Thứ 7, 11/01/2025, 04:55[GMT+7]

Làng Thanh Bình - Đậm sâu 2 quê Mường Thanh – Thái Bình

Thứ 6, 27/09/2019 | 16:21:16
1,941 lượt xem

Một góc làng Thanh Bình.

Cái tên làng Thanh Bình (xã Thanh Luông, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) được đặt từ 55 năm trước bởi những người đầu tiên thành lập khu dân cư này. Thanh Bình không chỉ là tên gọi đơn thuần mà được ghép từ 2 địa danh Mường Thanh và Thái Bình - thể hiện tình cảm yêu thương, gắn bó với quê hương của những người con Thái Bình vượt bao gian khó lên mảnh đất Mường Thanh xây dựng vùng kinh tế mới và bảo vệ biên giới Tổ quốc theo chủ trương, vận động của Đảng, Nhà nước. Đồng thời gửi gắm mong ước, hy vọng về một cuộc sống bình yên, êm ấm, đủ đầy nơi quê hương mới.

Ký ức một thời gian khó

Đầu năm 2019 mới đây, làng Thanh Bình đã tổ chức kỷ niệm 55 năm thành lập. Các thế hệ người dân trong làng cùng ôn lại những ngày gian lao, vất vả khi mới đặt chân lên mảnh đất Điện Biên. Ngày ấy (năm 1964), 28 hộ gia đình với hơn 150 nhân khẩu thuộc 2 xã Đông Xuân, Hoàng Diệu, huyện Đông Quan (nay là huyện Đông Hưng), tỉnh Thái Bình cùng nhau gồng gánh đồ đạc lên mảnh đất Mường Thanh dựng nhà, lập làng mà không biết trước, cũng không hình dung được cuộc sống nơi vùng cao Tây Bắc sẽ như thế nào. Ông Vũ Đức Hợi, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Văn hóa Làng Thanh Bình, cùng gia đình lên Điện Biên khi 17 tuổi, kể lại: Thời điểm ấy, khu vực lòng chảo Mường Thanh còn hoang vu, đồi núi mấp mô cùng vô số tàn tích chiến tranh. Dân cư thì thưa thớt, chúng tôi và đồng bào bản địa lại bất đồng ngôn ngữ, khác biệt văn hóa. Các gia đình đều dựng lều tranh ở tạm, áo không đủ mặc, cơm không đủ no, bữa nào cũng ăn độn rau củ. Gian khổ quá đã có 3 hộ bỏ về quê cũ, lúc ấy đảng viên (6 người), đoàn viên thanh niên (16 người) ra sức động viên, gương mẫu đi đầu, nhận những phần việc khó khăn nhất để khích lệ tinh thần cho các gia đình còn lại. Các hộ cũng bảo nhau đã vượt hàng trăm cây số lên đến đây rồi thì cố gắng hết sức, rồi gian khó sẽ qua. Những ngày sau đó, thành viên các gia đình cùng nhau khai phá đất hoang, tháo gỡ dây thép gai, san lấp giao thông hào, hố bom. Nhờ vậy, khai hoang phục hóa được 8ha để làm ruộng nước và nhiều diện tích trồng rau màu phục vụ cuộc sống. Bà con địa phương cũng giúp đỡ, san sẻ, chuyển giao cho làng 6ha đất ruộng. Chỉ khoảng một năm sau, trên mảnh đất hoang vu đã phủ màu xanh khoai, sắn, rau màu và cây ăn quả.

Bà Vũ Thị Niệm năm nay 87 tuổi vẫn nhớ như in, sau 4 đêm 5 ngày đi đường mệt mỏi, gian khổ, đến ngày 18/2/1964, cả nhà bà gồm 2 vợ chồng và 3 con nhỏ cũng đặt chân đến mảnh đất Mường Thanh, bắt đầu những năm tháng xa quê, không anh em, họ hàng nơi xa xôi, hẻo lánh. Bà Niệm chia sẻ: “Gia đình tôi cũng như các hộ khác nhiều ngày phải đi tìm hái rau dại, mót ngô, khoai trên ruộng đã thu hoạch của đồng bào bản địa để độn cơm. Hai vợ chồng cặm cụi làm lụng, không ngại công việc gì để lo cho gia đình với số người con ngày càng đông hơn. Ngoài làm ruộng vườn, vợ chồng tôi tranh thủ đi rừng lấy cây gianh, chiều các con phụ giúp đánh gianh để bố mẹ mang ra chợ bán. Cứ thế, cuộc sống dần ổn định, bớt khó khăn”. Bà Niệm cũng kể thêm, cho đến năm 1970 chủ yếu khu vực lòng chảo Mường Thanh chỉ cấy được 1 vụ lúa vì chưa có nước tưới và kiến thức khoa học lạc hậu. Thời điểm ấy, làng Thanh Bình tổ chức thành 1 hợp tác xã nhỏ, chia làm 2 đội sản xuất. Cả 2 đội chỉ có 2 cái xe thồ, 1 radio. Tối đến là cả xóm tập trung lại cùng nhau nghe tin tức, thời sự. Những người đồng hương sống quây quần, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau từ lúc nghèo khó cho đến bây giờ vẫn vậy.

Làng Thanh Bình hôm nay

Từ nơi hoang vu, thưa thớt, nay làng Thanh Bình là khu vực trung tâm xã, đông đúc, nhộn nhịp người qua lại. Các hộ dân chủ yếu nằm 2 bên đường trục chính vào UBND xã, là lợi thế cho nhân dân phát triển kinh tế, văn hóa xã hội. Ngay giữa làng Thanh Bình từ nhiều năm nay hình thành 1 chợ xép phục vụ nhu cầu mua bán của người dân trong xã. Tận dụng thuận lợi ấy, 2 bên đường có đến khoảng 20 cửa hàng dịch vụ kinh doanh tổng hợp, thời trang, xay sát, sửa chữa xe máy, đồ điện... của người dân trong làng mở. Cả khu vực mua bán sôi động quanh năm.

Vợ chồng anh Vũ Văn Ngọc là thế hệ thứ 3 của làng. Năm 2018, anh chị đầu tư mở cửa hàng bách hóa gần chợ, vừa bán lẻ cho người dân có nhu cầu, vừa làm đại lý xuất hàng cho các tạp hóa nhỏ trong xã và khu lân cận. Vào dịp tết, bách hóa của anh tạo việc làm thời vụ cho 1 – 2 lao động. Anh Ngọc cho biết: “Vị trí trung tâm của làng rất thuận lợi cho kinh doanh, buôn bán. Người dân các thôn, bản phía trong và cán bộ xã, giáo viên các trường học thường xuyên đi qua đây, dừng lại mua sắm. Doanh thu trung bình mỗi ngày của cửa hàng chúng tôi gần 10 triệu đồng. Vào dịp tết thì cao hơn. Lợi nhuận mỗi tháng đủ cho gia đình tôi có cuộc sống đầy đủ”.

Mặc dù có nhiều người chuyển hướng sang kinh doanh, dịch vụ nhưng phần lớn các hộ trong làng Thanh Bình vẫn theo nghề nông nghiệp với các hình thức chăn nuôi, trồng trọt hiện đại, áp dụng khoa học kỹ thuật. Ông Vũ Đức Hợi, Trưởng ban Văn hóa làng cho biết thêm: Hiện Thanh Bình có 28,8ha lúa 2 vụ, 17 máy phay. Mỗi mùa vụ chỉ mất từ 7 – 10 ngày là cả làng hoàn thành việc gieo cấy hoặc gặt hái, sản lượng trung bình hàng năm đạt 62 – 67 tạ/ha. Các mô hình chăn nuôi cũng phát triển, gia súc xuất chuồng hàng năm đạt khoảng 15 tấn, gia cầm tính trung bình mỗi hộ nuôi 50 con/lứa. Trong làng có nhiều hộ nông dân làm kinh tế giỏi, tiêu biểu như: Ông Phạm Bá Kiến, Hoàng Văn Vững, Vũ Quang Chiến, Vũ Đức Dũng… Với sự cần cù, chịu khó của người con quê lúa Thái Bình, đời sống phần lớn người dân Thanh Bình đến nay sung túc, đủ đầy. Hiện làng được tách làm 3 thôn: 5A, 5B, 5C với tổng 237 hộ, 812 khẩu, trong đó chỉ còn 7 hộ nghèo là người neo đơn hoặc có hoàn cảnh đặc biệt, khó xóa nghèo. Bình quân thu nhập đầu người của làng đạt 25 – 30 triệu đồng/năm.

Cuộc sống có khó khăn thế nào, người dân Thanh Bình cũng đều vượt qua, nhưng đây chưa phải điều tự hào nhất đối với bà con nơi đây mà điều làm rạng danh cái tên làng Thanh Bình là những người con, người cháu thành đạt, hoạt động trong nhiều ngành nghề khác nhau. Ông Hợi nhẩm tính cả làng hiện có hơn 250 người tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp, công tác tại nhiều cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang… của huyện, tỉnh. Một số người giữ chức vụ quan trọng trong ngành, lĩnh vực mình công tác, có nhiều đóng góp được ghi nhận, đánh giá cao bởi địa phương. Gia đình bà Vũ Thị Niệm đã kể ở trên là một tấm gương tiêu biểu. Dù bữa no, bữa đói, nhưng vợ chồng bà vẫn cố gắng cho các con đi học đầy đủ. Để đến nay, khi đã lên chức cụ, bà có gần 70 người con, cháu đều thoát li ruộng đồng, có công việc ổn định hoặc đang đi học. 10 người con của bà thì chỉ có 1 người ở nhà làm nội trợ, còn 9 người công tác trong các cơ quan Nhà nước khác nhau: giáo viên, bác sĩ, công an, cán bộ tư pháp, khoa học công nghệ. Trong đó có 3 người con hiện đang giữ các vị trí lãnh đạo trong cơ quan, trong ngành. Mãn nguyện với niềm vui tuổi già là con cháu đề huề, thành đạt, bà Niệm chia sẻ: “2 năm trước, tôi mừng thọ 85 tuổi. Trừ 1 người cháu ở xa quá không sắp xếp về được, còn lại cả đại gia đình gần 70 người đều có mặt đầy đủ, đông vui lắm. Mỗi ngày lễ tết, con cháu sum vầy là tôi lại kể cho chúng nghe về những khó khăn ngày xưa, dặn dò các thành viên trong gia đình phải noi gương nhau không ngừng học hỏi, vượt khó để thành công, đóng góp cho quê hương”.

55 năm đã trôi qua, các thế hệ người dân làng Thanh Bình cứ thế tiếp nối nhau trưởng thành. Những người con, người cháu lớn lên bằng hạt gạo được đơm bông trên cánh đồng Mường Thanh, uống nước nguồn mạch ngầm Nậm Rốm, mang trong mình dòng máu Điện Biên nhưng dù bao nhiêu năm trôi qua vẫn luôn hướng về mảnh đất tổ tiên – Thái Bình với tấm lòng thành kính, tri ân, nặng nghĩa tình.

Nguyễn Hiền

(Bài tham dự cuộc thi Người Thái Bình, Đất Thái Bình)




  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày