Thứ 7, 04/05/2024, 07:52[GMT+7]

Hành trình đưa liệt sĩ về quê hương

Thứ 6, 29/06/2012 | 09:59:19
2,359 lượt xem
Người đàn bà vượt mọi gian khổ đi tìm hài cốt Trần Bình là chị Phạm Thị Hải Âu, quê Gia Thượng, Ngọc Thụy, Gia Lâm, Hà Nội, nguyên là thanh niên xung phong chống Mỹ, cán bộ hưu trí, là em dâu thúc bá với Trần Bình. Nghe anh em trong gia đình kể chuyện về gương chiến đấu, hy sinh dũng cảm của Trần Bình, chị đã ngày đêm trăn trở suy tư muốn tìm hài cốt người anh hùng liệt sĩ bên chồng để đưa anh về quê hương.

Ảnh: Minh Sơn

Anh hùng Trần Bình (tức Trần Văn Tích) quê ở làng Thọ Lộc, Minh Khai, là liệt sĩ công an nhân dân, hy sinh đêm 19-5-1949 tại cầu Đuống, Hà Nội khi anh tròn 21 tuổi.

Sa vào tay giặc, sau nhiều ngày bị tra tấn, đánh đập dã man, bọn địch vẫn không lay nổi ý chí cách mạng của anh, chúng đã bắn chết Trần Bình và buông xác anh xuống dòng sông Đuống.

Người đàn bà vượt mọi gian khổ đi tìm hài cốt Trần Bình là chị Phạm Thị Hải Âu, quê Gia Thượng, Ngọc Thụy, Gia Lâm, Hà Nội, nguyên là thanh niên xung phong chống Mỹ, cán bộ hưu trí, là em dâu thúc bá với Trần Bình. Nghe anh em trong gia đình kể chuyện về gương chiến đấu, hy sinh dũng cảm của Trần Bình, chị đã ngày đêm trăn trở suy tư muốn tìm hài cốt người anh hùng liệt sĩ bên chồng để đưa anh về quê hương.

Qua nhiều năm tìm hỏi tin tức trong nhân dân các làng gần cầu Đuống đặc biệt là tin từ những người tham gia kháng chiến chống Pháp. Chị đi dọc hai bờ sông Đuống theo dòng nước chảy tìm hỏi những người lái đò cao tuổi. Hơn hai năm, chị Hải Âu đi lại nhiều lần bên dòng sông, khi xe ôm, khi đi bộ. Có lần đang đi gặp mưa to gió lớn, có lần đi vào những ngày đông rét tê tái, chị vẫn không quản ngại. Mỗi năm hai ba đợt Hải Âu đi tìm tin tức về Trần Bình. Đi đến đâu chị cũng được nhân dân động viên khen ngợi, nhưng có người lại nói “tìm kim dưới biển, đến bao giờ thấy...”; lại có lần hết tiền phải nợ xe ôm, có lần do say sưa hỏi chuyện bị kẻ gian lấy cắp tiền...

Sự gian truân vất vả đã được đền bù: 15 giờ ngày 25-4-2000, chị đã tìm được nhà ông lái đò chôn cất Trần Bình ở xóm 4, Phù Đổng, Gia Lâm (Hà Nội). Người chị gặp là bà Nguyễn Thị Sang (con gái ông lái đò Nguyễn Văn Bảy), bà Sang kể: Ngày còn sống ông tôi thường nói “cuối tháng 5-1949, có một người con trai chết trôi dạt bến này, ông lấy sào đẩy ra ba lần, xác anh ấy vẫn luẩn quẩn ở đây, ông nghĩ người này chết thiêng lắm cứ muốn ở đất này nên không đi, nghĩ vậy ông vớt lên bờ thì thấy người chết là một thanh niên khoảng 21, 22 tuổi, to cao lại bị trói bằng xích sắt, các đầu ngón tay, ngón chân bị đóng đinh. Ông bảo người này chắc là Việt Minh nên chôn cất tử tế cách đê khoảng 300m rồi trồng cây phèn đen lên giữa mộ. Hàng ngày, ông tôi thường thắp hương cầu cho ông ấy yên mồ yên mả và phù hộ cho ông tôi mạnh khỏe, tránh được tai nạn sông nước... Từ ngày ông tôi mất, giặc Mỹ ném bom khu ấy phá bằng địa, tôi đi xây dựng gia đình nên không hương khói được nữa”. Bà Sang dẫn chị Hải Âu về vùng bến sông của người cha để tìm mộ. Cây phèn đen không còn, không có chỗ đất nào nhô lên đáng là gồ mả. Nhưng Hải Âu linh cảm là mộ Trần Bình ở khu đất này. Chị về Hà Nội báo tin cho nhà biết rồi đi Thái Bình tìm họ hàng bàn kế hoạch bốc mộ, hoàn tất thủ tục tìm mộ liệt sĩ.

Khi có đầy đủ hồ sơ hợp lệ, lại được chính quyền, nhân dân Phù Đổng và Sở Công an Hà Nội giúp đỡ, việc tìm mộ Trần Bình trở nên thuận lợi. Hải Âu và những người thân đào đất trên khu ruộng bãi có hoa màu tỉ mỉ, thận trọng. Sau hai ngày đêm, số đất đào lên lấp xuống ngót trăm khối.

Hơn nửa thế kỷ đi qua, hài cốt Trần Bình không thiếu nhiều, xích sắt đứt ra từng đoạn mòn gỉ lẫn trong xương. Chị thu được 18 chiếc đinh, có cái còn dính chặt vào xương mà kẻ thù đã dùng để tra tấn Trần Bình vẫn còn đó đúng như lời anh Thuận và các bạn tù của Trần Bình đã kể từ những ngày xưa. Sở Công an Thái Bình đã lấy 18 chiếc đinh và những đoạn xích sắt gỉ về bảo tàng của tỉnh để có thêm chứng lý về tội ác của giặc Pháp.

Đảng bộ, nhân dân xã Minh Khai (Vũ Thư), Sở Công an Hà Nội, Thái Bình, UBND huyện, các ngành hữu quan của huyện Vũ Thư và đông đảo nhân dân đã lọng trọng tổ chức lễ “Đón nhận hài cốt và truy điệu Trần Bình” tại nghĩa trang quê anh – làng Thọ Lộc, xã Minh Khai, Vũ Thư, Thái Bình, sau nửa thế kỷ hài cốt anh lưu lạc bên dòng sông Đuống.

Minh Lệ

(Ban Nghiên cứu - biên tập "Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Minh Khai - Vũ Thư - Thái Bình)

 

  • Từ khóa