Chủ nhật, 24/11/2024, 14:19[GMT+7]

Đất và người Minh Khai

Thứ 4, 30/10/2019 | 09:39:12
3,535 lượt xem
Minh Khai thuộc huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình là một vùng đất cổ. Các cụ cao niên ở đây đã kể cho tôi nghe một chuyện rất lí thú về sự tích một ngôi đình. Đấy là đình thôn Hội.

Rước kiệu dưới sông - nét đặc sắc trong lễ hội đền - chùa Phượng Vũ, xã Minh Khai, huyện Vũ Thư.

Thuở ấy, nước ta có tên là nước Văn Lang. Ở trang Kim Đôi, phủ Từ Sơn, huyện Vũ Giang, có một gia đình: chồng là Phạm Điển, vợ là Nguyễn Thị Thanh. Hai vợ chồng ăn ở phúc đức hiền lành, sống cuộc đời đạm bạc. Ngày 10 tháng giêng, họ sinh được một người con trai, khôi ngô, tuấn tú, cha mẹ đặt tên con là Cối Sớ, tên huý là Ngọc Cục. Năm 7 tuổi, Cối Sớ đã học thông kinh sử, văn võ song toàn. Năm Cối Sớ 23 tuổi thì cha mẹ qua đời. Khi đó, Hán Vũ Đế sai Tô Định sang xâm lược nước ta. Hai Bà Trưng  dựng cờ khởi nghĩa, Cối Sớ về Mê Linh theo hai bà đi đánh giặc. ngài được Trưng Trắc phong làm Đại tướng quân. Theo lệnh của Trưng nữ vương, đại tướng quân Cối Sớ hành binh về Thọ Lộc trang, đến làng Hội thì dừng chân. Đêm đó, Đại tướng quân Cối Sớ nằm mơ thấy một cô gái hiển linh. Cô gái ấy là Thánh Mẫu Hồng Vân, trời sai đến để phò trợ tướng quân đánh giặc. Phạm tướng quân khởi binh, đánh đến đâu, giặc tan đến đó. Về đến Thọ Lộc trang thì giặc không còn một tên, Phạm tướng quân lập miếu thờ Thánh Mẫu Hồng Vân và làm lễ tạ ơn trời đất. Đêm mồng 10 tháng Tư năm ấy, dân làng thấy trời đất tối sầm, gần nhau mà không nhìn rõ mặt. Biết có điềm lạ, dân làng chạy ra miếu thì thấy Phạm tướng quân đã hoá. Trưng nữ vương phong cho Phạm Cối Sớ là Phúc Đẳng thần, sức cho dân làng lập đền phối thờ cùng Thánh Mẫu Phạm Thị Hồng Vân. 

Như vậy là từ  thuở Vua Hùng, nơi đây đã có  làng và thuở Hai Bà Trưng đánh quân Tô Định, làng Hội đã có đình thờ hai vị có công giúp vua đánh giặc. Đình làng Hội được dựng ngay trên nền móng của ngôi miếu cổ. Khi Pháp chiếm Thái Bình, đình Hội là địa điểm tập trung của quân du kích, của bộ đội R10 trước khi  ra trận. Có một chuyện mà những đảng viên và nhân dân Minh Khai đời đời ghi nhớ. Đó là chuyện giặc Pháp hành quyết hai người du kích tại sân đình. Giặc Pháp đóng bốt ở La Uyên, Nguyệt Lãng, Khê Kiều… Chúng thường xuyên vào làng càn quét, bắt giết, hãm hiếp phụ nữ và cướp của… Du kích lên kế hoạch chống càn. Chỉ huy du kích xã giao cho anh Nguyễn Văn Ngôn và anh Nguyễn Văn Khuê đặt mìn ở phía sau hậu cung đình Hội. Bọn địch đi càn, vấp mìn của du kích, hơn mười tên địch bị thương và bị diệt, trong đó có một tên quan hai Pháp. Chúng lùa dân làng ra đình, bắt mọi người phải chỉ mặt những người đã đặt mìn. Chúng doạ: Nếu hai du kích đã đặt mìn không lộ diện  thì các cụ già và trẻ em làng Hội sẽ bị chúng thiêu sống trên đống lửa. Hai anh Ngôn và Khuê đành phải xông ra để cứu dân làng. Bọn địch đã hành quyết hai anh trước mặt mọi người, ngay giữa sân đình Hội. Mặc dù chúng canh phòng rất cẩn mật nhưng du kích và dân làng đã mưu trí, lấy được xác hai người du kích ấy đem về mai táng.

Tôi hỏi xen ngang:

- Du kích Minh Khai lừng lẫy tiếng tăm là nhờ có một xã đội trưởng kiên trung và một nữ du kích “gan cóc tía”, nghe đến tên họ là kẻ địch kinh hồn bạt vía, phải không các cụ ?

Cụ Đức vuốt chòm râu bạc, khà khà cười viên mãn:

- Đúng đấy. Đó là xã đội trưởng Trần Văn Tá và nữ du kích Phạm Thị Thục. Ông Tá vừa được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Ông Trần Văn Tá sinh ngày 10 tháng 5 năm 1924, trong một gia đình nông dân ở thôn Khê Kiều. Tháng 8 năm 1947 tham gia du kích và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngay sau khi vào Đảng, Trần Văn Tá được chỉ định làm xã đội trưởng du kích Minh Khai và Minh Quang (Khi ấy hai xã trên sát nhập thành một xã với tên gọi là Minh Đức). Xã đội trưởng Trần Văn Tá chỉ huy lực lượng vũ trang, giữ vững thông tin liên lạc, thường xuyên quấy rối bốt giặc và chỉ huy đánh địch ở tuyến quốc lộ số 10. Ông lãnh đạo nhân dân đấu tranh, không cho địch cắm bốt trong làng, địch đã nhiều lần nhượng bộ. Cuối năm 1950, ông Tá nhận được tin bố ông ra bốt làm xã ủy. Lòng sục sôi tức giận, ông về nhà gặp và bàn với vợ thuyết phục bố đừng theo giặc, quay về với nhân dân. Nhiều lần ông về nhà vào ban đêm, đấu tranh không khoan nhượng với người đã sinh ra mình, yêu cầu bố giúp Việt Minh đánh giặc. Người bố không nghe, ông đã chấp hành mệnh lệnh của cấp trên, bắt một số xã uỷ, trong đó có bố mình. Được chính quyền cách mạng quản lý, giáo dục và bản thân ông Tá thường lui tới thăm nom, thuyết phục bố bằng tình cha con nên người bố đã nhận ra con đường chân chính, không theo giặc nữa, về nhà làm ăn lương thiện với vợ con. Cũng trong năm ấy, ông Tá và ông Điển đêm đêm bò vào bốt  La Uyên, bốt Khê Kiều, có lần bò cả vào khu nhà ở của những tên lính nguỵ, để bản án đe doạ những tên ác ôn cố tình chống đối cách mạng, kêu gọi lính nguỵ bỏ hàng ngũ địch, về với nhân dân. Cũng có khi ông giả làm phu khuân vác vật liệu để quan sát tình hình, về vẽ lại bản đồ chi tiết, tạo điều kiện để du kích, bộ đội hạ đồn bốt và vọng gác của giặc. Rất nhiều trận, người chỉ huy du kích xã Minh Đức đã  chỉ huy đánh địch, tiêu diệt nhiều tên, cướp được nhiều vũ khí… 

Ngày 17 tháng 2 năm 1951, giặc tập trung lực lượng rất đông, càn vào Minh Đức. Đồng chí Trần Văn Tá chỉ huy cho anh chị em rút hết xuống hầm bí mật, lợi dụng thời cơ sẽ xông lên đánh tỉa địch ở các ngõ xóm trong làng. Qua lỗ thông hơi, Trần Văn Tá thấy hai tên lính nguỵ đứng gác ở ngõ nhà ông Điển, ông đội nắp hầm lao lên, dùng mã tấu chém chết hai tên lính, rồi lựa lối hẻm đến nép vào cổng nhà ông Tái, chém chết một tên quan hai Pháp. Bọn giặc hò nhau đuổi theo ông Tá, bắt được ông, đem về ngõ nhà ông Tái. Chúng chất rơm thiêu sống người xã đội trưởng trung kiên. Trong đống lửa cháy phừng phừng, Trần Văn Tá hô vang “Hồ Chí Minh muôn năm”. Ba lần khẩu hiệu ấy vang lên, đồng chí Trần Văn Tá mới lịm đi…

-  Còn chuyện về chị Thục…

Phạm Thị Thục sinh năm 1934, cùng thôn Khê Kiều với  xã đội trưởng Trần Văn Tá. Khi Pháp chiếm Thái Bình, Thục mới 16 tuổi. Chị thường được mẹ kể cho nghe  về cuộc đời lam lũ vất vả của gia đình và làng quê. Mẹ chị là một phụ nữ thiết tha yêu nước, hăng hái ủng hộ kháng chiến đánh giặc. Chị xin phép mẹ được đi làm liên lạc cho du kích. Đêm đêm, chị thay mẹ đưa cán bộ vượt đường 10. Chị thường cải trang thành người đi chợ, người đi làm đồng để mang tài liệu của Việt Minh, dẫn cán bộ đi qua bốt giặc giữa ban ngày. Có những khi khó khăn ác liệt, giặc cố sống cố chết kiểm soát  và canh giữ các tuyến đường liên lạc, vậy mà bằng trí thông minh và lòng dũng cảm, Thục vẫn làm tròn nhiệm vụ được giao. Phạm Thị Thục lớn lên theo sự trưởng thành của cách mạng. Khát vọng lớn nhất của chị là được cầm súng tiêu diệt kẻ thù. Đủ thời gian thử thách, Phạm Thị Thục chính thức được kết nạp làm đội viên đội du kích Minh Đức. Năm đó chị tròn 17 tuổi, cái tuổi đương thì của một cô gái  đang sung sức. 

Trận đầu tiên chị tham gia là trận đánh  trạm gác La Uyên. Tại trạm gác này, thường xuyên có 7 tên lính nguỵ. Ban ngày chúng ở trạm gác, ban đêm chúng lại co cụm về bốt La Uyên. Kế hoạch diệt trạm gác đã được chỉ huy nhất trí. Trưa tháng năm oi ả,  hai bên quốc lộ không một bóng nhà, không một bóng cây. Những tên lính trên trạm gác ngồi ngáp ngắn, ngáp dài. Từ làng Khê Kiều và làng La Uyên, có hai tốp người đi chợ về, họ gồng gánh  những gì nặng lắm, họ rảo bước về phía trạm gác La Uyên. Một cô gái khá xinh, đặt gánh bên mé đường, dùng nón quạt lấy quạt để cho đỡ nóng. Khuôn mặt cô gái ửng hồng, lấm tấm mồ hôi đã hút hồn mấy tên lính gác. Từ chòi canh, chúng tụt xuống, buông lời trêu ghẹo. Hai tốp người đi chợ cùng cô gái ấy bất thần rút súng từ trong gánh hàng ra, chĩa về phía giặc… Phạm Thị Thục, chính cô gái xinh đẹp ấy là Phạm Thị Thục đã rút súng chĩa về phía mấy tên lính gác, nhả đạn diệt gọn sáu tên. Trận đánh chỉ diễn ra chớp nhoáng, du kích thu được bốn khẩu tiểu liên và hai khẩu súng trường… 

Nắm được quy luật hoạt động của  tên Huỳnh - Quận trưởng Thư  Trì - chiều nào cũng đi xe từ Tân Đệ về Thị xã Thái Bình. Du kích Minh Đức và du kích Tự Tân lên kế hoạch diệt tên quận trưởng ác ôn này. Khi chiếc xe của tên Quận trưởng vừa lọt vào ổ phục kích của du kích, anh chị em đồng loạt xông lên. Thục hét to bắt tên ác ôn phải ra khỏi xe. Tiếc thay, hôm nay con cáo già lại cho tên Đồn trưởng Gia Lạc mượn xe. Tuy không diệt được quận Huỳnh, nhưng du kích Minh Đức, Tự Tân đã bắt sống một tên đồn trưởng khoác áo thầy tu có nhiều nợ máu với nhân dân và con chiên của Chúa. 

Ngay sau trận đó, Tỉnh đội Thái Bình đã gửi thư khen Phạm Thị Thục, một nữ du kích có thành tích xuất sắc của Minh Đức - Thư Trì. 

Sau ngày diệt trạm gác La Uyên, địch lại cho xây trạm gác kiên cố hơn. Chúng cảnh giác cao độ nên tăng cường canh gác. Bốt Cầu Thẫm lại mới xây chỉ cách trạm gác vài trăm mét. Du kích Minh Đức nhận lệnh đánh trạm gác La Uyên lần thứ hai có nhiều khó khăn hơn. Đội du kích Minh Đức giao cho Thục cùng một số du kích ngay đêm đó vượt đường 10 sang Tự Tân  chuẩn bị mọi mặt cho trận đánh.

Hôm ấy, đúng phiên chợ Thông, bọn lính ở trạm gác La Uyên lỉnh vào chợ uống rượu, trêu ghẹo phụ nữ, chúng chỉ để lại trạm 4 tên. Thục cùng đồng đội nổ súng tấn công, hai tên chết ngay, một tên khác bị thương, còn một tên cố chạy về bốt Thẫm. Phạm Thị Thục kiên quyết phải lấy bằng được khẩu súng của tên giặc đó. Chị đuổi theo, nhưng không dám bắn vì sợ đạn lạc vào dân. Phạm Thị Thục hô to “Tên kia! Muốn sống thì bỏ súng xuống”. Quá hoảng sợ, tên giặc  vất khẩu súng lại và chạy thoát thân. Thục ôm chặt khẩu tiểu liên, nhanh chóng rút về địa điểm an toàn cùng đồng đội. 

Ngày 10 tháng 12 năm 1953. Trời rét như cắt da, cắt thịt. Vừa đi dự đại hội chiến sĩ thi đua toàn quân khu về đến đầu làng Hội thì  Thục thấy đạn Moóc chê của địch từ  bốt Thẫm bắn vào làng tới tấp. Nhà dân cháy hàng chục chiếc. Ngớt tiếng pháo, Thục và du kích Minh Đức lao lên dập lửa, cứu nhà dân. Loạt Moóc chê lần thứ hai đã làm cho Phạm Thị Thục bị thương. Chị ngã vật xuống sân, hai tay dang rộng, mặt ngửa lên nhìn bầu trời quê hương lần cuối cùng. Dòng máu đỏ từ thái dương và từ ngực người nữ du kích kiên cường  loang rộng trên đất làng Thọ Lộc. Khi ấy chị tròn 19 tuổi.

Tôi lau vội dòng lệ tuôn trào, hỏi cụ Đức rằng:

 -  Cụ vừa nhắc đến tên làng Thọ Lộc. Thọ Lộc là  nơi chôn rau cắt rốn của Anh hùng liệt sỹ Trần Bình, phải không cụ?

Cụ Đức gật đầu:

- Trần Bình cùng thôn với nhà văn Minh Chuyên đấy ông Cao ạ.

Ngày nhỏ, Trần Bình có tên là Trần Văn Tích. Gia đình Tích đông người, ruộng ít, làm ăn chăm chỉ nhưng vẫn chẳng đủ ăn. Còn ít tuổi, Tích đã phải xa mẹ, suốt ngày phơi nắng trên lưng bò ngoài đồng. Rồi cha mẹ anh phải bồng bế đàn con, phiêu bạt khắp nơi để kiếm kế sinh nhai. Có thời, cả nhà sống bằng nghề buôn gánh, bán bưng ở làng Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội. Tích đi bán lạc rang, bán báo. Được bạn bè lôi cuốn, Tích tham gia đội thiếu niên “biệt động” thành phố. Lợi dụng cái nghề rong ruổi đó đây, Tích đã bịt mắt lũ chó săn khi đi dán khẩu hiệu, rải truyền đơn, liên lạc… Năm 19 tuổi, Trần Văn Tích tình nguyện đi bộ đội, từ Quận đội 6 anh được chuyển sang công tác tại đội “Hành Động” (tức là đội Thanh Việt của Công an quận 6 Thanh Trì). Từ đây, Trần Văn Tích chính thức đổi tên thành Trần Bình. Những việc làm của người chiến sỹ biệt động thành đã làm chấn động Hà Nội. 

Mùa thu năm 1947, đội Thanh Việt giao cho Trần Bình và Đặng Đình Kì thực hiện kế hoạch tiêu diệt tên Trương Đình Tri, Chủ tịch Hội đồng an dân Bắc Việt, một tên Việt gian đầu sỏ do Pháp dựng lên. Tên Tri đã chỉ điểm cho Pháp phá nhiều cơ sở, giết nhiều cán bộ cách mạng. Chiều 10 tháng 10 năm 1947, Bình và Kì bí mật phục kích, đón lõng Tri tại một ngõ hẻm, gần nhà hắn ở số nhà 98 phố Hàng Mã (nay thuộc phố Hoàn Kiếm - Hà Nội). Khi tên Tri vừa khệ nệ từ trong nhà hắn bước lên xe  thì Bình và Kì vụt tới, ném lựu đạn vào xe và chạy thoát an toàn. Tên lái xe và tên vệ sỹ chết ngay, tên Tri bị trọng thương, sau đó y đã chết tại bệnh viện quân đội Pháp  ở đồn Thuỷ (nay là Bệnh viện 108). Bác Hồ ký Sắc lệnh số 22 tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất cho Trần Bình và Đặng Đình Kỳ. Lần đầu tiên, các chiến sỹ công an được Bác Hồ thưởng huân chương cao nhất, Toà án quân sự Pháp tuyên án tử hình vắng mặt Trần Bình và Đặng đình Kỳ.

Đầu tháng 12 năm 1947, đội “Hành động” Công an quận 6 lại được lệnh trừ khử tên chánh mật thám liên bang Buốc Ních. Trần Bình lại tình nguyện đi diệt tên cáo già này. Cùng đi còn có Nguyễn Văn Thuận. Ba ngày phục kích tại cơ sở gần cổng nhà Buốc Ních, e rằng kế hoạch bị lộ, Bình viết thư báo cáo cấp trên. Báo cáo chưa kịp gửi thì Bình và Thuận đã bị  bốn tên lính Pháp bắt. Chúng lục soát thân thể hai người và thu được đầy đủ tang vật: súng, lựu đạn, cả báo cáo mà Bình mới viết, Tại cơ quan mật thám Pháp, chúng dùng mọi cực hình man rợ nhất để tra khảo hai anh. Không moi được điều gì cần thiết, bọn Pháp giam Thuận và Bình vào nhà lao… Mặc dù bị đau đớn cùng cực, Trần Bình vẫn gượng dậy, nhờ Thuận và anh em bạn tù dậy anh học chữ. Anh bảo: “Mình phải học để hiểu biết, để có kiến thức đấu tranh với địch. Học để quên đau đớn”.  Suốt ngày, suốt đêm, cả những khi vết thương tấy sốt, Trần Bình vẫn miệt mài ngồi học. Một lần, Bình đang ngồi nghiêng, tựa lưng vào bức tường nhà giam, nhờ ánh sáng lọt qua kẽ hở chiếu vào để học bài thì cánh cửa nhà giam mở toang. Chúng lôi anh lên phòng tra tấn, buộc hai cổ chân của anh lại, trói dặt cánh khuỷu tay ra sau và ròng dây kéo anh lên trần nhà. Chúng châm lửa và thả anh từ từ xuống sát ngọn lửa. Mỡ ở bụng, ở hai đầu gối anh cháy xèo xèo, nhỏ xuống đống củi. Trần Bình cắn răng chịu đau. Anh em bạn tù thấy thế  thương anh, khóc rưng rức. Thằng chột mắt thét lên: “Mày không nói thì tao đốt mồm”. 

Ngày 21 tháng 8 năm 1948, bọn Pháp kết án tử hình Trần Bình. Hai hôm sau, báo “Ngày Mới” số 261 đưa tin: “Dù đã bị tra tấn tàn tạ, nhưng đứng trước toà, Bình vẫn hiên ngang với cái đầu húi trọc, da ngăm ngăm, đôi mắt sáng, đặc biệt là khuôn mặt nhìn lên rất bình thản. Phải chăng anh là hiện thân của người chiến sỹ tuy bại trận, nhưng vẫn tin vào việc mình đã làm không trái với lương tâm”. Một chiến sỹ công an anh hùng. Một người con của Minh Khai đã làm rạng rỡ quê hương.

Cụ Đức gật gù:

- Trần Bình - người con của Minh Khai, một đảng viên trẻ tuổi, một chiến sỹ biệt động thành Hà Nội đã được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Công an nhân dân năm 1995.

Tôi mở tập hồ sơ đề nghị Nhà nước tặng Minh Khai đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, ghi nhanh vào sổ tay mấy dòng: “Tổng kết cuộc kháng chiến chống Pháp, Đảng bộ và nhân dân Minh Khai đã được Nhà nước tặng: Một Huân chương Kháng chiến hạng Ba, 73 huân chương kháng chiến các loại cho cá nhân, trong đó có Huân chương Chiến công hạng Nhất mà Bác Hồ tặng chiến sỹ biệt động thành Trần Bình. Trong 20 năm đánh Mỹ, Minh khai đã góp cùng cả nước làm nên chiến thắng, 568 thanh niên đã xẻ dọc Trường Sơn đi đánh giặc, hơn một trăm người tham gia lực lượng thanh niên xung phong, 95 đồng chí đã anh dũng hy sinh tại các chiến trường, 18 bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Tập thể và cá nhân được tặng 373 huân, huy chương các loại. Trong công cuộc đổi mới của đất nước, Minh Khai là một trong nhiều xã của Vũ Thư ghi tên trên bảng vàng năng suất, là một trong những xã chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh, nhiều đoàn thể là lá cờ đầu của tỉnh và là điểm sáng về văn hoá, có nhiều hạt nhân văn hoá, thúc đẩy các phong trào thi đua mạnh mẽ vươn lên.

Mảnh đất và con người Minh Khai, quê hương của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Bình, cũng là quê hương yêu dấu của hai liệt sỹ điển hình của Đảng bộ Vũ Thư: Trần Văn Tá, Phạm Thị Thục, đang từng ngày từng giờ thay da đổi thịt theo tiến trình đổi mới của đất nước. Đất và người Minh Khai hoà hợp với đất và người Thái Bình làm nên những trang sử hào hùng. 

Cao Bá Khoát

(Vũ Thư, Thái Bình)

(Tác phẩm dự thi người Thái Bình, đất Thái Bình)

 

  • Từ khóa