Chủ nhật, 24/11/2024, 14:45[GMT+7]

Người hai lần báo tử

Thứ 2, 02/12/2019 | 08:55:42
1,923 lượt xem
8 năm qua kể từ ngày tờ giấy báo tử mang số 89/BCH-CS không có hiệu lực, đến nay câu chuyện vẫn vòng vo chưa có hồi kết. Các con ông Trần Đình San tiếp tục viết đơn đề nghị đòi danh phận cho cha.

Đại tá Đỗ Văn Khổn, nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Thái Bình viết tâm thư gửi cấp trên đề nghị Nhà nước xét truy tặng danh hiệu liệt sĩ cho quân nhân Trần Đình San ngày 26/9/2019.

Mấy ai ngờ thân phận ông Trần Đình San người huyện đội trưởng năm xưa, Huyện đội Phụ Dực, tỉnh Thái Bình. Năm 1950, trong một lần đi sơ tán, ông bị địch bắt, giam tại bốt Đống Năm. Trước những đòn tra khảo dã man, ông cắn răng nén đau, quyết không khai báo. Sau đó được người của ta liên lạc, giao nhiệm vụ cho ông làm nội ứng để đánh bốt Đống Năm, nơi địch đang giam giữ ông. Sự việc không may bị lộ, địch áp giải ông sang nhà tù Nam Định chờ ngày xét xử. Đi tới bến phà Tân Đệ, huyện Thư Trì, Trần Đình San chống cự lại, bị chúng bắn chết, rồi hất xác ông xuống dòng sông Hồng. Đó là ngày 16/2/1952. Đã 67 mùa xuân, qua hai lần báo tử, “linh hồn” ông vẫn vô thừa nhận.

Lần theo tập hồ sơ làm thủ tục liệt sĩ của Trần Đình San với 43 con dấu, 75 chữ ký, nhiều người đặt câu hỏi tại sao có sự vòng vo, kính chuyển kéo dài, đến nay chưa có hồi kết. Tôi viết những dòng này từ tâm nguyện những người con, người cháu, cầu mong ông sống khôn chết thiêng hãy phù hộ cho con, cho cháu và cho chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình đi tìm chân lý, đi tìm danh phận từ cái chết đau thương của ông.

Lật trang hồ sơ đầu tiên là những lá đơn của con ông Trần Đình San đề nghị các cơ quan chính sách xem xét truy tặng danh hiệu liệt sĩ cho ông. Lời trong đơn giản dị, khiêm tốn mà tha thiết đến nao lòng. Đọc các nhân chứng lên tiếng kiến nghị Nhà nước xét truy tặng liệt sĩ cho ông cũng chân tình và tha thiết. Cái chết tỏ như ban ngày, mà sao danh phận của ông vẫn mờ khuất. Chúng tôi chép lại xác nhận của một số nhân chứng và văn bản lưu trong hồ sơ của gia đình ông:
- Tôi là Nguyễn Như Khâm, nguyên cán bộ Huyện đội trưởng huyện Đông Quan, hiện nghỉ hưu tại phường Kỳ Bá, thị xã Thái Bình xin xác nhận với tổ chức về trường hợp ông Trần Đình San, quê xã Đông Tân huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, nhập ngũ năm 1946, chức vụ Huyện đội trưởng Huyện đội Phụ Dực. Ông Trần Đình San bị bọn phản động chỉ điểm, địch bắt giam tại bốt Đống Năm. Khi đó tôi giao nhiệm vụ cho bà Vũ Thị Khuyên là giao liên của huyện liên lạc với ông San để ông làm nội ứng cho ta đánh bốt Đống Năm. Khi bị lộ, địch chuyển ông lên nhà tù Thái Bình rồi đưa sang Nam Định. Trên đường đi, ông chống lại, địch thủ tiêu tại bến phà Tân Đệ. Tôi cam đoan những lời khai trên là hoàn toàn đúng sự thật. Ngày mùng 1/7/1997, ký tên: Nguyễn Như Khâm. Chứng thực của UBND phường Kỳ Bá ngày mùng 4/7/1997 nơi ông Khâm cư trú. Phó Chủ tịch phường: Hoàng Ngọc Hải ký tên đóng dấu.

- Tôi là Vũ Thị Khuyên quê quán phường Kỳ Bá, thị xã Thái Bình xin cam đoan phát hiện với tổ chức trường hợp quân nhân Trần Đình San là Huyện đội trưởng, người xã Đông Tân, huyện Đông Hưng. Năm 1951-1952 tôi làm giao liên của huyện, đóng gần bốt Đống Năm, được ông Nguyễn Như Khâm, Huyện đội trưởng huyện Đông Quan giao nhiệm vụ liên lạc với ông Trần Đình San đang bị địch giam tại bốt Đống Năm để ông làm nội ứng. Sau bị lộ, giặc bắt ông San đưa đi rồi chúng bắn chết ông… Tôi cam đoan những lời khai trên là đúng sự thật. Ngày 10/7/1997, ký tên: Vũ Thị Khuyên. Xác nhận đóng dấu của Phó Chủ tịch UBND phường Kỳ Bá: Hoàng Ngọc Hải, ngày 14/7/1997.

Chứng thực của đảng viên Nguyễn Văn Khi, người cùng hoạt động với Trần Đình San viết ngày 29/3/2006 có đoạn: “Tôi quê xã Thái Thủy, huyện Thái Thụy. Khi ông Trần Đình San là Huyện đội trưởng Huyện đội Phụ Dực tôi là chiến sĩ của ông. Theo sự chỉ đạo của cấp trên, Huyện đội Phụ Dực đi sơ tán, ông San bị giặc Pháp bắt đem vào bốt Đống Năm giam giữ. Sau địch chuyển ông đi Nam Định, trên đường đi ông chống lại chúng nên bọn lính bắn chết ông… Ông San xứng đáng được truy tặng là liệt sĩ.

Sau khi xem xét hồ sơ Bộ CHQS tỉnh Thái Bình đã cấp giấy báo tử số 15/QL-BCH ngày 15/2/1999 do Đại tá Phạm Phú An ký. Nội dung tờ báo tử ghi: Quân nhân Trần Đình San, quê quán xã Đông Tân, huyện Đông Hưng, nhập ngũ tháng 1/1946, chức vụ Huyện đội trưởng, đơn vị Huyện đội Phụ Dực thuộc Tỉnh đội Thái Bình. Hy sinh ngày 16/2/1952 trong trường hợp bị địch bắt rồi bắn chết. Đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chính phủ tặng Bằng Tổ quốc ghi công cho đồng chí Trần Đình San.

Hơn 6 năm trôi qua, tờ giấy báo tử nằm trong bộ hồ sơ, gửi đi không có kết quả… Đến năm 2006, Nhà nước có chính sách giải quyết các trường hợp người có công còn tồn đọng, gia đình và địa phương tiếp tục lập hồ sơ mới. Trong biên bản xét giải quyết tồn đọng của xã Đông Tân, huyện Đông Hưng ngày 14/4/2006, phần kết luận ghi: Quân nhân Trần Đình San sinh năm 1905 tại xã Đông Tân, huyện Đông Hưng, nhập ngũ tháng 1/1946, hy sinh tháng 2/1952 trong trường hợp bị địch bắt, bắn chết. Hội đồng xét giải quyết tồn đọng xã Đông Tân đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét suy tôn liệt sĩ cho ông Trần Đình San. Chủ tịch UBND xã Ngô Văn Vang ký tên, đóng dấu, cùng sáu chữ ký và con dấu đại diện Đảng ủy, MTTQ xã, Ban CHQS, Ban Công an, Ban Thương binh xã hội, Hội Cựu Chiến binh xã Đông Tân. Cùng với các văn bản đề nghị của Ban CHQS huyện Đông Hưng, của Bộ CHQS tỉnh Thái Bình, hồ sơ đề nghị xét liệt sĩ cho quân nhân Trần Đình San được chuyển lên cơ quan chính sách cấp trên.

Các con cháu của ông San rất hy vọng, nhưng chờ mãi, chờ gần 6 năm vẫn không có khả quan gì. Ngày 27/6/2012, người con trai của ông Trần Đình San là Trần Đình Tảo, Trung tá quân đội và vợ là Lê Thị My, Thiếu tá quân đội cùng ký vào đơn gửi lên Văn phòng Chủ tịch nước, kèm theo 13 loại giấy tờ, văn bản khác. Gần một tháng sau gia đình nhận được trả lời của Phó Chủ tịch nước ghi ở góc đơn: Kính chuyển đồng chí Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Đề nghị đồng chí chỉ đạo giải quyết đơn này, tránh thiệt thòi cho liệt sĩ và gia đình, nếu đúng như đơn viết. Ngày 20/7/2012, ký tên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan. Những tưởng có ý kiến của Phó Chủ tịch nước, cơ quan chính sách phải xem xét, được hay không được phải trả lời công dân. Vậy mà nhiều năm sau đó vẫn lắng chìm. Vì sao cái chết của quân nhân Trần Đình San chỉ diễn ra trong giây phút, có các nhân chứng xác nhận, mà sao những người ghi nhận cái chết cho ông lại khó vô cùng và không biết bao lâu nữa sự việc mới kết thúc. Lần ngược lại bộ hồ sơ, chúng tôi xin trích một số văn bản chính để mọi người chia sẻ.

Công văn số 555/CS ra ngày 27/5/2006 của Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Bộ Quốc phòng gửi Bộ CHQS tỉnh Thái Bình, phần cuối ghi: Đề nghị Bộ CHQS tỉnh Thái Bình chỉ đạo hoàn chỉnh hồ sơ, cấp giấy báo tử, giới thiệu đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình giải quyết chính sách theo quy định hiện hành. Ký thay Cục trưởng, Phó Cục trưởng: Đại tá Lê Thế Hải.

Gần 3 năm sau, ngày 15/5/2009, Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Quân khu 3 có Văn bản số 962/CCT-CS gửi Cục Chính sách, Tổng Cục chính trị. Đoạn cuối văn bản ghi: Toàn bộ hồ sơ đề nghị do Bộ CHQS tỉnh Thái Bình hoàn thiện tại thời điểm có hiệu lực của Thông tư số 16. Đề nghị Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị xét, báo cáo Bộ Quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng Tổ quốc ghi công, suy tôn liệt sĩ cho đồng chí Trần Đình San. Ký thay Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm, Đại tá: Đinh Xuân Ứng.

Ngày 20/7/2009, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị cho lập Phiếu thẩm định hồ sơ mang số 182/CS-HP, đoạn cuối phiếu thẩm định ghi: Hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ Trần Đình San được hoàn thiện trước ngày Nghị định số 54/2006/NĐ-CP, ngày 26/5/2006 của Chính phủ có hiệu lực thi hành. Nhất trí với đề nghị của Cục Chính trị Quân khu 3, trình Chính phủ tặng Bằng Tổ quốc ghi công, suy tôn liệt sĩ cho quân nhân Trần Đình San. Trưởng phòng Hậu phương quân đội: Đại tá Ngô Công Đoàn ký.

Soi lại giấy tờ trên, nhiều người cho là các văn bản đã hội tụ đủ tính pháp lý. Sau đó hồ sơ được gửi lên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Ai cũng nghĩ con đường đến với liệt sĩ Trần Đình San đã thông, chắc sẽ không còn ách tắc. Ai ngờ ngày 16/8/2011, Cục Người có công, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ra Văn bản số 729/NCC gửi Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị nêu rõ: Trường hợp ông Trần Đình San có giấy báo tử số 89/BCH-CS của Bộ CHQS tỉnh Thái Bình cấp ngày 6/9/2007 không thuộc diện áp dụng theo hướng dẫn Kế hoạch số 611-LĐTBXH ngày 3/3/2009 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Ký thay Cục trưởng, Phó Cục trưởng: Lê Hồng Sơn.

Vậy là tờ giấy báo tử lần hai của quân nhân Trần Đình San không thuộc diện quy định được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét. Ngay sau đó Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị nơi 5 năm trước đề nghị Bộ CHQS tỉnh Thái Bình cấp giấy báo tử cho quân nhân Trần Đình San, ra Văn bản số 993/CS-HP ngày 4/10/2011 gửi Cục Chính trị, Quân khu 3 ghi: Trường hợp đồng chí Trần Đình San được Bộ CHQS tỉnh Thái Bình cấp giấy báo tử số 89/BCH-CS ngày 6/9/2007 không thuộc diện áp dụng tại Công văn số 1308/CT-CS ngày 14/9/2009 của Tổng cục Chính trị. Ký thay Cục trưởng, Phó Cục trưởng Đại tá Trần Quốc Dũng. Thế là hai cơ quan chính sách cao nhất của hai bộ, Bộ Quốc phòng và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội không chấp nhận tờ giấy báo tử của Bộ CHQS tỉnh Thái Bình. Vậy tờ giấy báo tử sẽ gửi đến cơ quan nào đây. Hồ sơ của Trần Đình San sẽ đi về đâu đây?

8 năm qua kể từ ngày tờ giấy báo tử mang số 89/BCH-CS không có hiệu lực, đến nay câu chuyện vẫn vòng vo chưa có hồi kết. Các con ông Trần Đình San tiếp tục viết đơn đề nghị đòi danh phận cho cha. Nhưng đòi mãi vẫn chưa thấu động “trời xanh”. Năm 2016, người cháu của ông là Nguyễn Thọ Trúc thương binh loại 3/4 gửi tiếp đơn kêu cứu cho ông ngoại, lên Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị.

Cục xem xét rồi sau đó ra Văn bản số 2429/CS-TBLS ngày 16/9/2016 gửi Cục Chính trị, Quân khu 3. Trong mục 2 Công văn ghi: Bộ CHQS tỉnh Thái Bình phối hợp với các cơ quan và chính quyền địa phương sưu tập tài liệu chứng cứ có liên quan đến sự việc của đồng chí Trần Đình San, chủ trì tổ chức hội nghị gồm các cơ quan Bộ CHQS, Công an tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Cựu chiến binh, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện Đông Hưng, Đảng ủy, UBND xã Đông Tân. Mời các đồng chí nguyên là lãnh đạo chủ chốt của huyện Đông Hưng, của Ban CHQS huyện và Bộ CHQS tỉnh Thái Bình giai đoạn 1950 - 1960 để xác minh, kết luận về trường hợp hy sinh của đồng chí Trần Đình San. Căn cứ kết quả xác minh, nếu đủ điều kiện theo Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ thì cho hoàn thiện hồ sơ, đề nghị báo tử xác nhận liệt sĩ theo quy định. Đề nghị Cục Chính trị, Quân khu 3 quan tâm chỉ đạo cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện. Ký thay Cục trưởng, Phó Cục trưởng: Đại tá Ngô Quang Phúc. Mục nơi nhận có tên Nguyễn Thọ Trúc người làm đơn, thay trả lời.

3 năm sau, ngày 25/1/2019, Bộ CHQS tỉnh Thái Bình tổ chức hội thảo theo nội dung Công văn số 2429/CS-TBLS ngày 16/9/2016 của Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị. Trong hội thảo có một số ý kiến trái chiều, đưa ra những tồn nghi về ông Trần Đình San. Ông San bị địch bắt vào thời điểm huyện Phụ Dực có người khác làm Huyện đội trưởng. Phần đông ý kiến đồng thuận đề nghị giải quyết tồn đọng, suy tôn liệt sĩ cho quân nhân Trần Đình San. Bởi khi đó địch rất mạnh, cấp trên có chủ trương sơ tán để bảo tồn lực lượng. Trong thời gian đi sơ tán ông Trần Đình San bị địch bắt sống. Đại tá Đỗ Văn Khổn, nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Thái Bình khẳng định 3 điều mà ông được biết. Ông nói: Ông Trần Đình San có là quân nhân, nhập ngũ tháng 1/1946. Hai là, ông Trần Đình San có bị giặc Pháp bắt, bị tra tấn, đánh đập nhưng trung thành, không phản bội khai báo. Ba là, ông Trần Đình San có bị địch bắn chết ở bến phà Tân Đệ năm 1952, ông xứng đáng được xác nhận là liệt sĩ. Đại biểu Công an tỉnh Thái Bình cho biết: Quá trình tra cứu hồ sơ ông Trần Đình San cho đến nay chưa có phát hiện nào ông San bị địch bắt đã đầu hàng và phản bội xưng khai với địch… Sau 16 lượt ý kiến, Đại tá Khiếu Quang Bình, Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh kết luận: Ông Trần Đình San có tham gia lực lượng vũ trang, làm Huyện đội trưởng huyện Đông Quan trước tháng 5/1949. Từ tháng 6/1949 đến tháng 5/1950 sang làm Huyện đội trưởng huyện Phụ Dực. Ông Trần Đình San có bị địch bắt và bị địch bắn chết. Tuy nhiên, khi bị địch bắt ông San không còn giữ vai trò Huyện đội trưởng huyện Đông Quan và Huyện đội trưởng huyện Phụ Dực. Bộ CHQS tỉnh tiếp tục chỉ đạo cơ quan chức năng làm rõ những tồn nghi về ông Trần Đình San và báo cáo Ban Chỉ đạo của tỉnh để thực hiện chế độ chính sách đối với ông theo quy định của Đảng và Nhà nước.

Xung quanh cái chết của quân nhân Trần Đình San đã có khá nhiều văn bản, đơn từ, nhân chứng xác nhận… Từ tờ giấy báo tử lần một mang số 15/QL-BCH ngày 15/2/1999 tới tờ giấy báo tử lần hai mang số 89/BCH-CS ngày 6/9/2007 đến nay năm 2019 đã 20 mùa đông trôi qua, thủ tục làm liệt sĩ của ông Trần Đình San vẫn còn đang tiếp diễn. Trước những dư luận xã hội, Báo Thái Bình đã vào cuộc và cho đăng bài: “Hy sinh đã 67 năm chưa được suy tôn liệt sĩ” ra ngày 17/3/2019. Bài báo mang tính phản biện sâu sắc, nhưng đậm chất nhân văn và nói lên nỗi trăn trở đến thắt lòng. Không rõ linh hồn ông Trần Đình San nơi cõi âm có thấu chăng? Gần 70 năm hy sinh qua hai lần báo tử, thủ tục xác nhận thân phận ông trên cõi thế còn kéo dài bao lâu nữa. Linh hồn ông và các con cháu của ông đã mong đợi bao năm trời, giờ đây vẫn khắc khoải chờ mong.

Trong buổi làm việc mới nhất của Ban Chính sách, Bộ CHQS tỉnh Thái Bình ngày 19/9/2019 vừa qua. Chúng tôi xin trích mục 4 phần kết luận do Thượng tá Nguyễn Ngọc Đông, Phó Chủ nhiệm Chính trị ký, có đoạn ghi: “Đến thời điểm này, từ kết quả xác minh thông tin, thì trường hợp ông Trần Đình San khi bị bắt, bị địch bắn chết không giữ chức Huyện đội trưởng, Huyện đội Phụ Dực nữa, do đó không đủ điều kiện để Bộ CHQS tỉnh đề nghị xác nhận là liệt sĩ…”.

