Thứ 7, 04/05/2024, 09:08[GMT+7]

Chuyện đời của một nữ bệnh binh

Thứ 6, 06/07/2012 | 14:43:10
2,139 lượt xem
57 tuổi đời, gần 4 năm tuổi quân lăn lộn ở Trường Sơn, bệnh binh 3/4, nữ cựu quân nhân của tiểu đoàn 674 (đoàn 559). Suốt hai năm trời cùng đồng đội cất bốc, quy tập và xây mộ cho hàng chục nghìn liệt sỹ yên nghỉ ở Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn. Được tặng thưởng Huy chương giải phóng, chiến sỹ thi đua đoàn 559 Cục Hậu cần. Vinh dự được Chủ tịch nước trao biểu tượng “1000 năm Thăng Long - Hà Nội” trong dịp 50 năm truyền thống bộ đội Trường Sơn. Được đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằn

Cơ sở chế biến hải sản An Bình của bệnh binh Tạ Thị Hạnh. Ảnh: ĐỨC VIÊN

Nước mắt… Mồ liệt sỹ

Theo chân các cựu chiến binh của tiểu đoàn 674 (đoàn 559), chúng tôi đến thăm chị, thăm cơ sở chế biến hải sản của chị mà báo chí đã tốn rất nhiều giấy, mực để viết về chị, về một mô hình năng động và làm ăn có hiệu quả. Một nữ bệnh binh vượt lên muôn vàn khó khăn, gian khổ để giành lại hai chữ thành đạt. Vậy mà, khi nghe chúng tôi đặt vấn đề, chị cứ một mực đề nghị viết về đồng đội ở đoàn 674 như anh Lượng, trồng cây bồ đề, chị Quy trồng cây thông đuôi chồn, được tướng Đồng Sỹ Nguyên đem từ Tây Nguyên ra; chị Dấn trồng hoa và các anh Minh, chị Lành, Phương, Liễu… Các anh chị còn đó, chỉ có mồ hôi, nước mắt để lại nơi nấm mồ của hàng chục nghìn liệt sỹ ở Nghĩa trang Trường Sơn. Nhưng rồi, chị vẫn kể cho chúng tôi nghe cuộc đời binh nghiệp của một nữ quân nhân Trường Sơn nhiều gian truân, phảng phất trong đó có nỗi đắng cay và sự buồn tủi. Nhập ngũ tháng 8- 1973, cô gái làng biển Thụy Hải chỉ nặng 36,5 kg, phải nhờ người khác đi cân hộ, được 42 kg. Hai tháng tập trung ở huyện Quỳnh Phụ, kiểm tra lại sức khỏe vẫn có 36,5 kg. Chỉ huy nhận quân không cho đi, khóc như một đứa trẻ, nằng nặc đòi được nhập ngũ… thế là toại nguyện; đơn vị hành quân vào đèo Lý Hòa (Quảng Bình), bắt đầu nếm mùi chiến trường, gian khổ và khốc liệt. Khởi đầu là xây dựng bệnh viện đoàn 559 ở Gio Linh (Quảng Trị). Năm 1975 giải phóng miền Namon> được hai tháng thì vào tiếp quản Khu gia binh ngã 6 Buôn Mê Thuật.

Tháng 2-1976 nhận lệnh ra xây dựng Nghĩa trang Trường Sơn. Từ san ủi mặt bằng, làm đường lên các đồi trọc và thu gom hài cốt liệt sỹ về chôn cất, xây mộ, xây đài tưởng niệm. Cấp trên giao chỉ tiêu mỗi ngày đào 3 huyệt đều đào 5 huyệt; giao cắt cỏ gianh 5 gánh thì cắt 10 gánh. Hàng nghìn bộ hài cốt gói trong tăng, võng… đưa về xếp đống chờ phân loại từng tỉnh và tên từng người. Các anh, chị tuổi mười tám, đôi mươi… rất sợ ma, chưa từng làm công việc này, vẫn hàng ngày tắm rửa cho các anh, đưa xương cốt vào tiểu rồi chôn cất. Vừa làm, vừa khóc, nước mắt mồ hôi thấm đẫm chảy ròng ròng xuống các nấm mồ. Nắng, gió miền Trung, thiếu nước sinh hoạt… các chị nữ quân nhân chịu khổ trăm bề. Những đồng chí cất bốc hài cốt đến bữa ăn nhìn thấy thịt là sợ, chị em ở nhà phải nhường rau  và trứng cho các anh ăn lấy sức làm nhiệm vụ. Đêm nằm giữa đồi núi, cạnh hài cốt các liệt sỹ đưa về chưa kịp chôn cất… mà chẳng ai sợ. Tháng 4-1977, chị rời quân ngũ về địa phương, trên đầu tóc rụng hết do sốt rét và nhiễm chất độc đi ô xin… được xếp bệnh binh 3/4.

Có một điều làm chị luôn day dứt và coi là kỷ niệm buồn nhất của cuộc đời mình. Chị vừa hành quân vào Nam, vừa học đối tượng đảng, là tiểu đội trưởng năng nổ, nhiệt tình, gương mẫu đi đầu trong tất cả công việc; được tặng bằng khen, dự hội nghị thi đua Quyết thắng Cục Hậu cần (đoàn 559); chiến sỹ thi đua… vậy mà 5 lần 7 lượt xét kết nạp đảng, vẫn không được, chỉ vì lời nhận xét của cấp ủy cơ sở địa phương. Ngày đó, sau giải phóng miền Namon>, cả nước thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược, bố chị mua một con thuyền (chỉ dài bằng chiếc chiếu) để kiếm con tôm, con tép nuôi 8 người con ăn học. Họ nhận xét: “Bố chị có tư tưởng tư hữu” thế là chị không được kết nạp đảng. Đến bây giờ các chị em, chồng con chị đều là đảng viên, chỉ riêng chị ngoài đảng.

