Chủ nhật, 24/11/2024, 16:34[GMT+7]

Hành trình mở đất, dựng nghiệp (Kỳ 2)

Thứ 3, 25/02/2020 | 08:20:04
2,393 lượt xem
Mảnh đất 3 mặt giáp sông, 1 mặt giáp biển Thái Bình luôn chứa đựng hai yếu tố song hành: thuận lợi và khó khăn. Không cần cù, thông minh thì không thể trụ vững được ở miền đất nơi cửa biển, ven sông mà nước với trời vừa là bạn, là môi trường sống vừa là đối thủ phải chống chọi hàng ngày. Chính vì vậy, vùng đất đầy thử thách này đã tôi luyện cho con người lòng dũng cảm, tinh thần sáng tạo và đức tính cần cù, chịu khó.

Thành phố Thái Bình. Ảnh: Ngọc Trâm

Kỳ 2: Kiên cường nơi đầu sóng ngọn gió

Vùng đất phì nhiêu nhưng nhiều thử thách

Tỉnh Thái Bình nằm ở phía Đông Nam đồng bằng châu thổ sông Hồng, từ 20 độ 17’ vĩ bắc đến 20 độ 49' vĩ Bắc, từ 106 độ 06’ kinh Đông đến 106 độ 39’ kinh Đông, diện tích tự nhiên 1.546km2, bao bọc bởi 3 dòng sông lớn: phía Tây và Tây Nam giáp sông Hồng, giáp hai tỉnh Hà Nam và Nam Định; phía Bắc là sông Luộc, giáp hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương; phía Đông Bắc là sông Hóa, giáp thành phố Hải Phòng; phía Đông là biển cả mênh mông với trên 50km bờ biển.

Khi người Việt cổ từ vùng núi cao xuống chiếm lĩnh, khai phá đồng bằng dọc theo các dòng sông hướng ra biển thì cảnh quan đồng bằng chưa bằng phẳng, màu mỡ như ngày nay mà còn là những gò đống xen lẫn đầm lầy. Ở miền đất hoang sơ với muôn vàn hiểm nguy, thử thách như giông bão, lụt lội, nắng hạn, đầm lầy, thú dữ... nhưng người Việt cổ cũng sớm nhận ra đây là vùng đất phì nhiêu, màu mỡ. Chính vì vậy, vùng đất “ven bờ, cuối bãi” có sức hấp dẫn với cư dân nông nghiệp trồng lúa nước và đánh bắt cá. Ngay trong thời kỳ sơ khai, con người khắp nơi hội tụ về quần cư trên mảnh đất vốn trước đây hẻo lánh ngày càng đông đúc. Các tài liệu lịch sử cho thấy, đến thế kỷ XX, trải dài trên địa bàn tỉnh từ Hưng Hà, Quỳnh Phụ, Thái Thụy, Kiến Xương... vẫn còn hơn 60 gò đống lớn, tại đây có các ngôi mộ cổ phát hiện các hiện vật là các vật dụng sinh hoạt hàng ngày gắn với đời sống con người thời kỳ đồng thau. Tại Thái Bình hiện có hơn 300 làng xã (chiếm 40% số làng xã của tỉnh) có tên cổ, điều đó cho thấy rằng ngay trong những thời kỳ đầu của lịch sử Việt Nam, cư dân đã quần cư trên vùng đất Thái Bình ngày nay khá đông đúc.

Đất đai Thái Bình cũng luôn có xu hướng mở rộng bởi sự bồi tụ của các dòng sông nên qua mỗi thời kỳ lại thu hút thêm các thế hệ cư dân đến khai phá, định cư. Theo các tài liệu lịch sử, cư dân Thái Bình luôn được bổ sung qua mỗi thời kỳ và đến từ các luồng như: trung du miền núi xuống, từ miền Trung ra, từ biển vào. Năm 1828, lịch sử chứng kiến cuộc khẩn hoang vĩ đại do Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ lãnh đạo, thu hút dân nghèo khắp nơi hưởng ứng, trong đó có dân Nam Định, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An... Chỉ trong 6 tháng, hàng trăm ki-lô-mét đê sông được đào đắp, hàng vạn mẫu ruộng được hình thành, gần 100 làng, ấp, trại, giáp được thành lập đã biến dải Tiền Châu hoang vu rộng lớn trở thành huyện Tiền Hải lúa dâu tươi tốt, phồn thịnh. Sau cuộc khẩn hoang này, thế kỷ thứ XX, nhân dân Thái Bình tiếp tục thực hiện công cuộc quai đê, lấn biển, đuổi sóng ra xa, kéo chân trời gần lại, đưa địa giới Thái Bình cơ bản ổn định cho đến ngày nay.

Khu tưởng niệm Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ tại xã Tây Sơn (Tiền Hải). Ảnh tư liệu

Con người với những tính cách nổi trội

Miền đất hạ lưu sông Hồng, cửa ngõ biển Đông luôn chứa đựng trong mình hai yếu tố song hành: thuận lợi và khó khăn. Chính mảnh đất nhiều hứa hẹn nhưng cũng lắm thách thức này đã tôi luyện nên những con người với bản lĩnh, trí tuệ nổi trội để vừa chống chọi vừa thích nghi để sống hài hòa với thiên nhiên.

Để cải tạo vùng đất sình lầy, chua mặn, đầy lau lác, cỏ dại thành những cánh đồng phì nhiêu màu mỡ, cư dân Thái Bình buộc phải đoàn kết để đắp đê, trị thủy, đào sông, khơi ngòi, ngăn rửa mặn, thau chua thoát úng... Đó cũng là nguyên nhân cơ bản tạo nên truyền thống đoàn kết tự nhiên và hết sức sâu sắc của những cư dân Thái Bình xưa trong quá trình khẩn hoang, trị thủy, tạo lập làng xã. Truyền thống trị thủy, khẩn hoang, quai đê, lấn biển không chỉ là cội rễ tự nhiên của tinh thần cố kết cộng đồng trong nhân dân Thái Bình mà còn là cơ sở thiết yếu cho việc mở rộng địa bàn cư trú, thuần dưỡng đất đai, phát triển ngành nghề, đặc biệt là nghề trồng lúa nước. Bằng tinh thần lao động cần cù, bền bỉ và sáng tạo, người dân Thái Bình đã đấu tranh, vật lộn với thiên nhiên, biến miền đất hoang dã, ngập mặn thành phì nhiêu, màu mỡ, tạo điều kiện tích cực cho nghề trồng lúa. Quá trình sinh tồn đầy thử thách, khó khăn đã giúp người dân Thái Bình tích lũy được kho tàng kinh nghiệm về cày bừa, chăm sóc, gặt hái, cấy lúa hết sức quý báu để lại cho đến tận ngày nay.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Thanh, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin đã có nhiều bài viết, tác phẩm nghiên cứu đánh giá, đất đai và cư dân Thái Bình được hình thành với tính chất gối sóng nên chính ở miền đất nhiều hứa hẹn nhưng cũng lắm thử thách này chỉ những con người có tố chất dũng cảm, năng động, bền gan, vững chí mới tồn tại được. Cũng do phần đông người Thái Bình không phải là cư dân bản địa mà từ các miền quê khác đến khai phá nên họ cũng là những người tiên phong đi mở đất. Vì vậy, trong dòng máu của mỗi người dân Thái Bình hẳn đã có tố chất anh hùng từ tổ tiên. Lịch sử qua các thời kỳ đều ghi nhận người Thái Bình luôn anh dũng, tiên phong trên mọi mặt trận.

Cũng bởi là miền đất hội cư của nhân dân nhiều vùng miền nên Thái Bình cũng là nơi hội tụ đời sống văn hóa phong phú, đa dạng. Biểu hiện văn hóa này trước hết được phản ánh sâu sắc qua các sinh hoạt tín ngưỡng dân gian, tín ngưỡng tôn giáo mà sự phản ánh rõ nét nhất là các hội lễ, hội làng có sức cuốn hút sự tham gia đông đảo của các cộng đồng người trong mỗi làng xã của Thái Bình. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ thì Thái Bình hiện còn hơn 1.400 công trình kiến trúc cổ lớn nhỏ khác nhau như đình, đền, chùa, miếu, điện, phủ, từ đường; có gần 500 lễ hội, trong đó nhiều lễ hội có nội dung vô cùng đặc sắc. Sản sinh từ miền đất giàu bản lĩnh, ý chí, trưởng thành và đắm mình trong môi trường văn hóa lành mạnh, tiếp thu có sáng tạo truyền thống của ông cha, con người Thái Bình qua nhiều thế hệ đã kịp trau dồi hiểu biết, hòa nhập và vươn tới đỉnh cao của tri thức đương thời, đóng góp cho đất nước không ít nhân tài trên nhiều lĩnh vực. Chỉ riêng thời Nguyễn hơn 100 năm tồn tại các khoa thi Nho giáo, Thái Bình đã có 15 người đỗ đại khoa và gần 200 người đỗ cử nhân. Trải qua 844 năm dưới chế độ khoa cử của các triều đại phong kiến (1075 - 1919), trong tổng số 2.898 trí thức đại khoa của Việt Nam thì Thái Bình chiếm tới 111 vị. Tiêu biểu cho đội ngũ nho sĩ, trí thức của Thái Bình là tri thức uyên bác, bản lĩnh văn hóa trác việt của nhà bác học Lê Quý Đôn.

Nói đến Thái Bình là nói đến “kho người, kho của”. Con người cần cù, dũng cảm trong lao động sản xuất, có truyền thống hiếu học, đặc biệt là truyền thống bất khuất, kiên cường, yêu nước, chống ngoại xâm. Những truyền thống quý báu này vẫn đang được các thế hệ người Thái Bình tiếp nối, cùng nhân dân cả nước bước vào giai đoạn hội nhập và phát triển.

(Bài viết sử dụng tư liệu từ Địa chí Thái Bình, Từ điển Thái Bình, Lịch sử Đảng bộ Thái Bình, các tài liệu liên quan và ý kiến, tư liệu của các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử).

(còn nữa)
Trần Hương - Tất Đạt