Thứ 7, 11/01/2025, 03:57[GMT+7]

Đông Hưng: Anh hùng thời chiến, nông thôn mới thời bình

Thứ 3, 03/09/2019 | 09:33:49
3,029 lượt xem
Tiên Hưng xưa, Đông Hưng nay là vùng đất giàu truyền thống yêu nước, cái nôi của phong trào cách mạng Thái Bình. Trong thời chiến, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân Tiên Hưng đã lập được nhiều chiến công vang dội, được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Phát huy truyền thống vẻ vang đó, Đông Hưng không ngừng đổi mới, phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới (NTM) trong năm 2019.

Cây đa, chợ Khô - nơi nông dân Tiên Hưng - Duyên Hà tập trung tham gia biểu tình năm 1930.

Anh hùng thời chiến

Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, nhân dân Đông Hưng đã nắm bắt thời cơ tiến hành các cuộc đấu tranh kiên cường, bền bỉ giữ đất, giữ làng. Đặc biệt, từ khi Liên Chi bộ Đảng Cộng sản Thần Duyên (tiền thân của Đảng bộ Đông Hưng) ra đời đã lãnh đạo phong trào cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đưa Đông Hưng trở thành cái nôi của cách mạng Thái Bình. 

Trên địa bàn huyện, nhiều tên đất, tên làng như: chợ Khô (Hoa Lư), chợ Bơn (Hồng Châu), bến đò Thọ Vực (Đồng Phú), làng Bá Thôn, làng Phú Khê Tứ (Hồng Việt), làng Cổ Khúc (Phong Châu), làng kiểu mẫu (Nguyên Xá)... đã gắn với những sự kiện lịch sử của cách mạng, mãi mãi được tạc ghi vào sử sách và sống cùng năm tháng, lắng đọng trong ký ức của mỗi người dân. Trong đó, chợ Khô, làng Nguyên Lâm, xã Hoa Lư là một trong những địa chỉ đỏ của cách mạng, nơi 2 lần được Đảng lựa chọn để phát động biểu tình và khởi nghĩa giành chính quyền. 

Ông Nguyễn Xuân Du, thôn Nguyên Lâm, đảng viên 57 năm tuổi đảng bồi hồi nhớ lại: Đúng 7 giờ sáng ngày 1/5/1930, hàng nghìn nông dân Tiên Hưng - Duyên Hà đổ về chợ Khô mang theo băng rôn, khẩu hiệu để cùng tiến về thị xã Thái Bình. Dù bị đàn áp dã man song đó vẫn là cuộc đấu tranh đầu tiên của giai cấp nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, mở đầu cho cao trào cách mạng 1930 - 1931 và là 1 trong 5 cuộc biểu tình lớn của nông dân cả nước lúc bấy giờ. Ngày 18/8/1945, cũng tại chợ Khô, quần chúng nhân dân phối hợp với lực lượng cách mạng tiến hành thắng lợi cuộc khởi nghĩa giành chính quyền. Vì thế, nhân dân và lực lượng cách mạng xã Hoa Lư đã được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Pháp.

Nếu chợ Khô là nơi diễn ra các cuộc biểu tình lớn, khởi nghĩa sục sôi của một vùng rộng lớn thì nhân dân Nguyên Xá lại ra sức xây dựng quê hương thành pháo đài kiên cố, bất khả xâm phạm khiến giặc Pháp và chính quyền tay sai khiếp sợ. 

Ông Nguyễn Hữu Yến, du kích làng Nguyễn năm xưa kể lại: Để xây dựng làng kháng chiến, nhân dân đã đào đắp trên 16.000m3 đất đá, xây dựng 13km giao thông hào, 24,7km lũy tre, gần 25.000 hầm cá nhân, ụ tác chiến, lỗ châu mai để dân quân du kích di chuyển linh hoạt khi chiến đấu, đánh bại mọi cuộc tiến công của địch. 

Với thành tích “không lập tề, không làm tay sai cho giặc, không đi lính cho ngụy” và “đánh được giặc, giữ được làng, tăng gia sản xuất được”, năm 1952 Nguyên Xá vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cờ ghi 5 chữ vàng “Nguyên Xá - làng kiểu mẫu”. Với truyền thống xã anh hùng, Nguyên Xá đã nỗ lực đạt chuẩn NTM từ năm 2015, đang phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao.

Phát huy tinh thần yêu nước, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân Đông Hưng làm nên nhiều chiến công oanh liệt, góp phần đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giành lại độc lập, tự do, cơm no, áo ấm cho nhân dân. Huyện Đông Hưng, hàng chục xã và cán bộ, chiến sĩ, người dân Đông Hưng đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; hàng chục xã, hàng nghìn cá nhân được tặng huân, huy chương các loại.

Xây dựng nông thôn mới thời bình

Trải qua hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, đặc biệt là qua 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, Đảng bộ, quân và dân Đông Hưng đã phát huy truyền thống huyện anh hùng, không ngừng nỗ lực, phấn đấu đạt nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Nếu năm 2005, tổng giá trị sản xuất của huyện mới đạt trên 1.300 tỷ đồng thì năm 2018 đã đạt 11.600 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2019 đạt gần 6.400 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, năm 2005: nông, lâm, thủy sản chiếm 44%; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản chiếm 30%; thương mại, dịch vụ chiếm 26% thì năm 2018 cơ cấu kinh tế tương ứng là 29% - 48% -  23%. Đến nay, toàn huyện có 9 cụm công nghiệp thu hút được gần 140 dự án đầu tư với tổng vốn đã thực hiện 3.150 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 17.000 lao động. 

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, từ năm 2009 đến nay, toàn huyện đã huy động được hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng NTM, trong đó nguồn vốn nhân dân đóng góp chiếm 40 - 50%. Đã có 37/43 xã được tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM, 6 xã đã đạt 19 tiêu chí đang đợi tỉnh công nhận. Trong 3 xã đăng ký xây dựng NTM nâng cao có 1 xã đã đạt 11/11 tiêu chí, 2 xã đạt 9/11 tiêu chí. Huyện đã cơ bản đạt 11/11 tiêu chí huyện NTM. 

Đồng chí Tô Xuân Thức, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Trong 3 tiêu chí chưa đạt thì tiêu chí môi trường là khó khăn nhất, vì vậy, vừa qua huyện đã phát động tổng vệ sinh trong toàn huyện, khơi thông dòng chảy, phát quang hành lang giao thông, trồng hoa, cây xanh ven các tuyến đường, trong khuôn viên công sở. Kiên quyết làm xanh, sạch, đẹp môi trường nông thôn, tạo ý thức bảo vệ môi trường cho người dân, phấn đấu đạt huyện NTM trong năm 2019. Bên cạnh đó, để nâng cao đời sống nhân dân, huyện cũng “trải thảm” thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, phát huy hiệu quả các làng nghề hiện có. 

Chị Nguyễn Thị Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH May xuất khẩu Tuấn Ngọc (Hoa Lư) cho biết: Để góp phần xây dựng quê hương Hoa Lư nói riêng, huyện Đông Hưng nói chung ngày càng phát triển, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho người dân, từ đầu năm 2019 tôi đã về mở xưởng may tại thôn Nguyên Lâm, tạo việc làm cho gần 30 lao động với thu nhập 6,7 triệu đồng/người/tháng.

Anh hùng trong thời chiến, đồng tâm hiệp lực trong thời bình, Đảng bộ và nhân dân Đông Hưng đã và đang từng ngày chung tay, góp sức tạo nên sức sống mới, diện mạo mới cho một vùng quê, xứng đáng với truyền thống anh hùng của quê hương.

Ông Vũ Chí Công, Bí thư Chi bộ thôn Nguyên Lâm, xã Hoa Lư

Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, tận dụng thế mạnh chợ Khô - chợ đầu mối của cả vùng rộng lớn, Chi bộ đã lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp để nâng cao đời sống. Toàn thôn hiện có trên 50 hộ kinh doanh buôn bán tại chợ Khô, hàng chục hộ du nhập, phát triển nghề may, lắp ráp bật lửa, thêu, mộc..., giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. 100% đường giao thông nông thôn, đường nội đồng đã được bê tông hóa. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 40 triệu đồng, được công nhận làng văn hóa cấp tỉnh từ năm 2000.  

Ông Nguyễn Thành Tỉnh, thôn Lê Tiến, xã Nguyên Xá

Thời chiến, quân và dân Nguyên Xá dũng cảm, anh hùng, thời bình, nhất là giai đoạn hiện nay chúng tôi lại cùng chung tay xây dựng xã sớm đạt chuẩn NTM, hiện đang phấn đấu đạt xã NTM nâng cao. Bản thân tôi luôn phát huy bản chất Bộ đội Cụ Hồ, gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình, đóng góp trên 15 triệu đồng, hiến đất phá tường bao, cổng dậu và trên 20 ngày công làm đường thôn, xóm. Tôi mong địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để thế hệ trẻ hiểu, trân quý và phát huy hơn nữa truyền thống cách mạng của quê hương.


THU HIỀN
(Tác phẩm dự thi viết về đề tài người Thái Bình - đất Thái Bình)


  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày