về lịch sử Đảng và truyền thống quê hương, như chạm vào những ký ức lịch sử, ông Tựa lại kể về câu chuyện người chú Nguyễn Xuân Kiểm và bà Quý đi lấy lá cờ Đảng ở Kiến Xương: “Muốn đi Kiến Xương phải qua bốt Phố Thá. Bằng sự thông minh, trí tuệ, ông Kiểm, bà Quý đã vượt qua bốt để đi Kiến Xương lấy được lá cờ cách mạng về treo trên cây gạo to nhất vùng phía trước đình làng Hú khiến quân Pháp và quan huyện Hưng Nhân đến quá trưa ngày mùng 1 tết Tân Tỵ mới hạ được xuống. Chúng đánh chết ông Nguyễn Văn Khâm. Ông Khâm là liệt sĩ đầu tiên của huyện”.

Chính câu chuyện về việc đi lấy cờ và treo cờ năm 1941 và những tháng năm công tác từ Phòng Văn hóa huyện Hưng Nhân cũ đến cán bộ văn hóa tỉnh, Trưởng ban Tổ chức Đài PTTH Thái Bình đã giúp ông đến với sách về công tác Đảng. Ông đã tìm hiểu lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi mới thành lập cho đến thời kỳ đổi mới. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đấu tranh tự phê bình và phê bình. Từ những bài viết ngày đầu cách mạng đến nay, những bài viết mới nhất được ông cập nhật và đọc như cuốn “Quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng”; bài viết “Chuẩn bị và tổ chức thật tốt đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã được ông cập nhật vào kho sách của mình càng minh chứng cho niềm đam mê với sách, báo đảng của người đảng viên cao tuổi đời, cao tuổi đảng.

Kho sách của ông Tựa với nhiều đầu sách quý.

Gửi gắm niềm đam mê

Cũng chính từ hiểu biết và kiến thức về công tác đảng mà ông được cấp ủy xã mời tham gia đóng góp ý kiến vào xây dựng cuốn sách Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Hòa Tiến. Ông đã viết 8 tập về lịch sử 80 gia đình xưa làng Hú, xã Hòa Tiến mà giờ đây nó là tư liệu quý của làng, của xã.

Trong cuộc sống hiện đại, để nuôi dưỡng tình yêu đọc sách, báo - nhất là sách, báo đảng như ông Nguyễn Văn Tựa sẽ dần dần hiếm đi. Tình yêu với sách, báo là gìn giữ những giá trị văn hóa của Đảng, của dân tộc, những nét đẹp tri thức từ sách. Ông Tựa muốn để lại như “của hồi môn” cho con cháu như để nối dài tình yêu quê hương, đất nước, nối dài niềm đam mê sách, báo Đảng. Điều trân quý đó được người đảng viên già gửi gắm trong mỗi đầu sách, báo mà ông để lại.

"Tờ báo Đảng như là những lớp huấn luyện giản đơn, thiết thực và rộng khắp. Nó dạy chúng ta những điều cần biết làm về tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo và công tác. Hàng ngày nó giúp nâng cao trình độ chính trị và năng suất công tác của chúng ta. Nếu cứ cắm đầu làm việc, mà không xem, không nghiên cứu báo Đảng, thì khác nào nhắm mắt đi đêm; nhất định sẽ lúng túng, vấp váp, hỏng việc."

(Trích từ bài viết “Cần phải xem báo Đảng”, ký tên C.B, đăng báo Nhân Dân, số 197, ra ngày 24/6/1954 của Chủ tịch Hồ Chí Minh).


Trúc Lành
(Đài TTTH Hưng Hà)

(Tác phẩm dự thi viết về đề tài người Thái Bình - đất Thái Bình)