Thứ 6, 10/01/2025, 20:06[GMT+7]

Rạng danh quê hương Thái Phúc

Thứ 5, 05/03/2020 | 08:47:42
7,844 lượt xem
Không chỉ là đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, xã Thái Phúc (Thái Thụy) còn được biết đến là miền quê giàu truyền thống văn hóa, văn hiến, quê hương của hai anh em tiến sĩ họ Quách tài đức song toàn - Thượng thư Quách Đình Bảo và Đô ngự sử Quách Hữu Nghiêm.

Từ đường Quách Đình Bảo, Quách Hữu Nghiêm tại xã Thái Phúc (Thái Thụy). Ảnh: Lê Quang

Quách Đình Bảo và Quách Hữu Nghiêm sinh ra trong một gia đình thư lại ở làng Phúc Khê (huyện Thanh Quan) xưa, nay thuộc thôn Phúc Tiền (xã Thái Phúc). Quách Đình Bảo là anh cả, Quách Hữu Nghiêm là em út. Đây là hai vị quan tài đức thời nhà Lê sơ (thời hậu Lê), đều đỗ tiến sĩ, là quan đại thần đời vua Lê Thánh Tông, giữ chức Thượng thư, chức Đô ngự sử và đi sứ nhà Minh, tham gia Hàn lâm viện, là quan Đề điệu (Chánh chủ khảo) trong các cuộc thi đình tại Quốc Tử Giám và đều phò vua, trực tiếp tham gia đánh trận mở mang bờ cõi.


Từ nhỏ, Quách Đình Bảo đã nổi tiếng thần đồng. Ông tham gia và đỗ ba kỳ thi: thi Hương (1454), thi Hội (1456) và thi Đình (1463) - tại kỳ thi này ông đã đỗ Thám hoa. Sau khi đi sứ nhà Minh vào năm 1470, đến năm 1471, Quách Đình Bảo được vua phong “Đông các hiệu thư”; đến năm 1483 tiếp tục được vua phong “Thượng thư bộ lễ” và đến năm 1485 được vua phong “Thượng thư bộ hình”. Ông được vua Lê Thái Tông giao chủ trì biên soạn nhiều bộ sách lớn như: Thiên nam dư hạ tập (1483), Thiên chính kỷ sự (1483), Hoa anh hiếu trị (1486). Là người thẳng thắn, trung thực, uyên bác, Thượng thư Quách Đình Bảo luôn có suy nghĩ đúng đắn về việc trị nước. Trong cuộc đời làm quan của mình, Thượng thư Quách Đình Bảo luôn cảm thông với nỗi khổ của nhân dân và bảo vệ quyền lợi cho nhân dân; luôn phò giúp, hiến vua kế sách giúp quốc gia thịnh vượng. Ông sớm nhận ra vị trí của kinh đô Thăng Long nên khuyên vua khuyến khích sản xuất, buôn bán để kinh đô thêm phồn thịnh. Làm quan thanh liêm, cống hiến nhiều cho quốc gia, khi già, Thượng thư Quách Đình Bảo đã về trí sĩ dạy học chứ không ở lại kinh thành. Ông mất ngày 1 tháng 7 năm 1508 tại quê nhà, thọ 76 tuổi. Sau khi mất, ông được vua Lê truy phong làm Phúc thần làng Phúc Khê.

Làng quê Thái Phúc (Thái Thụy). Ảnh minh họa.


Cũng như anh trai, Quách Hữu Nghiêm thi đỗ Hoàng giáp năm 1466 khi tuổi còn trẻ và được bổ nhiệm làm quan trong triều. Ông luôn nuôi hoài bão lớn là tập trung sức lực, đào tạo nhân tài cho đất nước. Thi cử và giáo dục luôn là những việc chính thu hút ông, vì vậy ông luôn quan tâm tới trung tâm đào tạo nhân tài của đất nước là Quốc Tử Giám. Năm 1502, ông được cử làm chánh sứ sang Trung Quốc (nhà Minh) với mục đích “dập tắt mọi đời họa chiến tranh”, “bồi đắp hòa khí”. Đến năm 1504, ông cùng đoàn sứ bộ trở về nước; trên đường về thăm quê đến khúc sông Côn Giang (làng Thuyền Quan - nay là xã Thái Hà), ông lâm bệnh nặng và mất, thọ 62 tuổi. Khi đó trời mưa to, gió lớn và con thuyền của ông cũng bị chìm ngay.


Xuất thân từ tầng lớp bình dân nhưng với trí thông minh và nỗ lực trong học hành, Thượng thư Quách Đình Bảo và Đô ngự sử Quách Hữu Nghiêm đã thành đạt trên con đường công danh và là tấm gương sáng cho con cháu đời đời noi theo, luôn sống mãi trong tâm trí mỗi người dân Thái Phúc nói riêng, người dân Thái Bình nói chung. Để tưởng nhớ Thượng thư Quách Đình Bảo và Đô ngự sử Quách Hữu Nghiêm, năm 1508, sau khi Thượng thư Quách Đình Bảo mất, con cháu dòng họ Quách đã dựng đền thờ hai tòa theo hình chữ nhị ngay tại quê hương của hai ông, bên trong cung cấm còn lưu giữ và thờ một bức kháng gian cổ, thời nhà Nguyễn cao 1,8m, dài 2m cùng bài vị, mũ, áo quan của hai ông. Trong đền thờ còn lưu giữ được những đồ quý mà hai ông lưu lại như bức đại tự “Thi lễ truyền gia” do vua Lê Thánh Tông tặng Thượng thư Quách Đình Bảo. Nằm ngay cạnh đền thờ là khu lăng mộ của Thượng thư Quách Đình Bảo. Khu chính lăng có đặt bàn thờ cùng hai văn bia tạc ghi thân thế, sự nghiệp và công đức của Thượng thư Quách Đình Bảo thời nhà Lê sơ. Phía hậu lăng có lập ba bia mộ thờ các bậc thủy tổ của dòng họ Quách. Kể từ năm 1508, sau khi Thượng thư Quách Đình Bảo mất, lăng mộ được xây dựng và đã qua nhiều lần tu sửa của con cháu dòng họ Quách. Hàng năm, cứ vào ngày 1 tháng 7, con cháu dòng họ Quách lại tổ chức lễ giỗ tại từ đường để tưởng nhớ công đức của hai ông. Phía sau đền thờ, con cháu dòng họ Quách đã xây dựng nhà truyền thống với mục đích giáo dục truyền thống hiếu học của dòng họ. Nhà truyền thống hiện lưu giữ gia phả của dòng họ Quách cho đến ngày nay và lưu giữ được 5 sắc phong của các đời vua Tự Đức, Duy Tân, Khải Định tri ân công đức của Đô ngự sử Quách Hữu Nghiêm.


Quê hương Thái Phúc của Thượng thư Quách Đình Bảo và Đô ngự sử Quách Hữu Nghiêm hôm nay đang từng ngày “thay da đổi thịt”. Những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, hệ thống điện, đường, trường, trạm đã hoàn thiện và không ngừng được củng cố. Đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao. Phát huy truyền thống hiếu học của quê hương, con em thôn Phúc Tiền nói riêng, xã Thái Phúc nói chung đang ra sức thi đua học tập, lao động, công tác, góp phần xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp.


Phan Lợi - Minh Hương

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày