Thứ 7, 11/01/2025, 04:15[GMT+7]

Người Thái Bình ở Nậm Búng

Thứ 3, 08/10/2019 | 09:05:46
7,516 lượt xem
Hành trình trên quãng đường 370 ki lô mét, qua hàng trăm dốc núi, đỉnh đèo và sông suối, tôi đến nhà anh Bùi Sỹ Tới, người Thái Bình thành đạt tại thôn Trung Tâm, xã Nậm Búng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, vui lắm và hân hoan lắm. Người Thái Bình đi đến bất cứ nơi đâu trên lãnh thổ Việt Nam đều biết cách vượt mọi khó khăn, bước qua những trở ngại ban đầu để vươn lên làm giầu chính đáng, làm rạng danh cho quê lúa Thái Bình.

Anh Tới bên sản phẩm của mình.

Anh Bùi Sỹ Tới sinh ra tại thôn Mỹ Đình, xã Văn Cẩm, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Năm 1978, Thái Bình rầm rộ chuyển dân đi xây dựng các vùng kinh tế mới, Hưng Hà là huyện có phong trào mạnh của tỉnh. Gia đình Tới xung phong đi ngay đợt đầu năm, khi đó Tới mới tròn 4 tuổi, theo bố, mẹ và anh chị em lên Nậm Búng. Người Thái Bình vốn cần cù, chăm chỉ, biết cách làm giầu. Các anh, chị và cả Tới nữa chăm ngoan, học giỏi, biết phụ giúp bố mẹ phát triển kinh tế gia đình. Ngay từ khi còn là học sinh ngồi trên ghế nhà trường, Tới đã  ham tìm hiểu nghề cơ khí chế tạo máy móc. Vì vậy, khi lớn lên, Tới đã mày mò, học hỏi kinh nghiệm sáng chế và sản xuất một số máy nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp như máy làm đất, máy bơm nước, máy tuốt lúa, bình bơm thuốc trừ sâu… 

Hồi đó, người dân Nậm Búng và cả dân vùng lân cận lao động chủ yếu bằng sức người, vô cùng vất vả. Ruộng bậc thang không cho phép máy cày cỡ lớn vào làm đất. Phải là loại máy công cụ nhỏ, thích nghi và phù hợp với điều kiện sản xuất của dân vùng núi. Tới đã nghĩ được cách làm ra những loại máy đó. Máy công cụ loại vừa và nhỏ do gia đình Tới làm ra đáp ứng yêu cầu của nông dân, sản phẩm có mặt khắp các tỉnh thành Tây Bắc. Đặc điểm của vùng núi, nhiều ruộng bậc thang, Tới nghĩ cách để máy tự động nhảy từ ruộng dưới  lên ruộng trên. Chính vì  tác động đó nên khách hàng rất ưa thích. Có lúc, sản phẩm của Tới đã vươn xa, đến các tỉnh phía Nam như Kon Tum, Gia Lai và sang cả Lào, Cam Pu Chia…

Khi chị ruột của Tới đến tuổi trưởng thành, kết hôn với anh Nguyễn Tiến Đại (người xã Nam Hưng, Tiền Hải, sinh sống ở Nậm Búng đã lâu), anh rể động viên, trao đổi thêm kinh nghiệm, Tới như được tiếp thêm sức mạnh để tiếp tục phát huy khả năng sáng tạo của mình. Xí nghiệp sản xuất máy công cụ phục vụ nông nghiệp của Bùi Sỹ Tới giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn mười công nhân. Tuy nhiên đấy là những năm trước đây, hiện tại, anh Tới và 2 con trai: Bùi Duy Chính, Bùi Quốc Tuấn tiếp tục giữ nghề, mở rộng quy mô sản xuất, làm ra nhiều sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng.

Bùi Sỹ Tới đã được nhận nhiều bằng khen, giải thưởng của các cấp các ngành: Năm 2014, Bùi Sỹ Tới được nhận giải thưởng KOVA lần thứ 12 của ủy ban giải thưởng KOVA trao tặng. Một số bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, bằng khen của Bộ Khoa học và Công nghệ. Năm 2015, Bùi Sỹ Tới là đại biểu đi dự Đại hội thi đua yêu nước lần thứ 9…  

Ngắm cơ ngơi khang trang, nhà cửa đàng hoàng với các tiện nghi phục vụ đời sống đầy đủ, xưởng sản xuất với nhiều máy móc và sản phẩm phục vụ nông nghiệp, sản xuất theo đơn đặt hàng của khách; nhìn những bằng khen, giấy chứng nhận phần thưởng treo trên tường, đủ biết Bùi Sỹ Tới là con người đa tài. Một gia đình có nền nếp gia phong tốt, vợ chồng hòa thuận, con cháu kính trọng bề trên, một gia đình giáo dân kính Chúa yêu nước, sống “tốt đạo, đẹp đời”.

Nhiều người ở Nậm Búng nói với tôi: “Người Thái Bình ở Văn Chấn rất đông. Người Thái Bình hiền lành, sống có nghĩa có tình, làm việc gì cũng giỏi. Anh Đại, anh Tới giúp dân nhiều lắm. Ai cũng khen, nhắc nhau luôn học tập đức tính cao đẹp của người Thái Bình”.

Cao Bá Khoát

 (Vũ Thư)

(Tác phẩm dự thi Người Thái Bình, đất Thái Bình)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày