Thứ 7, 04/05/2024, 05:07[GMT+7]

Người phụ nữ kiên cường chiến thắng đói nghèo

Thứ 6, 25/05/2012 | 10:18:40
1,842 lượt xem
Ai đi chợ Lạng (Song Lãng, Vũ Thư) dễ gặp một người phụ nữ tươi ròn, nhan sắc mặn mà thoăn thoắt gói từng túi chè tươi. Tôi có duyên may được nghe tâm sự của chị để rồi âm thầm mắc nợ chị. Nhiều năm nay, mỗi lần vấp ngã, thất bại, tôi không bị rơi xuống vực thẳm khổ đau khi nghĩ đến những truân chuyên đời chị - một người phụ nữ làm lụng không ngơi nghỉ, luôn nhận về mình bao lo toan, bươn chải để duy trì mái ấm gia đình.

Chị Phượng chăm sóc đàn lợn

Cơ ngơi của anh chị Kiên - Phượng nay đã đổi thay nhiều so với mấy năm về trước. Chị xây thêm tầng 2, có phòng riêng cho con học, lên đời xe máy. Khu chăn nuôi lợn cũng đã được cải tạo sạch sẽ, hợp lý hơn. Chị Phượng khoe “đã thôi không bèo khoai nấu cám trộn với bỗng rượu nuôi lợn ta như trước”. Sau dịch lợn tai xanh 2008, chị thí điểm đưa dần lợn hướng nạc vào nuôi, nay phủ kín trên chục ô chuồng 130 con. Mỗi lứa, chi phí giống, vốn, thức ăn, phòng dịch cần vốn đầu tư không dưới 600 triệu đồng. Lãi thu về sau 4 tháng từ 50 - 200 triệu đồng.

Ngoài ra, anh chị vẫn đi lấy chè tươi về bán cất và bán lẻ hàng ngày, đủ chi dùng sinh hoạt. Nguồn vốn đầu tư cho chăn nuôi hiện nay, chị vẫn còn phải vay của Quỹ TDND    từ 120 - 300 triệu đồng bằng cả tài sản thế chấp của bố mẹ đẻ và em gái. Chưa hết thách thức, vất vả, nhưng so với hàng chục năm về trước, con đường phát triển kinh tế gia đình mà anh chị lựa chọn đã khởi sắc hơn rất nhiều.

Nhớ lại thời kỳ HTX vận tải đường sông giải thể, biết anh không muốn bỏ nghề sông nước, chị vay 30 triệu đồng của người cùng xã, (lãi suất 4-5%/năm) mua lại con tàu của HTX. Không may ba năm liền, ba lần tàu bị đắm. Vừa mua, vừa sửa tàu hết 68 triệu đồng  cộng thêm với món nợ làm nhà, lãi mẹ đẻ lãi con, nợ chồng lên nợ tới 158 triệu đồng. Vợ chồng chị tính bán nhà trả rồi vào Namon> làm ăn nhưng mãi không có ai mua. Các chủ nợ không thấy vợ chồng anh chị mắng chửi, dằn vặt nhau vì công nợ nên nghi anh chị lừa đảo, họ bảo nhau làm đơn kiện gửi lên xã. UBND xã cho gọi hai vợ chồng lên, mỗi người ngồi một phòng để kê khai xem có khớp không. Công an cũng gọi những người cho vay tiền lên đối chứng. Xã xác minh, kết luận anh chị nợ nhiều không trả nổi là do vay nặng lãi chứ bản chất không phải lừa đảo. Có chính quyền làm chứng, chị xin với mọi người dừng tính lãi và cam kết trong vòng 20 năm vợ chồng làm lụng trả hết nợ gốc của mọi người.

Cuối năm 1998, cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp huyện hẹn “đến 25 Tết nếu chị không trả khế ước vay hơn 9 triệu đồng, sẽ cho người đến niêm phong nhà”. Các con chị sợ hãi, nép vào nhau, ra sức khóc lóc, van xin cho cha mẹ chúng. Cán bộ ngân hàng thấy vậy ái ngại, lại ra hạn tiếp “đến sau Tết sẽ thu nợ”. May mắn cho anh chị, có ông chú ở Hoàng Diệu đồng ý mua lại con tàu  với giá 12 triệu. Bán được tàu, chị lập tức đem trả ngân hàng 9,5 triệu. Chị còn bán được 6 sào ruộng đến năm 2013, mỗi sào giá 200 ngàn đồng/năm để trả bớt nợ. Cầm 38.500 đồng do mẹ đẻ  cho vay để đi buôn, chị lên chợ Bồ Xuyên mua 3 lít mắm, 5 kg chè tươi, 1 kg chanh. Không dám đi chợ gần vì sợ người làng bắt nợ, chị đèo hàng đi chợ xa. Không may, buổi đầu tiên, trời đổ mưa to, hàng ế ẩm, phải đi tắt cánh đồng về nhà. Ngày sau, sau nữa đi bán hàng vẫn  ế. Ðêm chị nằm nghĩ về chợ làng bán, nhiều người biết gia cảnh nhà chị, thể nào chẳng ái ngại, thương tình mua cho. Thế là chị mua bánh đa, chè tươi, nước mắm… sáng ngồi chợ, chiều đi bán rong trong làng. Những ngày trời nắng bán được hàng, chị lãi hai bơ gạo  mang về nuôi chồng con. Ngày trời mưa, hàng ế, bà ngoại lại bù lỗ cho vay gạo nấu cơm. Ky cóp dần, chị đong được 10 bơ gạo đủ nấu nồi rượu rồi lại đem rượu bán rong. Dần dần nuôi được một con lợn, cứ thế nhân lên có tiền mua được cả một đàn 9 con. Chẳng may lại bị dịch chết mất 8 con, còn một con sống sót chăm chút nuôi thật to để bán. Từ vốn đó nhen lên, anh chị có đàn lợn cời 47 con, tính hết tháng bán được món tiền chục triệu. Không may, cơn mưa to làm ngập băng chuồng, lợn bị ngâm nước và uống nước bẩn lăn ra chết liền 45 con.

Ðang lúc bí không còn vốn để xây lại chuồng trại, chị được ông Ðào Sơn Ðông - Giám đốc Quỹ TDND xã cho vay 5 triệu. Ông còn sang hướng dẫn cách tiêm phòng, cách sử dụng các loại thuốc chữa trị bệnh của lợn. Ba Tết liền, chị đến từng nhà chủ nợ cảm ơn và trả tượng trưng mỗi người 100 ngàn đồng để họ thấy chị vẫn không quên cam kết của mình. “Cháo húp vòng quanh, công nợ trả dần”. Mỗi ngày, anh chị nấu vài trăm lít rượu lấy bã nuôi lợn và vài chục con ngan, gà vịt, ngoài ra chị còn bán men nấu rượu, sang sông đong thóc về làm hàng. Ði bán chè tươi ở chợ, chị dò hỏi, bắt mối mua chè từ gốc. Hàng ngày họ gửi  ô tô Phủ Lý - Thái Bình một vài tạ về bến Tân Ðệ. Chồng chị thường đi đón chè, bán buôn còn thừa đem về cho chị đi chợ bán lẻ. Vợ chồng đồng cam cộng khổ. Anh Kiên thường dành lấy những việc nặng nhọc như đi lai hàng, tắm cho đàn lợn, dọn chuồng để làm. Mọi “bài” tính toán làm ăn của chị, anh đều ủng hộ. Ðến năm 2007- 2008, anh chị đã trả xong toàn bộ  nợ nần, hơn ba chục món vay cá nhân, lại còn mua sắm được tiện nghi tủ lạnh, ti vi, máy vi tính cho con học, đầu tư làm hầm bioga 25-30 m3, không mất tiền mua chất đốt.

Ðiều hạnh phúc nhất của anh chị là hai con ngoan, học giỏi, sớm biết thương cha mẹ. Chị Phượng từng được tổ chức Citi và Microfinanceg của Ðan Mạch và Tây Ban Nha tặng giải thưởng Doanh nhân vi mô tiêu biểu của Việt Nam 2007 thông qua đề xuất của Quỹ TDND xã kèm theo món tiền thưởng 400 USD. Chị là người phụ nữ đầu tiên ở Thái Bình được nhận giải thưởng trên.

 

Bài, ảnh: Bảo Linh

  • Từ khóa