Thứ 7, 20/04/2024, 02:42[GMT+7]

Hùng triều nho tướng

Thứ 2, 12/08/2019 | 10:23:00
3,803 lượt xem

Kiến trúc độc đáo của đình Phú Lễ, nơi thờ song thân phụ mẫu danh tướng Đỗ Phụng Trân.

Tương truyền, thời Hùng Vương thứ sáu (Hùng Huy Vương), giặc mũi đỏ (Xích Tụy - thường gọi là giặc Ân) xua quân xâm lược Văn Lang, trước sức mạnh như chẻ tre của quân giặc, vua Hùng lo lắng, sai sứ đi khắp nơi trong thiên hạ cầu tài. Khi đến vùng đất Khê Kiều (xã Minh Khai), La Điền, nay thuộc các làng La Điền, Thượng Điền, La Uyên, Phú Lễ (xã Tự Tân) huyện Vũ Thư, sứ giả loan tin vua Hùng chiêu tập anh tài đánh giặc, Đỗ Phụng Trân đang dạy học nghe tin giặc dã xâm lăng liền tập hợp học trò hội kinh xung trận…

Theo thần phả, thần tích và sắc phong đình Phú Lễ do Đông Các đại học sĩ  Hàn lâm viện Nguyễn Bính triều Lê Anh Tông, năm Hồng Phúc thứ nhất (1572) được giao chỉnh lý biên soạn xong các thần phả, ngọc phả của các làng xã trong toàn quốc gia Đại Việt để triều đình sắc phong, trong đó có đình Phú Lễ, tổng Vô Ngại, huyện Thư Trì (nay là thôn Phú Lễ, xã Tự Tân, huyện Vũ Thư) về sự tích Phụng Trân thời vua Hùng thứ VI và sắc phong cho làng Phú Lễ được tôn thờ thân phụ, thân mẫu nho tướng Đỗ Phụng Trân và danh tướng Phụng Trân có công lao đánh tan giặc Ân, bảo vệ nền độc lập, tự do cho nhà nước Văn Lang.

Trong chuyến điền dã về vùng đất cổ thuộc tổng Vô Ngại, huyện Thư Trì (xưa) tìm hiểu về nghệ thuật kiến trúc đình Phú Lễ, điều đáng chú ý là ngôi đình có hậu cung (cấm cung) gồm hai tòa cung thờ Nhị vị Thành hoàng làng là thân phụ, thân mẫu danh tướng Đỗ Phụng Trân (thời Hùng Huy Vương) và phối thờ “vọng” (con) là danh tướng Phụng Trân, nhóm nghiên cứu dân gian chúng tôi được ông Trần Sĩ Củng dẫn tới nhà “thầy đồ Nho già” Lại Văn Hiện ở thôn Phú Lễ, nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tự Tân. Là người am hiểu Hán tự, ông Lại Văn Hiện dành nhiều tâm sức ghi chép, dịch thuật văn bia, thần tích, ngọc phả, sắc phong của các triều đại phong kiến cho đình Phú Lễ. Ông cho biết, đình có rất nhiều câu đối, hoành phi cổ có giá trị cao về Hán tự, đáng chú ý là 6 bức đại tự cổ. Vốn di sản Hán Nôm tại đình Phú Lễ cho ta biết rõ hơn về lịch sử vùng đất xuất hiện cách ngày nay khoảng 2.500 năm. Thời vua Hùng thứ VI, vùng đất này có nhiều gò đống, đất đai màu mỡ, nhiều sông lạch nhỏ bao quanh tạo nên thế đất phong thủy dễ sinh cơ nghiệp lớn. Cư dân từ miền ngược xuôi dòng sông Cái (sông Hồng nay) về đây khai hoang, lập ấp, quần cư sinh sống, trong đó có gia đình Đỗ Công (cụ Đỗ Huân, vợ là Trương Thị Chước) thân sinh ra Đỗ Phụng Trân. Người dân Phú Lễ cũng như cư dân vùng lân cận có phong tục dựng nhà bằng phương pháp “trình tường” đất sét, nghĩa là dùng đất sét để đắp thành tường nhà. Trong phương pháp này, người dân dùng những chiếc vồ (công cụ đập đất gieo hạt trong canh tác, gieo trồng các loại ngũ cốc) được tạo bằng một đoạn thân cây gỗ lâu năm, cán vồ bằng tre hóp, già và dẻo dai. Khi đắp tường đất, người dân dùng vồ nện đất cho chặt. Cũng chính những chiếc vồ đơn sơ này được người dân tận dụng làm vũ khí đánh giặc khi cần. Trong những giai thoại lưu truyền đến ngày nay về cuộc trường chinh đánh tan giặc Ân của vua Hùng thứ VI đánh cách ngày nay 2.500 năm có một vị tướng gan dạ, dũng mãnh, lãnh đạo cả một đội quân đông đến vài nghìn người, tất cả đều dùng một loại vũ khí là chiếc vồ đập đất. Vị tướng đó tương truyền là Phụng Trân, cha mẹ là người xứ Hồng Châu (Châu Diên). Năm 18 tuổi, cha mẹ Phụng Trân đột ngột qua đời, Phụng Trân chịu tang xong liền chu du thiên hạ. Một lần đặt chân đến trang Khê Kiều (nay là làng Khê Kiều, xã Minh Khai, huyện Vũ Thư), gặp một phú ông tại bản trang. Tâm tình trò chuyện, phú ông thấy chàng trai khôi ngô, tuấn tú, đối đáp lễ độ của người biết chữ nên ông giữ chàng trai Phụng Trân ở lại, mở trường học và mời Phụng Trân làm thầy. Con em dân nghèo Khê Kiều, La Điền, Thượng Điền, Phú Lễ, La Uyên kéo đến học chữ ngày một đông. Lưu lại trang Khê Kiều mấy năm dạy học, bỗng giặc Ân quấy phá biên ải rồi kéo quân tràn vào Văn Lang xâm lược. Nghe lời thỉnh cầu của Hùng Huy Vương, Phụng Trân cùng đám học trò của mình dấy binh về kinh tham gia đánh giặc Ân. Trong trận huyết chiến, Phụng Trân là tướng cầm vồ cùng đội quân cầm vồ của mình hộ giúp Thánh Gióng (Phù Đổng Thiên Vương) đánh tan giặc Ân. Đất nước sạch bóng quân xâm lược, Thánh Gióng phi ngựa lên đỉnh núi Sóc, bỏ áo giáp sắt bay về trời. Phụng Trân đuổi giặc Ân ra ngoài biển khơi cũng quay về Hồng Châu (Châu Diên) bái tạ tổ tiên rồi hóa về trời. Vua Hùng thương tiếc sắc phong Phụng Trân là An Dung Quảng Bác Đại Vương. Sắc ban cho 5 làng Khê Kiều, La Điền, Thượng Điền, Phú Lễ, La Uyên hương khói phụng thờ. Đình làng Phú Lễ thờ vọng danh tướng Đỗ Phụng Trân nhưng được phép thờ thân phụ, thân mẫu của ngài. Ngay chính giữa tòa đại bái của ngôi đình là bức đại tự cổ sơn son, thếp vàng 4 chữ “Hùng triều nho tướng” đại ý chỉ danh nho Đỗ Phụng Trân là thầy dạy học nhưng khi vận nước gian nguy ông đã vận động học trò của mình tạm gác bút nghiên lên đường đánh giặc mũi đỏ (Xích Tụy) xâm lăng và trở thành danh tướng của triều đại vua Hùng. Trở lại với bản thần tích lưu truyền nhiều đời tại đình Phú Lễ (bản sao chữ Hán) do Đông Các Đại học sĩ Hàn lâm viện Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc thứ nhất (1572) mà ông Lại Văn Hiện đã đọc và dịch, đại ý: “…đời vua Hùng Huy Vương thứ VI, tại đất Hồng Châu (Châu Diên xưa) có gia đình ông Đỗ Huân vợ là Trương Thị Chước, thường tích thiện làm nhân. Đỗ Công đã 50 tuổi, bà Trương Thị cũng ngoại tứ tuần mà chưa có con. Vì thế ông bà Đỗ Công thường đem của cải cứu giúp người nghèo khổ, già cả. Nhân tiết Thanh minh vợ chồng ông thắp hương trước mộ tổ tiên, than thở, lo lắng vì chưa có người nối dõi tông đường, trên đường về gặp một cụ già râu tóc bạc phơ nhìn vợ chồng Đỗ Công mà phán rằng “Đáy bể mò kim còn khó được, nhưng người ta làm việc thiện, ông trời ắt thương”. Từ đó phàm những việc giúp người tạo phúc ông bà Đỗ Công đều cố gắng làm. Một đêm trăng sao vằng vặc, ông bà Đỗ Công ngồi trước sân nhà thắp hương cầu khấn, bỗng nhiên có con công ở trên trời bay xuống đậu trước cửa nhà, một lát sau biến mất. Sau đêm ấy, bà Trương Thị có mang, 12 tháng sau nhằm ngày 9 tháng 8 năm Mậu Tuất sinh hạ một đứa con trai, diện mạo khôi ngô, ngũ nhạc hội chầu, tám đình bằng phẳng. Đỗ Công liền đặt tên con là Phụng Trân. Lớn lên, Đỗ Phụng Trân rất thông minh, theo thầy Tĩnh Đường Tiên Sinh để học binh thư, võ nghệ, cung nỏ, bạn bè ai cũng nể phục.

Suốt dọc chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước từ triều đại vua Hùng đến nay loại vũ khí “vồ tay” đập đất của cư dân tổng Vô Ngại (vùng Khê Kiều, La Điền, Vũ Thư) vẫn là “độc nhất vô nhị” từng được danh tướng Đỗ Phụng Trân dùng làm vũ khí hội quân với Thánh Gióng nhổ tre làng Ngà đánh tan giặc Ân bảo vệ nhân dân và giữ yên bờ cõi non sông.

Dịch giả Hán Nôm Lại Văn Hiện, nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tự Tân (Vũ Thư)

Câu đối cổ còn giữ được tại đình Phú Lễ: “Công phù thiết mã Hùng triều lương tướng quốc phong thần/Mộng ứng ngọc kê hồng quân chân nho thiên khải thánh”. (tạm hiểu về sự tích Phụng Trân sinh ra có con chim Phượng (Phụng) màu trắng báo mộng lớn lên hiển tướng công). “Tư phù trí tuệ phù tài đức/Dĩ bảo lê dân bảo tử tôn”. Theo nghĩa Hán tự, đình là nơi thờ song thân phụ mẫu và thờ vọng danh tướng Đỗ Phụng Trân vừa là nhà giáo dạy con cháu dân lành biết chữ vừa là nho tướng thời Hùng Huy Vương.

Ông Trần Sĩ Củng, trưởng ban khánh tiết đình Phú Lễ, xã Tự Tân, huyện Vũ Thư

Đình Phú Lễ có kiến trúc độc đáo, tòa đại bái 7 gian gỗ lim, chồng rường, hiên bảy. Tòa hậu cung gồm hai cung cấm, một bên thờ song thân phụ mẫu, một bên thờ vọng danh tướng Đỗ Phụng Trân.

Ông Trịnh Văn Xanh, phó trưởng ban quản lý di tích đình Phú Lễ, xã Tự Tân, huyện Vũ Thư

Theo các cụ truyền lại, đình Phú Lễ được xây dựng lại năm 1589, trước đó các cụ cũng không nhớ rõ. Đến năm 1739, trùng tu đợt I, đến năm 2006 trùng tu đợt II và đợt III trùng tu vào năm 2018 chủ yếu là xây lại trụ cổng, đảo ngói chống dột do ông Phạm Nhật Lệ là con cháu của làng xa quê công đức.

Ông Phạm Nam Hướng, thành viên ban quản lý đình Phú Lễ, xã Tự Tân, huyện Vũ Thư

Đình Phú Lễ với nghệ thuật kiến trúc thời Lê độc đáo 7 gian tiền tế hai tòa hậu cung chồng diêm cổ các đã được đăng ký bảo vệ và công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, chúng tôi mong các cấp chính quyền quan tâm để di tích được công nhận di tích lịch sử văn hóa quốc gia.


Quang Viện

  • Từ khóa