Thương trường như chiến trường

Trở về với cuộc sống đời thường, chị vào làm ở xí nghiệp Dệt thảm Thanh Xuân (Thái Thụy), mô hình tốt về tổ chức hợp tác xã thủ công lúc bấy giờ. Rồi xí nghiệp giải thể, do thay đổi cơ chế, chị bắt đầu bươn trải với cuộc sống mưu sinh. Quanh năm, ngày tháng quang gánh trên vai đi mua tôm, cá đem về bán tại chợ cóc các thôn. Hôm nào bán ế, thừa nhiều lại đổ vào nồi nấu cám nuôi lợn. Chị không nề hà bất  kỳ công việc gì, kể cả đi mổ cá thuê để lấy vài đồng tiền công ít ỏi. Dần dần có cơ hội, chị bắt đầu buôn lớn, trở thành đầu mối trung gian chuyên thu mua tôm, cá cho các doanh nghiệp xuất khẩu ra nước ngoài. Nhưng, sự đời vốn không đơn giản như chị nghĩ: Buôn bán đồ biển như đánh cược với trời. Được – mất rất nhanh vì hàng hóa dễ hỏng, gặp thời điểm không may mắn lại thiếu kinh nghiệm thương trường… bỗng chốc chị rơi vào nợ nần chồng chất. Đúng vào thời điểm ấy, tai nạn đổ lên đầu, chị bị tai nạn giao thông cướp đi cánh tay trái, tưởng như sẽ gục ngã, chị chán nản, buông xuôi, không gượng dậy được. Nợ nần, tàn phế, quả là “họa vô đơn chí”. Chị đã bao lần khóc, nước mắt thấm đẫm cuộc đời từ lúc bước chân vào quân ngũ, lo sợ không được đi bộ đội. Đến những ngày khóc khi chôn cất các liệt sỹ vào Nghĩa trang Trường Sơn và cũng khóc khi không được vào đảng… Lần này khóc vì số phận nghiệt ngã. Không chỉ trắng tay vì hết vốn làm ăn mà còn mất cả cánh tay để kiếm kế sinh nhai. Rồi ý chí, nghị lực của người lính Cụ Hồ, người lính Trường Sơn lại vực chị đứng dậy. Lại vay nợ để làm lại lần nữa; vẫn là mua tôm, cá của người dân quanh vùng. Năm 2007, một số thương nhân Trung Quốc đến thuê đất nhà chị, tình cờ nhìn thấy họ ăn con sứa, dân vùng này không dám lại gần, thường vứt đi, vì sứa rất độc. Chị đã mày mò tìm hiểu, kiên nhẫn học hỏi cách chế biến nộm sứa và hy vọng mong manh về con đường làm giàu lại lóe lên.Chị đã làm thành công, chị mời mọi người ăn miễn phí. Ban đầu dè dặt, có người không dám ăn, thấy chị làm, chị ăn mà không chết, người ta bắt đầu để ý và đánh bắt được sứa đem về bán cho chị, không vứt đi như trước. Đến nay, cơ sở chế biến hải sản An Bình của chị đã có nhiều mặt hàng đặc sản cao cấp như: Sứa muối, sứa ăn liền, tôm cá đông lạnh, chả tôm, chả cá mực, nước mắm các loại…

Từ năm 2008 đến nay, mỗi năm tiêu thụ 60 tấn đến 300 tấn sứa cho các thị trường trong nước và nước ngoài, như: Trung Quốc, Nhật Bản. Tạo việc làm cho 40 lao động thời vụ và 10 công nhân chuyên nghiệp, mức lương 2,5 đến 3 triệu đồng/người/tháng. Khi đã thành đạt, có điều kiện kinh tế một chút, chị nghĩ nhiều đến những đồng đội còn khó khăn, đau yếu, nhiễm chất độc Điôxin. Năm 2011, chị đã đưa hai phụ nữ cô đơn không nơi nương tựa lên trại nuôi dưỡng Phật tích. Năm nay, chị làm đơn xin xóa nhà ở dột nát cho ba chị nghèo, cô đơn. Tạo việc làm ổn định cho một cháu tàn tật câm, điếc. Đóng bảo hiểm nhân thọ mỗi năm 2 triệu đồng cho một công nhân độc thân ở Khu 4 thị trấn Diêm Điền. Chị có gia đình ổn định, hai con học đại học, làm việc trong cơ quan nhà nước. Chị tích cực tham gia các hội, đoàn thể ở địa phương; là trưởng ban liên lạc nữ CCB Trường Sơn của huyện Thái Thụy. Chị đã vinh dự được nhận nhiều phần thưởng cao quý tại các hội nghị vinh danh toàn quốc.

Đồng đội nói: “Chị là người đàn bà thép ở vùng biển”, chị cười và nói rằng: Mình chỉ là một phụ nữ bình thường. Tôi hiểu cái chất thép có trong người chị giống như định mệnh, để bất luận trong hoàn cảnh khó khăn nào chị cũng vượt qua. Chất thép ấy vẫn ngời sáng, khi chị đã ở gần tuổi 60.

Phạm Viết Thanh

  • Từ khóa