Thứ 7, 04/05/2024, 04:38[GMT+7]

Phát triển trang trại tổng hợp từ vùng đất khó

Thứ 6, 15/06/2012 | 14:13:40
2,030 lượt xem
Xã Hồng Tiến, huyện Kiến Xương có đặc điểm là xã duyên giang với chiều dài 8km bãi bờ ven sông Cốc Giang và sông Hồng. Tuy là vùng đất bị nhiễm mặn và thường xuyên bị ảnh thưởng thất thường của biến đổi khí hậu, song với tư duy nhạy bén của lãnh đạo địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo, cùng với phẩm chất cần cù, sáng tạo của hội viên Hội Nông dân, vùng đất khó đã biến thành lợi thế, trở thành vùng chuyển đổi sản xuất tập trung để phát triển kinh tế.

Ảnh mang tính minh họa. Nguồn Internet

Trang trại tổng hợp của anh Phạm Văn Đông, thôn Nam Hoà mang nét chung nhất của các trang trại ở vùng chuyển đổi. Cách đây ba năm, anh Đông lập dự án phát triển kinh tế trang trại với diện tích 20 mẫu, đồng thời trình bày kế hoạch phát triển trang trại quy mô lớn một cách khoa học, thuyết phục. Được xã nhất trí với dự án và tin tưởng giao thầu vùng đất bãi ven sông Hồng trong thời gian 25 năm, anh tiến hành thực hiện giai đoạn đầu của dự án là quy hoạch, cải tạo, xây dựng cơ sở vật chất. Dành diện tích 5 mẫu đất, anh đào ao nuôi thả thuỷ sản. 400m2 xây chuồng trại nuôi lợn, gà, vịt. Một phần đất trũng làm ruộng cấy lúa để thu rươi và trồng cói để thu cáy.

 

Trên bãi đất cao vượt từ đào ao, anh trồng các loại cây ăn quả, cây lấy gỗ và rau màu các loại. Tuy vừa xong giai đoạn quy hoạch, xây dựng cơ sở vật chất, song do biết tính toán áp dụng hình thức lấy ngắn nuôi dài, trang trại tổng hợp của anh Đông đã có nhiều nguồn thu ổn định. Anh Đông nhẩm tính, một năm từ trang trại tổng hợp cho thu số tiền khoảng 1,2 tỷ đồng, trừ chi phí lãi khoảng 500 triệu. Tìm hiểu một số khoản thu cụ thể, anh Đông cho biết, đàn lợn của anh một năm xuất chuồng 14 tấn, thu 600 triệu đồng. 1.500 gà thịt cho thu khoảng 250 triệu đồng. 500 vịt đẻ trứng cho thu từ tiền bán trứng 25 triệu đồng một năm.

 

Đặc biệt, tận dụng lợi thế và đặc điểm riêng vùng đất bãi ven sông, phần diện tích đào trũng anh dành cấy lúa và trồng cói, song lúa và cói chỉ là phần thu phụ. Từ hai phần ruộng này, trang trại của anh Đông có những khoản thu không mất vốn đầu tư con giống như thu mỗi năm gần 4 tạ rươi từ ruộng lúa, bán cất cho thương lái 400.000 đ/kg, được khoảng 150 triệu đồng. Thu khoảng 1 tấn cáy từ ruộng cói, bán giá 60.000/kg, được khoảng 60 triệu đồng. Ngoài các khoản thu trên, trang trại tổng hợp của anh Đông còn cho thu từ 5 mẫu ao với các loại thuỷ sản thương phẩm như cá vược, trôi, trắm, rô phi; thu từ tiền bán hoa chuối, quả chuối, rau màu và lúa, cói...

 

Không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình, trang trại của anh Đông giải quyết việc làm cho 5 lao động thường xuyên, thu nhập từ 2 – 3,5 triệu đồng/người/tháng. Riêng vào dịp thời vụ, có lúc gia đình anh thu hút 40 người tới làm việc. Dự định thời gian tới, sau khi đã đầu tư quy hoạch bước đầu và có nguồn thu ổn định, anh tiến hành giai đoạn hai của dự án là đầu tư chăn nuôi những con đặc sản có giá trị kinh tế cao. Hy vọng lúc đó trang trại tổng hợp của anh sẽ cho thu lãi cao hơn, giải quyết việc làm và thu nhập cho nhiều lao động nông nhàn hơn nữa.

Hà Dung

 

 

  • Từ khóa