Chủ nhật, 24/11/2024, 11:45[GMT+7]

“Thái Bình – Lào Cai một dải ân tình” (Bài 2)

Thứ 7, 28/09/2019 | 12:02:45
4,885 lượt xem
Nhìn lại lịch sử xây dựng và kiến thiết Lào Cai từ trước và sau khi tái lập tỉnh đến nay, đóng góp của những cán bộ, đảng viên quê hương Thái Bình không thể kể hết. Họ là những cán bộ chủ chốt của tỉnh và các sở, ngành, những văn nghệ sĩ nổi tiếng, những cán bộ cơ sở… Dù ở vị trí nào cũng phát huy truyền thống của quê hương “5 tấn”, nỗ lực đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng mảnh đất biên giới Lào Cai thêm giàu đẹp.

Ca sĩ Đào Đức Hạnh, Giám đốc Trung tâm Thực nghiệm và Biểu diễn, Trường Cao đẳng Lào Cai trong một buổi chuẩn bị cho chương trình văn nghệ.

Bài 2:  Những đảng viên “quê lúa” trên vùng biên viễn           

Yêu Lào Cai qua lời ca, tiếng hát

Tôi gặp ca sĩ Đào Đức Hạnh, Giám đốc Trung tâm Thực nghiệm và Biểu diễn, Trường Cao đẳng Lào Cai khi anh vừa kết thúc chuyến công tác đưa hơn 100 diễn viên xuống huyện Bảo Yên tham gia biểu diễn trong sự kiện Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng phố Ràng. Vừa là người viết kịch bản cho chương trình nghệ thuật đầy dấu ấn, cũng là người dàn dựng chương trình, quản lý, chỉ đạo diễn viên, đồng thời là ca sĩ chính của chương trình, dường như với anh công việc lúc nào cũng rất bận rộn.

Thực ra, tôi biết đến anh Đào Đức Hạnh đã lâu, bởi trong những chương trình nghệ thuật gắn với những sự kiện, ngày lễ kỷ niệm quan trọng của tỉnh ít khi vắng giọng hát của anh. Nghe Đào Đức Hạnh hát những ca khúc về Lào Cai với chất giọng khỏe khoắn mà tha thiết, thấm đẫm tình đất, tình người như: Lào Cai thành phố trẻ ta yêu, Hội xuân Đền Thượng, Lào Cai thành phố anh hùng, Nơi những dòng sông giao duyên, Lào Cai mùa xuân, Về Lào Cai hôm nay, Sa Pa nơi gặp gỡ đất trời… nhiều người nghĩ hẳn nếu không phải là người sinh ra ở Lào Cai sẽ không thể về Lào Cai với cả trái tim như vậy.

Ca sĩ Đào Đức Hạnh trải lòng: “Quê tôi ở xã Đông Quý, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Năm 1994, tôi lên Lào Cai công tác, là ca chính của Đoàn Nghệ thuật Dân tộc tỉnh. Chính tình yêu với mảnh đất biên giới, với những làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào các dân tộc đã níu giữ tôi ở lại với mảnh đất này”. Và có lẽ chính tình yêu ấy đã dẫn anh tới thành công. Những bài hát: Chiếc khăn piêu, Sông Lô chiều cuối năm, Thương nhau tìm về, Uống cạn ánh trăng, Lào Cai thành phố biên cương, Tìm em… đã giúp anh giành 2 Huy chương Vàng, 4 Huy chương Bạc trong các kỳ liên hoan nghệ thuật, hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc.

Cũng tại Trung tâm Thực nghiệm và Biểu diễn, tôi gặp nhạc sĩ trẻ Lý Tự Đức. Sinh ra ở thành phố Thái Bình, khi lên Lào Cai, chàng nhạc sĩ trẻ (học chuyên ngành đàn bầu của Nhạc viện Hà Nội) đã “phải lòng” vẻ đẹp của mảnh đất biên cương. Tuy tuổi đời còn trẻ, nhưng Tự Đức vừa giảng dạy âm nhạc tại Trường Cao đẳng Lào Cai, vừa là tác giả của hơn 30 ca khúc thuộc nhiều đề tài khác nhau được khán giả yêu mến.

Chỉ cần nhìn vào những ca khúc anh sáng tác cũng đủ thấy tình cảm anh dành cho Lào Cai: Đất mỏ bừng sáng, Người đàn bà núi, Hát về thành phố biên cương, Nhịp điệu Tây Bắc… Đó cũng là những ca khúc giành được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi sáng tác. Ngoài ra, anh còn sáng tác ca khúc “Vì trường Sa thân yêu”, “Trường Sơn một chiều thương nhớ” gửi gắm nỗi nhớ quê qua phổ nhạc bài thơ “Gửi quê” (lời thơ Hồng Thạo).

Không chỉ có ca sĩ Đào Đức Hạnh hay nhạc sĩ Lý Tự, trên mảnh đất biên giới Lào Cai hôm nay, có không ít các văn nghệ sĩ nổi tiếng khác là người “quê lúa” đang sinh sống, sáng tác và để lại dấu ấn với nhiều tác phẩm. Tiêu biểu như tác giả Phạm Kỳ với hàng chục bài thơ về Lào Cai, Thái Bình; nhà thơ Phạm Hồng Thạo; nhà văn Trịnh Bảng; nghệ sĩ nhiếp ảnh trẻ Phạm Ngọc Bằng… Với họ, cảm xúc về hai miền quê yêu dấu Thái Bình – Lào Cai đã chắp cánh cho nhiều tác phẩm bay cao.

Những cán bộ xã quê Thái Bình

Để mảnh đất biên cương phát triển như ngày hôm nay, cùng với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Lào Cai sở tại là sự cống hiến không mệt mỏi của những cán bộ, đảng viên có quê hương từ quê lúa Thái Bình. Họ không chỉ là những cán bộ tham gia công tác ở cấp tỉnh, cấp huyện, mà rất nhiều cán bộ, đảng viên tiêu biểu gắn bó trực tiếp với nhân dân.

Trở lại với câu chuyện ở mảnh đất Bản Xen, huyện Mường Khương. Khi đến tìm hiểu về những người con của mảnh đất Thái Bình lên Lào Cai lập nghiệp, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay của mảnh đất này. Từ một xã còn nhiều khó khăn của huyện Mường Khương, Bản Xen đã vươn lên trở thành xã nông thôn mới tiêu biểu của huyện vào năm 2015.

Là người con của quê lúa Thái Bình, nhưng ông Bùi Công Bốn, Chủ tịch UBND xã Bản Xen đã có 43 năm gắn bó với mảnh đất này và coi đây là quê hương thứ hai của mình. Trò chuyện với chúng tôi, ông chia sẻ: “Từ năm 1976 ,tôi đã theo gia đình từ huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình lên Bản Xen lập nghiệp, sinh sống ở thôn Cốc Mui. Trưởng thành từ cán bộ Đoàn thanh niên xã, trải qua nhiều công việc như kế toán, văn phòng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Phó Chủ tịch UBND xã, nay là Chủ tịch UBND xã Bản Xen, điều tôi luôn trăn trở là làm thế nào để đồng bào các dân tộc nơi đây sớm thoát nghèo, có cuộc sống ấm no hơn”.

Đảm nhiệm vai trò lãnh đạo xã trong giai đoạn khó khăn, đầy thử thách là đưa Bản Xen về đích trong xây dựng nông thôn mới, ông Bùi Công Bốn đã cùng các cán bộ, đảng viên xã Bản Xen làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đồng lòng đóng góp sức người, sức của làm đổi thay từng thôn bản. Kết quả là sau 5 năm xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo của Bản Xen giảm từ trên 30% xuống còn trên 5%; thu nhập của người dân từ 18 triệu/người/năm, nay tăng lên đạt 37 triệu đồng/người/năm; các tuyến đường đất vào thôn được thay thế bằng 26km đường bê tông sạch đẹp; toàn bộ trường học, trạm y tế xã đều đạt chuẩn quốc gia. Những thôn nghèo như Bãi Nghệ, Thịnh Ổi, Suối Thầu, Đội Nùng nay xuất hiện nhiều hộ sản xuất kinh doanh giỏi.

Tìm hiểu thêm, điều làm chúng tôi bất ngờ là đóng góp vào sự đổi thay của Bản Xen trong những năm qua, không chỉ có một cán bộ, đảng viên người Thái Bình là ông Bùi Công Bốn, mà còn rất nhiều cán bộ, đảng viên “quê lúa” khác. Trước ông Bốn là các ông Đỗ Quý Vân (nguyên Chủ tịch UBND xã), Trần Văn Tý (nguyên Bí thư Đảng ủy xã). Hiện nay xã Bản Xen có 22 cán bộ, công chức, thì có tới 7 cán bộ, đảng viên quê Thái Bình. Anh Hoàng Văn Thủy là Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã, anh Nguyễn Văn Quân là Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã, anh Trần Văn Tiến là Phó Chủ tịch UBND xã, anh Đỗ Tiến Anh là Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự, Đỗ Xuân Thiệu là cán bộ địa chính, anh Phạm Xuân Vương là công chức văn phòng. Những cán bộ, đảng viên ấy luôn phát huy truyền thống chăm chỉ, cần cù, sáng tạo, đoàn kết của quê hương “5 tấn”, trở thành những lá cờ tiên phong trong các hoạt động, đồng lòng xây dựng quê mới Bản Xen nagyf càng ấm no.

Xứng đáng là những cán bộ chủ chốt

Nhìn lại lịch sử xây dựng và kiến thiết Lào Cai từ trước và sau khi tái lập tỉnh đến nay, đóng góp của những cán bộ, đảng viên quê hương Thái Bình khó có thể thống kê đầy đủ. Họ không chỉ là những văn nghệ sĩ, không chỉ là những cán bộ mẫn cán công tác ở các xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh, mà còn rất nhiều người con Thái Bình nữa đang công tác ở các sở, ngành, đơn vị của mảnh đất biên cương. Họ là những thầy, cô giáo, những y sĩ, bác sĩ, những chiến sĩ công an, bộ đội đang ngày đêm cống hiến để xây dựng Lào Cai thêm giàu đẹp.

Và trong số đó, có không ít những người con “quê lúa” đã nỗ lực  vươn lên, phấn đấu trưởng thành và trở thành những cán bộ chủ chốt trên các lĩnh vực của tỉnh. Tiêu biểu như Tiến sĩ Nguyễn Hữu Vạn, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Tổng Kiểm toán Nhà nước, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai; Tiến sĩ Nguyễn Đức Thăng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lào Cai; đồng chí Phạm Kỳ, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai; đồng chí Vũ Ngọc Cừ, nguyên Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XI tỉnh Lào Cai; đồng chí Nguyễn Thanh Dương, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Đào Văn Ngoạn, nguyên Bí thư Thị ủy Lào Cai…

Ở các sở, ban, ngành cũng có không ít cán bộ lãnh đạo như: đồng chí Tô Trọng Tôn, nguyên Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông; đồng chí Phan Doãn Thanh, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng; nhà báo Ngô Văn Hinh, Tổng Biên tập Báo Lào Cai; Bác sĩ Trần Thị Minh, Phó Giám đốc Sở Y tế; nhà giáo ưu tú Phạm Đồng Hòa, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT số 1 thành phố Lào Cai; nhà giáo Nguyễn Minh Thuận, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên tỉnh Lào Cai… Và còn rất nhiều tấm gương khác nữa đã và đang miệt mài đóng góp trí tuệ, công sức xây dựng Lào Cai. Tôi nhớ đã từng có một bài báo của tỉnh Lào Cai từng viết: “Lịch sử đương đại Lào Cai được viết lên, một phần không nhỏ bởi sự đóng góp của những người con của quê hương “5 tấn” Thái Bình.

Tuấn Ngọc – Tô Dung

(Báo Lào Cai)

Dự thi Đất Thái Bình, người Thái Bình.

  • Từ khóa