Chủ nhật, 24/11/2024, 09:48[GMT+7]

Như cánh chim từ quy

Thứ 6, 13/09/2019 | 10:46:27
12,105 lượt xem
Ôm di ảnh của liệt sĩ Thợi vào lòng, bà Điệp như sống lại giây phút ngày đầu gặp gỡ. Những lời muốn nói với anh, bà đã viết, đã ghi nhớ hơn nửa thế kỷ. Rồi đây “Cánh chim từ quy” Hoàng Thị Ngọc Điệp sẽ lại tiếp tục hành trình – hành trình tìm hình hài của anh đang còn nằm bên đồng đội trên chiến trường vắng tiếng đạn bom.

Cựu TNXP Hoàng Thị Ngọc Điệp mang nỗi day dứt với anh bộ đội Vũ Văn Thợi hơn nửa thế kỷ.

Khi đặt bút viết về câu chuyện của cựu thanh niên xung phong (TNXP) Hoàng Thị Ngọc Điệp hơn nửa thế kỷ mang theo nỗi day dứt và cất công đi tìm anh bộ đội tên Thợi quê Thái Bình, tôi đã nghe bài hát “Miền xa thẳm” của nhạc sĩ Đức Trịnh. Với ca từ da diết “... Một tình yêu như cánh chim từ quy/Bay bay đi tìm nhau/Một tình yêu như bão giông khát khao/Đến bên nhau giữa đạn bom/Đi tìm nhau suốt chiều dài đất nước/Đi tìm nhau giữa hai đầu trận đánh/Đi tìm nhau để mãi mãi không về/Hồn thiêng sông núi tạc nên tượng đài...”, tôi thấy bóng dáng của chị Điệp, anh Thợi trong mỗi câu hát, lời ca. Nỗi day dứt "vắt ngang" qua hai thế kỷ của bà Điệp cuối cùng cũng được thỏa lòng.

“Cánh chim từ quy” một đời không mỏi...

Nhờ Báo Thái Bình, nhà báo Công Liêm đã kết nối để bà Điệp tìm được quê hương anh Thợi tại xã An Ấp (Quỳnh Phụ).

Vượt chặng đường gần 800km ra Thái Bình “gặp” người yêu, cựu TNXP Hoàng Thị Ngọc Điệp, thành phố Hội An (Quảng Nam) có chút mệt mỏi bởi những đêm thao thức, bồn chồn chuẩn bị cho cuộc “hội ngộ” sau 52 năm xa cách. Ngần ấy thời gian chờ đợi, tìm kiếm qua các “kênh” nhưng vô vọng không bằng hai tháng gần đây khi thông tin về anh Thợi quê Thái Bình dần hé mở. Từ những trang hồi ký “Nỗi day dứt hơn nửa thế kỷ” và vần thơ chất chứa tình cảm của bà, nhà báo Công Liêm, cộng tác viên Báo Thái Bình đã cất công tìm hiểu và lặn lội đến các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan trong tỉnh để chặt lọc từ chút ít thông tin mà bà Điệp cung cấp, tìm người tên Thợi quê Thái Bình. Chỉ trong hai tháng, một “cây cầu” vô hình kết nối từ thành phố Hội An với Thái Bình đã được lập ra. Từ những con người xa lạ, họ đồng cảm, chia sẻ và kết nối với nhau để cùng nhau làm một việc nhân nghĩa.

Bà Điệp không nghĩ rằng, ngày bà “gặp” lại anh Thợi khi hai người ở hai thế giới khác nhau.

Qua hai bài báo “Nỗi day dứt hơn nửa thế kỷ” và “Viết tiếp nỗi day dứt hơn nửa thế kỷ” của nhà báo Công Liêm đăng trên Báo Thái Bình chủ nhật số ra ngày 28/7/2019 và ngày 25/8/2019 cũng như đọc những dòng hồi ký, bài thơ của bà Điệp viết về mối tình đầu của "O Điệp" đã cho tôi một cái nhìn khá rõ nét về một mối tình thời chiến của bà và anh bộ đội tên Thợi. Một tình yêu trong sáng, tinh khôi đẹp như mùa xuân, như viên ngọc sáng giữa khói lửa, đạn bom. Thế nhưng, ai cũng biết và phải đón nhận cảm xúc từ vui đến buồn cũng mong manh như sự sống, cái chết trong thời chiến. “Gặp nhau lần nào cũng vội”, cái nắm tay còn chưa biết huống gì trao cho nhau cái ôm trước lúc ra trận. Nếu may mắn, họ có thể gặp lại nhau sau ngày đất nước thống nhất nhưng cũng có thể “lạc” mất nhau cả đời chỉ sau một trận đánh. Sự hy sinh cao cả cho Tổ quốc được trường tồn, Nam Bắc được nối liền đã đánh đổi những phận đời mỏi mòn chờ đợi như “cánh chim từ quy”. Đó là những câu chuyện tình yêu đẹp mà tôi  - chàng trai của thế hệ 9X không thể cảm nhận hết khi sinh ra và lớn lên trên một đất nước Việt Nam yên bình, sạch bóng quân thù.

