Cảm hóa học trò bằng trái tim nhiệt huyết
“Lịch sử là bó đuốc soi đường đi tới tương lai”
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy “dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Biết lịch sử không chỉ đơn thuần là ghi nhớ sự kiện, những chiến công lừng lẫy của dân tộc ta trong công cuộc đấu tranh và bảo vệ Tổ quốc mà còn biết tìm hiểu ý nghĩa của lịch sử để “cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Đối với cô giáo Phạm Hồng Lê, lịch sử luôn là bó đuốc soi đường đi tới tương lai, vì vậy, việc tìm hiểu, nghiên cứu và nắm vững tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi người dân Việt Nam mà còn có ý nghĩa khoa học và thực tiễn sâu sắc. Cô giáo Lê tâm sự: Từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã rất yêu thích môn Lịch sử rồi. Đến khi gắn bó với nghề giáo, tôi nghĩ rằng giáo viên, nhất là giáo viên dạy Lịch sử cần không ngừng nâng cao chuyên môn của mình, có bản lĩnh, tâm huyết và trình độ để hướng học sinh vào những hoạt động học tập. Khi lên lớp, giáo viên phải dùng cả trái tim của mình để truyền tải kiến thức đến học sinh, phải thường xuyên đổi mới phương pháp giảng dạy để học sinh hào hứng hơn với môn học.
Để có được một giờ lên lớp gói gọn trong 45 phút thì đằng sau mỗi trang giáo án Lịch sử, là hình ảnh của một cô giáo cần mẫn nghiên cứu tài liệu. Trong căn phòng nhỏ, góc làm việc luôn được cô Phạm Hồng Lê dành không gian lớn nhất để tủ đựng tài liệu là những cuốn sách tự tay cô sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau. Cô giáo Lê tâm sự: Lịch sử không giống như môn Toán hay Văn bởi phần lớn học sinh và phụ huynh cho rằng đây là môn học phụ, nếu muốn học tốt môn này thì phải dành nhiều thời gian học thuộc. Thế nên nếu như không để phụ huynh nhìn thấy sự đổi mới trong phương pháp giảng dạy của người thầy, chuyển biến tích cực của học trò sau từng tiết dạy thì khó có thể thay đổi quan niệm của họ về môn học vốn được coi là khô khan. Thầy giáo Chu Sỹ Nhất, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Kỳ Đồng chia sẻ: Trong suốt những năm công tác của mình, tôi đã chứng kiến rất nhiều tấm gương nhà giáo sáng tạo, đổi mới nhưng cô giáo Phạm Hồng Lê là một tấm gương đặc biệt bởi nhiệt huyết của cô đã lan tỏa đến tất cả thầy, cô giáo trong trường, quan trọng hơn, cô đã tiếp thêm động lực, niềm đam mê với những thầy, cô giáo dạy các môn Địa lý, Giáo dục công dân.
Cô giáo Phạm Hồng Lê, giáo viên Trường Tiểu học và THCS Kỳ Đồng (Hưng Hà) trong tiết dạy tại địa danh lịch sử.
Học Lịch sử không chỉ học trên giấy
Với nhiều thầy, cô giáo, khi lựa chọn phân môn giảng dạy trong các tiết hội giảng hay các cuộc thi, chuyên đề thì phải cân nhắc nhưng với cô giáo Phạm Hồng Lê thì điều đó là cả một sự yêu thích. Cô giáo Nguyễn Thị Thúy Nết, giáo viên Ngữ văn, Trường Tiểu học và THCS Kỳ Đồng chia sẻ: Mỗi khi được dự những tiết Lịch sử do cô giáo Phạm Hồng Lê giảng dạy, tôi thấy được sự chuẩn bị rất kỹ càng về nội dung bài giảng với các tư liệu lịch sử rất “đắt giá” như các đoạn phim tài liệu được cắt ghép hợp lý, những tư liệu tranh ảnh sưu tầm hay những bài giảng powerpoint sinh động và sự hóa thân vào các sự kiện lịch sử, tạo sức lôi cuốn các em học sinh cùng tham gia xây dựng bài học. Đặc biệt cô giáo Lê còn tạo sự hứng thú cho học sinh bằng việc để các em được tự mình tìm tòi, sưu tầm tranh ảnh hay tham gia các trò chơi lịch sử khiến những giờ học Lịch sử do cô giảng dạy rất sôi nổi. Không chỉ truyền cảm hứng đến học sinh, với phụ huynh, cô giáo Phạm Hồng Lê đã chia sẻ cách học Lịch sử hiệu quả để phụ huynh có thể hỗ trợ nhắc nhở con mình học tập một cách dễ dàng. Chính những khả năng cùng với tâm huyết trong nghề dạy học mà cô Lê đã thay đổi quan điểm của nhiều thế hệ học sinh và các bậc phụ huynh về môn học mà xưa nay vốn coi là khó và khô.
Theo cô giáo Phạm Hồng Lê, kiến thức trong sách giáo khoa rất quan trọng nhưng các tiết dạy của người thầy không nên quá phụ thuộc vào đấy. Những thế mạnh của công nghệ thông tin, hình ảnh video về lịch sử liên quan đến lĩnh vực giảng dạy đều được cô tích hợp trong bài giảng nhằm tăng tính trực quan sinh động cho các em học sinh. Nhiều bài học về các trận đánh tiêu biểu, dấu mốc lịch sử hay nhân vật lịch sử đều được cô Phạm Hồng Lê đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng mở, học sinh được học tại bảo tàng, các di sản văn hóa của chính mảnh đất Hưng Hà. Cách dạy của cô không bị bó buộc trong 4 bức tường mà học sinh được thoát ra ngoài môi trường học tập trên lớp với phấn trắng bảng đen truyền thống nên các em rất thích thú với bài giảng của cô. Cô giáo Phạm Hồng Lê chia sẻ: Trong sách giáo khoa môn Lịch sử lớp 6, theo giáo án soạn bài có khái niệm “Lịch sử là gì”. Nếu theo phương pháp truyền thống, giáo viên sẽ để học sinh đọc sách và tìm ra đáp án còn theo phương pháp dạy của tôi, tôi yêu cầu mỗi học sinh sẽ mang đến lớp một vật dụng liên quan đến ông bà, tổ tiên của mình và kể về vật dụng ấy. Từ đó, học sinh hiểu hơn về lịch sử của gia đình, nhân rộng hơn là lịch sử dòng họ, quê hương, đất nước. Bên cạnh đó, tôi còn đề nghị nhà trường thuê xe đưa học sinh đến những di tích lịch sử như: đền Trần, đền Tiên La (Hưng Hà) hay xa hơn là Bảo tàng Lịch sử quốc gia để học sinh được trực tiếp trải nghiệm lịch sử bằng các giác quan.
Những trái ngọt…
Nhờ không ngừng đổi mới phương pháp dạy học, nội dung bài giảng phong phú, sát thực tế, cô giáo Phạm Hồng Lê đã khơi dậy sự hứng thú của học sinh đối với môn Lịch sử. Chất lượng dạy và học môn Lịch sử được nâng lên rõ rệt thể hiện qua chất lượng giáo dục đại trà hàng năm, 100% học sinh trong đội tuyển Lịch sử của trường đều đạt học sinh giỏi cấp huyện trở lên. Không chỉ tâm huyết với hoạt động chuyên môn, cô giáo Lê còn tích cực tham gia các cuộc thi sáng tạo do ngành Giáo dục tổ chức. Năm học 2015 - 2016 và 2016 - 2017, cô giáo Phạm Hồng Lê có 2 đề tài đạt giải nhất cấp quốc gia về dạy học chủ đề tích hợp liên môn dành cho giáo viên trung học với đề tài “Nhà Trần với sự nghiệp đấu tranh bảo vệ quốc gia Đại Việt” và đề tài “Việt Nam thời dựng nước”. Trong cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật và công nghệ Thái Bình lần thứ VII và VIII, các đề tài của cô giáo Phạm Hồng Lê đều đạt giải nhì cấp tỉnh và được ứng dụng rộng rãi. Đặc biệt, năm học 2017 - 2018, cô được nhận Bằng lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và là 1 trong 70 điển hình tiên tiến được Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình biểu dương, khen thưởng nhân kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc. Năm học 2018 – 2019, cô vinh dự được nhận Bằng khen của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Đặng Anh
(Tác phẩm gửi dự thi Người Thái Bình, đất Thái Bình)
Tin cùng chuyên mục
- Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn: Nguồn cảm hứng về tinh thần hiếu học 06.10.2024 | 17:20 PM
- Lời thề yêu nước 09.07.2024 | 10:56 AM
- Hoàng Kỳ - người chiến sĩ cộng sản kiên trung 30.06.2024 | 23:35 PM
- Ký ức hào hùng của chiến sĩ Điện Biên 05.05.2024 | 19:35 PM
- Hai cây đại cổ - linh hồn của làng quê Đồng Thanh 26.04.2024 | 13:47 PM
- Gắn kết hai vùng quê danh tướng 03.04.2024 | 10:07 AM
- Người cầm cờ trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 15.12.2023 | 17:48 PM
- Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có 25.10.2023 | 09:01 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiền Hải: Phát huy truyền thống, phấn đấu vươn xa 06.10.2023 | 08:48 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
Xem tin theo ngày
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng