Chủ nhật, 24/11/2024, 07:04[GMT+7]

Sống với niềm đam mê nghệ thuật chèo

Thứ 4, 31/07/2019 | 08:52:38
4,361 lượt xem
Về hưu với nhiều người là lựa chọn sống an nhàn, vui vẻ bên con cháu. Thế nhưng, với bà Phạm Thị Tiến, xã Minh Quang (Vũ Thư) thì đây lại là quãng thời gian để bà có thể thực hiện nhiều hơn các hoạt động với nghệ thuật chèo truyền thống.

Bà Phạm Thị Tiến (áo đỏ) luyện tập cùng các thành viên câu lạc bộ.

21 giờ, tại nhà bà Tiến, rất đông thành viên câu lạc bộ (CLB) những người yêu chèo xã Minh Quang đã có mặt để tập luyện tiết mục “Lời ru bên tượng đài”, chuẩn bị biểu diễn tại một số xã trong huyện nhân kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7. Đây là hoạt động được CLB tổ chức hàng năm nhằm bày tỏ lòng biết ơn tới những người đã chiến đấu anh dũng, bảo vệ quê hương, đất nước. Hoạt động mang tính chất tự nguyện không vì lợi nhuận mà chỉ mong mang tiếng hát của mình phục vụ nhân dân, CLB còn tổ chức nhiều chuyến biểu diễn miễn phí tại các di tích lịch sử, các ngày lễ, ngày kỷ niệm của dân tộc. Nhiều thành viên của CLB còn tham gia các hội thi, hội diễn cấp huyện, tỉnh. Bà Trần Thị Liễu, thành viên CLB những người yêu chèo xã Minh Quang chia sẻ: Khi xem biểu diễn chèo tại các địa phương đã tạo cho tôi niềm đam mê. Từ đó, tôi xin tham gia vào CLB chèo do bác Tiến thành lập. Tham gia CLB giúp tôi hiểu hơn về các làn điệu chèo để từ đó thêm yêu môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Lời ca tiếng hát đã giúp tôi quên hết mệt mỏi của công việc, thấy cuộc sống vui và ý nghĩa hơn.

CLB những người yêu chèo xã Minh Quang được thành lập từ năm 1995 do bà Tiến đứng lên gây dựng khi bà là Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện. Sự lan tỏa của CLB đã thu hút nhiều người tham gia không chỉ ở xã Minh Quang mà người dân ở các xã lân cận cũng tìm đến. Bà Tiến chia sẻ: Tôi may mắn khi được sinh ra và lớn lên ở đất chèo, trong một gia đình có truyền thống hát chèo. Bố tôi và 7 anh chị em trong gia đình có thể biểu diễn một vở chèo hoàn chỉnh. Bản thân tôi yêu chèo từ nhỏ nên khi 5 tuổi, tôi đã thuộc một số vở diễn. Với trách nhiệm của một người con của quê chèo, kể từ khi công tác đến lúc nghỉ hưu, tôi luôn muốn bảo lưu và giữ gìn môn nghệ thuật truyền thống này.

Tự học hỏi và luôn nỗ lực tập luyện, bà Tiến là người duy nhất trúng tuyển khi Nhà hát chèo Việt Nam về huyện tìm nhân tài. Tuy nhiên, do điều kiện về sức khỏe nên gia đình không muốn cho con đi xa nhà. Bà Tiến được điều động về đội tuyên truyền lưu động của huyện. Trong quá trình công tác, bà luôn tích cực truyền lửa chèo tới mọi người. Trên cương vị Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện, bà luôn suy nghĩ và trăn trở làm thế nào để xây dựng, gắn chèo với các chương trình, hoạt động cơ sở và các cuộc thi cấp tỉnh, cấp huyện. Khi nghỉ hưu, với tâm nguyện duy trì, khôi phục hoạt động của CLB chèo của địa phương, không thể để mất CLB trong thời buổi kinh tế thị trường, bà đã tích cực vận động, tuyên truyền đồng thời trích một phần lương hưu của mình để mua trang phục biểu diễn cho các thành viên. Đến nay, bà đã mua hàng trăm bộ quần áo cùng nhiều đạo cụ phục vụ cho việc biểu diễn. Thổi niềm đam mê vào mỗi vở diễn, bà Tiến đã truyền cảm hứng, kinh nghiệm, lòng yêu nghề giúp các thành viên CLB thêm hiểu, thêm yêu nghệ thuật chèo, qua đó góp phần bảo lưu, giữ gìn nét đẹp văn hóa của dân tộc. Bà Tiến chia sẻ thêm: Với tôi, đây là việc cần làm, làm thường xuyên để lan tỏa tới cộng đồng, tạo tiếng chuông giúp mọi người không lãng quên, chung tay bảo lưu môn nghệ thuật truyền thống mà ông cha đã dày công gây dựng.

Nặng nghĩa, nặng tình với chèo, từ những làn điệu chèo cổ, bà Tiến còn biên soạn lời, dùng chèo để chuyển tải thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tới nhân dân. Những làn điệu chèo cổ xưa được bà đặt lời mới, lồng ghép cho phù hợp với thực tiễn sao cho dễ đi vào lòng người. Đến nay, bà đã viết hàng trăm ca cảnh chèo, khúc ca chèo, chèo ngắn như: “Nghĩa Đảng tình dân”, “Tìm về lời ru”, “Gia đình quân nhân”, “Tiếng hát về mẹ”... Tài năng, say mê với chèo, bà Tiến được các đơn vị mời viết kịch bản, đạo diễn, dàn dựng nhiều chương trình để tham gia hội diễn cấp tỉnh, toàn quốc. Nhiều tác phẩm có đề tài về chính sách hậu phương quân đội, phòng, chống tác hại của thuốc lá, ma túy và tệ nạn xã hội... do bà soạn lời, đạo diễn đã đạt giải cao, có tác phẩm đạt huy chương vàng tại liên hoan chèo không chuyên toàn quốc. Bản thân bà Tiến cũng giành được nhiều huy chương, bằng khen, giấy khen tại các hội diễn trong và ngoài tỉnh.

Năm nay đã ở tuổi 65 song bà Phạm Thị Tiến chưa cho phép mình nghỉ ngơi bởi bà đang ấp ủ ý định thành lập CLB những người yêu chèo trong toàn huyện. Người phụ nữ cả đời sống với niềm đam mê chèo luôn mong muốn những người yêu chèo hãy đến với chèo; các cấp chính quyền, các địa phương cần quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa để các CLB chèo phát triển, không để chèo bị mai một.

Hoàng Lanh 

(Tác phẩm dự thi viết về đề tài người Thái Bình - đất Thái Bình)