Nén hương thơm gửi tới liệt sĩ Thợi điều muốn nói.

Tôi sẽ không nhắc nhiều và chi tiết đến câu chuyện tình yêu của cô gái xứ Nghệ với chàng trai quê lúa nảy nở trên cung đường ra trận bởi trong hai bài báo của Nhà báo Công Liêm đã đầy đủ với những cung bậc cảm xúc nghẹn ngào. 

Trong chuyến ra Thái Bình “gặp” lại người yêu, bà Điệp tâm sự với tôi: Ngần ấy năm tôi quyết tâm đi tìm anh để nói lời xin lỗi với anh, 52 năm trước khi đi B, anh Thợi gặp lại tôi, lần gặp thứ ba và cũng là lần gặp cuối cùng giữa tôi và anh. Có lẽ, tình cảm của anh đã gói trọn trong 4 câu thơ anh gửi tôi mà sự bồng bột, dại khờ tuổi 16 của tôi không nhận ra dù ngay từ lần gặp đầu tiên tôi đã có cảm tình với anh bộ đội đẹp trai, thanh lịch quê Thái Bình. 4 câu thơ của tôi đáp lại vô tình trở thành lời khước từ phũ phàng tình cảm của một người chiến sĩ chuẩn bị bước ra trận tuyến sinh tử. Để rồi đến hôm nay, tôi sống trong day dứt. Những tưởng vì những lời đó mà anh quên tôi, quên câu nói trước lúc chia tay “Nếu còn sống trở về, anh sẽ đến thị xã Vinh (nay là thành phố Vinh, Nghê An, quê hương của bà Điệp) để tìm em, còn đây là hòm thư của anh, em giữ kỹ rồi viết thư cho anh nhé...”. Nào đâu...

Nào đâu... Thợi của Điệp đã anh dũng hy sinh. Anh nằm lại chiến trường cùng đồng đội "mãi mãi tuổi hai mươi" đến nay tròn 50 năm, bỏ lại lời hứa với người con gái xứ Nghệ anh yêu chưa một lần nắm tay, hò hẹn. 

Còn về phần bà Điệp, có những lúc nỗi nhớ người yêu, nỗi day dứt vượt lên trên cả thương tật để tìm anh Thợi. Có khi đạp xe đạp về Thái Bình để dò la tin tức, viết thư hỏi thăm các nơi, có khi đăng bài báo, thơ trên các báo, tạp chí, mạng xã hội nhưng cũng như “mò trăng đáy bể”. 

“...Còn chút hơi thở em còn tìm anh. Từ nơi xa xôi, em cầu mong anh luôn được an lành và hạnh phúc. Nếu anh xem được tấm ảnh này, thì anh sẽ nhận ra em ngay, phải không anh...” - đó là dòng tâm sự cũng là thông điệp mà cựu TNXP Hoàng Thị Ngọc Điệp đề cuối mỗi hồi ký, mỗi bài thơ viết ra tự đáy lòng mình. 

Với bà Điệp, 52 năm qua, bà vẫn hy vọng anh Thợi quê Thái Bình vẫn còn sống, một ngày nào đó anh sẽ đọc được và nhìn tấm ảnh của bà sẽ nhận ra “O Điệp” năm xưa dù tuổi xuân không còn.

Dù chỉ có 3 lần gặp gỡ nhưng bà Điệp vẫn nhận ra nét mặt của người yêu.

“Đũa không thành đôi”

Người xưa nói rằng từ quy là loài chim thường sống theo cặp. Đôi chim ngày đi cùng nhưng cứ đêm đến là lạc gọi nhau. Từ quy đã vào thơ, văn như minh chứng cho một tình yêu xa cách, cả một đời chờ đợi. Với tôi, bà Điệp cũng như “Cánh chim từ quy” một đời không mỏi. Bà đã đi tìm anh Thợi quê Thái Bình gần trọn một đời mình. Hôm nay, “Cánh chim” ấy đã tạm nghỉ trên mảnh đất Thái Bình yêu dấu để “gặp” lại anh Thợi của riêng mình. Nhưng chỉ tiếc, khói nhang thay lời muốn nói trong cuộc hội ngộ đầy xúc động của bà.

… nét mặt ấy hiện hữu trên chính những khuôn mặt của người thân liệt sĩ Thợi.

Dù tuổi đã cao, lại là thương binh với nhiều thứ bệnh trong người, bà Điệp không chọn cho mình chuyến xe ôtô mà chọn đi xe máy từ thành phố Thái Bình về thôn An Ấp, xã An Ấp (Quỳnh Phụ) – quê nhà của liệt sĩ Thợi. Nhà báo Công Liêm đích thân chở bà. Với bà Điệp, chuyến xe này khác với những chuyến đi của vài chục năm trước rong ruổi trên mỗi ngả đường quê lúa. Nếu như chuyến đi trước đây tràn đầy hy vọng thì lần này mang theo nỗi buồn trĩu nặng.

Bà Điệp đọc lại những dòng hồi ký, những vần thơ bà viết về anh bộ đội tên Thợi quê Thái Bình. 52 năm chờ đợi, kiếm tìm, cuối cùng bà cũng “gặp” lại anh.

Cái nắng tháng 8 hanh hao, vàng vọt sau cơn mưa rắc đầy lối về An Ấp, giữa cánh đồng lúa xanh mơn man đang thì con gái. Ký ức lại ùa về trong trí nhớ của người con gái xứ Nghệ. Nắm chặt bó hoa huệ trong tay, bà Điệp rưng rưng nước mắt nói với nhà báo Công Liêm: Con đường chúng ta đi có lẽ hơn 50 năm trước, anh Thợi cũng qua đây vào chiến trường. Anh Thợi ơi! anh có biết quê hương anh đang từng ngày đổi mới – một miền quê thanh bình. Và sau 52 năm, người con gái anh yêu đang về thắp hương cho anh. Điệp của anh đây.

Tuy đã “gặp” được người yêu, nỗi day dứt hơn nửa thế kỷ đã vơi đi nhưng chưa phải kết thúc.

Cuộc “gặp gỡ” giữa cựu TNXP Hoàng Thị Ngọc Điệp với liệt sĩ Vũ Văn Thợi cho tôi những cảm xúc chân thực và thêm một cái nhìn sâu sắc hơn về hệ quả của cuộc chiến mà đế quốc, thực dân gây ra cho dân tộc Việt Nam bao đau thương. Cùng với tất thảy các miền quê trên dải đất hình chữ S, mảnh đất Thái Bình nhỏ bé, thân thương vốn hiển hiện ngay ở cái tên của nó lại là hậu phương vững chắc, đóng góp lớn sức người, sức của cho các chiến trường. Liệt sĩ Vũ Văn Thợi, quê xã An Ấp là một trong hơn 51 nghìn người con ưu tú của quê hương. Anh hy sinh ngày 19/3/1969 nhưng đến 5 năm sau (năm 1974) liệt sĩ Vũ Văn Thợi mới được báo tử.

Bà Điệp mong muốn cùng gia đình liệt sĩ Thợi tiếp tục hành trình tìm kiếm hài cốt liệt sĩ.

Nhà báo Công Liêm chia sẻ thêm với tôi: Quá trình kết nối, sàng lọc thông tin, Thái Bình có 3 liệt sĩ tên Thợi và 1 cựu chiến binh trùng tên Vũ Văn Thợi. Cuối cùng tôi cũng khớp nối và tìm được liệt sĩ Thợi quê An Ấp để báo cho chị Điệp vơi đi nỗi day dứt. Đáng buồn là anh Thợi hy sinh sau ngày hai người chia tay hai năm. Vì bom đạn chiến tranh mà họ không còn cơ hội thực hiện lời hứa của riêng mình. Qua Báo Thái Bình mà tôi đã kết nối để chị tìm được anh Thợi quê Thái Bình mà bao năm mong ngóng, đợi chờ.

Chứng kiến cuộc gặp gỡ sau hơn nửa thế kỷ, ông Vũ Văn Xuyến, em trai liệt sĩ Thợi cũng không kìm được nước mắt. Bao năm rồi, hôm nay ông mới được gặp mối tình đầu của anh trai mình. Từ xa lạ, mọi người lại gắn kết với nhau như những người thân trong một gia đình. Có lẽ dưới suối vàng, có lẽ anh Thợi cũng mỉm cười, an lòng.

“Cánh chim từ quy” Hoàng Thị Ngọc Điệp một đời không mỏi. Họ vẫn sẽ đi tìm nhau suốt chiều dài đất nước.

Ôm di ảnh của liệt sĩ Thợi vào lòng, bà Điệp như sống lại giây phút ngày đầu gặp gỡ. Những lời bà muốn nói lúc này với anh như trở thành vô nghĩa. Giọt nước mắt lăn dài trên gò má, ánh mắt bà nhìn sâu vào di ảnh để tìm một điều gì đó trong ký ức. Những lời muốn nói với anh, bà đã viết, đã ghi nhớ hơn nửa thế kỷ. Rồi đây “Cánh chim từ quy” Hoàng Thị Ngọc Điệp sẽ lại tiếp tục hành trình – hành trình tìm hình hài của anh đang còn nằm bên đồng đội trên chiến trường vắng tiếng đạn bom.

Tất Đạt – Kiên Trung

(Tác phẩm dự thi viết về Người Thái Bình, đất Thái Bình)


  • Từ khóa

Mai Lịch Hồng - 3 năm trước

Cảm ơn tác giả bài viết. Tôi thực sự xúc động khi đọc bài viết của bạn và đã rơi nước mắt trước tình yêu của Người nữ TNXP và anh bộ đội tên Thợi.

Tải thêm