Thứ 7, 28/12/2024, 02:05[GMT+7]

UBND tỉnh nghe và cho ý kiến về đề án phát triển nuôi thủy sản trong ao bán nổi

Thứ 5, 30/12/2021 | 15:06:01
6,769 lượt xem
Sáng ngày 30/12, UBND tỉnh tổ chức họp nghe Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo đề án phát triển nuôi thủy sản trong ao bán nổi trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021 – 2025. Đồng chí Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Đồng chí Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp.

Nuôi thủy sản trong ao bán nổi là phương pháp nuôi mới, không cần đào ao, chỉ tạo dựng bờ trên mặt ruộng để nuôi trồng thủy sản kết hợp với trồng lúa. Qua tổng kết thực tiễn tại một số địa phương trong và ngoài tỉnh, nuôi thủy sản trong ao bán nổi tiết kiệm chi phí, kiểm soát tốt dịch bệnh, đem lại hiệu quả cao hơn gấp 2 lần so với nuôi ao truyền thống, gấp 5 lần so với trồng lúa, đồng thời khắc phục được tình trạng chuyển đổi tự phát, không theo quy hoạch, phá vỡ mặt bằng canh tác.

Xuất phát từ thực tế trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng dự thảo đề án phát triển nuôi thủy sản trong ao bán nổi trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021 – 2025. Theo dự thảo đề án, giai đoạn 2022 – 2023, chuyển đổi 500ha đất trồng lúa hiệu quả thấp sang phát triển thủy sản trong ao bán nổi kết hợp với trồng lúa, sản lượng thủy sản ước đạt 6.430 tấn, giá trị thủy sản ước đạt 218,5 tỷ đồng, 20% diện tích được cấp giấy chứng nhận nuôi tốt; đến năm 2025, diện tích chuyển đổi đạt 2.000ha trong đó 50% diện tích được cấp chứng nhận nuôi tốt, xây dựng mỗi huyện từ 3 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm trở lên.

Dự thảo đề án cũng đưa ra các nhóm giải pháp về quy hoạch, tuyên truyền, khoa học công nghệ, tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm…

 Lãnh đạo huyện Kiến Xương phát biểu tại cuộc họp. 

Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ một số nội dung trong dự thảo đề án: hiệu quả nuôi thủy sản trong ao bán nổi; tổ chức phát triển sản xuất; quản lý, sử dụng đất nuôi thủy sản ao bán nổi…

Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo đề án, trong đó quy mô khu vực/vùng nuôi tối thiểu 10ha trở lên để thuận lợi khi hình thành tổ hợp tác, hợp tác xã, tạo sản lượng hàng hóa lớn; quy mô cơ sở nuôi tối thiểu 1ha, khắc phục tình trạng hộ dân tự phát chuyển đổi.

Về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất tiếp tục triển khai các chính sách hiện hành còn hiệu lực; quá trình thực hiện đề án sẽ đánh giá, đề xuất cơ chế hỗ trợ đặc thù để phát triển, mở rộng. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành Nông nghiệp tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu, hoàn chỉnh đề án trình UBND tỉnh phê duyệt. Khi đề án được ban hành, các sở, ngành, địa phương quản lý chặt chẽ quá trình triển khai, thực hiện, đặc biệt là quản lý vùng quy hoạch, mục đích sử dụng đất khi thực hiện mô hình.

Ngân Huyền