7 ngày sau, Đại tá Đỗ Văn Khổn nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Thái Bình, là một trong những người xác nhận đề nghị suy tôn liệt sĩ cho ông Trần Đình San, bức xúc quá, ông đã viết bức tâm thư gửi Bộ Tư lệnh Quân khu 3 và gửi Bộ CHQS tỉnh Thái Bình nơi ông đã từng công tác. Một đoạn trong bức tâm thư Đại tá Đỗ Văn Khổn viết: “Tôi thiết nghĩ ông Trần Đình San là quân nhân bị địch bắt, chúng đánh đập tra tấn dã man, không ly khai, không đầu hàng phản bội. Khi bị bắt, trong tay địch ông vẫn sẵn sàng làm nội ứng cho bộ đội ta công đồn. Khi giặc đưa sang Nam Định giam, ông tìm cách chống cự lại, bị địch bắn chết tại chỗ. Những hành động đó đã xứng đáng là một sự hy sinh anh dũng. Tôi kính mong các cơ quan chức năng xem xét thấu đáo về công lao với cách mạng và sự hy sinh của đồng chí Trần Đình San sao thấu tình, đạt lý, xác nhận danh hiệu liệt sĩ cho đồng chí Trần Đình San. Ký tên: Đỗ Văn Khổn. Ủy ban nhân dân phường Bồ Xuyên, thành phố Thái Bình nơi ông Khổn cư trú xác nhận đóng dấu ngày 8/10/2019. Ký thay Chủ tịch, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Mai.

Vậy là chỉ trong tháng 9/2019, hai người lãnh đạo cùng một cơ quan Bộ CHQS tỉnh Thái Bình, mỗi người một ý kiến. Đại tá Đỗ Văn Khổn (thế hệ trước) khẳng định ông Trần Đình San xứng danh là liệt sĩ. Thượng tá Nguyễn Ngọc Đông (thế hệ sau) cho là ông Trần Đình San không đủ điều kiện liệt sĩ.

Ngược về thời gian gần 20 năm trước, cơ quan chính sách Tỉnh đội Thái Bình khẳng định quân nhân Trần Đình San đủ điều kiện là liệt sĩ và đã hai lần ra quyết định giấy báo tử. Cũng cơ quan chính sách Bộ CHQS tỉnh Thái Bình hôm nay lại ra văn bản cho rằng ông San chưa đủ tiêu chuẩn suy tôn liệt sĩ. Hai thế hệ làm chính sách cùng một cơ quan “trái chiều” nhau như thế, hương hồn ông biết dựa vào ai?

Chúng tôi trực tiếp đến gặp Đại tá Đỗ Văn Khổn người vừa viết bức tâm thư. Đại tá Đỗ Văn Khổn đã 90 tuổi, vẫn minh mẫn, tâm sự với chúng tôi đầy vẻ xúc động. Ông nói: Nếu có cuộc hội thảo lần thứ 2 về ông Trần Đình San tôi sẽ vạch ra những điều làm sai trái của cơ quan chính sách mà trước đó trong Ban Chỉ huy Tỉnh đội chúng tôi đã khẳng định sự hy sinh của ông Trần Đình San và đề nghị Nhà nước xét suy tôn liệt sĩ cho ông. Cùng với chúng tôi còn nhiều nhân chứng khác từng công tác với ông San cung cấp, sao họ không tin, không làm, mà chỉ dựa vào một số ít ý kiến rồi phủ nhận sự hy sinh của ông…

Người cháu ngoại của ông Trần Đình San, thương binh Nguyễn Thọ Trúc nghẹn lòng vì sự bức xúc, ông nói: “Vậy gia đình chúng tôi biết làm sao bây giờ. Con cháu đi kêu cứu ông rồi đây phải đến nơi nào đây. Đến bao giờ danh phận của ông chúng tôi mới được cơ quan có thẩm quyền làm sáng tỏ?”.

Minh Chuyên 
(Tác phẩm dự thi viết về đề tài người Thái Bình - đất Thái Bình)

  • Từ khóa