Thứ 7, 04/05/2024, 00:06[GMT+7]

Làm giàu đâu kế tuổi già

Thứ 6, 06/07/2012 | 15:18:58
2,134 lượt xem
Người cao tuổi dù không còn sung sức như trước nhưng vẫn thường lấy công việc làm vui. Các cụ hăng hái tham gia phát triển kinh tế không chỉ để làm giàu cho mình, cho gia đình, mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng, cho xã hội. Mỗi năm ở An Thanh (Quỳnh Phụ), gần 400 hội viên người cao tuổi (NCT) với tinh thần “Tuổi cao, trí càng cao”, quên tuổi già, hàng ngày vui vẻ làm nghề truyền thống, xây dựng trang trại theo mô hình VAC hay lấy kinh doanh buôn bán để tiếp tục sống có

Làm hương bài ở gia đình bà Nguyễn Thị Hậu

 “Cán bộ nào phong trào đó”, quả đúng vậy. Vì muốn hội viên tích cực hưởng ứng phong trào “NCT làm kinh tế giỏi”, ông Đoàn Trọng Rựa, Chủ tịch Hội NCT xã An Thanh cùng vợ cả đời phấn đấu công tác, lao động sản xuất, khi về già cũng có của ăn, của để, nhà cửa khang trang, con cháu đề huề, thành đạt song vẫn động viên nhau duy trì, phát triển nghề làm hương truyền thống, vừa kiếm thêm thu nhập, vừa để cổ động, khích lệ phong trào. Ông bảo: Công việc của Hội nhiều, hai ông bà chỉ làm túc tắc thôi, được bao nhiêu thì được, mình phải làm thì hội viên mới nể, mới làm theo. Chỉ túc tắc thôi (mỗi ngày làm khoảng 400- 500 que hương) nhưng mỗi năm hai ông bà thu nhập từ làm hương cũng được khá khá, cao điểm là vào tháng tết trừ chi phí còn được hơn 10 triệu đồng. Những ngày thường, hương làm ra đến đâu, bà con quanh xóm mua hết đến đấy. Để giảm chi phí, bà Nguyễn Thị Hậu (vợ ông Rựa) tận dụng mảnh vườn nhỏ của nhà trồng cây hương bài làm nguyên liệu.

Theo gương cán bộ Hội, hai vợ chồng ông Vũ Đức Thới, thôn Đông, nay đã 70- 73 tuổi cũng chọn nghề làm hương để phát triển kinh tế gia đình. Ông bà Thới làm hương đến nay đã được 12 năm có lẻ. Nhìn ông làm và nói về cách pha chế nguyên liệu để nén hương nào cũng thơm ngát, ít khói, chiếm được cảm tình của khách hàng làu làu như cháo chẩy, đôi bàn tay khéo léo trộn đảo nguyên liệu, lăn đều que hương, chứng tỏ ông làm bằng cả cái tâm và cái tài của mình với nghề. Dưới bàn tay ông, không biết bao nhiêu nén hương các loại đã ra đời, phục vụ tín ngưỡng cho bà con không chỉ xã An Thanh. Vì để thờ cúng nên khâu vệ sinh rất được ông quan tâm. Khu nhà làm hương tuy nhỏ, bàn làm hương là thủ công song lúc nào cũng sạch sẽ, ngăn nắp. Ngày thường thì chỉ hai ông bà làm, còn ngày lễ, tết phải mượn thêm vài người, tranh thủ làm đêm hôm mới đủ hàng bán cho bà con. Xem cường độ làm việc của các ông, các bà thì thấy làm giàu đâu kể tuổi già, nhiều cụ làm kinh tế còn hăng hơn cả thanh niên. Nghe tôi nói vậy, ông Thới cười hiền: Lúc vào nhà, cô có thấy dàn trầu leo trên tường bao vườn nhà tôi không, làm hương cho thu nhập chính nhưng trồng trầu cau cũng lắm tiền. Ông trồng trầu quanh tường của 800m vườn, trồng gần 100 cây cau, khoảng 60 cây đã ra quả, mấy chục cây na, nhãn Hương Chi… Trồng trầu dễ, song để duy trì gốc trầu tươi tốt hàng mấy chục năm không bị chết không phải dễ, nhưng nếu có cách thì lại đơn giản, hạ dây leo xuống, đắp đất tốt lên, phần đắp đất đó khi nẩy rễ sẽ thay thế gốc già nua. Với cách làm đó, hơn chục năm qua, giàn trầu nhà ông Thới lúc nào cũng xanh tốt, cho lá to, đều. Hương, trầu, cau, ba thứ đó sáng nào cũng theo bà Thới ra chợ, một năm đem về cho đôi bạn già vài chục triệu đồng. Cuộc sống của đôi bạn già thật thi vị. Sáng bà đèo hàng ra chợ, ông ở nhà làm hương, nuôi gà, chăm cây cối trong vườn. Trưa bà về nấu bữa cơm ngon, mời chồng ăn. Tối đến các cụ kéo tới nhà học đàn, học hát (ông Thới đàn giỏi, bà Thới hát hay, là thành viên tích cực trong phong trào văn nghệ của NCT), thi thoảng đi biểu diễn văn nghệ phục vụ hội nghị của NCT, của xã. Cuối tuần con cháu về quây quần, ông bà thấy đời chẳng còn gì ý nghĩa hơn.

Ở An Thanh, bà con đang trầm trồ khen ngợi cách làm táo bạo của cha con ông Vũ Văn Thịnh: xây dựng trang trại tổng hợp ven sông. Trang trại được hình thành đến nay đã 5 năm, rộng khoảng 1 mẫu, đang ăn ra làm nên. Trong trang trại của mình, ông Thịnh chọn nuôi lợn (30- 40 con/lứa), vịt đẻ (200-300 con), gà thịt và gà đẻ (vài trăm con), 4 sào ao thả cá, nuôi bò sinh sản, trồng chuối cùng nhiều cây ăn quả khác… Bước đầu ông chưa dám đầu tư nuôi nhiều, song mỗi năm trang trại cũng đã cho thu nhập khoảng 40- 50 triệu đồng. Mới có mấy năm mà được vậy là coi như mô hình trang trại VAC của ông Thịnh đã thành công.

Buổi sáng sớm, phóng xe đi dưới trời mưa tầm tã, trên đường về An Thanh chúng tôi chỉ sợ trời mưa ngăn cản việc tới từng nhà phỏng vấn các cụ NCT làm kinh tế giỏi. Nhưng dường như những cơn mưa mùa hạ không làm giảm bầu nhiệt tình của cụ Chủ tịch, cụ vẫn giới thiệu và dẫn chúng tôi đến thăm các điển hình NCT làm kinh tế giỏi của xã và đến đâu chúng tôi cũng được đón tiếp rất nồng hậu. Các mô hình thật sự điển hình. Vì vậy, dẫu phải đội mưa suốt nửa ngày, chúng tôi vẫn thấy mãn nguyện và rút ra một điều: càng già, càng ra tinh thần.

Bài, ảnh: Đỗ Hiền

  • Từ khóa