Thứ 7, 11/01/2025, 05:07[GMT+7]

Doanh nhân Thái Bình: Chọn Bà Rịa – Vũng Tàu là nơi đất lành lập nghiệp

Thứ 5, 26/09/2019 | 14:41:13
3,929 lượt xem
Họ là những người con của “quê hương năm tấn”. Mỗi người đến với Bà Rịa – Vũng Tàu bằng những “duyên nợ” khác nhau nhưng sau nhiều bôn ba, trải nghiệm họ đã chọn Bà Rịa – Vũng Tàu là nơi đất lành để lập nghiệp.

Ông Hoàng Đức Thảo, Chủ tịch HĐQT Tổng Giám đốc Công ty Busadco (người thứ 4 từ phải sang) giới thiệu với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc các sản phẩm của Busadco tại Nhà máy khoa học công nghệ Busadco tại tỉnh Thái Bình.

Không chỉ thành đạt trong kinh doanh, họ còn là những doanh nhân có nhiều đóng góp cho cộng đồng và xã hội. Tiêu biểu nhất trong số các doanh nhân Thái Bình tại Bà Rịa – Vũng Tàu có thể kể đến Anh hùng lao động Hoàng Đức Thảo và bông hồng vàng Nguyễn Nam Phương. 

NGƯỜI THÁI BÌNH ĐẦU TIÊN NHẬN GIẢI THƯỞNG HỒ CHÍ MINH

Nhắc đến các doanh nhân Thái Bình thành đạt ở Bà Rịa – Vũng Tàu trong cộng đồng doanh nhân không ai không biết đến ông Hoàng Đức Thảo – Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Khoa học – Công nghệ Việt Nam (Busadco).  

Sinh ra và lớn lên tại xã Vũ Thắng ( huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình), trong một gia đình thuần nông có 6 anh chị em với tuổi thơ gian khó, Hoàng Đức Thảo chọn con đường làm thợ. Năm 1984, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Tài chính Kế toán, ông Thảo được điều động về làm việc tại Sở Xây dựng Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo. Sắc sảo, thông minh, sớm bộc lộ tư chất người làm quản lý, vài tháng sau, ông được bổ nhiệm làm kế toán trưởng, Phó ban rồi Giám đốc Ban quản lý dự án Sở Xây dựng, Phó ban hạ tầng kỹ thuật trực thuộc tỉnh, Giám đốc Ban dự án thoát nước và môi trường trực thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Năm 2003, khi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thành lập Công ty Thoát nước Đô thị, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc.

Khởi nghiệp là công nhân xây dựng nhưng bằng ý chí và nghị lực phi thường, ông Hoàng Đức Thảo đã không chỉ trở thành một doanh nhân thành công trên thương trường mà còn là một nhà khoa học xuất sắc với hàng trăm công trình khoa học, sáng tạo công nghệ mới. 

Những người thường xuyên làm việc cùng ông Thảo cho biết, với mỗi công trình, dù bận tới đâu, ông cũng giám sát thực hiện từng giai đoạn, xong việc là ra công trường làm cùng anh em. Ông làm việc không kể giờ giấc, đêm ngày. 

Trăn trở trước cảnh các đô thị trên địa bàn ngập nặng, cảnh các công nhân phải dầm mình trong dòng nước cống ngầm độc hại, ông Hoàng Đức Thảo đã bắt tay ngay vào nghiên cứu và thử nghiệm đề tài khoa học “Cụm tời máy nạo vét hệ thống thoát nước” góp phần khắc phục ô nhiễm môi trường cho Bà Rịa – Vũng Tàu những năm đầu 1990.

Công trình khoa học “Cụm tời máy nạo vét hệ thống thoát nước” giúp ông Hoàng Đức Thảo đoạt giải ba Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (Vifotec) năm 2004. Đây là công trình khoa học đầu tay nhưng là cảm hứng cho nhiều công trình khoa học khác của ông Hoàng Đức Thảo như: Công trình “Nghiên cứu, thiết kế hệ thống ngăn mùi và hố thu nước mưa kiểu mới tại các đô thị Việt Nam”, “Nghiên cứu vật liệu và công nghệ chế tạo bê-tông cốt thép thành mỏng đúc sẵn ứng dụng cho hệ thống cấp thoát nước và vệ sinh môi trường Việt Nam”; Cụm công trình “Xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu”... 

Ông Hoàng Đức Thảo là người Việt Nam đầu tiên lập 3 kỷ lục Việt Nam về khoa học công nghệ: Người Bà Rịa - Vũng Tàu đầu tiên đoạt giải thưởng sáng tạo khoa học - công nghệ Việt Nam (VIFOTEC); người Việt Nam có nhiều công trình đoạt giải thưởng trong lĩnh vực sáng tạo VIFOTEC nhất và là người Việt Nam đầu tiên đoạt nhiều giải thưởng nhất của các tổ chức sáng tạo khoa học - công nghệ trên thế giới. Năm 2017, cá nhân ông Hoàng Đức Thảo được nhận giải thưởng cao quý “Giải thưởng Hồ Chí Minh” với cụm công trình khoa học “Xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu”.

Ông Hoàng Đức Thảo cho biết, hiện Busadco đã đầu tư mở rộng xây dựng được nhiều nhà máy công nghệ như tại Bà Rịa – Vũng Tàu; Khánh Hòa; Nghệ An, Hà Nội… Tại tỉnh Thái Bình, năm 2012 Busadco cũng đầu tư xây dựng nhà máy chế tạo cấu kiện bê tông đúc sẵn thành mỏng… Cũng tại quê hương năm tấn, ông Hoàng Đức Thảo đã có nhiều công trình đóng góp vào quá trình xây dựng và đổi mới của Thái Bình. Trong đó phải kể đến hệ thống kênh mương nội đồng nằm trong chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới - hỗ trợ phát triển sản xuất cánh đồng mẫu lớn năm 2015. Theo đó, Busadco đã cung cấp cấu kiện bê tông làm mương tưới tiêu nội đồng lắp sẵn để thực hiện tại các xã nông thôn mới tại Thái Bình như: Hồng Tiến (Kiến Xương), An Thanh (Quỳnh Phụ), Thụy Sơn (Thái Thụy), Dân Chủ (Hưng Hà), Hồng Lý (Vũ Thư)…

Ngoài ra, tại Thái Bình, Busadco còn để lại dấu ấn lớn với “Dự án xây dựng kè và nâng bãi trồng cây chắn sóng đê biển Thái Bình”. Ông Thảo kể lại: Năm 2014, tỉnh Thái Bình đã lựa chọn Busadco ký kết hợp đồng triển khai dự án xây dựng kè chắn sóng và nâng bãi trồng cây chắn sóng tại hai xã Đông Minh và Nam Thịnh (huyện Tiền Hải). Cuối năm 2015, Công trình xây dựng kè biển Tiền Hải - Thái Bình có chiều dài 4,7 km sử dụng sản phẩm “Cấu kiện kè lắp ghép bảo vệ bờ và đê biển Việt Nam” của Busadco đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Công trình này nhằm bảo vệ bờ biển, chống lại các tác hại của biến đổi khí hậu dẫn đến tình trạng nước biển dâng. 

Tiếp nối thành công, ông Hoàng Đức Thảo tiếp tục được triển khai Dự án Quảng trường Thái Bình xây dựng tượng đài “Bác Hồ với nông dân” với kinh phí gần 8 tỷ đã được nghiệm thu đưa vào sử dụng đầu năm 2017.

Bà Nguyễn Nam Phương, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Lan Anh giới thiệu dự án.

“BÔNG HỒNG VÀNG” TRONG NGÀNH BẤT ĐỘNG SẢN 

Bà Nguyễn Nam Phương, Tổng Giám đốc Tổng Công ty TNHH một thành viên Lan Anh (xã Hòa Long, TP. Bà Rịa) được cộng đồng nhắc đến với cái tên thân quen “Bông hồng vàng trong ngành bất động sản”. 

Rất khó để gặp được bà vào những cuộc trò chuyện riêng tư. Với bà Nam Phương công việc kinh doanh và hoạt động vì cộng đồng của bà chiếm phần lớn thời gian. Đằng sau người phụ nữ có dung mạo nữ tính, thục hiền ấy là một tính cách mạnh mẽ, quyết đoán, dám nghĩ dám làm của một doanh nhân lớn. 

Sau nhiều lận đận trong chuyện tình cảm gia đình, nhiều lần thất bại và đổ vỡ trên đường khởi nghiệp ở nhiều tỉnh thành, năm 1996, bà Nguyễn Nam Phương “hai bàn tay trắng” đến TP. Bà Rịa làm lại từ đầu. Thời điểm bà đến nơi đây lập nghiệp, vùng đất còn sơ khai, hoang vu. Với bản tính cần cù chịu khó, bà đã quyết tâm trụ lại nơi đây để khai khẩn, cải tạo lại những khu đất hoang sơ nuôi bò, ba ba, nuôi cá… theo mô hình trang trạng V.A.C và bà đã thành công, mỗi năm mô hình cho thu nhập khoảng 400 triệu đồng, giải quyết được một số lao động tại địa phương. Với cách làm mới, hiệu quả này nên bà hai lần liên tiếp vinh dự được Trung ương hội Nông dân Việt Nam trao tặng danh hiệu “Trâu vàng Đất Việt”.

Khi có đủ vốn liếng trong tay, năm 2005, bà Nam Phương thành lập Công ty TNHH Lan Anh kinh doanh nhà hàng, bất động sản. Năm 2006, chuyển đổi từ một DNTN thành Công ty TNHH MTV Lan Anh, doanh nhân Nguyễn Nam Phương mở rộng ra nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác: sản xuất nước uống tinh khiết đóng chai, kinh doanh nhà hàng sân vườn, đầu tư kinh doanh bất động sản. Có thể nói ở lĩnh vực nào bà cũng gặt hái thành công, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản. Mặc dù có những thời điểm nhiều năm liền, lĩnh vực bất động sản gặp nhiều khó khăn, giá nhà đất chịu nhiều tác động của khủng hoảng kinh tế, lãi suất ngân hàng tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp ở lĩnh vực này lâm vào phá sản. Nhưng bà Nguyễn Nam Phương lại nhận thấy đây chính là thời cơ để bứt phá, khẳng định thương hiệu Lan Anh trên thương trường. Bằng các chiến lược cụ thể và bước đi vững chắc, mang tính bền vững, bà đã “chuyển bại thành thắng” bằng việc mạnh dạn đầu tư vào phân khúc thị trường cấp thấp, xây dựng nhà thu nhập thấp và nhà ở xã hội, vừa tạo được nhiều công ăn việc làm cho người lao động, vừa giúp người thu nhập thấp tiếp cận và mua được nhà ở, ổn định cuộc sống, an cư lạc nghiệp. Theo đó, lần lượt các dự án khu dân cư mang thương hiệu Lan Anh từ 1 đến 7 ra đời. Và hiện công ty đang tiếp tục đầu tư dự án khu du lịch sinh thái Núi Dinh (TX. Phú Mỹ) với diện tích 150ha, tổng mức đầu tư khoảng 600 tỷ đồng.

Không chỉ kinh doanh giỏi, bà Nguyễn Nam Phương còn là một doanh nhân có nhiều đóng góp cho cộng đồng. Kể từ khi tạo dựng cơ nghiệp tại xã Hòa Long, doanh nhân Nguyễn Nam Phương luôn hướng đến những người có cuộc sống không may mắn để sẵn sàng giúp đỡ, sẻ chia. Cá nhân bà cũng như công ty luôn tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội từ thiện, xây dựng đường nông thôn, nhà mái ấm tình thương, nhà đại đoàn kết, đóng góp các quỹ khuyến học, người nghèo, chất độc da cam…

“Nhìn lại chặng đường đi qua, dẫu có nhiều đắng cay nhưng với tôi, chính những tháng ngày khởi nghiệp gian nan đó đã cho tôi hiểu giá trị của đồng tiền, biết phải kiên định vươn lên và biết cả niềm hạnh phúc khi được giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh”, bà Nam Phương chia sẻ. 

Để ghi nhận những nỗ lực không ngừng, 3 năm liền (năm 2008-2009-2010), bà Nguyễn Nam Phương được trao cúp “Bông hồng vàng” dành cho các nữ doanh nhân thành đạt. Đặc biệt, đầu năm 2011, Tổng Giám đốc Nguyễn Nam Phương được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba. Doanh nghiệp của bà cũng được bình chọn đứng đầu trong khối doanh nghiệp tư nhân của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và được trao giải “Ngọn hải đăng” của tỉnh. Gần đây nhất, bà Nguyễn Nam Phương tiếp tục được Nhà nước ghi nhận sự vượt khó và duy trì phát triển đóng góp cho xã hội với giải thưởng “Cúp Thánh Gióng”.

Vẫn còn rất nhiều doanh nhân Thái Bình thành đạt trên đất Bà Rịa – Vũng Tàu như Nguyễn Văn Hưng, Bùi Ngọc Diệp, Lưu Ngọc Thanh… Họ vẫn âm thầm đóng góp cho sự lớn mạnh của mảnh đất, quê hương thứ 2 nơi họ đang gắn bó. Nhưng Thái Bình vẫn luôn trong trái tim của những doanh nhân chọn Bà Rịa – Vũng Tàu là nơi đất lành để lập nghiệp.

QUANG VŨ

(Báo Bà Rịa - Vũng Tàu)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày