Thứ 7, 11/01/2025, 03:02[GMT+7]

Đại đội 895 anh hùng và câu chuyện một thời bị lãng quên

Thứ 2, 16/09/2019 | 08:55:21
2,422 lượt xem
Đầu giờ sáng, vừa bước chân vào cơ quan, chuông điện thoại trên bàn làm việc của tôi đổ dồn. “Alô! Chú Tiến à, tôi là Lệ ở Hưng Hà, Thái Bình đây. Mai là ngày giỗ các anh chị của Đại đội thanh niên xung phong 895, anh về ga Gôi dự lễ với chúng tôi nhé...”. Bất giác, kỷ niệm về hành trình tái hiện câu chuyện bi tráng và vinh danh những người anh hùng mà tôi thực hiện gần 10 năm trước hiện về, vẹn nguyên, đầy xúc cảm...

Thắp hương tưởng nhớ đồng đội hy sinh tại ga Gôi.

Một ngày đầu năm 2010, khi vào tra cứu ở Thư viện Quốc gia, tôi vô tình đọc được dòng thông tin trong một cuốn sách, nội dung chỉ vẻn vẹn mấy dòng nhưng khiến tôi rất chú ý: “Ngày 20/8/1966, sau khi cứu hàng, cứu tàu vừa bị bom Mỹ oanh tạc tại khu vực ga Gôi (thuộc huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định hiện nay), 23 thanh niên xung phong (TNXP) của Đại đội 895 quê huyện Duyên Hà (nay là Hưng Hà, Thái Bình), công nhân đường sắt và dân quân địa phương đã bị nhiễm độc nặng và hy sinh, hơn 200 người phải cấp cứu”. 

Nhiều ngày sau, tôi tiếp tục lục tìm qua các tài liệu lưu trữ nhưng hầu như không có thông tin gì về câu chuyện này. Thật lạ, một sự kiện bi tráng như thế mà sao ít được nhắc đến, số phận của hàng trăm người bị nhiễm độc ngày ấy giờ ra sao... Có một cái gì đó gờn gợn, khó diễn tả, thôi thúc tôi. Tôi về báo cáo Ban biên tập và bắt xe về Thái Bình. Lúc đó, tôi không thể tưởng tượng được một hành trình dài, gian nan đang chờ mình phía trước...

Sáng ngời tấm gương những người con “Quê hương năm tấn”

Được các anh ở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Bình giúp đỡ, chúng tôi đã liên hệ qua Hội Cựu TNXP tỉnh và huyện Hưng Hà, tìm gặp được các nhân chứng đầu tiên của sự kiện này. Đó là ông Tạ Xuân Mai, Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Thái Bình, nguyên là Đội phó Đội 89; bà Nguyễn Thị Kiều, nguyên Phó phòng Tổ chức Huyện ủy Hưng Hà, nguyên Tiểu đội trưởng của Đại đội 895; ông Nguyễn Quang Quý, nguyên là công nhân đường sắt khu ga Trình Xuyên. Bà Kiều cầm tay tôi mà mắt rưng rưng: Cảm ơn anh đã về với chúng tôi. Chuyện lâu quá rồi, buồn và tủi lắm...

Theo lời bà Kiều, cuối năm 1965, Đội TNXP 89 tỉnh Thái Bình được thành lập với hơn 1.200 người gồm 6 đại đội, trong đó Đại đội 895 đảm nhiệm việc nâng cấp, bảo dưỡng, khắc phục hậu quả chiến tranh trong khu vực từ ga Gôi đến ga Cát Đằng (thuộc huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định hiện nay). Quân số của Đại đội 895 lúc cao điểm lên tới 200 người và đều quê ở huyện Duyên Hà (nay là huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Đại đội được biên chế thành 10 tiểu đội, có 6 tiểu đội nữ, 4 tiểu đội nam.

Ga Gôi là khu tập kết hàng hóa để chuyển vào chiến trường. Vì vậy, nơi đây là một trong những trọng điểm oanh tạc của máy bay Mỹ. Trong đó, lần đánh phá của địch ngày 20/8/1966 đã gây ra vụ nhiễm độc đặc biệt nghiêm trọng...

Hôm ấy, vào khoảng 17 giờ, địch cho một tốp máy bay bất ngờ bắn phá đoàn tàu vừa đến ga Gôi đang chờ lệnh vượt cầu Ninh Bình để đưa vũ khí, hàng hóa vào chiến trường. Một số toa tàu bị trúng bom, bốc cháy. 

Ông Nguyễn Quang Quý kể: Chiều hôm ấy, chúng tôi tổ chức Đại hội Đoàn tại xã Tam Thanh, huyện Vụ Bản, gần khu vực ga Gôi. Đang đại hội thì có báo động, sau đó nhận được tin tàu bị trúng bom. Mọi người chạy vội ra ga để tham gia cứu tàu, cứu hàng. Đến nơi đã có rất đông anh chị em TNXP ở đó. Một số toa của đoàn tàu đang cháy dữ dội. Toa hàng hóa, gạo đổ tràn ra ngoài. Gần đầu tàu có một toa cũng đang cháy, khói da cam mờ xanh từ đó bốc lên mù mịt và nồng nặc...

Lực lượng có mặt tại ga Gôi lúc này lên đến hàng trăm người bao gồm Đại đội 895, dân quân địa phương và công nhân đường sắt. 

Bà Kiều nhớ như in những hình ảnh ngày hôm ấy: Khi ấy chẳng ai nghĩ gì cả, đều lao vào cứu hàng, cứu tàu. Người thì lấy nước dập lửa, người thì bốc, vác hàng từ trong toa ra. Huyện còn huy động cả xe cứu hỏa để lấy nước từ khắp mọi nơi để hỗ trợ. Gần một giờ sau đám cháy mới được dập tắt. Lúc này, khói và mùi thuốc độc phả ra làm ô nhiễm một vùng khá rộng. Một số nữ TNXP bị ngạt và mệt lả. Chị Phạm Thị Nhớn, đội viên Đại đội 895 là người gục ngã đầu tiên và hy sinh ngay tại chỗ. Tiếp theo hàng loạt người tham gia cứu hàng, cứu tàu bị sùi bọt mép và ngã xuống ngất xỉu. Trong thời gian ngắn, số người bị nhiễm độc và gục ngã tăng nhanh. Anh chị em nằm la liệt ở sân đình thôn Phú Thứ. Bệnh viện của huyện và tỉnh chật cứng bệnh nhân. Đến sáng hôm sau, 23 người gồm TNXP, công nhân đường sắt và dân quân địa phương đã hy sinh, 256 người khác bị nhiễm độc nặng phải cấp cứu. Đây là vụ nhiễm độc lớn nhất xảy ra ở miền Bắc lúc ấy. Nhưng cũng chính vào thời khắc sinh tử ấy đã xuất hiện nhiều tấm gương quên mình vì nhiệm vụ, vì đồng chí, đồng đội. 

Bà Kiều bồi hồi kể: Tôi không thể quên được hình ảnh chị Nguyễn Thị Hồng Mùi, một đảng viên trẻ, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 3. Hôm đó, chị ở nhà làm cấp dưỡng thay một đồng đội bị ốm. Ngay khi sự việc xảy ra, chị đã cùng nhiều anh chị em khác lao ra hiện trường để cấp cứu đồng đội. Bất chấp nguy hiểm, chị Mùi đã trực tiếp hô hấp, cứu sống được 20 người, trong đó có tôi. Sau đó bản thân chị cũng kiệt sức và hy sinh.

Ông Tạ Xuân Mai ngồi lặng lẽ nghe đồng đội kể. Ánh mắt xa xăm, đượm buồn, ông nói: Lúc ấy anh em tôi cũng chưa biết đó là loại chất độc gì mà gây hậu quả ghê gớm vậy. Mặc dù số bị cháy, vỡ được đem đi chôn cách xa 2km và hiện trường được tiêu độc kỹ nhưng môi trường vẫn bị ảnh hưởng. Một tháng sau khi sự việc xảy ra, tiểu đoàn cao xạ của Trung đoàn 250 hành quân về xây dựng trận địa tại khu vực này nhưng đã phải lập tức rút quân vì vị trí này vẫn còn đang nhiễm độc...

Hành trình vinh danh

Theo thống kê chưa đầy đủ, trong 85 TNXP của Đại đội 895 bị nhiễm độc, nhiều người qua đời khi tuổi còn trẻ, 46 chị em phải chịu cảnh cô đơn không chồng, không con; trong đó có chị đi tu, nhiều chị sống độc thân không nơi nương tựa, ốm đau quanh năm, cuộc sống rất khó khăn. Số anh chị em xây dựng gia đình nhiều người hạnh phúc không trọn vẹn, hoặc bị vô sinh hoặc con bị dị tật.

Kể lại hoàn cảnh của đồng đội hiện nay, bà Kiều, ông Mai, ông Nhâm Sỹ Hóa (nguyên cán bộ Đội 89) đều không cầm được nước mắt. Họ khẳng định, số TNXP và cả các lực lượng khác bị nhiễm độc trong vụ ga Gôi đến nay không được hưởng chế độ, chính sách gì là thiếu công bằng. Anh chị em tham gia cứu hàng, cứu tàu trong tình huống chiến đấu, chấp nhận gian khổ, hy sinh vì nhiệm vụ cao cả thì tại sao không được vinh danh và được hưởng chế độ, chính sách?

Ngay sau chuyến đi, bài đầu tiên của tôi đăng trên Báo Quân đội nhân dân: “Vụ nhiễm độc ở ga Gôi: Câu chuyện bi tráng đang bị lãng quên?” được dư luận chú ý. Tiếp đó, tôi đã có hàng chục chuyến về lại Thái Bình, Nam Định, tới các cơ quan chức năng với hàng trăm cuộc phỏng vấn và viết gần 20 tin, bài về câu chuyện bi tráng ấy. Hành trình của tôi được nhiều người ủng hộ, đồng hành. Đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình khi ấy (nay là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) khi đọc những bài đăng trên Báo Quân đội nhân dân đã lập tức chỉ đạo Hội Cựu TNXP tỉnh Thái Bình và UBND huyện Hưng Hà kiểm tra lại vụ việc báo nêu, đề xuất hướng giải quyết và thông tin trước công luận. Thiếu tướng Hoàng Mạnh An, Giám đốc Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng) lúc đó đã nhận lời sẵn sàng điều trị, hỗ trợ những nạn nhân nhiễm độc nặng ở ga Gôi. Trung ương Hội Cựu TNXP Việt Nam cũng đã chỉ đạo Hội Cựu TNXP tỉnh Thái Bình tổng hợp số liệu, báo cáo tình hình về số anh chị em TNXP Đại đội 895 tham gia cứu tàu, cứu hàng và bị nhiễm độc hiện đang sống trên địa bàn tỉnh; đồng thời, có công văn gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị giải quyết.

Tuy nhiên, trong quá trình tác nghiệp tôi cũng gặp không ít khó khăn, thậm chí còn bị đe dọa. Một lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lúc đó còn yêu cầu tôi dừng ngay việc truyền thông về sự kiện này, đặc biệt là các yêu cầu về chế độ, chính sách với các nạn nhân trong vụ nhiễm độc ga Gôi. Ông còn dọa: Anh không dừng, tôi sẽ đề nghị Bộ Quốc phòng kỷ luật anh về tội kích động, gây rối và làm ảnh hưởng tới an ninh trật tự...

Những khó khăn và hành động gây sức ép đó không làm tôi chùn bước. Bên cạnh tôi luôn có sự chia sẻ, đồng cảm của nhiều cấp, nhiều ngành, nhất là sự tin cậy, trông chờ của các cựu TNXP Đại đội 895 và gia đình họ.

Sau hơn 4 tháng từ bài báo đầu tiên, ngày 21/9/2010, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc họp liên bộ xem xét về vụ nhiễm độc ở ga Gôi, đề xuất và báo cáo xin ý kiến Chính phủ về hướng giải quyết. Tiếp đó, bằng sự vào cuộc quyết liệt và trách nhiệm của cơ quan chức năng và tỉnh Thái Bình, câu chuyện bi tráng một thời được sáng tỏ, người có công được vinh danh và đãi ngộ xứng đáng. Đặc biệt, Đại đội TNXP 895 và liệt sĩ Nguyễn Thị Hồng Mùi, nguyên Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2, Đại đội TNXP 895 đã được trao tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Câu chuyện về sự kiện ở ga Gôi đã qua 53 năm và kỷ niệm trong hành trình của những người làm báo chúng tôi đồng hành với những người con anh hùng của quê lúa - các nhân chứng, nạn nhân của sự việc cũng đã gần 10 năm. Mỗi dịp tháng 8 - tháng có ngày xảy ra vụ nhiễm độc ở ga Gôi (20/8/1966), tôi lại nhận được lời mời: Về dự lễ với chúng tôi nhé...

Trần Tiến
(Báo Quân đội nhân dân)

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết về Người Thái Bình - đất Thái Bình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày