Thứ 6, 10/01/2025, 21:11[GMT+7]

Hành trình mở đất, dựng nghiệp (Kỳ 6)

Thứ 7, 29/02/2020 | 20:38:51
1,567 lượt xem
Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Thái Bình đã nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo được Đảng bộ và nhân dân Thái Bình tiếp thu, thực hiện hiệu quả, từng bước xây dựng nền kinh tế công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Thành phố Thái Bình.

Kỳ 6: Cùng cả nước quyết tâm đổi mới

Khôi phục kinh tế, bước vào công cuộc đổi mới

Đất nước trọn niềm vui, non sông thu về một mối, cùng với cả nước, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình nhanh chóng bước vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển kinh tế - xã hội.

Tháng 7/1975 diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IX. Đại hội xác định nhiệm vụ: “Tăng cường sự lãnh đạo và nâng cao sức chiến đấu của Đảng, phát huy vai trò làm chủ xã hội chủ nghĩa của quần chúng và hiệu lực quản lý của bộ máy nhà nước, tổ chức động viên toàn Đảng, toàn dân đoàn kết phấn đấu khai thác mọi khả năng tiềm tàng, ra sức đẩy mạnh sản xuất phát triển với tốc độ nhanh, đồng đều, toàn diện, vững chắc, trọng tâm là đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp...”. Để thực hiện nhiệm vụ đó, phương hướng hành động của tỉnh là: “Từ đất và sức lao động đi ra, từ lúa và lợn đi lên”. Toàn tỉnh tập trung cao độ cho việc tổ chức lại sản xuất và cải tiến quản lý hợp tác xã nông nghiệp song song với đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Thời kỳ này, Thái Bình đã tạo thêm một bước chuyển mới trong thâm canh tăng năng suất cây trồng, đặc biệt là thâm canh lúa, mở rộng diện tích canh tác, nâng cao năng suất. Đến năm 1985, năng suất lúa toàn tỉnh tăng lên 7 tấn/ha; giá trị sản lượng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng hàng năm. Không chỉ tăng trưởng kinh tế, lĩnh vực văn hóa, xã hội cũng có những bước tiến rõ rệt.

Giữa những năm 1980, tình hình trong nước, thế giới diễn biến phức tạp, cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội ngày càng trầm trọng, yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với Đảng ta là phải đổi mới đất nước. Trước yêu cầu đó, Đảng bộ Thái Bình bám sát chủ trương của Trung ương “đổi mới đất nước trên tất cả các lĩnh vực hoạt động mà cốt lõi là đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế, đổi mới phong cách làm việc... quyết tâm chiến lược xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, chuyển hoạt động kinh tế sang hạch toán kinh tế xã hội chủ nghĩa”. Coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu trong phát triển kinh tế, Thái Bình cũng thực hiện phát triển mạnh công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với nhịp độ cao hơn. Thời kỳ 1991 - 1995, kinh tế của tỉnh tăng trưởng nhanh, tương đối toàn diện và bước đầu chuyển dịch cơ cấu theo hướng tích cực. Tổng sản phẩm của tỉnh năm 1995 đạt 950 tỷ đồng, tăng 79% so với năm 1990. Giai đoạn 1991 - 1995, 100% xã có điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt, gần 98% hộ có điện sinh hoạt. Sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế có nhiều tiến bộ.

Giữ vững ổn định chính trị, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Tháng 4/1996, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XV được tổ chức. Từ những thành tựu và hạn chế, quán triệt quan điểm và các chủ trương đổi mới của Trung ương, Đại hội đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 1996 - 2000: Giữ vững ổn định chính trị. Tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới. Tập trung cao độ mọi nguồn lực, tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn, thử thách, khai thác hiệu quả tiềm năng, đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa... Ngay trong năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội, Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tại nhiều địa phương đã bước đầu khôi phục, mở rộng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp phục vụ xuất khẩu như nấm, dưa chuột... Đặc biệt, tỉnh chỉ đạo thí điểm đổi mới mô hình quản lý hợp tác xã nông nghiệp theo hướng thành lập hợp tác xã thực sự kinh doanh trên cơ sở dựa vào tinh thần tự nguyện của nhân dân, xóa bỏ cơ chế hành chính bao cấp.

Cùng với nông nghiệp, phát triển công nghiệp được tỉnh coi là bước chuyển biến chiến lược, là nhiệm vụ thường xuyên và có tầm quan trọng hàng đầu nhằm góp phần quyết định vào chống tụt hậu về kinh tế so với các tỉnh bạn. Tỉnh tiến tới phát triển cụm công nghiệp, đa dạng hóa các ngành nghề sản xuất, phát triển làng nghề và các thành phần kinh tế. Phong trào xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn tiếp tục được duy trì, phát triển. Nhờ đó, tổng sản phẩm trong tỉnh năm 1996 đạt 3.618 tỷ đồng, năm 1997 đạt 4.164 tỷ đồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp và thương mại, dịch vụ.

Tuy nhiên, trong giai đoạn này, ở không ít địa phương xuất hiện tình trạng mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu nại, tố cáo cán bộ tham nhũng, tiêu cực trong quản lý kinh tế. Từ tháng 5/1997, tình hình khiếu nại, tố cáo của nhân dân diễn ra trên diện rộng, nhiều phần tử xấu đã lợi dụng việc đó để thực hiện ý đồ trả thù cá nhân khiến tình hình trở nên nghiêm trọng. Bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị, nghiêm túc đánh giá lại tình hình, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU đề ra những giải pháp ổn định tình hình trong tỉnh. 8 chủ trương, giải pháp, trong đó có đổi mới và tăng cường công tác chính trị, tư tưởng; chấn chỉnh công tác quản lý kinh tế, tài chính; chấn chỉnh phong cách, lề lối làm việc; sửa đổi thủ tục hành chính trong cơ quan nhà nước; tập trung đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội... được đề ra và khẩn trương, nghiêm túc triển khai đến các cấp ủy đảng. Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ cấp bách như: cử cán bộ về hỗ trợ cơ sở triển khai thực hiện nghị quyết; tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm túc các sai phạm tại cơ sở sau thanh tra, kiểm tra; củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ cơ sở từ cấp thôn, xóm; chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc; chấn chỉnh công tác quản lý đất đai, kinh tế, tài chính... Với những giải pháp phù hợp, quyết liệt, hợp lòng dân, sau 1 năm, tình hình tại các địa phương đã cơ bản ổn định, kinh tế - xã hội được tập trung phát triển. Đến năm 1999, tổng sản phẩm trong tỉnh đạt 4.429 tỷ đồng. Năm 2000, kinh tế nông nghiệp tiếp tục phát triển, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có bước chuyển đáng kể. Trong tỉnh đã hình thành khu công nghiệp Tiền Hải, khu công nghiệp thị xã làm tiền đề để phát triển các khu công nghiệp tiếp theo và phát triển công nghiệp của tỉnh giai đoạn mới, đánh dấu sự chuyển dịch kinh tế tích cực của tỉnh nông nghiệp Thái Bình.



Ông Hoàng Văn Bàng, nguyên Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh

Giai đoạn 1976 - 1986, các phong trào thi đua lao động sản xuất, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong công nhân viên chức lao động diễn ra sôi nổi, đều khắp trong các cơ quan, xí nghiệp, công trường, nông trường... Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp, tổ chức công đoàn các cấp đã tích cực động viên công nhân viên chức lao động sát cánh cùng giai cấp nông dân trong quá trình thi đua thực hiện mục tiêu 21 triệu tấn lương thực cho kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1976 - 1980) của Nhà nước, góp phần to lớn vào công cuộc khôi phục kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ông Nguyễn Quốc Nghị, đảng viên 70 năm tuổi đảng, thôn Quý Sơn, xã Song An, huyện Vũ Thư


Giai đoạn 1990 - 2000, đất nước đổi mới, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế. Giai đoạn này, sản xuất nông nghiệp ở Thái Bình có nhiều thay đổi, tiến bộ, các loại máy móc như máy tuốt lúa, máy cày tay... dần xuất hiện nhiều hơn để phục vụ nông dân sản xuất. Nhưng diện mạo nông thôn Thái Bình nói chung chưa có nhiều đổi thay so với 10 - 20 năm trước đó; đường làng, ngõ xóm còn nhỏ hẹp; các công trình công cộng còn thiếu và xuống cấp. Tuy nhiên, nền kinh tế mở nên nhiều doanh nghiệp được thành lập, người dân nông thôn có cơ hội việc làm tốt hơn, thu nhập được nâng cao, do đó đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt.


(còn nữa)

Nhóm phóng viên

(Bài viết sử dụng tư liệu từ Địa chí Thái Bình, Từ điển Thái Bình, Lịch sử Đảng bộ Thái Bình, các tài liệu liên quan và ý kiến, tư liệu của các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử).

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày