Thứ 7, 11/01/2025, 04:21[GMT+7]

Vẹn nguyên “Nụ cười chiến thắng”

Thứ 3, 03/09/2019 | 09:15:27
6,927 lượt xem
Chắc hẳn, với những người quan tâm đến nhiếp ảnh, nhất là nhiếp ảnh thời chiến sẽ không bao giờ quên bức ảnh nổi tiếng có tên “Nụ cười chiến thắng dưới chân Thành cổ Quảng Trị” của nhiếp ảnh gia Đoàn Công Tính.

Sau bao nhiêu năm, ông Lê Xuân Chinh vẫn giữ cho mình nụ cười như một cách tiếp thêm niềm tin, sức mạnh cho gia đình, đồng đội vượt qua khó khăn, bệnh tật. (Trong ảnh: Ông Lê Xuân Chinh (người bên trái) trong một lần được lãnh đạo tỉnh Điện Biên đến thăm, động viên.)

Bức ảnh được đăng tải trên Báo Nhân Dân lần đầu vào ngày 2/9/1972; sau năm 1975 được treo ở Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị với chú thích: Người lính có nụ cười đó đã hy sinh... Phải sau 30 năm chiến tranh kết thúc, người ta mới ngỡ ngàng khi ông vẫn còn sống, lập gia đình và có một cuộc sống bình yên nơi đồng đất Điện Biên. Điều đáng nói, suốt hơn 40 thập kỷ trôi qua sau mùa hè đỏ lửa, dẫu cuộc đời có chẳng mấy ưu ái khi thử thách ông biết bao chìm nổi, dập dềnh và cả những éo le, người lính già ấy vẫn sống kiên cường với vẹn nguyên “Nụ cười chiến thắng” ngày nào...

Chúng tôi tự cho là mình may mắn khi trong một chuyến công tác đã được tới thăm gia đình và trò chuyện với ông Lê Xuân Chinh - nhân vật chính trong bức ảnh nổi tiếng “Nụ cười chiến thắng dưới chân Thành cổ Quảng Trị”, tại ngôi nhà nhỏ nơi ông và vợ, con sinh sống ở đội 4A, xã Thanh Yên, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên). Bên ấm trà nóng, bằng những hồi tưởng còn vẹn nguyên như thước phim quay chậm, người lính già đưa chúng tôi trở lại những năm tháng chiến tranh ác liệt. 

Ngày ấy - khi miền Nam vẫn chìm trong bom đạn, tại quê hương Hưng Hà (Thái Bình), chàng thanh niên Lê Xuân Chinh ở cái tuổi “bẻ gẫy sừng trâu” đã xung phong ra chiến trường. Sau đó, chiến sĩ Lê Xuân Chinh trở thành lính thông tin của Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B, tham gia chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị năm 1972. 

Ông nói: Nhà tôi ba đời độc đinh. Bố tôi là con một, ông mất khi tôi còn rất nhỏ, đến đời tôi cũng có duy nhất một con trai. Khi ra trận, tôi nghĩ, đã đi thì “chết xanh cỏ - sống đỏ ngực” chứ không bao giờ đào ngũ... Nhiều người bảo, con một sao không lo giữ hương hỏa, nhưng nước mà mất thì làm gì còn hương hỏa mà giữ... Thế là tôi lên đường. Chiến tranh ác liệt. Làng tôi có hai người tên Chinh cùng đi lính nên khi có tin hy sinh là cả hai nhà cùng khóc. Trong một lần bị thương, tôi gặp một anh bạn ở làng bên, hai thằng bảo với nhau nếu về được thì nhắn với gia đình là người còn lại tết về. Thế là tết không thấy đâu gia đình lại đoán già đoán non rồi khóc. Kỳ thực thì chiến tranh đâu biết ngày tháng nào mà kể...

Sẽ là thiếu sót vô cùng nếu nói về ông mà không nói đến bức ảnh nổi tiếng “Nụ cười chiến thắng dưới chân Thành cổ Quảng Trị”. Bức ảnh mà nhiếp ảnh gia Đoàn Công Tính đã bỏ qua mọi lời can ngăn để ra tận chiến trường thực hiện. Nó là bức ảnh cho thấy sức sống, chiến đấu mãnh liệt của những người lính Cụ Hồ. Giữa bom đạn chiến tranh, trong cái không gian còn mịt mù đổ nát, những người lính vẫn sống, vẫn chiến đấu thật kiên cường. Nụ cười rạng ngời của người lính trong khung cảnh ấy đã nói lên tất cả.

Trước câu hỏi của chúng tôi: Thế còn về bức ảnh “Nụ cười chiến thắng dưới chân Thành cổ Quảng trị”? Vẫn nụ cười tươi như ngày nào, nhấp chén trà, ông nói: Lúc ấy, chúng tôi ngồi vừa lau súng vừa trò chuyện. Có anh nhà báo đi qua thấy rồi bảo cả mấy anh em cùng chụp ảnh. Trước khi quân ta chính thức rút khỏi Thành cổ khoảng 1 tuần tôi bị thương nặng và được chuyển về tuyến sau điều trị. Năm 1974, do không còn đủ sức khỏe để chiến đấu, đơn vị giải quyết cho tôi nghỉ an dưỡng rồi ra quân...

Đã có không biết bao nhiêu người, bao nhiêu đoàn khách đến tham quan lặng nhìn. Cho đến một ngày cuối năm 2002, một đồng hương đến thăm bảo tàng và nhận ra ông. Thế là sau 30 năm kết thúc chiến tranh, hành trình đi tìm lại “nụ cười” trong bức ảnh lịch sử ấy mới được thực hiện với sự tham gia của cả tác giả Đoàn Công Tính, Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị và đồng đội ông. Sau này, ông được đồng đội đưa về thăm lại chiến trường xưa, được giúp đỡ nhiều về cả vật chất lẫn tinh thần... Sự quan tâm sẻ chia đó, đã giúp ông bớt đi những nhọc nhằn chìm nổi của cuộc sống sau này...

Chẳng là suốt 30 năm ấy, trong khi hàng triệu người đến với Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị vẫn nghĩ người lính có nụ cười chiến thắng ấy đã hy sinh thì ở quê nhà, thương binh Lê Xuân Chinh vẫn sống. Ông xây dựng gia đình và sinh được 3 người con (2 gái, 1 trai). 

Vợ ông Chinh tâm sự: Tôi chẳng muốn lên Điện Biên đâu, xa xôi cách trở lắm, ngày ấy đường đi mất mấy ngày trời ròng rã... Nhưng ông ấy đau ốm triền miên, ngày tôi có mang đứa thứ hai đến tháng thứ 7 vẫn còn cõng chồng đi cấp cứu. Nghe người ta bảo lên đây khí hậu sẽ đỡ bệnh hơn, rồi ông ấy lên một thời gian thấy cũng khỏe... thành thử vì thương chồng mà đánh đùm rúm nhau đi.

Nhưng rồi, bệnh của ông cũng chỉ đỡ được một phần. Sức khỏe không tốt, cộng với di chuyển nhiều lần nên đời sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Giấy tờ chứng minh thương binh cũng mất trong những lần di chuyển nên suốt 30 năm ông không làm được thủ tục hưởng chính sách...

Sau khi đồng đội gặp nhau, ông đã làm được thủ tục chứng nhận thương binh; năm 2004 được Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tặng căn nhà ba gian; nhiều đồng đội quan tâm giúp đỡ. Nhưng thật không may là khi ông đi khám sức khỏe mới biết mình bị nhiễm chất độc da cam/Điôxin.

Nhắc đến gia đình, ông nén tiếng thở dài: Cậu con trai bị di chứng nên đứa cháu nội duy nhất cũng bị ảnh hưởng... Thời gian đầu cả nhà buồn lắm. Nhất là khi cháu nội được 7 tháng mà chưa thể lẫy, bò... Nhưng cũng không thể buồn mãi được, đồng đội mình nhiều người còn thiệt thòi hơn... Tuy không nói ra, song chúng tôi hiểu, chẳng người làm cha nào không thắt lòng khi nhìn con cháu mình đau ốm, nhất lại là ở trong hoàn cảnh éo le của gia đình ông. Bệnh tật của bản thân có thể không là gì, nhưng tương lai của người con trai và cháu nội duy nhất thì ông luôn canh cánh suy tư.
Rồi cũng vì hoàn cảnh nhiều éo le, đầu năm 2017, thông qua người quen giới thiệu, ông cùng vợ đã trở về quê hương Thái Bình và làm việc cho một công ty dệt may xuất khẩu tại thôn Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà. Sức khỏe yếu, ông bà được công ty tạo điều kiện cho làm công việc nhặt cỏ, trông nom trụ sở làm việc, cũng túc tắc giải khuây tuổi già và mang lại cho ông bà khoản thu nhập vài triệu đồng mỗi tháng. Không hẳn vì “miếng cơm manh áo” mà ông về lại quê hương đi làm chỉ bởi suy nghĩ: Mình già rồi, nhưng vẫn còn chút sức khỏe nên chỉ muốn có một khoản “dắt lưng” cho bà ấy về già, nhỡ ốm đau, bệnh tật... Còn tôi đã có chế độ nhà nước lo rồi. Hơn nữa, cuối đời cũng chỉ muốn một lần về lại quê hương cho thỏa nỗi lòng... Chúng tôi được biết, trong những tháng ngày ở quê, ông vẫn kết nối với bạn bè, đồng đội. Những người lính như các ông, trở về với đời thường mỗi người một hoàn cảnh, câu chuyện cuộc đời; không có gì giúp đỡ nhau nhiều, chỉ là vài ba lời hỏi thăm, động viên, an ủi, nhưng nó thật quý giá.

Nhắc đến đồng đội, ông Chinh phấn chấn hơn hẳn, ông kể cho chúng tôi nghe, trong một dịp giữa năm 2018, ông đã được gặp lại đồng đội khắp cả nước, một thời cùng ông sống, chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị. Khỏi phải nói, cảm xúc vui - buồn đan xen, tiếp nối, ông bảo: Tôi thật sự bất ngờ và phấn khởi khi chứng kiến sự thay đổi vượt bậc của mảnh đất Quảng Trị ngày nào. Nhưng rồi lại chợt xúc động rơi nước mắt khi đến thắp hương cho những người đồng đội đã không may mắn mà vĩnh viễn nằm lại nơi đây. Gặp lại đồng đội, dù người còn - người mất, tôi như được trở về những ngày tháng hào hùng, trở về với những kỷ niệm không bao giờ quên. Đó mãi là ngọn lửa, là nguồn sống trong tôi không bao giờ tắt. Tôi thấy mình đã là may mắn hơn nhiều đồng đội rồi, được hưởng chế độ chính sách, có những 2 quê hương luôn sẵn sàng bao bọc, chở che và mong ước được trở lại chiến trường thăm đồng đội cũng đã thực hiện được rồi...

Hình ảnh, lời nói của ông trong khoảng thời gian ngắn ngủi gặp mặt, trò chuyện cứ neo mãi trong lòng chúng tôi. Vẫn nụ cười chiến thắng của ngày ấy, nhưng hôm nay ông còn cho chúng tôi thấy mình đã không chỉ vượt qua chiến tranh ác liệt... Điều ông luôn muốn và đã mang lại cho những người đối diện còn hơn cả nụ cười, đó là sự lạc quan, niềm tin vào cuộc sống và những điều tốt đẹp ở ngày mai.

Thấm thoắt đã 45 năm sau mùa hè đỏ lửa 1972 - thời gian lặng lẽ trôi đi, kể từ buổi ông và các đồng đội tình cờ trở thành nhân vật cho bức ảnh có một không hai. Hôm nay nhắc lại kỷ niệm xưa, cựu chiến binh Lê Xuân Chinh ngậm ngùi khi không biết những người cùng chụp ảnh với mình giờ ở đâu và ai còn ai mất? Từ cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc, Lê Xuân Chinh và đồng đội “bước” vào bức ảnh nổi tiếng. Rồi lại từ bức ảnh nổi tiếng, ông trở về cuộc sống của một thương binh thời hậu chiến tranh, sau khi đã đi qua những chiến trường khốc liệt, trong đó có mùa hè đỏ lửa dưới chân Thành cổ Quảng Trị kiêu hùng. 

Thế hệ Lê Xuân Chinh là thế hệ của những người “nước còn giặc, còn đi đánh giặc”, các anh mãi mãi là tấm gương cổ vũ cho lòng yêu nước, cho tinh thần xả thân vì độc lập, tự do của dân tộc...

Mai Thủy - Hải Yến 

(Báo Điện Biên Phủ)
(Tác phẩm dự thi viết về đề tài người Thái Bình - đất Thái Bình)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày