Chủ nhật, 24/11/2024, 09:30[GMT+7]

Người "quê lúa" nơi miền biên viễn

Thứ 6, 13/09/2019 | 15:00:33
2,350 lượt xem
Gần 30 năm trước, những người con Thái Bình vào mở đất, lập điền tại xã vùng biên Ea Bung, huyện Ea Súp theo chương trình xây dựng kinh tế mới. Giữa vùng biên ải đầy nắng gió, họ đã làm nên những cánh đồng lúa mênh mông và lưu giữ nét văn hóa quê..

Ông Bùi Công Oách thăm đồng lúa trước ngày thu hoạch.

.Làm giàu từ cây lúa

Trong ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi, vợ chồng ông Bùi Công Oách (ở thôn 8, xã Ea Bung) ngồi ôn lại thuở hàn vi, khi vừa rời vùng quê Thái Bình vào Đắk Lắk xây dựng kinh tế mới vào năm 1994. Khi ấy khu vực xã Ea Bung bây giờ chỉ toàn là đất rừng cằn cỗi, lại thiếu nước tưới nên trồng cây gì cũng khó. Nhưng từ truyền thống của “quê hương 5 tấn”, gia đình ông và anh em đồng hương quyết tâm phát triển bằng cây lúa. Vì thiếu nước tưới, lại chủ yếu làm thủ công, thời gian đầu mỗi năm chỉ làm được một vụ lúa và mỗi nhà cũng chỉ dám canh tác từ 1.000 – 2.000 m2.

Dần dần khi hồ Ea Súp Hạ, rồi Ea Súp Thượng đi vào hoạt động cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp trong vùng, cộng với sự hỗ trợ của máy móc, người dân đã mạnh dạn tăng từ 1 vụ lên 2 vụ, thậm chí 3 vụ lúa/năm, sản lượng thu hoạch hằng năm cũng theo đó tăng lên, đời sống từng bước cải thiện.

Năm tháng đi qua, đất không phụ công người, trả lại cho biết bao mồ hôi, nước mắt đổ ra là màu xanh no ấm, là đất hoang đã trở thành đồng ruộng tươi tốt. Hiện tại, gia đình ông Oách trồng hơn 10 ha lúa 2 vụ, cho tổng sản lượng trung bình 120 tấn mỗi năm với nguồn thu nhập đã trừ chi phí lên đến hàng trăm triệu đồng. Kinh tế phát triển, gia đình ông đã xây dựng được nhà cửa khang trang, bề thế, mua sắm nhiều thiết bị tiện nghi phục vụ sinh hoạt, đặc biệt đầu tư nhiều máy móc phương tiện phục vụ sản xuất. Bây giờ, gia đình ông đã cơ giới hóa toàn bộ các công đoạn làm lúa từ cày, xới, xuống giống, bón phân đến gặt, thậm chí còn có cả dịch vụ cân tươi tại ruộng.

Giống như ông Oách, gia đình “chị hai 5 tấn” Hoàng Thị Hằng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Bung cũng được xem là một trong những “triệu phú lúa” ở Ea Bung. Với việc lựa chọn giống chất lượng cao, kèm theo áp dụng khoa học kỹ thuật cộng với kinh nghiệm làm lúa cha ông để lại, gia đình bà Hằng đã có cuộc sống ấm no, sung túc từ 10 ha lúa cho sản lượng khoảng 140 tấn mỗi năm.

Trồng lúa “thời @” có máy móc làm thay, bà Hằng có nhiều thời gian để tham gia công tác xã hội ở địa phương. Trên cương vị Chủ tịch Hội Nông dân xã, thời gian qua, bà Hằng luôn cố gắng tạo điều kiện giúp người dân trồng lúa trên địa bàn được tiếp cận với khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào thực tế sản xuất nhằm mang lại hiệu quả cao. Cũng từ đây, nhiều gia đình trên địa bàn xã đã trở nên khá giả nhờ cây lúa. Thậm chí, những hộ canh tác từ 10-20 ha lúa 2 – 3 vụ cho “thu nhập khủng” không còn là chuyện xa lạ ở Ea Bung.

Ra đi từ “quê lúa”, lập nghiệp bằng cây lúa và hiện làm giàu cũng nhờ cây lúa, những người con của quê hương Thái Bình đã làm nên một vùng quê mới trù phú nơi miền biên viễn.

Điệu chèo vọng cố hương

Lâu nay, căn nhà của ông Vũ Ngọc Huyền (ở thôn 8, xã Ea Bung) luôn là điểm hẹn để các thành viên câu lạc bộ hát chèo và những người yêu làn điệu chèo trong thôn tề tựu. Với những người Thái Bình ở nơi đây, niềm vui sau buổi ngày chân lấm tay bùn, mùa màng bận rộn là buổi tối thư thả, ngâm nga đôi làn điệu chèo.

Các thành viên chủ chốt của Câu lạc bộ hát chèo thôn 8 ngâm nga điệu chèo sau giờ lao động

Ông Phạm Văn Đỏ, một thành viên của Câu lạc bộ hát chèo thôn 8 cho biết: “Những làn điệu chèo là đặc trưng của người Thái Bình, truyền từ thế hệ này sang thế hệ kia nên dù đi đâu về đâu thì người quê tôi vẫn cứ mang theo như để gìn giữ gốc gác của quê. Đội chèo chúng tôi đã từng biểu diễn các làn điệu chèo chinh phụ, lới lơ, đường trường bắn thước… dự thi chương trình văn nghệ quần chúng cấp huyện. Đoạt giải chúng tôi vui lắm, nhưng vui hơn cả là qua lời ca tiếng hát của mình đã giới thiệu để anh em, bạn bè nơi vùng đất Tây Nguyên biết đến nét văn hóa truyền thống của người Thái Bình”.

Với phương châm luôn mở rộng cho những ai tự nguyện và yêu thích chèo, Câu lạc bộ hát chèo thôn 8 hiện có 14 thành viên chính thức, tham gia hoàn toàn tự nguyện, bởi ai cũng nghĩ cần phải làm một điều gì đó để lưu giữ lại những điệu chèo quê hương bản quán cho chính bản thân mình và con cháu, cũng là để vơi bớt nỗi nhớ quê.

Theo bà Tưởng Thị Bình, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát chèo thôn 8: “Mấy chục năm trước chúng tôi cùng gia đình vào đây làm kinh tế mới theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước. Chính những câu hát chèo đã giúp cho những người con Thái Bình xa quê xích lại gần nhau, đồng cam cộng khổ bám trụ vùng đất mới. Từng ấy năm qua, nếp xưa vẫn giữ, hễ nghe tiếng trống chèo vang lên thì già trẻ, gái trai lại tập trung để cùng ngâm nga điệu chèo. Giờ tôi chỉ mong muốn câu lạc bộ của mình sẽ ngày càng thu hút được nhiều người, nhiều lứa tuổi tham gia để làn điệu chèo của quê hương Thái Bình luôn vang mãi trên vùng đất cao nguyên này”.

Có lẽ, từ tâm nguyện ban đầu là “hát chèo để thỏa nỗi nhớ quê” như tâm sự của bà Bình, các câu lạc bộ hát chèo đang ngày càng phát triển, “chuyên nghiệp” hơn, thường xuyên có mặt trong các hoạt động văn hóa văn nghệ của địa phương và dần trở thành một phần quan trọng trong đời sống tinh thần của cộng đồng dân cư ở xã Ea Bung.

Theo ông Bùi Đức Hạnh, Chủ tịch UBND xã Ea Bung, người dân Thái Bình đi xây dựng kinh tế mới 40 năm qua đã gắn bó, có đóng góp rất lớn vào sự phát triển của vùng biên này. Những cánh đồng lúa trải dài, những con đường bê tông rộng rãi, những khu dân cư khang trang, sạch đẹp, tình làng nghĩa xóm chan hòa, gắn kết đã góp phần đưa Ea Bung trở thành xã điểm nông thôn mới của huyện Ea Súp hôm nay.


Kim Oanh

(Báo Đắk Lắk)

(Bài dự thi viết về Người Thái Bình đất Thái Bình)


  • Từ khóa